Những chuyện của thế kỷ đã qua
Nhà văn Thái Bá Lợi
Trong Đọc sách như một nghệ thuật, học giả Mortimer J.Adler nhắc lại lời Decartes để dẫn nhập: “Đọc sách là được trò chuyện với những người thành đạt nhất của những thế kỷ đã qua”. Huống hồ trang văn Thái Bá Lợi quả đúng là kể lại những chuyện của thế kỷ đã qua; vì vậy bạn tưởng như được trò chuyện với rất nhiều người về rất nhiều chuyện, như cùng nhau thủ thỉ bao chuyện cũ của thế kỷ trước. Chuyện tưởng xa mà thật gần, chuyện ngót nghét nửa thế kỷ nhưng ngỡ như mới hôm qua. Đọc Thái Bá Lợi, bạn không khỏi bồi hồi! “Thái Bá Lợi thuộc thế hệ nhà văn cầm bút vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và được bạn đọc biết đến như một trong những cây bút xuất sắc của văn xuôi cả nước viết về chiến tranh sau chiến tranh. Anh cũng là một trong những tác giả sớm có những đóng góp báo hiệu cho xu hướng vận động của văn học nước nhà trước khi bước vào thời kỳ đổi mới” (Tập 1, tr.11). Thái Bá Lợi - người con làng Thơi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) - sinh năm 1945, nhập ngũ 1965 và từ đó, chàng trai xứ Nghệ gắn bó cuộc đời mình với vận mệnh đất nước và đời sống văn chương. Thái Bá Lợi đã ghi dấu ấn sâu đậm trên văn đàn nhất là những sáng tác về chiến tranh.
…
2. Đời thường: giữa cũ và mới, giữa còn và mất
Điều dễ nhận biết nhất trong văn chương Thái Bá Lợi: một con tim luôn thổn thức và canh cánh về đời sống đang diễn ra xung quanh mình. Có lẽ, trước hết, vì người cầm bút có con tim nhạy cảm và biết lắng nghe nỗi đau của tha nhân. Khắc họa tình thương con người trong hoàn cảnh đau thương, ngòi bút của Thái Bá Lợi nằm vắt vẻo giữa hai giai đoạn và đặc điểm xã hội có nhiều khác biệt. Ngòi bút của nhà văn xứ Nghệ, họ Thái khởi đi từ những năm tháng chiến trường cho đến thời kỳ đất nước sau khi đã thống nhất. Do đó, Hai người trở lại trung đoàn không đơn thuần chuyện tình tay ba giữa Trí, Thanh và Mây mà còn là tình thế ngổn ngang của con người trong hoàn cảnh mới của đất nước. Khi Trí đã lên chỉ huy trung đoàn và còn một người con gái chờ Trí ở quê mà gia đình anh coi như dâu con trong nhà nên tình cảm với Mây, Trí cho là những giây phút bồng bột trai gái. Trong cái được cho Trí, Mây thấy dường như mất một cái gì; và trong cái mất của mình, Mây thấy như được cái gì đó. Sự được mất nhiều khi không thể nhìn bằng mắt! Mây chọn mất để được!
“Em không thể nào làm khác được anh à. Từ hôm nghe tin anh Trí lên chỉ huy trung đoàn, em thấy lo cho ảnh. Không biết rồi con người đó sẽ còn gây ra điều gì nữa. Khi dứt với ảnh, em khổ lắm, nhưng em tin là mình đúng. Em không sợ những đổ vỡ vì em nghĩ đến con. Em không muốn con em có một người cha như anh Trí và sau này nó hiểu sai về những năm tháng vừa qua của chúng ta. – Mây ngừng lại một chút – Bớt đi một điều xấu, tăng thêm một điều tốt đều cần những hi sinh phải không anh?” (Hai người trở lại trung đoàn, tập 1, tr.223).
Cuộc chiến bằng bom đạn khép lại, con người trở lại đời thường, tập quen với việc sống với những di chứng của chiến tranh. Và hơn thế, con người còn phải đối diện với những khúc mắc mới của thời hậu chiến. Chuyện tình tay ba của Mây, Trí, Thanh lồng vào bối cảnh xã hội vắt vẻo hai thời kỳ trước sau thống nhất. Thời gian trong trang viết của Thái Bá Lợi dao động, đu đưa như con lắc. Đánh đu thời gian từ trước và sau 1975, Thái Bá Lợi cho người ta cơ hội chiêm nghiệm nhiều điều về lòng người và tình người, cũng như tình đời và tình thế xã hội quanh mốc thời gian đó. Dù Đội hành quyết hay Hai người trở lại trung đoàn đoàn đều là những mảng ký ức tái đi tái lại như căn bệnh mãn tính, cùng với những triệu chứng mới!
