Những dấu ấn thú vị của mỹ thuật Việt Nam - Trần Trung Sáng

25.08.2013

Những dấu ấn thú vị của mỹ thuật Việt Nam - Trần Trung Sáng

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đưa đất nước vào kỷ nguyên Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, đồng thời cũng là lúc mỹ thuật Việt Nam mở ra một trang sử mới sáng lạng, với nhiều dấu ấn thú vị. Đặc biệt, trong đó, ở lãnh vực Tranh cổ động và Tem thư có thể được xem là hai sự kiện hoàn toàn mới mẻ, với sự đóng góp của nhiều họa sĩ tài năng, để lại những di sản vô cùng quý giá đến tận hôm nay và mai sau.

   TRANH CỔ ĐỘNG VIỆT NAM

  Một đặc điểm đáng chú ý, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, giờ đây, hầu như giới mỹ thuật không cưỡng được sức cuốn hút vào thể loại vẽ tranh cổ động, đang trong khí thế bừng bừng nhằm biểu thị ý chí toàn dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Những tác phẩm này đã hướng mỹ thuật Việt Nam vào con đường mới, với nhân sinh quan cách mạng, dù trước đó, loại tranh cổ động cũng đã có mặt, song chỉ ở mức đơn giản cho quảng cáo thương mại. Có thể dẫn chứng điển hình, đó là Trần Văn Cẩn với bức "Nước Việt Nam của người Việt Nam" được căng trên toà nhà Địa ốc ngân hàng (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Hà Nội vùng đứng lên của Tô Ngọc Vân, cùng nhiều họa sĩ khác dựng hàng chục tranh cổ động quanh hồ Hoàn Kiếm... Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, vốn nổi tiếng với nhiều tranh lụa thể hiện cuộc sống bình dị của người nông dân Việt Nam, cũng tập trung dành nhiều thời gian vẽ tranh cổ động, tổ chức các phòng tranh tuyên truyền chống Pháp tại Hà Tĩnh.

   Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, từ năm 1948 nhân dịp đại hội văn hoá toàn quốc ở miền Bắc, một cuộc triển lãm hội hoạ lớn gồm các tác phẩm kháng chiến đã được tổ chức, điển hình là tác phẩm: Dân quân phù lưu (Nguyễn Tư Nghiêm), Gặt lúa (Mai Văn Hiển), Người du kích già (Phạm Văn Đôn)… đã phản ánh cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh với niềm lạc quan tất thắng. Năm 1951 lại tiếp tục diễn ra một cuộc triển lãm mỹ thuật với quy mô lớn. Năm 1952 tại Việt Bắc, trường Trung cấp mỹ thuật được thành lập do hoạ sĩ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng, đã đào tạo ra một thế hệ hoạ sĩ đầu tiên cho kháng chiến, những cuộc triển lãm lớn với nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị của họ như tác phẩm " Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Trung - Nam - Bắc” của hoạ sỹ Diệp Minh Châu -  bức tranh nổi tiếng mà tác giả vẽ bằng máu của chính mình trên lụa. Ngoài ra còn có tác phẩm " Du kích tập bắn " (Nguyễn Đỗ Cung), " Hành quân qua đèo " (Nguyễn Như Hậu)…đã cổ vũ lớn lao, động viên kịp thời quân dân xông lên diệt giặc, đồng thời mang giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử rất cao. Dù vậy, không thể không kể đến sức lan tỏa lớn lao của trào lưu tranh cổ động, từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám vẫn không ngớt kéo dài đến về sau, kể cả sau ngày đất nước thống nhất.  Trong đó, nhiều tác phẩm giá trị của thể loại này  luôn gắn liền với hình tượng Bác Hồ như: Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc của Vũ Viết Quang, Người ngồi đó với cây chì đỏ của Lai Thành, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân của Nguyễn Thụ - Huy Oánh…

   Nhìn lại suốt nhiều thập niên qua, phần lớn những bức tranh cổ động đã được họa sĩ Việt Nam thực hiện có kỹ thuật minh họa, đồ họa tổng hợp tốt, bởi đa số các họa sĩ còn đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy trong các trường nghệ thuật. Một số họa sĩ  từng được đào tạo học tập ở nước ngoài, họ đã nhanh chóng biến các nguồn cảm hứng từ thế giới bên ngoài và tạo ra nét độc đáo riêng của mình bằng sự tiếp cận mạnh mẽ, độc đáo, trực tiếp của nghệ thuật tuyên truyền cổ động.

