Chuyện phiếm với bác Tùng Điển
Tôi có một thú vui nho nhỏ: ngồi cùng với vài người bạn trong một cái quán nhỏ yên tĩnh nhâm nhi vại bia với vài củ lạc và nói chuyện phiếm. Chuyện phiếm thôi, nhớ đâu kể đấy, thấy gì nói nấy, không vụ lợi, không mục đích, như những đám mây trên trời lang thang vô định, gió đưa đến đâu thì đến, bất luận về Đông hay sang Tây. Một trong những người bạn tôi thích hầu chuyện là nhà văn Tùng Điển, người tôi vẫn gọi bằng bác, còn mình thì xưng em. Sung sướng nhất là khi đang ngồi mốc lên trong phòng làm việc với đống sách vở bản thảo chán ngắt thì chuông điện thoại réo giòn giã và một giọng nói xởi lởi vang lên:
- Điển đây, làm vại bia được chứ?
Ô-kê! Sao lại không được? Nói như cụ Nam Cao, có ai dại gì mà đi hoãn niềm sung sướng lại. Thế thì có khác gì mở chai Chivas ra rồi đậy nắp lại, cất đi; hẹn người đẹp đi chơi rồi khất sang ngày khác. Thế thì người khác sẽ uống rượu giùm anh, đi chơi giùm anh, anh sẽ không còn cái ngày khác nào nữa. Tiếng chuông điện thoại của bác Tùng Điển bao giờ cũng là tiếng chuông mong đợi.Bác Tùng Điển ơi, mỗi lần nghe bác gọi là y như rằng em lại thấy lòng mình phơi phới, rằng em sắp được cao đàm khoát luận trước một vị cử toạ tuyệt vời luôn luôn lắng nghe luôn luôn thấu hiểu, mình nói câu gì cũng hay cũng phải, không biết tự bao giờ mình biến thành một đám mây trắng phiêu diêu vô định giữa mênh mông vô tận lúc nào tụ lúc bay cũng mặc, về Đông hay sang Tây cũng mặc. Cái đó dân xì ke gọi là phê.
Còn nhớ, một buổi chiều cuối thu năm ngoái, bác và em ngồi nhậu ở nhà thuỷ tạ hồ Thiền Quang, nói chuyện vỉa hè chán, giọng bác bỗng chùng xuống nghe rất tâm trạng:
- Anh vừa về quê xây mộ cho các cụ. Anh làm sẵn cho mình một chỗ sinh phần.
Em ngỡ mình nghe nhầm. Mấy lâu nay em ngồi nhậu với bác dài dài mà chẳng chịu nhìn kĩ mặt bác.Hoá ra bác không còn trẻ trung gì nữa, tóc bác đã bạc nhiều, mặt bác đã già và cũ hẳn. Cuộc đời tưởng dài hoá ra chỉ là chớp mắt. Mới ngày nào bác và em còng lưng đẩy xe bò chuyển nhà cho một người bạn, đến đoạn Ngọc Hà - Đội Cấn mấy chú công an chạy ra đòi đưa xe về đồn; bác cởi trần, bắp thịt cuồn cuộn, tóc đen xoăn tít, miệng oang oang:
- Các ông đi mà bắt mấy đứa buôn lậu chứ đứng đây bắt mấy anh dân nghèo thành thị không ăn nhằm gì đâu. Các anh xem, toàn chổi cùn rế rách đây này.