Tình thế song trùng: cũ mới, được mất, riêng chung tạo ra các cặp nhị nguyên trong trang viết của Thái Bá Lợi. Đó là cấu trúc văn bản của anh khiến bạn đọc tự đặt ra truy vấn cho chính mình. Ngoài ra, nhà văn Thái Bá Lợi khắc họa thời đại và vùng đất bằng nhiều kiến thức văn hóa, lịch sử, xã hội rất phong phú. Trang viết của anh khiến người đọc nhận ra khung cảnh đời sống có phần ngổn ngang sau khi thống nhất đất nước. Rồi sau đó, hàng loạt những thách thức mới đặt ra cho con người. Tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng chính là tác phẩm tiêu biểu nhất của điều đó. Tác phẩm này bao chứa một nỗ lực vươn lên nhằm khái quát thời đại. Trước đó, ý hướng vươn lên khái quát thời đại đã xuất hiện trong một số tiểu thuyết như Khê Ma Ma, Minh Sư. Nhưng đậm đặc và tiêu biết nhất cho thời đại mới, giữa được mất, cũ mới, có lẽ Câu chuyện Đà Nẵng là tác phẩm kết tinh toàn bộ tư tưởng của nhà văn Thái Bá Lợi.
Để phản ánh hiện thực đó, nhà văn Thái Bá Lợi miệt mài dày công xây dựng những nhân vật có cá tính và tâm hồn sâu sắc phong phú. Như nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ: “Những nhân vật của Thái Bá Lợi thường bước ra từ ký ức của anh. Không ai có thể nhớ mọi thứ, kể cả nhà văn. Nhưng những khoảng “bất chợt nhớ” của nhà văn có vẻ nhiều hơn của người thường. Những câu văn của Thái Bá Lợi cũng có vẻ được gợi ra từ ký ức, những câu văn vừa hoàn chỉnh vừa lấp lửng” (tập 5, tr.325). Có lẽ, nỗi nhớ và kho ký ức là tấm gương soi để nhà văn họ Thái soi chiếu lại chính hiện thực sau chiến tranh. Những câu chuyện nằm vắt vẻo giữa hai khoảng trời, hai khung thời gian. Hai khoảng trời tự soi chiếu và làm nổi bật lẫn nhau. Chuyện người lính trong cuộc tấn công vào Huế năm Mậu Thân; hay các nhân vật thời hậu chiến bị đời sống thúc bách khiến những tình thân năm cũ phai lạt. Nhưng, không phải cứ hậu chiến thì lòng người trở nên ráo hoảnh, vẫn còn có rất nhiều người nặng tình xưa nghĩa cũ. Ví như chuyện chị Tư Trà tìm hỏi những quan hệ cũ của chồng trong chiến tranh để tìm cho kỳ được những đứa con rơi của chồng về nuôi. “Nếu có con của anh rơi rớt, chị mang về nuôi ngay, không có phân biệt con mình con người đâu, miễn là con của anh Hai là được” (Minh sư, tập 4, tr.83). Dẫu rằng còn “lấn cấn”, bởi ngờ ngợ rằng nếu những đứa con rơi ấy còn sống thì chúng cũng đã ngoài ba mươi tuổi. Người đàn bà tìm con rơi của chồng dường như tìm lại bóng hình người chồng mà suốt năm tháng chiến chinh không cơ hội gần gũi.
Trong Khê Ma Ma, nhân vật xưng “tôi” tưởng như đi giữa hai miền sống. Dường như Thái Bá Lợi muốn vượt ra các giới hạn thời gian để khám phá mảnh đất Đất Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung với trọn vẹn quá trình vận động của nó. Nhà văn viết cũng giống như lần bước tìm lại những trầm tích của vùng đất này.
