Từ Hồ sơ một tử tù đến Nháp - một chặng đường tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú

25.12.2008

Từ Hồ sơ một tử tù đến Nháp - một chặng đường tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú

ĐOÀN MINH TÂM

 
Trong bài viết Tiểu thuyết của các cây bút trẻ: Đọc và cảm nhận in trên Văn nghệ Trẻ cách đây không lâu, tôi có đưa ra nhận định rằng các nhà văn trẻ hiện nay "ngại" xông pha nơi lĩnh vực tiểu thuyết. Giờ ngẫm lại thấy nhận định của mình không đúng với vài người, trong đó có nhà văn quân đội Nguyễn Đình Tú. Hơn một vài tuổi so với mức "tam thập nhi lập" của đức Khổng Tử, anh đã cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết thứ ba có cái tên ngắn gọn: Nháp. Một sức làm việc đáng nể. Đáng nể hơn khi biết anh vừa bận rộn với công việc biên tập văn xuôi, vừa bận bịu với cương vị một người bố trẻ. Và điều đáng mừng hơn cả là công sức lao động của anh đã được đền đáp một cách xứng đáng. Nói về Nháp, nhà văn Chu Lai đã viết trong lời đề tựa: "Với cuốn sách này, Nguyễn Đình Tú hoàn toàn đã có thể ngẩng cao đầu bước tiếp trên con đường tiểu thuyết mênh mang nắng gió nhưng cũng quá đỗi chông gai nhọc nhằn." Đọc Nháp trong mối so sánh liên văn bản với hai tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù và Bên dòng sầu diện chúng tôi cho rằng đây là tác phẩm đánh dấu một chặng đường sáng tác của anh. Sau Nháp, chúng ta sẽ gặp một Nguyễn Đình Tú với phong cách sáng tác hoàn toàn khác trước đây. Để làm sáng tỏ nhận định trên, yêu cầu thiết yếu là phải làm sáng tỏ những nét đặc trưng chung có tính ổn định và những nét riêng khác biệt trong Nháp so với các sáng tác trước đây của Nguyễn Đình Tú. Dưới đây xin được trình bày cụ thể từng vấn đề.

