Tản mạn cùng nhà văn nhà báo Nguyên Ngọc
NGUYỄN HUY THẮNG
Đầu năm 1987, gia đình chúng tôi tìm được một tập bản thảo đánh máy bằng loại giấy mỏng tang, thoạt trông biết ngay là loại giấy “pơ luya” của ta sản xuất trong kháng chiến chống Pháp. Ban đầu, tôi không mấy để ý, vì nó rất giống với những tài liệu, giấy má của cơ quan văn nghệ mà cha tôi thường vẫn lưu giữ. Nhưng rồi cũng đến một ngày, tôi đủ kiên nhẫn để nhẹ tay lần giở từng tờ giấy mỏng manh như cánh bướm ấy. Thật bất ngờ với tôi, đó là một bài viết về Nam Cao sau khi nhà văn hi sinh. Nói đúng hơn, đó là lời “Truy điệu nhà văn Nam Cao trong Hội nghị tranh luận hội họa ngày 21-12-1951”, như dòng chữ ở đầu văn bản cho biết. Tuy là lời truy điệu, nhưng bài viết bao quát khá trọn vẹn toàn bộ cuộc đời và văn nghiệp của người quá cố. Ở đôi chỗ có nét viết tay chữa thêm, tôi nhận ra ngay đó là bút tích của cha tôi, một người lãnh đạo cơ quan văn nghệ lúc bấy giờ, nhưng trên hết, người bạn văn thân thiết của Nam Cao.
Mặc dù vẫn biết đó là một văn bản quý, thoạt đầu, tôi chưa ý thức được hết về giá trị cũng như ý nghĩa của nó. Tôi chỉ biết đưa chị tôi làm ở Hội Nhà văn, nhờ chuyển cho báo Văn nghệ xem có dùng được không. Ngoài chỗ là một tờ báo của giới văn học nghệ thuật, tôi còn trông mong vào vị Tổng biên tập, nhà văn Nguyên Ngọc, người đang khiến tờ báo thực sự trở thành một diễn đàn không chỉ của dân chuyên ngành, mà của tất cả những ai tha thiết với công cuộc Đổi Mới đất nước. Dẫu sao tôi cũng biết, bấy giờ ưu tiên số một của tờ báo là những vấn đề thời sự kia, những chuyện tự cởi trói, chống tham nhũng, tiêu cực... đang được bạn đọc đặc biệt quan tâm. Bẵng đi một thời gian, không thấy báo đăng bài, tôi cũng yên trí về sự suy xét của mình.
Thế rồi một ngày giữa tháng 7, tình cờ tôi mua một tờ Văn nghệ mới ra và thật bất ngờ nhận thấy, đó là số chuyên đề về Nam Cao, nhân kỷ niệm 70 năm sinh nhà văn. Ngoài bài tường thuật của phóng viên về hội thảo Nam Cao vừa được tổ chức nhân sự kiện này, số báo còn công bố một số tư liệu quý về ông. Tôi thật xúc động nhận thấy, có tới ba trong số bốn tư liệu ấy có liên quan đến cha mình: Trước hết, đó là lời truy điệu Nam Cao do cha tôi chấp bút như trên đã giới thiệu; tiếp đến là thư Nam Cao gửi cha tôi quãng năm 1948, không rõ xuất xứ; và cuối cùng là bức ảnh chụp Nam Cao cùng cha tôi và các ông Xuân Thủy, Tô Hoài. Riêng về lời điếu, Tòa soạn có thêm hàng tít “Tưởng nhớ Nam Cao” như tiêu đề một bài báo, song vẫn để nguyên dòng chữ: “Truy điệu nhà văn Nam Cao trong Hội nghị tranh luận hội họa ngày 21-12-1951”, đúng theo văn bản. Như sau này tôi được biết, Tổng biên tập Nguyên Ngọc đã quyết định giữ nguyên những chữ ấy mà theo ông là rất quý, những chữ mang nguyên không khí trang nghiêm của buổi lễ tưởng niệm Nam Cao ngày nào truyền đến bạn đọc hôm nay...