Em ngờ rằng mấy chú công an cho bác đi qua không phải vì bác giỏi lí sự mà vì cái sát khí đằng đằng cộng với hai cánh tay bắp thịt chắc nịch của bác. Thế mà bây giờ dáng dấp bác đã hao hao ông già. Mới ngày nào em kể với bác cái xí bệt nhà em bị tắc, bọn thông cống bảo phải đào hết lên làm lại, bác bảo nó làm tiền chú đấy, để anh. Dân xây dựng chính hiệu con nai vàng đây. Hôm sau bác vác cả cái máy bơm nặng như cối đá huỳnh huỵch đến nhà em, huỳnh huỵch vần thứ này đẩy thứ kia, chắp chắp nối nối rồi cắm điện, máy nổ ầm ầm. Mấy phút sau quả nhiên cái hố xí đâu vào đấy, đổ cả bể nước vào cứ chảy cuồn cuộn như dòng sông mùa lũ. Bác xoa tay mãn nguyện: "Thấy chưa, tớ đã bảo mà". Người bác bẩn và ướt như chuột lột. Rồi bác vác máy, huỳnh huỵch bước ra khỏi cửa, bảo còn phải về đi đón vợ. Thế mà bây giờ bác chậm chạp, bụng phát tướng. Thảo nào các cụ bảo cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ. Ngựa phi nhanh, cửa sổ thì hẹp, thoắt cái là qua, là xong đời. Bác chạy đua với bóng câu, thoắt cái đã kịp lướt qua cả chục địa danh, công việc: bác sung lính, đứng trên bục giảng trường đại học, làm biên tập viên rồi tổng biên tập, thượng vàng hạ cám đủ cả. Long đong mãi, cuối cùng mới đậu lại 51 Trần Hưng Đạo. Mà nói như bác, đó là cái cơ duyên, chứ không thì làm sao mà trụ được với cái chức chánh văn phòng, một cái chức đầu chày đít thớt, làm dâu trăm họ, cái anh mõ làng, cái anh chia đầu gà ra hàng chục suất, suất nào cũng phải dính tí mỏ, tí mắt như cụ Ngô Tất Tố kể trong Việc làng. Thiếu mất tí mắt tí mỏ thì y như rằng thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Ấy là bởi cái anh văn phòng quản lí đến mấy chục cái Hội, trong mấy chục cái Hội lại có tới mấy trăm hội viên - vĩ nhân tỉnh lẻ.Ôi chao? Nghĩ tới đã phát rồ, nói gì đến chuyện phải giải quyết công việc với họ. Rồi xuân thu nhị kì họp hành xét tặng giải thưởng, xin tiền, chia tiền, điếu đóm hầu hạ các bậc trưởng lão. Đầu tắt mặt tối 365 ngày, tứ quý, cuối năm ngẫm lại mà giật mình không hiểu tại làm sao mình lại làm xuể ngần ấy công việc, nghe được ngần ấy lời nói đọi máu. Vất vả thật nhưng nhiều lúc cũng biết thêm những chuyện thú vị. Hồi cụ Thi ốm nặng, cụ bảo mình tìm cho cụ một ôsin đàn ông, trẻ khỏe thật thà. Mình ra chợ gầm cầu Long Biên từ sáng đến gần nhọ mặt người vẫn không nhìn ra ai. Mình bụng bảo dạ: đàn ông trẻ tuổi, khỏe mạnh lại chịu đi làm ôsin cho ông già tám mươi đến đi giải cũng không vượt quá hai bàn chân! Cụ cứ làm như cụ là con gái mười tám không bằng. Kinh thánh nói: hãy tìm rồi sẽ gặp, hãy gõ cửa rồi cửa sẽ mở. Mình đã tìm và đã gặp cái người trẻ khoẻ và thật thà như cụ Thi muốn vậy.
- Anh tìm một người giống hệt chú.
- Chúng con ra đây chỉ mong có việc làm, miễn là không đào tường khoét ngạch.
- Chú sẽ giúp một cụ già 80 tuổi đang nằm viện.
- Ôi, con nói việc gì cũng làm tức là các việc thổ mộc, ăn no vác nặng, còn hầu cụ già 80 tuổi thì con xin kiếu. Ông nên tìm một người đàn bà.
- Nhưng đây là cụ già rất oai, nổi tiếng khắp nước. Bây giờ cụ ốm nằm một chỗ, hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn.
Mình nói, tự dưng nước mắt ứa ra.
- Cụ là bố đẻ của ông à?
- Không phải, chú đã nghe bài hát Người Hà Nội và Diệt Phát xít chưa?
- Giời đất quỷ thần ơi, sao ông không nói ngay từ đầu. Cụ Nguyễn Đình Thi chứ ai vào đấy nữa. Cả nước Nam này ai không biết cụ. Ngày bé con đã học thơ cụ. Nhưng làm sao lại ra cái nông nỗi này. Cụ ốm lâu rồi à? Ông thư cho con vài ngày, thu xếp việc nhà xong con lên hầu cụ.
Y hẹn, hai hôm sau, sáng sớm mình đã đứng ngóng hắn trước cửa bệnh viện Việt Xô. Chờ mỏi mắt chẳng thấy, bụng bảo dạ: Rõ ngu, ai lại đi tin một thằng đi bán sức ở chợ người, đến cái tên cũng chưa biết. Buổi sáng hôm ấy hắn không đến. Đành phải về, bụng rất lấy làm buồn. Sáng hôm sau mình lại ra cổng bệnh viện chờ. Đang định bỏ về thì hắn đến, hắn gánh hai cái tay nải nặng trĩu đi tới. Nhìn thấy mình từ xa đã vẫy tay rối rít:
- Con xin lỗi ông. Con phải sắp đặt công việc với nhà con, bởi con nghĩ sẽ phải ở trên này dài dài. Chẳng nhẽ đi nuôi người ốm lại tay không. Lại phải đợi nhà con chợ búa, rim ít thịt, xay bột, làm bánh. Cụ ăn mấy thứ này vừa lành vừa bổ.