1. Những đặc trưng trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú.

Chất luật và chất lính. Không chỉ riêng tiểu thuyết, hai nhân tố này hiển hiện trong tuyệt đại bộ phận sáng tác của Nguyễn Đình Tú. Chất luật trước nhất nằm ở tính hình sự. Hồ sơ một tử tù mô tả quá trình "tha hóa" từ một người sinh viên đến một tên tử tù của Bạch Đàn. Với bản tính bộc trực, thẳng thắn cộng thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn, éo le do cuộc sống mang lại, Bạch Đàn từng bước, từng bước dần trượt dài vào con đường tội lỗi. Từ chỗ phạm phải những sai lầm nhỏ như hống hách với bạn bè, đánh bạn... Bạch Đàn đã phạm những sai lầm lớn như tham gia vào các băng đảng đào vàng, đánh rồi giết người, trốn tù... Nháp đề cập tới hai vụ án giết người. Vụ Đại giết chết nhà nhiếp ảnh Hòa để tránh cho Duyên khỏi nỗi ô nhục và Thạch giết tiến sĩ nam khoa Nguyễn Toàn sau một hiểu lầm đáng tiếc do cậu bé giúp việc gây nên. Mặt khác, chất luật còn nằm ở tính trinh thám, điều tra. Nguyễn Đình Tú rất biết cách dựng truyện, tạo những chi tiết dạng "nửa hé nửa khép" đánh vào tính tò mò cố hữu của con người và qua đó tạo sự háo hức cho bạn đọc. Chúng ta hãy xem lời nhân vật Minh Việt trong Bên dòng sầu diện: "Nhưng hãy khoan gặp cha Phăng... vì với tôi lúc này...  việc đầu tiên là phải tìm hiểu xem ai là bố tôi " (tr16). Câu văn hé lộ về hành trình đi tìm bố của một cậu bé sơ sinh. Thế là đủ để những bạn đọc cầm Bên dòng sầu diện trên tay phải đưa mắt sang trang tiếp rồi trang tiếp nữa. So với chất luật, chất lính còn biểu hiện rõ nét hơn nơi những đứa con tinh thần của nhà văn thuộc thế hệ thứ tư trong "nhà số 4". Bên dòng sầu diện là tiểu thuyết trực diện về đề tài chiến tranh cách mạng. Ở đó, bằng việc mô tả cuộc sống và chiến đấu của quân và dân một vùng quê biển Hải Phòng, Nguyễn Đình Tú đã tái hiện lại những chặng đường, những bước ngoặt lớn của đất nước từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi cải cách đổi mới... Không đậm đặc như Bên dòng sầu diện, nhưng trong Hồ sơ một tử tù và Nháp, Nguyễn Đình Tú vẫn "dành đất" để viết về hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong tiểu thuyết đầu tay, bên cạnh những chương đoạn về thân phận Bạch Đàn, là những phác họa khái lược về cuộc kháng chiến chống Mỹ thông qua cuộc đời Thành - bố anh: "Cậu Thành ra trực chiến phòng không ở núi Ngựa thật. Ra hôm trước thì hôm sau bom bỏ sát trận địa. Cậu Thành bị sức ép, bất tỉnh... Lúc bấy giờ bom Mĩ nó bỏ nhiều lắm. Khu trường bắn hồi ấy là kho vũ khí, khí tài của bộ đội, có cả tên lửa giấu trong đó nữa. Vì  thế xung quanh trường bắn người ta bố trí tới bốn, năm ụ pháo cao xạ. Không hiểu sao trong một thời gian ngắn bom Mĩ lại cứ trút xuống khu vực đó. Lúc đầu pháo ta bắn trả oách lắm, khí thế hừng hực. Dân làng đổ xô đi xem xác máy bay và săn lùng giặc lái... ". Tuy không được rõ ràng thành mô hình hai thế giới(1) như Nguyễn Bình Phương đã làm với Ngồi, nhưng bên cạnh cuộc sống của thế hệ lạc loài "lost generation" kiểu Việt Nam(2) chúng ta vẫn cảm nhận được trong Nháp còn có "thế giới khác" với những con người khác. Đó là thế giới của những người lính thấm đượm tình đồng chí, đồng đội trong chiến đấu cũng như trong đời thường. Bố Thạch đã cùng những đồng đội mình trong tiểu đoàn trinh sát năm nào lặn lộn nơi chiến trường xưa để tìm cho bằng được nắm xương tàn của người đại đội trưởng tên Huy. Hành động ấy, nghĩa cử ấy có phần lạ lẫm với thế hệ sinh sau chiến tranh vốn có thói quen đòi hỏi, hưởng thụ hơn là lao động và cống hiến. Dẫu xuất hiện với cường độ đậm đặc, nhưng xét trên phương diện kết cấu tiểu thuyết, chúng tôi cho rằng hai phẩm chất này - đặc biệt là chất lính - mới chỉ dừng lại ở mức là điểm tựa, là một giải pháp, một kết cấu vững chắc, an toàn cho Nguyễn Đình Tú sử dụng mà không phải lo lắng gì chứ hiệu quả nghệ thuật do chúng tạo lại chưa thật.. cao. Đây là điểm mà anh cần hết sức chú ý tới. Và kết quả tất yếu của hai phẩm chất này là nét đặc trưng thứ hai.

