NSNA Thân Nguyên: Nghệ thuật là lưu giữ khoảnh khắc “cựa mình” của nhân vật
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Thân Nguyên sinh năm 1968 tại một vùng quê thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cảm nhận ban đầu về anh là một nghệ sĩ có phong thái "rất bụi", hài hước, nụ cười thân thiện, trẻ trung và đầy nhiệt huyết.
Anh là một nghệ sĩ đã hoạt động lâu năm trong ngành nhiếp ảnh và đã đạt nhiều tước hiệu cao quý xứng đáng với tài năng cũng như tâm huyết với nghề như EVAPA (Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam), EFIAP/G (Nghệ sĩ Nhiếp ảnh xuất sắc bậc Gol Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế), EPSA (Nghệ sĩ Nhiếp ảnh xuất sắc Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ), EPPSM (Nghệ sĩ Nhiếp ảnh xuất sắc Hội Nhiếp ảnh Ma Cao), HON EPSM (Nghệ sĩ Nhiếp ảnh đóng góp xuất sắc Hội Nhiếp ảnh Malaisia, HON EYMCAPS (Nghệ sĩ Nhiếp ảnh đóng góp xuất sắc Hội Nhiếp ảnh YMCAPS Hồng Kông). Hiện nay anh đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật - Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.
Được biết, ban đầu anh đến với nhiếp ảnh là vì mưu sinh. Anh từng là một công chức nhà nước, nhưng vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, đất nước đang trong thời kỳ khó khăn, anh đành phải mưu sinh bằng nghề chụp ảnh dịch vụ để đủ trang trải cho cuộc sống. Vào thời đó, nghề nhiếp ảnh còn ít người làm nên anh có thể sống bằng nghề. Một thời gian sau nhiều người biết đến anh, đồng thời anh có cơ hội quen biết với những người thầy về nhiếp ảnh nghệ thuật, học ở họ nhiều kinh nghiệm và tìm tòi học hỏi qua các tài liệu nhiếp ảnh, bạn bè đồng nghiệp. Năm 1998, mười năm kể từ khi bắt đầu chụp, anh mới bước vào lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật và kết duyên với nó cho đến nay.
Nhiếp ảnh đối với anh như duyên nợ, anh đi nhiều nơi, thu vào ống kính những nét đẹp của con người, cuộc sống sinh hoạt, lao động của những người dân trên mọi miền Tổ quốc. Đằng sau những tác phẩm đó, bao giờ cũng là một khát vọng sống và một khát khao vươn tới những điều tốt đẹp. Anh tâm sự: “Tôi được sinh ra và lớn lên ở vùng quê Điện Bàn (Quảng Nam), cuộc sống giản dị, rất đời thường nơi chôn nhau cắt rốn luôn đeo đuổi và ám ảnh tôi trong suốt quãng thời gian tôi đi xa kiếm sống. Chính vì vậy, trong tôi luôn có một sợi dây vô hình nào đó gắn kết tôi với những con người thuần khiết, chân chất và bình dị của mọi vùng quê, từ vùng núi đến đồng bằng; gắn tôi với những đồng bào dân tộc thật thà và bình dị, những người nông dân chân lấm tay bùn kiếm sống bằng sức lao động cần cù, những người công nhân miệt mài lao động... Tất cả đều gợi cho tôi cảm xúc khó tả. Ngoài thời gian dành cho công việc, tôi lúc nào cũng muốn đi xa, để cùng sống, cùng ăn, cùng ở với đồng bào dân tộc, tôi luôn muốn len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống để hun đúc nguồn cảm hứng sáng tạo...”.
Lối thể hiện trong tác phẩm của NSNA Thân Nguyên chính là khoảnh khắc. Không gian ảnh của anh chú trọng chiều sâu, giản dị, lột tả những sinh hoạt, những khoảnh khắc lao động đời thường của người lao động. Những đề tài, điểm chụp của anh không mới nhưng luôn đem đến cho người xem cảm xúc mạnh, ấn tượng sâu sắc. Điều làm cho anh hài lòng nhất là khi một tác phẩm ảnh nghệ thuật tạo ra là được ngấm sâu vào hơi thở, khoảnh khắc "cựa mình" của nhân vật trong đời sống hằng ngày.