Tùng Điển lại rơm rớm nước mắt.
Và con người xa lạ kia, con người mình chỉ mới gặp mấy phút, con người chưa hề biết mặt Nguyễn Đình Thi, chỉ vì mến tài ông mà đã tự nguyện chăm sóc ông, chu đáo và tận tình như con chăm sóc cha cho đến ngày ông mất.
Suy cho cùng thì cái anh chánh văn phòng - mõ làng là mình đầu tắt mặt tối quanh năm cũng không đến nỗi vô ích. Bao nhiêu là cảnh đời, cao thượng có, éo le trần đời có, hèn hạ có mình đã được chứng kiến. Chỉ riêng điều đó đã là vô giá. Mình ao ước một ngày đẹp giời nào đó được rảnh rỗi để ngồi viết về tất cả các chuyện này. Cuốn sách chưa viết là cuốn sách hay nhất. Hy vọng đó sẽ là cuốn sách hay nhất của mình.
Tùng Điển đã viết trên dưới một chục cuốn sách gồm truyện ngắn truyện vừa và tiểu thuyết. Văn Tùng Điển cũng như con người anh: chân chất, giản dị. Không có những tình huống li kì, những cảnh tượng hoành tráng, ồn ào. Bố cục, cốt truyện đơn giản, không có bất kì sự khoa trương vô bổ nào. Các nhân vật được dựng theo lối phác thảo, chấm phá. Cuốn sách thể hiện rõ nhất lối viết của Tùng Điển là cuốn Ngọn đèn như quả hồng chín. Hai trăm trang sách xoay quanh một ca cấp cứu. Người đạp xích lô, ngọn đèn, vài cái phòng bệnh, ít bệnh nhân, mấy ông thầy thuốc thấp thoáng ra vào. Chỉ có vậy thôi mà hình ảnh một Hà Nội thời bao cấp, một bệnh viện thời bao cấp vẫn hiện lên rõ mồn một với bao nhiêu là thân phận, kiếp người. Tùng Điển là một trong ít người viết về bệnh viện. Hình ảnh chiếc xích lô với ngọn đèn bé nhỏ như một quả hồng chín cháy sáng giữa phố phường Hà Nội trong một đêm đông giá buốt là một biểu tượng đẹp của lòng tin và hy vọng.
Thỉnh thoảng, ngồi chuyện phiếm với Tùng Điển trong một cái quán vắng nào đó tôi vẫn đùa: Nguyễn Công Hoan là nhà văn quan lại, Bảo Ninh là nhà văn tàu hoả, còn bác đích thị là nhà văn bệnh viện. Tùng Điển cười chân thật:
- Trong số những cuốn đã viết, mình thích nhất cuốn này.
Bẵng đi một dạo không thấy Tùng Điển gọi. Tôi đang có cả đống chuyện để kể vậy mà kẻ hóng chuyện lì đòn nhất lại chẳng thấy đâu. Hay là lão đã chán ngấy mấy câu chuyện tầm phào của tôi. Tôi đành một mình lững thững đi bộ ra nhà thuỷ tạ hồ Thiền Quang, trèo lên gác 2, ngồi đúng cái góc mà Tùng Điền và tôi vẫn thường ngồi. Chỗ này chỉ cách phố Trần Nhân Tông một cái lạch nước nhỏ. Những đám lá xà cừ vàng úa chạy lào xào trong cát bụi mù trời, nhìn xa hệt như một đám chim sẻ đông đúc đang đáp xuống mặt đường nhựa. Và mưa bắt đầu rơi. Những hạt mưa nặng trĩu, gõ lộp độp trên cái dù màu vàng trên đầu tôi nghe như tiếng trống ếch. Không có buổi chiều nào uống rượu hợp cảnh hơn. Tự nhiên lại nhớ chuyện Tùng Điển kể:
- Hôm ấy tớ vào viện, chợt nhận ra hai cái dái tai của cụ Thi quăn ngược ra sau. Thôi rồi, phàm người ốm mà tai lật ra thế kia là nguy rồi. Quả nhiên, một lúc sau thì cụ hấp hối. May mà lúc đó có cả anh Trần Hoàn. Tác giả Lời người ra đi bảo mình: Cậu về chuẩn bị các thứ ngay. Viết cáo phó, lo tang lễ. Mặc dù rất muốn ở lại với cụ Thi phút cụ lâm chung nhưng mình vẫn phải về.