Dẫu sao, tôi cũng hết sức bất ngờ trước việc số báo đăng tới bấy nhiêu tư liệu về Nam Cao có liên quan đến cha mình. Thường thì người ta hay “rải mành mành” mỗi người một tí cho “phong phú”. Riêng với Nam Cao, biết bao người đã viết hoặc có ảnh hưởng quan trọng trong việc nghiên cứu về ông, vị tất đã sử dụng cho hết được nguồn trữ lượng phong phú ấy. Thế nhưng, với cách làm của Nguyên Ngọc, mỗi số báo Văn nghệ đều có một dấu ấn riêng, một đậm nét riêng, tôi nghĩ vậy!
*
* *
Số báo ấy cũng là một dịp để tôi tìm hiểu thêm về vị Tổng biên tập, nhà văn Nguyên Ngọc, người mà tôi từng được học Đất nước đứng lên, Rừng xà nu, Đường chúng ta đi... ở cả mấy cấp học. Nhưng thời ấy, học văn có nghĩa là hiểu được nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật của tác phẩm, thông qua sự truyền đạt của giáo viên. Tôi nhớ cô giáo văn của tôi khi giảng bài ký Đường chúng ta đi đã coi đây như một bài hịch lên đường thúc giục tất cả chúng ta, và tôi cũng từng đọc đi đọc lại với lòng xốn xang khôn tả. Vấn đề là, khi ấy, với cách học ấy, chúng tôi luôn thấy tác giả như người xa lạ ở đâu đâu ấy. May thay sau này tôi có thể tự tìm hiểu vấn đề theo một cách riêng. Trước hết là qua nhật ký của cha mình.
Thực ra, nhật ký của cha tôi ghi về Nguyên Ngọc có đúng một lần, vào một ngày tháng 5-1960, chỉ hơn hai tháng trước khi ông qua đời. Ấy là khi ông được tin “Các nhà có thẩm quyền dự định cho thu hồi tập Mạch nước ngầm của Nguyên Ngọc”, một truyện từng được đăng ở một tờ tạp chí có tiếng là “vững lập trường”. Sự việc này khiến ông thậm chí cảm thấy: “Người ta muốn sự sống phong phú phụ thuộc vào một thứ quan niệm sống trừu tượng, vô vị. Người ta bắt văn nghệ lệ thuộc vào một thứ khái niệm văn nghệ không hồn, không cánh” (nhật ký 13-5-1960). Ôi, giá mà cha tôi được sống thêm mười năm nữa, không, chỉ cần năm năm thôi, để thấy tác giả Mạch nước ngầm đã không quỵ ngã sau tai nạn nghề nghiệp ấy, mà đã vững bước đi tiếp, đi xa hơn, với những Rừng xà nu, Đường chúng ta đi... từng được bạn đọc tán thưởng như những tác phẩm có hồn có cánh hay nhất thời chống Mỹ!
Cha tôi không có nhiều thời gian sống gần nhà văn Nguyên Ngọc, nhưng xem ra giữa hai người còn có nhiều cái chung khác. Hồi đầu hòa bình lập lại, Nguyên Ngọc viết Đất nước đứng lên. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn trẻ 23 tuổi tức thì lọt vào mắt xanh của những người có thẩm quyền, trong đó có cha tôi. Tác phẩm lập tức được xuất bản, không những thế, được tham gia Giải thưởng văn học 1954-55 và có khả năng được giải cao (giải nhất, như sau này sẽ công bố). Ngay khi sách chưa ra, cha tôi, với niềm vui và trách nhiệm của một người lãnh đạo văn nghệ, đã gửi biếu đồng chí Trường Chinh một bản. Niềm vui của ông chắc chắn đã được nhân lên gấp bội, khi ông nhận được phúc đáp viết tay của đồng chí ghi trên tờ danh thiếp có in hàng chữ “TRƯỜNG-CHINH Tổng bí thư Đảng lao động Việt-nam”:
Anh Tưởng,
Cảm ơn anh đã gửi cho quyển “Đất nước đứng lên”. Khi nào quyển này phát hành, mong anh gửi cho tôi một cuốn nữa.
Thiết nghĩ, chẳng cần phải thêm lời bình nào về vị thế của văn học thời kỳ hoàng kim ấy!