Tính mạch lạc, rõ ràng. Với các sáng tác của Nguyễn Đình Tú, sẽ không bao giờ xảy ra tình huống bạn đọc phải mệt mỏi, căng mình ra để xem nội dung tác phẩm là cái gì (3) dù cho anh sử dụng các kỹ thuật khác nhau, các kiểu kết cấu khác nhau cho mỗi tiểu thuyết. Hồ sơ một tử tù và Nháp được kết cấu theo thời gian song song giữa quá khứ và hiện tại. Từng chặng, từng chặng trong cuộc đời đáng quên của Bạch Đàn (Hồ sơ một tử tù) được lồng xen kẽ trong thời gian Bạch Đàn bị đưa ra trường bắn. Cuộc đời của Đại (Nháp) được tái hiện từng chặng qua lời kể của Thạch. Thời gian tuyến tính là kết cấu chính của Bên dòng sầu diện. Toàn tiểu thuyết là cuộc đời của Minh Việt từ lúc sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi mất đi. Có thể nói, các tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú rất dễ dựng thành... phim (Hồ sơ một tủ tù đã dựng thành phim với tên Lời sám hối muộn màng) so với các tiểu thuyết như Ngồi, Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương, Giữa vòng vây trần gian của Nguyễn Danh Lam hay Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ của Nguyễn Ngọc Thuần... Đơn giản vì các tác phẩm của anh luôn có một bộ khung vững vàng được "lập trình" sẵn, được dẫn dắt bởi một tư duy mạch lạc, có chủ định từ trước chứ không phải theo kiểu cứ ngồi xuống bàn rồi viết, mọi thứ sẽ hiện ra một cách "tự nhiên". Cũng vì tính mạch lạc, rõ ràng này - là biểu hiện của tư duy duy lý - hiển hiện quá rõ nên Nguyễn Đình Tú thường không mấy thành công khi sử dụng những yếu tố huyền ảo - được xem là biểu hiện của tư duy duy cảm - mặc dù anh vẫn thường sử dụng chúng trong sáng tác của mình như:

Hệ thống những hình tượng tôn giáo. Những hình tượng như ngôi chùa, nhà thờ, sư ông, đức cha... cũng thường xuyên xuất hiện với mật độ cao trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú. Không gian chủ đạo trong Bên dòng sầu diện là một vùng đất đạo An Lạc của thành phố biển Hải Phòng, người đỡ đầu cho Minh Việt - nhân vật trung tâm - là đức cha Păng. Cạnh mảnh đất khô cằn "cày lên sỏi đá" phía sau trường bắn (Hồ sơ một tử tù) là một ngôi chùa Áng Sơn. Đại (Nháp) khi trốn đã ẩn nấp trong ngôi chùa cạnh trại giam. Mặc dầu tần xuất hiển hiện trong ba tiểu thuyết đậm nhạt có khác nhau nhưng nhìn chung chức năng chủ đạo của những hình tượng vẫn không nằm ngoài nghĩa biểu tượng đã ăn sâu vào trong tâm trí mọi người: mang ý nghĩa cứu rối những kiếp người lầm lạc. Chùa Áng Sơn là nơi Hiến - người bạn ấu thơ của Bạch Đàn gửi gắm cuộc đời mình sau những tháng ngày tuổi thơ cực nhọc, phải bon chen để sống với đời. Và chính bản thân Bạch Đàn sau lần nói chuyện với Hiến - đã là nhà sư Pháp Thiện - cũng có ý định nương nhờ cửa Phật để xóa đi những nghiệp chướng mình gây nên. Đại sau những ngày ẩn mình dưới nắp cống và trong bàn thờ đã được sư ông ở đó giác ngộ bỏ đi ý định quyên sinh, quyết tâm "quay lại tìm bờ". Còn Minh Việt từ khi sinh ra đã được đắm mình trong triết lý từ bi của đạo thiên chúa, nên dù cho cuộc đời sau này trải nhiều bão giông, nhưng tâm hồn anh vẫn trong sáng, thiện lương như ngày nào. Chính vì không có được nét nghĩa mới, nên những hình tượng tôn giáo này nhìn chung là không để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Đây cũng là điểm Nguyễn Đình Tú cần lưu ý.