“Bầu trời không một gợn mây. Tôi nương cho xe bò lên bình độ ba trăm mong tìm được dấu vết con đường xưa mà đại úy thủy quân lục chiến Debay lần đầu lên khám phá Bà Nà. Những khúc quanh tuy chưa gấp khúc như cua năm khuỷu, ba khuỷu phía trên nhưng cũng làm cái xe đã cũ của tôi phải xuất hết công lực. Tôi đứng ở cái nơi mà một cán bộ kỹ thuật giao thông chỉ cho biết phía dưới là con đường cũ giờ đã bị cây rừng phủ kín. Đột nhiên tôi nhận ra rằng cái việc công khó ấy cũng sẽ bị lãng quên, cũng sẽ bị chôn vùi vào thời gian rồi lại đột ngột được lôi ra để phục vụ cho những mục tiêu có thể rất khác nhau. Có một sự thay đổi trong tôi tuy còn mơ hồ nhưng là một sự thay đổi. Tôi cảm thấy sự vô nghĩa của việc mình đứng trơ trọi một mình ở đây, để hòng lấp cái sự trống trải do việc Khê đi xa để lại. Tại sao ta lại không tự sống với chính mình. Tôi bỏ luôn ý định đến nơi có cây cầu mà trung úy Decbert, người đồng hành với đại úy Debay đã tử nạn vì cây đè. Tôi cũng bỏ luôn ý định đi suối Mơ tìm sự tích về một nhân vật người Tàu có cái tên là Sapha được cư dân ở đây thờ cúng. Tôi bình tâm xuống núi” (Khê Ma Ma, tập 4, tr.20-21).
Trong hình bóng phảng phất hơi hướng lịch sử đó, bạn đọc nhận ra cuộc sống hiện đại. Phần vì những chi tiết như vậy, khiến ta nhận ra một Đà Nẵng hoặc giả rộng hơn là cả khu vực miền Trung, thấy vừa quen nhưng vừa lạ. Đó là miền trung qua nhãn quan của Thái Bá Lợi. Miền trung của những văn nhân thi sĩ nổi danh nhưng cũng có những con người ít nhiều cổ quái. Nhân vật Khê trong tiểu thuyết Khê Ma Ma (2004) cũng có hành tung bất định, khó biết. Lại thêm nhân vật thi sĩ trên đỉnh đèo Hải Vân – bút danh Lại Phiền Hà – quả là cách chơi chữ vừa thú vị vừa trái khoáy nhưng cũng bộc lộ nét độc đáo riêng mà xưa nay ít người hiểu nổi những văn sĩ cô quạnh trên đỉnh núi như vậy. Phần nhiều nhân vật của Thái Bá Lợi là người lính, cho nên những nhân vật kiểu này rất xa lạ với toàn bộ hệ thống nhân vật của anh. Điều này cho thấy những tín hiệu mới trong bút pháp nghệ thuật và hành trình khám phá đời sống của anh. Có lẽ từ những năm 2000 trở đi, ngòi bút Thái Bá Lợi bước sang giai đoạn khác với nhiều khám phá hơn, và đi sâu vào nhiều phương diện hơn của hiện thực đang diễn ra.
Ngoài thủ pháp quay ngược dòng thời gian, nhiều lần trong nhiều tác phẩm, Thái Bá Lợi để cho nhân vật mơ. Những giấc mơ trở đi trở lại cho thấy thời gian dù luôn chảy về phía trước nhưng có những tâm hồn mãi mãi mắc kẹt trong dĩ vãng. Thủ pháp – tạm gọi thủ pháp giấc mơ của Thái Bá Lợi cho thấy tình thế vắt vẻo trên lưng chừng thời gian của con người thế hệ đó. Thế hệ của chính tác giả!
“Anh chỉ mơ thấy những trận đánh mà anh bị dồn vào thế bí, những lần B52 đánh đúng vào chỗ ở của trung đoàn, đất ùn vào cửa hầm. Những lần trung đoàn hết gạo, các tiểu đoàn trưởng xách gùi lên xin gạo. Nhiều đêm anh mơ thấy người tiểu đoàn trưởng cũ của mình, về trận đầu đánh vào một căn cứ Mỹ suốt đời phải nhớ của anh. Vệt sáng lờ nhờ ở đầu một đoạn chiến hào. Những đồng đội của anh trườn qua các mô đất rồi chảy vào giữa đám lính Mỹ nhốn nháo. Thủ pháo tung lên, tiểu liên AK quét sát rạt. Một vài quả phóng lựu M79 nổ đâu đó. Anh trườn lên cố vào sát một ụ đại liên đang phun đại. Cả người đại đội phó, cả người liên lạc của anh đã ngã xuống trước mặt anh vì ụ súng đó” (Bán đảo, tập 3, tr.44-45).