*
* *
Tháng 10-1990, Hà Nội kỷ niệm 36 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Cũng nhân dịp này, Hội Nhà văn và một số cơ quan văn hóa ở Thủ đô tổ chức lễ tưởng niệm cha tôi tại Cung Hữu nghị (bấy giờ mang tên Cung Văn hóa Việt Xô) với chủ đề “Nguyễn Huy Tưởng với Hà Nội”. Nhà văn Nguyên Ngọc lúc này đã phải thôi Tổng biên tập báo Văn nghệ, nhưng vẫn có chân trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt
Tôi thật cảm động khi thấy ông đến dự buổi lễ, không chỉ một mình mà cả với phu nhân. Hôm ấy là chủ nhật, ai nấy đều tranh thủ được ngày nghỉ ưu tiên cho những công việc quan trọng của mình. Thế mà cả hai vợ chồng ông cùng đến dự, chúng tôi không cảm động sao được. Tuy vậy, ông không nhận ngồi vào bất cứ vị trí danh nghĩa nào, cũng không lên phát biểu. Trong khi Giáo sư Phong Lê thì đến bất ngờ với một tham luận cũng khá bất ngờ, đầy tính đổi mới: “Nguyễn Huy Tưởng với hôm nay”.
Gần hai năm sau, Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt
Sự trân trọng của nhà văn thì đã rõ, nhưng còn cái sự “hợp”, sự “đồng cảm” thì sao đây? Vì dẫu sao, tổ chức hội thảo, dù là hội thảo khoa học, cũng cần cái tình người trong đó lắm chứ!
Trong suốt quá trình chuẩn bị cho hội thảo, tôi hoàn toàn không biết thêm gì về ông. Nếu như về phía Ban tổ chức có yêu cầu gì đối với gia đình thì đều qua Giáo sư Phong Lê, như yêu cầu gia đình có tham luận chẳng hạn, hay yêu cầu mẹ tôi hôm hội thảo nhất định thế nào cũng đến dự để Ban tổ chức tặng hoa... Rồi sát đến ngày hội thảo, ban tổ chức có nhã ý về thăm quê cha tôi, ở làng Dục Tú thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng có đi, nhưng ông thường chỉ ngồi nghe mọi người phát biểu, trong cuộc giao lưu với chính quyền địa phương cũng vậy mà khi về ngôi nhà ở quê nhà văn cũng vậy. Ông luôn mỉm cười, từ tốn trong mọi sự, từ điệu bộ, cử chỉ đến lối nói. Mỗi khi nói, thi thoảng thôi, bao giờ ông cũng nói bằng một giọng trầm, ấm, như có tiếng rung bên trong đầy âm hưởng. Tiếng nói ấy, tôi có cảm giác làm ấm lên không khí tĩnh mịch trong khuôn viên ngôi nhà thâm nghiêm từ nhiều đời của dòng họ chúng tôi...
Rồi đến hôm hội thảo. Đương nhiên, với tư cách vị đồng chủ tọa, đại diện cho Hội Nhà văn Việt
Với hơn bốn chục tham luận gửi đến hội thảo, với một phần ba trong số đó được trình bày “ngay tại trận”, cuộc hội thảo có thể nói đã thành công tốt đẹp. Chất lượng của nhiều tham luận đủ dư để hợp thành một cuốn sách: Nguyễn Huy Tưởng một sự nghiệp chưa kết thúc, như sau đó sẽ thành tên. Đương nhiên, bài tổng kết của nhà văn Nguyên Ngọc được nhóm biên soạn (do Giáo sư Phong Lê chủ biên, Tiến sĩ Mai Hương và tôi biên tập) dành cho một vị trí trang trọng. Mọi cái đã sẵn sàng, chỉ còn đợi ông viết ra thôi.
Một tháng, hai tháng, rồi nhiều ngày nữa trôi qua, vẫn không thấy nhà văn “nộp quyển”. Hỏi, lần thì ông bảo đang viết, lần thì chưa xong (nhưng không lần nào là “sắp xong”). Tôi và chị Mai Hương rất lấy làm ngạc nhiên, thậm chí còn nghĩ đến việc hay là hai chị em nghe băng rồi chép lại, ông chỉ việc xem lại là xong. Nhưng không, nhà văn cứ nhất định bảo chờ. Cho đến một ngày, chúng tôi rồi cũng nhận được bản thảo của ông. Bài viết có tiêu đề: “Nguyễn Huy Tưởng và quan niệm Kẻ Sỹ”.