Lúc mình quay lại thì ngạc nhiên chưa, căn phòng đã trống trơn. Tất cả đã được dọn dẹp sạch sẽ, không còn bất kì thứ gì, cứ như trong truyện cổ tích, có ai đó đã hô biến và tất cả đã biến mất trong chớp mắt. Người ta đã dọn phòng và "dọn" luôn cả cụ Thi xuống phòng lạnh. Một cảm giác thương xót, đau đớn làm mình nghẹt thở. Ôi chao, kiếp người, vừa mới có thật đó, thoáng cái đã thành hư vô, cảm giác cô đơn làm mình muốn khóc. Chợt câu thơ Hàn Mặc Tử hiện về: Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu. Mình lang thang trong bệnh viện như một người mộng du. Đôi chân đưa mình ra cổng. Gã ôsin có lẽ do trời sai xuống đang đứng bơ vơ trước cổng, tay nải trĩu nặng, mũ lá loe toe trên đầu. Hắn mếu máo khóc như đứa trẻ lạc bỗng nhiên gặp lại bố mẹ. Hắn kể sùi sụt, nước mũi nước dãi chảy lòng thòng: Hôm trước cụ kêu trong lòng như có lửa đốt, nóng lắm. Giá được ăn cái gì man mát. Thế là con tranh thủ chạy về nhà đào một hốc sắn dây, cả nhà rửa, xay, lọc, sấy sáng nay mới xong. Được ngần này đây - Hắn nói và giơ cái tay nải lên - cứ nghĩ bột sắn mới cụ dùng sẽ mát trở lại. Ai ngờ, con vào đến nơi thì phòng cụ đã trống không, cứ như cụ chưa bao giờ nằm đó. Giá như con không về quê!
Hôm người nhà cụ Thi hỏi hắn chăm cụ có mệt không, bế cụ có nặng không, hắn đáp thật thà: Chúng con là dân lao động ăn no vác nặng quen rồi. Bốc hàng ở bến phà có khi con vác hai bao tải chạy phăng phăng. Cụ nặng bằng một bao gạo chứ mấy. Ấy là con nói vậy chứ cụ bằng ba bao tải gạo thì con vẫn cố
- Hầu cụ vất vả thế, anh lấy thù lao bao nhiêu để chúng tôi lo? - Người nhà cụ Thi lại hỏi.
- Bẩm ông, con vào đây là để giúp cụ. Nếu để kiếm tiền thì con ra bến phà vác gạo vui hơn nhiều.
Ôi chao, dân thành thị chúng ta, đôi khi thật quá vô tâm. Cái gì cũng quy ra tiền một cách đơn giản. Thú thật, cho đến giờ mình vẫn không biết hắn tên gì, người làng nào, gia đình ra sao. Hội không biết, ông Hoàn không biết, người nhà cụ Thi cũng không biết. Có lẽ mình không bao giờ có cơ hội gặp lại hắn nữa. Và một ngày nào đó, cũng như cụ Thi, hắn sẽ trở thành hư vô. Không như cụ Thi, hắn không để lại bài Diệt phát xít hay bài Người Hà Nội nào. Một con số không hoàn hảo. Không ai từng biết hắn từng có mặt trên đời này. Nhưng nghĩ cho cùng thì hắn để lại một thứ, tuy vô hình nhưng còn hơn những trang sách chúng ta viết ra.
Ly rượu vôtka hiệu Sa Hoàng đã vơi đi một nửa. Chiếc ghế đối diện với tôi - chiếc ghế bác Tùng Điển thường ngồi đã ướt sũng. Không biết mình ngồi đây uống rượu một mình dại hay lão Tùng Điển đang bôn tẩu đâu đó trong Sài Gòn dại đây. Lão mà máu mê thế này không khéo cái sinh phần lão tự thửa cho mình dưới quê lại thừa mất. Ấy là bởi con đường hoạn lộ của lão mà trơn tru, mà lão lại hay đi thì lúc lão trở thành cát bụi thì cát bụi Tùng Điển chắc lại cũng phiêu diêu đâu đó thôi.
Cái thứ rượu Sa Hoàng uống vào cứ như uống lửa, đôt cháy hết cả gan ruột nhưng không đốt được nỗi buồn phải ngồi uống một mình dưới mưa. Tôi bấm máy gọi lão Tùng Điển giục lão nhớ ra sớm để còn chuyện phiếm.
Tháng 9-2008