Những thử nghiệm bút pháp huyền ảo. Sở dĩ chúng tôi dùng từ "thử nghiệm" vì bút pháp chủ đạo trong ba tiểu thuyết trên vẫn là bút pháp hiện thực. Bút pháp huyền ảo được Nguyễn Đình Tú sử dụng một cách có chừng mực: Nếu trong Bên dòng sầu diện là bút pháp huyền ảo siêu nhiên khi anh cho Minh Việt biết nghĩ suy từ trong bụng mẹ thì Hồ sơ một tử tù lại thiên về bút pháp huyền ảo tâm lý. Năm đêm trong trại giam trước ngày ra pháp trường, Bạch Đàn đã mơ những giấc mơ đầy kinh hoàng, ám ảnh. Nào là người thiếu phụ đưa hắn mặc chiếc áo biết thít cổ như vòng kim cô, nào đứa bé bảy tám tháng tuổi biết nói biết giết người... Với Nháp, Nguyễn Đình Tú sử dụng cả hai loại bút pháp kể trên với thái độ bớt dè dặt hơn và độ nhuần nhuyễn đạt đến một trình độ nhất định. Chi tiết viên ngọc ước của Thảo cho Đại, hình ảnh cầu vồng thuộc về huyền ảo siêu nhiên, những ảo giác của Thạch khi uống rượu với Nguyễn Toàn thuộc về huyền ảo tâm lý. Song về cơ bản chúng tôi vẫn nghĩ rằng anh không hợp với loại bút pháp này.

Trên đây, chúng tôi vừa điểm qua một cách khái quát nhất những điểm có tính liên tục, kế thừa của Nháp với hai tiểu thuyết trước đây của Nguyễn Đình Tú. Những điểm trên trong Nháp có tính chất đóng lại một kiểu sáng tác tiểu thuyết của anh. Và, để bài viết đúng theo nhan đề, phần dưới đây chúng tôi có trách nhiệm trình bày những điểm riêng biệt trong Nháp, để qua đó thấy được sự mở ra một chặng mới trong sáng tác tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú sau này.

2. Những đổi mới trong tiểu thuyết Nháp

Ngôn ngữ: Với những người theo dõi Nguyễn Đình Tú thường xuyên thì tên tiểu thuyết này quả đã tạo cho họ một sự bất ngờ đến mức "giật mình". So với những tên gọi đầy chất chỉn chu, "văn vẻ" trước đây như Bên ấy là cuộc đời, Đay gieo mùa thương khó, Bên dòng Sầu Diện.... thì Nháp là một nhan đề đầy sức ám ảnh. Nó gọn gàng, đầy sức nặng như một cú đấm của nhịp điệu mà nhà văn Chu Lai đã từng ví von. Và sự thay đổi về ngôn từ không chỉ diễn ra ở "mặt tiền" nhan đề sách mà còn xuyên suốt hơn mấy trăm trang tiểu thuyết. Ngôn ngữ trong Nháp có tiết tấu nhanh, thẳng băng, nhiều trường đoạn tạo cho người đọc "ảo giác" tác giả đang "nháp", đang trong quá trình phôi thai đứa con tinh thần chứ đây chưa phải là sản phẩm hoàn chỉnh. Nhưng trên thực tế, đây là những ngôn từ được sử dụng đầy dụng công nhằm hướng độc giả đến cái đích là hòa nhịp cùng âm hưởng chủ đạo của tác phẩm thông qua nhan đề có sức biểu trưng cao. Mặt khác, so sánh hai đoạn miêu tả cảnh ân ái giữa Bạch Đàn và Dịu trong Hồ sơ một tử tù và Thạch và Yến trong Nháp, chúng ta thấy bước biến chuyển trong văn phong Nguyễn Đình Tú. Thay thế cho lối viết nhẹ nhàng mang tính "ước lệ". "tượng trưng" trong Hồ sơ một tủ tù là lối viết trực diện, cụ thể không hề né tránh những đề tài gai góc, nhạy cảm trong Nháp. Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, ngôn ngữ thay đổi báo hiệu những thay đổi lớn trong sáng tác của nhà văn. Nguyễn Đình Tú cũng không ngoại lệ. Sự thay đổi ngôn từ ở anh đánh dấu sự thay đổi ở các khía cạnh quan trọng sau.