Chuyện là ở cái tiêu đề này! Vấn đề Vũ Như Tô xả thân vì nghệ thuật, vấn đề người trí thức Trần Văn quyết định dấn thân bảo vệ Thủ đô sau bao đắn đo trước thời cuộc, vấn đề cha tôi luôn băn khoăn trăn trở trước sứ mệnh cầm bút của mình..., những vấn đề ấy các vị Phong Lê, Văn Tâm, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Vinh Phúc, Ngô Thảo... đều đã chỉ ra trong tham luận của họ, đề cập đến ở nhiều cấp độ sâu rộng khác nhau, và ông, nhà văn Nguyên Ngọc cũng đã đúc kết trong lời tổng kết của mình. Nhưng tựu trung, đó là cái gì? Phải đến khi ông gọi được ra nó với đúng cái tên cần phải có: vấn đề kẻ sỹ theo quan niệm của Nguyễn Huy Tưởng, bài viết mới được khai thông!
*
* *
Tháng 3-2008, tôi gặp lại ông ở Hội chợ Sách Thành phố Hồ Chí Minh. Ông vào dự Hội thảo “Người Việt có mê đọc sách” do trang web “SachHay.com” tổ chức. Khỏi cần phải nói, ông là một trong những sáng lập viên và là linh hồn của trang web này. (Ai mà chả biết nhà văn Nguyên Ngọc tha thiết với văn hóa đọc như thế nào. Riêng tôi, công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng, từng được ông nhiều lần cho sách mỗi khi đi nước ngoài về; ông đi đâu, thấy sách gì hay, bổ ích mà ở nhà không có, thường tự bỏ tiền riêng mua, về tặng “miễn phí” cho các nhà xuất bản để mà tham khảo, học hỏi.) Cũng tại hội thảo, bộ tuyển tập Nguyên Ngọc tác phẩm của ông được ra mắt bạn đọc, gồm ba tập, tổng cộng 2100 trang in. Có hơi muộn so với nhiều nhà văn khác, tôi nghĩ. Có người thuộc thế hệ ông, thậm chí sau ông, đã ra tuyển tập, toàn tập từ bao giờ rồi ấy chứ! Nhưng cứ nghĩ cái cách ông làm với bài về cha tôi Nguyễn Huy Tưởng và quan niệm Kẻ Sỹ , mất đến hàng tháng giời để chuyển từ bài văn nói sang văn viết, tôi càng thấy trân trọng bộ sách của ông. Để hoàn tất 2100 trang in ấy, chắc chắn ông đã rà đi soát lại từng trang, từng chữ trong các tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, tác phẩm dịch... của mình.
Gặp lại ông, chúng tôi cũng chẳng nói gì nhiều ông vốn ít nói, tôi thì chẳng biết nói gì, đến sách ông mới ra cũng cảm thấy khó nói lời chúc mừng ông. Nhưng tôi thật sự vui được gặp ông, người mình thường vẫn đọc hơn là thấy. Sau hàng loạt bài viết của ông về Tây Nguyên người Tây Nguyên và rừng Tây Nguyên giờ đây tôi đặc biệt quan tâm đến loạt bài ông viết về tri thức và giáo dục. Đó là những kiến giải không bao giờ dài dòng, nhưng đặt ra rất nhiều vấn đề khiến người đọc phải suy nghĩ về thực trạng nền giáo dục nước nhà và vai trò của tri thức trong bối cảnh hiện nay những kiến giải đầy minh triết, tôi vẫn nghĩ. Và tôi cũng rất mừng (và cả tự hào nữa) khi nhận thấy ông có vẻ vui khi thấy tôi... Nhưng rồi một người quen của ông trông thấy đã tiến lại. Anh này khá trẻ, nhưng có lẽ là một người lão luyện nơi trường văn trận bút. Anh lập tức nói về bộ sách mới của nhà văn. Anh khen, anh nhận xét, và còn nói gì gì nữa mà tôi, người ngoài cuộc, cũng hiểu được rằng, anh muốn được tác giả tặng một bộ. Nhà văn hiểu ý liền. Ông nheo nheo mắt, cười cười, nói như đùa mà rất thật, vẫn bằng cái giọng trầm ấm đầy âm sắc: Thôi, mua đi, dễ kiếm ấy mà...
Ôi, cái việc đơn giản ấy, sao người ta không nghĩ ra nhỉ. Thú thực, tôi không dám nghĩ đến việc xin ông, nhưng nếu được ông cho một bộ sách thì cũng thích lắm chứ. Nhưng nay thì khác rồi. Tôi đã tự mua cho mình một bộ sách của ông. Và nhờ đó mới có được bài viết này về nhà văn Nguyên Ngọc.../.