Dòng hồi tưởng tuôn trào dằng dặc, tưởng như dòng sông ký ức sống lại cuộn thác ùa về. Thái Bá Lợi dựng lại khung cảnh chiến tranh thật sinh động khiến người đọc như nhìn thấy trước mắt cuộc chiến sinh tử trong gang tấc. Nếu phải ngẫm ngợi xem điều gì còn mất theo dòng thời gian, có lẽ với trường hợp Thái Bá Lợi, vẫn còn mãi những ký ức chiến trường, những trận đánh dữ dội, còn mãi tình đồng đội và tình người. Ta có thể khẳng định điều đó sẽ tiếp tục tồn tại và được trân trọng giữ gìn trong tâm hồn của nhà văn Thái Bá Lợi.
Nhưng, chắc chắn cũng phải có nhiều điều thay đổi. Vận hội đời sống luôn vần xoay, cái còn cái mất, cũng là lẽ hiển nhiên. Việc Đà Nẵng làm vỉa hè, hay công cuộc đô thị hóa nói chung, khiến cho Trần Dạ trong tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng (2016) tưởng như mất mát một cái gì không rõ. Thời đại chắc hẳn phải dịch chuyển và tiến lên phía trước. Những gì còn mắc kẹt lại trong thời gian hoặc còn dính dấp không nỡ rời xa có lẽ không thể làm chậm bước thời đại. Cuối cùng, những gì còn mất đều tựu trung ở “cảm quan” của người nào đó! Cái còn cái mất trong cảm nhận riêng của mỗi người thật khác nhau!
“Ấn tượng nhất với Trần Dạ là đoạn đường sắt chạy dọc sông và cái ga xe lửa có tên là ga Chợ Hàn vì nó ở ngay trước chợ Hàn. Đây là nơi Dạ gửi trọn cả thời thơ ấu của mình. Những năm chiến tranh, đất nước chia cắt, đường sắt phía Nam chỉ chạy được từng đoạn. Đoạn Đà Nẵng – Huế ít khi bị gián đoạn, thường xuyên có tàu chạy cho đến ngày giải phóng. Từ ga Đà Nẵng một nhánh đường chạy đến ga Chợ Hàn, thi thoảng mới có một chuyến tàu đến chở hàng từ các cầu cảng. Trần Dạ nhiều lần nhảy lên những chuyến tàu đó, trốn vào các toa hàng, ngao du từ chợ Hàn, dọc đường Bạch Đằng, lên đường Đống Đa ra ga Đà Nẵng rồi đi bộ về nhà vì lâu lâu mới có một chuyến tàu trở lại. Những chuyến du hành như vậy, anh thường đi một mình, không rủ bạn bè vì sợ bị nhân viên đường sắt xách cổ xuống hoặc lĩnh một cái bạt tai. Anh vui mấy ngày nếu chuyến du hành mạo hiểm như vật trót lọt“ (Câu chuyện Đà Nẵng, tập 5, tr.17).
Những chuyến du hành thơ ấu mãi mãi là cái còn lại nhưng không gian thơ ấu đã chìm vào đáy hồ thời gian. Có lẽ vậy, những người như Trần Dạ khi ngồi lại nhâm nhi với bạn bè vẫn hay lãng đãng để tâm trí trôi dạt đi đâu đó. Phải chăng nhân vật hay chính tác giả vẫn thường sống nhiều về quá khứ, nặng tình với quá khứ. Mà có lẽ đến độ tuổi nào đó, con người ta sẽ bị thời gian trì kéo tâm tưởng. Khiến cho họ, những con người của năm tháng cũ những khi gặp nhau hầu như chỉ nhắc chuyện hồi đó, hồi xưa, hồi nẳm. Ai cũng vậy, bởi trầm tích thời gian lắng tụ trong đáy tâm hồn! Vừa sự chuyển dịch của vận hội đời sống mà cũng chính bởi sự lệch pha tâm tưởng của con người bị kéo dãn về phía quá khứ với chính cái thực tại luôn luôn “đang là” của đời sống. Khoảng lệch pha đó càng lớn, trang văn càng có phong khí suy tư, chiêm nghiệm, ngậm ngùi.