Độ "mở" của tiểu thuyết. Đây là thay đổi căn bản nhất của Nháp so với hai tiểu thuyết trước đây. Độ mở của Nháp thể hiện trên hai khía cạnh chính đó là: Trong Nháp không còn những tranh luận, hay giảng giải dài dòng giữa các nhân vật về vấn đề thuộc các phạm trù tư tưởng như tôn giáo triết học... như nhận lời khuyên giải về đạo Phật của Hiến đối với Đàn hay giữa cha con Thành về vấn đề chủ nghĩa xã hội và tư bản, về người cộng sản và những nhà tư bản. Lối viết này bên cạnh những ưu điểm vô cùng to lớn lại có mặt hạn chế là dễ dẫn đến hiện tượng độc giả bị "trói" vào tư tưởng chủ quan mà tác giả áp đặt, do trong quá trình cho các nhân vật tranh luận, dù trong ý thức (hay vô thức) chắc chắn tư tưởng tác giả cũng nghiêng về tư tưởng của một trong hai nhân vật tranh luận. Nháp không thế. Các nhân vật trong Nháp chỉ có hành động và hành động. Qua hành động nhân vật tự bộc lộ bản thân mình. Độc giả tùy vào trình độ tri thức, vốn sống, sự hiểu biết của mình để cảm nhận, đánh giá về tác phẩm theo những chiều kích đa dạng mà không phải chịu bất cứ một sự lệ thuộc nào. Đơn cử như vấn đề làm sao để hạnh phúc, con người phải làm gì để tìm được sự thanh thản cho tâm hồn, các nhân vật trong Nháp họ không tranh luận với nhau, mỗi người trong họ tự đi tìm câu trả lời cho mình. Trong đó:

- Với bố Thạch là hành trình đi tìm người đại đội trưởng trinh sát hy sinh năm nào.

- Với mẹ Thạch là cuộc sống giàu có nơi đất khách quê người.

- Với Đại là cách sống cao thượng, hết mình vì mọi người

- Với Nguyễn Toàn là thú vui bệnh hoạn cùng những người đàn ông cô đơn.

- Với Hải là tìm thấy cha mẹ, tìm lại mái ấm thân thương.

- Với Melơni là niềm say mê tìm hiểu, khám phá cuộc sống, văn hóa phương Đông.

- Với Tony là hành trình trở về chiến trường xưa, tìm và trao trả lại hài cốt người lính Việt cộng mình sát hại năm xưa cho đồng đội người lính đó.

- Với Thảo, là khát vọng được làm vợ, làm mẹ, có một mái nhà bình yên sau những ngày dấn thân làm kiếp "gái giang hồ".

- Với Duyên là được sống bên cạnh Đại.

- Với Thảo là hành trình tìm lại trí nhớ sau một vụ tại nạn.

- Với Thạch là sự thỏa mãn tính dục với người khác giới, là khát vọng xóa đi những mặc cảm giống nòi.

Với cả hệ thống "định nghĩa về hạnh phúc" được Nguyễn Đình Tú đưa ra ở trên, mỗi bạn đọc sẽ tìm cho mình một quan niệm phù hợp. Mặt khác thay vì tạo một vòng đời khép kín sinh ra - lớn lên - trưởng thành - chết đi cho các nhân vật như đã làm ở hai tiểu thuyết trước, lần này Nguyễn Đình Tú chỉ tập trung vào một "lát cắt đủ dài" trong cuộc đời dằng dặc của họ. Kết thúc Nháp, Thạch bị bắt vào nhà đá, đối mặt với bản án sắp tuyên, Đại chưa rõ có cưới Duyên hay không và đang tập tành làm nhà báo. Tương lai của họ còn chưa được xác định rõ ràng? Thạch sẽ bị kết án thế nào? Tử hình hay chung thân hoặc nhẹ hơn? Sau khi ra tù liệu có hoàn lương được không? Liệu Đại có trụ được ở nghề báo hay không, cưới Duyên có hạnh phúc không? Kết thúc lửng lơ của Nháp là kẽ hở cho độc giả phát huy trí tưởng tượng, điều mà sau cái chết của Bạch Đàn và Minh Việt là không hề có, hoặc giả dụ có thì cũng bị hạn chế nhiều trong một cái "lồng" đã định sẵn.

