Con chữ tri âm

02.10.2023
Nguyễn Thị Thu Thủy
Người đọc đã từng biết đến thơ Nguyễn Nho Khiêm qua các tập: “Khói tỏa về trời” (1994), “Bên ngoài cánh đồng” (2003), “Nắng trên đồi” (2011),“Bên cửa sổ” (2021)… “Tiếng chim xanh biếc” (NXB Hội Nhà văn, 2023) - tập sách thứ năm của anh vừa ra mắt - là những cung bậc cảm xúc rộn ràng nhưng đằm thắm của một trái tim thơ thật thà và đắm say.

Con chữ tri âm

Tập thơ có nhan đề thật dễ thương: “Tiếng chim xanh biếc”. Gần 100 bài thơ được sắp xếp theo bốn chủ đề rõ ràng, ấn tượng: Đêm Hội An, Khúc xuân phố biển, Biển xanh bóng núi và Chữ tri âm. Đọc thơ Nguyễn Nho Khiêm, người đọc tường tận hơn về xứ Quảng, một vùng đất thơ mộng nhưng trẻ trung, năng động với phố cổ Hội An hiền hòa, Non Nước - Ngũ Hành Sơn huyền mộng, tháp Mỹ Sơn in dấu của vương quốc Chăm-pa hay Bà Nà đẹp như nàng công chúa ngủ quên giữa rừng núi Chúa… Song với tôi, ấn tượng khi đến với thơ anh là những con chữ tri âm được Nguyễn Nho Khiêm chắt lọc từ tình yêu chân thành đối với văn chương nghệ thuật.

Nguyễn Nho Khiêm không dụng công đánh đố người đọc ở những kết hợp từ lạ lẫm, hình ảnh thơ anh quen thân và dung dị. Nét duyên trong thơ anh xuất phát từ những trải nghiệm và mỗi trải nghiệm đều khơi gợi cảm xúc cất lên thành lời thơ. Anh có năng khiếu làm thơ, làm thơ nhanh nhưng không hề dễ dãi với thi ca. Sau khi ra tập thơ thứ ba “Nắng trên đồi” (2011), mười năm sau anh mới in tập thơ thứ tư “Bên cửa sổ” (2021); khoảng lặng đó giúp năng lượng thơ Nguyễn Nho Khiêm thêm dồi dào. Với tập thơ mới nhất “Tiếng chim xanh biếc” (2023), Nguyễn Nho Khiêm dẫn độc giả dạo quanh Hội An, ngắm phố xưa với hẻm sâu hun hút, mái ngói âm dương rêu phong ẩn dưới giàn hoa giấy, hoa sử quân tử ở mọi thời điểm từ bình minh, lúc chiều tà hay khi màn đêm buông xuống: “Cạn lòng say hay chìm vào miền nhớ/ Lồng đèn cao hồng thắm bóng giai nhân/ Trên từng mái nhà mây xanh nằm ngủ/ Thả giấc mơ con chữ thơm ngần” (Say ở Hội An). Một không gian gần gũi vừa phố vừa quê, chân chất như ly chè bắp dẻo thơm, dĩa hến xào xúc bánh tráng ngọt bùi cùng những con người thân thiện, hiền hòa. Nguyễn Nho Khiêm hòa cùng niềm vui của một ban mai mới khi trở lại nơi này: “Tôi thấy một ban mai vừa trở lại/ Trên mái tóc xuân bờ vai mỏng phập phồng” (Ban mai Hội An).

Với Nguyễn Nho Khiêm “mỗi nhớ thương là một mối tình đầu”, mỗi cung đường anh qua là một cung bậc thương nhớ khôn nguôi. Một ly trà bên vỉa hè hay một bát phở Hà Nội đều để lại hương vị khó quên trong thơ anh: “Vỉa hè, ghế đá, hoa ly trắng/ ai bỏ quên về đợi người xa/ mắt buồn em nép trong khung nhớ/ phố khuya tóc gió quấn tay hoa” (Viết lúc uống trà vỉa hè Hà Nội). Câu thơ “phố khuya tóc gió quấn tay hoa” có sự đan xen giữa thanh sắc và ngang gợi lên cả một niềm luấn quấn, bịn rịn khó nói của người khách lãng du. Một chiều mưa Quy Nhơn, đêm nghiêng ngả say cùng Đà Lạt hay một lần đến thánh địa La Vang đều được thi sĩ lưu dấu ấn vào trong từng trang thơ. Song Nguyễn Nho Khiêm đâu chỉ say trên những khoảng trời anh đến với làn hương từ mái tóc, đôi môi của một đối tượng “em” mà anh thực sự đắm mình trong kỷ niệm về lịch sử năm xưa của vùng đất đó. Nơi ấy là tượng đài Trái tim Quảng Trị: “Ký ức Bắc - Nam máu chảy ròng ròng/ Trước dòng sông, trước trời xanh bát ngát/ Lưu niệm mọc nhánh cành trong mắt thời gian” (Lưu niệm); là Hoàng Sa cùng ký ức trận chiến Gạc Ma năm nào: “Thắp nén nhang mẹ lạy về phía đảo/ Tia sáng từ chân trời/ Sáng quắc Gạc Ma /Tia sáng từ chân trời/ Lấp lánh Hoàng Sa” (Tia sáng). Với những vần thơ giàu chất thế sự nhẹ nhàng mà sâu lắng, Nguyễn Nho Khiêm chia sẻ cùng nỗi đau khôn cùng của người mẹ có con trai hy sinh nơi biển đảo xa mù và đó cũng chính là niềm đau đáu của mỗi người dân đất Việt.