Người xem thường bắt gặp nhiều bức ảnh thể hiện nét đẹp của cuộc sống đời thường như: Chở che, Bắt tôm ban đêm, Đường về bản, Bắt cá... hay giản dị như Căn bếp chiều hôm, Nón Gò Găng... Ở đó, bao giờ con người cũng hòa mình vào thiên nhiên, vượt lên khỏi sự khắc nghiệt của thiên nhiên để vui sống, hăng say lao động. Đặc biệt, anh ghi lại những hình ảnh gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố Đà Nẵng như: cảnh đêm pháo hoa rực rỡ, chuyện làng đầu năm, đua thuyền... Tuy nhiên, để “săn” được những khoảnh khắc bình dị ấy lại không hề đơn giản. NSNA Thân Nguyên đã đánh đổi cả thời gian, sức khỏe để lăn lộn trên những cung đường đầy gió bụi, chỉ với một niềm đam mê duy nhất: sáng tác ảnh. Anh mê mải trên những chặng đường đi, phơi mình cùng nắng gió và vất vả. Nhiều người nghĩ nhiếp ảnh chỉ đơn giản là một cú bấm máy vài giây là xong. Nhưng để có được vài giây ấy là cả một quá trình trải nghiệm và cả sự dấn thân.
Tác phẩm Cho vịt ăn - Huy chương vàng FIP tại Ấn Độ 2017.
Tác phẩm Bắt tôm ban đêm - Huy chương Bạc JP tại Slovenia 2017.
Bức ảnh đạt giải thưởng đầu tiên của anh là vào năm 1998, Giải đặc biệt ACCU Châu Á Thái Bình Dương. Gần đây nhất, anh vừa đoạt Huy chương Đồng PSA tại Montenegro 2018. Đến nay, NSNA Thân Nguyên đã có 28 giải thưởng trong nước và 107 Giải thưởng quốc tế. Những thành công đó đã tiếp thêm niềm tin để anh bước tiếp trên con đường nghệ thuật đầy khó khăn và thử thách. Anh chia sẻ: “Tôi đoạt được khá nhiều giải thưởng, tất cả giải thưởng đó dù lớn hay nhỏ, tôi đều nâng niu quý trọng, với tất thảy niềm vui mừng, hạnh phúc. Đó là niềm động viên lớn nhất để bản thân tôi tiếp tục hoạt động sáng tác những tác phẩm mới”.
Với hàng loạt giải thưởng đạt được trong quãng thời gian dài hoạt động nghệ thuật, NSNA Thân Nguyên là một trong rất ít nghệ sĩ đạt được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, sự ảnh hưởng của các phương tiện, thiết bị công nghệ ngày càng cao, anh cho rằng nhiếp ảnh cũng phải hội nhập là một điều kiện tất yếu và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Đó chính là hội nhập được các kỹ thuật tiên tiến của thời kỳ công nghệ số, tất cả thiết bị đều tự động, không phải lo mua phim, lo làm ảnh, là cơ hội để những người nhiếp ảnh thuận lợi tham gia vào các sân chơi lớn của bộ môn nhiếp ảnh trên thế giới, có thể quảng bá được hình ảnh đất nước con người Việt Nam qua lăng kính nhiếp ảnh. Thời đại này làm nhiếp ảnh có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, chỉ cần chúng ta luôn lao động với một tâm thế nghiêm túc, khoa học, luôn luôn tìm tòi, học hỏi và có kỷ luật với bản thân mình vì nghệ thuật không chỉ là cuộc chơi mà còn phải là cuộc dấn thân để tạo ra tác phẩm góp thêm vẻ đẹp cho đời.
H.T.H