Xây dựng nhân vật. Cùng với việc miêu tả nhân vật trong một "lát cắt cuộc sống đủ dài" mà chúng tôi vừa đề cập ở trên, Nguyễn Đình Tú có bước thay đổi lớn lao khi lần này anh miêu tả, xây dựng kiểu nhân vật tâm thần. Dựa trên nguyên lý khá nổi tiếng của một nhà phân tâm học: Tất cả mọi người đều là người điên, duy chỉ có người điên là giống họ hơn chúng ta mà thôi, Nguyễn Đình Tú đã phác thảo nhiều chân dung những con bệnh thần kinh mà tiêu biểu là Thạch và Nguyễn Toàn. Điểm khác biệt giữa hai nhân vật này với các nhân vật như Bạch Đàn hay Minh Việt là ở chỗ tuy cùng gặp bất hạnh trong cuộc sống nhưng bất hạnh của Bạch Đàn và Minh Việt chịu tác động lớn của nhân tố bên ngoài - tức là do hoàn cảnh sống đưa đẩy. Nếu không bị bạn bè chơi xấu, không bị thói quan liêu, hờ hững vô cảm của những người lãnh đạo xã, hoặc nếu sinh ra trong hoàn cảnh đất nước thanh bình có mẹ ở bên thì Bạch Đàn và Minh Việt không có kết cục buồn như vậy. Sự đấu tranh của họ là đấu tranh với hoàn cảnh sống bên ngoài. Bất hạnh của Thạch và Nguyễn Toàn ở dạng hoàn toàn khác. Nó có nguồn gốc tự bản thân họ. Họ phải chống chịu với những ý nghĩ, những ham muốn bản năng - mà ý chí, lương tâm - biết là lệch lạc đang ngày đêm hiện hữu nơi xác thân. Trong tất cả các khó khăn, khó khăn lớn nhất là chiến thắng chính mình. Nguyễn Toàn và Thạch đã không làm được điều đó. Vậy nên cả hai đồng thời phải chịu "bi kịch kép". Bi kịch do tự mình gây nên và bi kịch do xã hội trừng phạt. Nguyễn Toàn bị Thạch giết và Thạch phải đối mặt với tòa án. Bi kịch kép của hai nhân vật này là hướng gợi mở cho câu hỏi Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn chính chúng ta ở cuối tác phẩm. Đó là hành trình đi dựng lại mặt nạ (personal) ở mỗi người. Bấy lâu nay chúng ta đã nói quá nhiều đến việc giải tỏa những ẩn ức; đề cao bản thể, cái tôi cá nhân mà quên mất rằng việc tạo dựng cho mình một mặt nạ thật đầy đặn là điều làm cần thiết. Mỗi khi mặt nạ rơi xuống, con người hiện nguyên hình và gây ra bao điều đau lòng. Cần sống thật với bản thân và tạo dựng cho mình một mặt nạ vững chắc là một trong những phương thức giúp con người tự bảo vệ mình. Xây dựng kiểu nhân vật thần kinh là bước nỗ lực lớn của Nguyễn Đình Tú trong việc làm mới chính mình. Với Nguyễn Toàn và Thạch tuy còn đôi nét chưa thật nhuyễn nhưng, Nguyễn Đình Tú cho thấy rằng anh hoàn toàn có thể đi xa ở kiểu nhân vật này.

