Những mẩu chuyện về Bác Hồ

25.12.2008

Những mẩu chuyện về Bác Hồ

Có ăn bớt phần cơm của con không?
 

Mùa thu năm 1951, Bác đến thăm lớp chỉnh huấn chính trị toàn quân. Sau khi đọc lên những con số cụ thể về tệ nạn tham ô, lãng phí mà ban lãnh đạo nhà trường đã báo cáo với Bác, Bác nói :

- Các chú xem đấy, mới có từng này cán bộ mà đã tham ô lãng phí như vậy, thử hỏi nếu cán bộ trong toàn quân, toàn quốc cũng phạm khuyết điểm như các chú ở đây thì thiệt hại cho công quỹ của Nhà nước, của nhân dân biết bao nhiêu. Ngừng một lát, Bác hỏi :

- Ở đây, những chú nào có vợ rồi giơ tay.

Có độ một phần ba số cán bộ giơ tay.

Bác chỉ vào một đồng chí trong số những người vừa giơ tay ngồi ở hàng ghế đầu, rồi hỏi :

- Chú có bao giờ ăn bớt phần cơm của con mình không ?

Đồng chí cán bộ trả lời :

- Thưa Bác, không ạ!

- Thế thì tại sao của cải của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sĩ hễ sểnh ra là đút vào túi?

Bác vừa nói vừa làm động tác vơ vét và đút vào túi vải bên mình. Bác phân tích cho mọi người thấy rõ tham ô, lãng phí là một tệ nạn, một thói xấu, nó giống như sâu mọt đục khoét của cải của nhân dân, nó làm vẩn đục chế độ tốt đẹp của chúng ta, đến đạo đức và nhân phẩm của người cán bộ đảng viên.

Hôm ấy, chúng tôi được một bài học nhớ đời. Có anh cúi mặt không dám nhìn lên Bác nữa.

(Trích trong cuốn Tấm lòng của Bác

NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 2005)

 
Chiếc kẹo Bác cho

Tháng 6 năm 1957, Bác về thăm bộ đội và nhân dân tỉnh Quảng Bình. Buổi tối, Bác dự buổi liên hoan năm văn nghệ "cây nhà lá vườn" với một đơn vị bộ đội. Hôm đó, một anh lính trẻ mạnh dạn lên mở đầu cuộc vui bằng việc đọc bài thơ Hoa hồng không có gai. Nghe đọc xong, Bác thưởng cho một cái kẹo và hỏi vui:

- Cái cô gái trong bài thơ ấy chắc là "đối tượng" của chú, có phải không? Tất cả anh em đều cười sảng khoái. Câu nói của Bác làm cho đám lính tráng mạnh dạn hẳn lên trong không khí đầm ấm, chan hòa tình cha con.

Bác nhìn một lượt, ánh mắt hiền từ:

- Đã là thơ thì nên ngâm, đúng không?

- Vâng ạ! - Tất cả đồng thanh.

Liền đó, một anh lính trẻ khác tên là Lư xung phong ngâm bài thơ Thương nhất anh nuôi của nhà thơ Lưu Trùng Dương. Bác chăm chú nghe, tới hai câu:

Thương đồng chí, giúp đồng bào,

Mình làm cách mạng, việc nào cũng vinh.

Bác vỗ tay khen hay và thưởng liền cho hai cái kẹo. Đồng chí Lư ăn một chiếc, chiếc còn lại, ngay sáng hôm sau, xin phép đơn vị ra bưu điện gửi về tặng vợ mới cưới của mình.

 
Việc nào dễ nhất

Thời gian ở Việt Bắc, cơ quan thường đóng trong rừng sâu. Thỉnh thoảng, anh chị em phải lấy gạo ở một kho nào đó. Một lần, có đoàn gồm các bác sĩ, giáo sư, kĩ sư và một số chị em văn nghệ sĩ tham gia chuyển gạo về cơ quan. Đi từ sáng đến chiều tối mới về. Người gánh, người gồng, người đeo ba lô đầy gạo, người quấn bao gạo qua vai, qua lưng, đủ kiểu. Mọi người mồ hôi ướt đầm.

Tình cờ gặp Bác đang ngồi nghỉ chân bên bờ suối, mọi người vui vẻ và sung sướng đi đến bên Bác. Ai cũng muốn khoe để Bác biết là giới trí thức cũng mang vác không kém gì ai.

Đang ngồi nói chuyện vui vẻ, thân mật, Bác quay sang hỏi mấy người bên cạnh:

- Đố các chú biết trong nghề nông việc nào làm dễ nhất?

Nhiều người trả lời, nhưng không ai trả lời giống ai. Người thì cho rằng làm dễ nhất là gieo mạ, gặt hái. Người thì cho là xay lúa, giã gạo. Một đồng chí nữ liền hỏi:

- Thưa Bác, Bác chấm cho ai trả lời đúng ạ?

Bác tươi cười nói:

- Theo Bác, việc làm dễ nhất là đi đến kho lấy gạo về nấu ăn.

Mọi người cười vui vẻ, nhưng cũng rất thấm thía trước câu nói của Bác.

Một que diêm

Có lần Bác Hồ đến thăm một đơn vị bộ đội. Sau khi đến câu lạc bộ, nhà ăn và ra xem chuồng lợn, Bác đi vào nhà bếp. Thấy đồng chí H đang đi từ bếp lò xuống, Bác vui vẻ hỏi:

- Ở đơn vị chú làm gì?

Đồng chí H thưa với Bác:

- Cháu làm tổ trưởng anh nuôi ạ!

- Mỗi bữa chú ăn được mấy bát?

- Thưa Bác, cháu ăn được ba bát ạ!

Bác thân mật nói tiếp:

- Chú ăn được như vậy là tốt!

Nói xong, Bác mở hộp thuốc lá lấy một điếu đưa cho đồng chí H:

- Bác biếu chú.

Nói rồi Bác lấy một điếu khác ra để hút. Thấy Bác đang tìm đóm để châm lửa, đồng chí H nhanh nhẹn rút bao diêm trong túi áo mình ra, lấy một que định quẹt lửa mời Bác. Bác liền giơ tay ngăn lại:

- Chú để dành diêm mà nhóm bếp. Bác châm lửa trong lò cũng được.

Ngừng một lát, Bác lại hỏi:

- Chú có biết phải qua tay bao nhiêu người mới làm ra một que diêm không?

- Thưa Bác có ạ.

Bác ân cần nhắc nhở:

- Vì vậy, mỗi khi dùng một que diêm, chúng ta cũng phải nghĩ tới công sức của bao nhiêu người!

 
(Trích trong cuốn "Những mẩu chuyện về Bác Hồ" NXB Giáo dục)