Với “Tiếng chim xanh biếc”, Nguyễn Nho Khiêm dành riêng một phần ba dung lượng tập sách với tựa đề “Chữ tri âm” tặng cho những người bạn văn chương nghệ thuật. Con chữ đã nói hộ anh những tri âm đồng điệu cùng tình yêu không vơi cạn với thi ca nhạc họa. Đó là những vần thơ tâm huyết Nguyễn Nho Khiêm cảm tác tặng riêng các nhà văn nhà thơ: Dương Tường, Bích Ngân, Vũ Hải, A Chước Đen, Nguyễn Nhã Tiên, Đinh Thị Như Thúy, Lê Trâm, Hoàng Lộc, Khánh Hồng, Đinh Thường, Vạn Lộc…; họa sĩ Nguyễn Quang Thiều, Trần Văn Binh, nhiếp ảnh gia Thái Phiên… Thậm chí, một lần nghe đánh đàn guitar, thưởng thức đêm nhạc “Đường xa vạn dặm”, trở lại ngôi nhà cũ của ca sĩ Thu Minh, nhìn những bức tranh treo tường ở cà phê Tùng tại Đà Lạt… đều để lại trong anh những cảm xúc thơ: “Đêm du miên lạc vào ảo diệu/ Như trở về nguyên quán quê hương/ Một khu vườn tự nhiên hạnh phúc/ Hơi thở hương trời thơm ngát hương yêu” (Màu tâm tưởng). Nguyễn Nho Khiêm đã dành cho bạn văn sự đồng điệu tri âm qua sự nâng niu trân trọng từng đứa con tinh thần của họ và cũng chính việc thưởng lãm sáng tác của bè bạn đã giúp tâm hồn anh thăng hoa. Những câu thơ anh cảm tác là minh chứng cho tấm chân tình với bạn: “Những thanh âm buồn hóa tiếng hát vui/ Thiên sứ cùng anh qua miền cố quận/ Câu thơ nắng xanh xóa ngày lận đận/ “Khúc hồi âm của lá” không lời” (Những thanh âm). Con chữ trong thơ anh lấp lánh niềm vui khi mừng bạn vừa trình làng một sáng tác mới; hay trầm buồn chở nặng ưu tư cùng nỗi đau vì bệnh tật hoành hành trong cơ thể bạn: “Đau đớn quá em quỳ trước vầng trăng sáng/ Xin trời cao tha thứ / Trời không thấu, biển vẫn gầm gào sóng/ Em buông tay quằn quại bãi cát dài” (Tiễn Khánh Hồng). Rõ ràng, một Nguyễn Nho Khiêm - đằm thắm và nghĩa tình trong từng câu chữ; một người thơ - “viết xé lòng như thật, như chơi”.

Thơ Nguyễn Nho Khiêm không màu mè, cách điệu mà tự nhiên, chân chất, hiền lành như con người đất Quảng; anh không cố ý tháo rời hay cắt ghép nhịp, câu thơ mà ý hướng đổi mới thể hiện qua tư duy nhanh nhạy trước mọi biến thiên đời sống. Ngòi bút của Nguyễn Nho Khiêm thử sức ở nhiều thể loại thơ, giọng điệu trữ tình nhưng không kém phần sâu lắng. Người đọc yêu thơ anh bởi sự hồn hậu chân thành đằm sâu trong từng ý, từng lời. Như một câu danh ngôn cho rằng “những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với mọi trái tim”. Với niềm tin đó, chắc chắn tập thơ “Tiếng chim xanh biếc” sẽ gặp nhiều tri âm và được đón nhận bằng tất cả tấm chân tình của độc giả trên mọi miền đất nước.

(baodanang.vn)