Hướng tới thị trường. Viết Nháp, chúng tôi tin Nguyễn Đình Tú có tính đến yếu tố thị trường, nghĩa là cuốn sách phải đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của đông đảo các tầng lớp bạn đọc, chứ không dành riêng cho những người trong nghề. Nếu bạn là một độc giả bình thường, không lấy văn làm nghiệp, văn chương với bạn đơn thuần là một thú vui giải trí thì Nháp là cuốn sách đáp ứng được nhu cầu đó của bạn. Trong Nháp, mọi vấn đề nóng bỏng nhất của xã hội, mọi vấn đề hút khách nhất của xã hội đều được đề cập đến. Bạn thích những câu chuyện hình sự, những ân oán của thế giới ngầm? Trong Nháp có tất cả. Nháp mô tả hai vụ trọng án giết người vì tình. Một vụ bảo vệ người mình yêu, một vụ do kẻ đồng tính thủ tiêu người bạn tình? Ngoài ra còn có chuyện thanh toán giữa những băng nhóm xã hội đen, chuyện bảo kê những cô gái "ăn sương" cùng giấc mơ hoàn lương của họ... Nếu bạn ưa thích những đề tài giật gân toàn xã hội thì Nháp là cuốn sách bạn nên tìm đọc. Trong Nháp có những trường đoạn viết thẳng thắn, cởi mở về tính dục, về đời sống của những người đồng tính luyến ái, về chuyện người đàn bà bội bạc bỏ gia đình tìm sung sướng cho riêng mình nơi xứ người... Và nếu bạn là người lãng mạn, ưa những câu chuyện tình đậm chất romantic, rất có thể bạn sẽ rung người vì cảm động trước tấm chân tình của Đại dành cho Thảo - một mối tình đẹp, cao cả, thánh thiện và trong sáng như ngọc trai, rực rỡ như cầu vồng, để rồi bạn sẽ có nhiều ưu tư trước mối tình tay tư giữa Đại - Thảo - Duyên - Trí. Sau nữa, nếu bạn là con người của huyền thoại, của siêu nhiên thì trong Nháp cũng có câu chuyện về nhà ngoại cảm, về vẻ đẹp lung linh và tác dụng thần kỳ của viên ngọc ước. Và cuối cùng nếu bạn thích tìm hiểu về người lính, về nghệ thuật quân sự, để thêm một lần nữa hiểu được vì sao quân đội nhân dân Việt Nam với khí tài thô sơ lại chiến thắng được những kẻ thù hùng mạnh nhất thì sau khi đọc Nháp bạn cũng có thể tự mình cảm nhận được. Trong Nháp có câu chuyện đi tìm mộ liệt sĩ của những đồng đội cùng chung chiến hào, có những bài học, kinh nghiệm chiến trường phải trả giá bằng máu của bao người chiến sĩ... Nói tóm lại Nháp, có thể thỏa mãn những nhu cầu giải trí khác nhau của người đọc thông thường. Xưa nay nói đến tính thị trường, chúng ta thường không hay đánh giá cao, cho đó là dạng văn chương "thứ cấp". Chúng tôi cho rằng trong bối cảnh văn học hiện nay, việc đưa sách đến càng nhiều bạn đọc càng tốt, tạo được nhiều tiếng vang càng tốt. Chúng ta cũng nên tin tưởng vào trình độ thẩm định của bạn đọc bình thường và tin tưởng vào sự sàng lọc của thời gian. Không có một kiệt tác nào bị quên lãng cả. Hơn nữa chúng tôi cũng tin rằng làm một cuốn sách thị trường không phải là điều Nguyễn Đình Tú hướng đến. Trước sau anh vẫn đau đáu với những dự định văn chương nghiêm túc vì nghệ thuật đích thực.

Đến đây, chúng tôi tự thấy mình đã trình bày trọn vẹn một chặng đường sáng tác tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú. Giờ công việc còn lại chờ đợi và hy vọng vào chặng đường sáng tác tiểu thuyết mới của anh để có thể viết tiếp một điều gì đó về anh.

                                                 Đ.M.T