Vì sao việc Trần Dạ xin nghỉ việc được tác giả thuật lại trong sự đan cài với không gian Đà Nẵng ngày giải phóng hai mươi chín tháng ba? Từ cầu Cẩm Lệ lên phía Hòa Cầm, “buổi sáng ngày 29 tháng Ba trời nắng nhưng có gió nên không đến nỗi oi bức. Cái bức bối là dòng người đang đi lại loạn xạ trên đường. Người đi xuôi, kẻ đi ngược, lính vứt súng lẫn lộn với dân, dân phía bắc đổ vào, phía nam đổ ra chen vai thích cánh xô đẩy nhau, cứ đi lên rồi đi xuống một cách vô định. Họ đã hoàn toàn giao sự sống chết của mình cho thời cuộc” (Câu chuyện Đà Nẵng, tập 5, tr.21-22). Nhưng điều đáng nói là trong khi nhìn vào quá khứ, Trần Dạ lại thấy hiện tại và tương lai. Tấm lòng của nhân vật với Đà Nẵng vẫn trước sau như một. Niềm mong mỏi một con người xuất hiện để phát triển quê hương vẫn sôi sục trong lòng. Không phải đến khi xin từ chức bí thư phường, Trần Dạ mới có suy nghĩ đó. Kỳ thực, từ hồi làm cách mạng cho đến tận lúc cầm đơn xin từ chức trên tay, Trần Dạ không khi nào không nghĩ cho Đà Nẵng.
“Anh cũng không thể nào để lòng mình thờ ơ với cái thành phố nơi anh sinh ra và lớn lên. Anh vẫn theo dõi từng bước đi của nó, hồi hộp lo lắng mừng vui hệt như anh đang giữ trọng trách với nó. Lòng anh mong mỏi có một con người hay nhiều người mới, trẻ tuổi hơn anh, tài ba hơn anh để đưa thành phố này đi lên. Anh hồi hộp chờ một con người như vậy, nhưng đến ngày anh cầm quyết định nghỉ việc, với số tiền trợ cấp một lần chỉ đủ đi mời bạn bè mấy bữa nhậu, con người đó hay những con người đó vẫn chưa xuất hiện” (Câu chuyện Đà Nẵng, tập 5, tr.28).
Nhìn về quá khứ thực chất là niềm mong mỏi, khao khát cháy bỏng về phía tương lai! Quá khứ thì khốc liệt, hiện tại thì ngổn ngang; cái cũ còn trĩu nặng trong khi cái mới đã vò tơ rối ren. Ưu tư của Bí thư Mai và Ba Danh trong đêm ở núi rừng huyện Hiên không chỉ chuyện của Đà Nẵng mà là công cuộc làm mới đất nước những năm 1980-1990.
“Suốt mấy tháng ròng, Ba Danh ngày đêm suy nghĩ tìm ra những điều cần thiết nhất để trình bày với Thủ tướng. Điều mà anh trăn trở nhất là cái cơ chế nội tại kiềm tỏa không cho thành phố vươn lên” (Câu chuyện Đà Nẵng, tập 5, tr.33). “Ba Danh suy nghĩ hướng đột phá của Đà Nẵng là cái gì. Làm việc gì trước, việc gì sau. Chỉ một việc mở rộng đường Quang Trung mới đụng đến những cây xà cừ, vốn là loại cây không thích hợp trồng trên phố vì rễ nổi, thân to phá vỡ vỉa hè, mùa mưa bão lại dễ đổ vậy mà báo chí đã rầm rầm phản đối “xa rồi, xà cừ ơi” thống thiết như mất đảo xa. Các đoàn thể xã hội, các bậc lão thành đã kiến nghị không được đụng đến hàng cây lâu năm này. Không đụng vào hàng cây xà cừ thì làm sao mở rộng đường? Lại một bài toán không phải dễ giải” (Câu chuyện Đà Nẵng, tập 5, tr.34).
Dù những năm vừa sau ngày thống nhất, dù những năm thập niên 1990 hay những năm đầu thiên niên kỷ mới, trên mỗi chặng hành trình, Thái Bá Lợi đều bắt nhịp kịp thời với vận hội đời sống. Một trái tim luôn thao thức với biến chuyển xã hội, với niềm mong mỏi đất nước phát triển, Thái Bá Lợi cho thấy một tấm lòng dung dị và nhiệt thành. Có lẽ đóng góp của nhà văn chính là những nỗ lực ghi chép, tái hiện và thao thức dọc theo con đường phát triển của đất nước. Văn chương Thái Bá Lợi đồng hành cùng quê hương và dân tộc trong từng thời kỳ khác nhau. Ở đó, có những suy tư về cũ mới, về được mất, nhưng tựu trung đều thể hiện tấm lòng thành thực cầu mong đất nước phát triển.
(baovannghe.com.vn)