    Theo nhận định của một nhà chuyên môn - thành viên thực hiện Bộ sưu tập Dogma (thư viện ảo trên mạng internet về tranh cổ động) :  “  Sử dụng ngôn ngữ hình ảnh mạnh mẽ, sắc màu rực rỡ thể hiện tính dân tộc, lòng yêu nước, tinh thần chủ nghĩa xã hội. Những bức tranh cổ động này quan trọng như tài liệu lịch sử và làm sáng tỏ tinh thần Việt Nam. Tranh cổ động cố gắng tham gia vào cảm xúc của người xem với mục đích thuyết phục có chủ định. Cảm xúc luôn được miêu tả trong thứ ánh sáng lý tưởng, nhằm mục đích truyền đạt đức tính hy sinh vì sự nghiệp. Các bức tranh cổ động hầu hết được vẽ trên giấy. Các tờ giấy này khác nhau rất nhiều về chất lượng và tính chất. Nét hấp dẫn với nhiều người trong số những tác phẩm này được tìm thấy ở mặt sau của bức tranh.
Do sự thiếu hụt nghiêm trọng về giấy ở nửa cuối thập niên 60. Những sinh viên trường mỹ thuật ở Hà Nội, ban đầu được thành lập bởi người Pháp như những người sáng lập ra nền hội họa Đông Dương vào năm 1925, sẵn sàng tặng các bức vẽ của họ để làm chất liệu vẽ các bức tranh cổ động, bằng cách đảo ngược đã vẽ”

   Cần lưu ý thêm, Bộ sưu tập Dogma thư viện ảo trên mạng internet nhằm giúp thúc đẩy và thường xuyên nâng cao nhận thức của chính phủ, người dân và cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam và vai trò quan trọng của nó trong những thập kỷ chiến tranh đã qua. Bộ sưu tập này với hơn một ngàn tranh cổ động được công nhận là bộ sưu tập lớn nhất về tranh cổ động ở Việt Nam, gồm các bức áp phích, cổ động được vẽ từ giai đoạn 1960-1974, trong những năm tháng chiến tranh giành độc lập. Một số tác phẩm ở thời kỳ tiếp theo, trong những năm xung đột với chế độ Polpot ở Campuchia, chiến tranh biên giới với Trung Quốc và thời kỳ hòa bình xây dựng xã hội chủ nghĩa.

TEM THƯ VIỆT NAM

      Bên cạnh trào lưu mỹ thuật, phản ảnh khí thế hồ hởi của quân và dân trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, một hoạt động song hành cùng với tranh cổ động, ký họa…không thể không nhắc đến trong một sự kiện trọng đại, đó là: sự ra đời tem Việt Nam. Nhà sưu tập Gérard Chapuis (một bác sĩ người Pháp gốc Việt đang sinh sống tại Marseille, Pháp) – người đang lưu giữ khá đầy đủ tài liệu bưu hoa về Việt Nam qua các thời kỳ và là  tác giả tập sách có tựa đề Vietnam Essai d’ Étude de la Taxe Anticapitaliste ou Frais Terminaux(Avril 1983 à Mai 1991)/Thuế chống tư bản, được in bởi COLFRA (Câu lạc bộ khảo cứu về BƯU HOA(Philately/Tem) cho biết:

     “ Ngày 2/9/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, vì chưa kịp phát hành tem mới nên đã lấy một số tem Đông Dương cũ in đè lên mặt tem các dòng chữ: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”, “Bưu chính”, “Quốc phòng”, “Cứu đói”, “Dân sinh”… để tạm thời sử dụng trên mạng bưu chính. Vào thời điểm ấy, tổng cộng có 13 tiêu đề khác nhau được in đè lên 53 mẫu tem Đông Dương tạo thành 62 mẫu tem Việt Nam. Đến ngày 2/9/1946, Bưu điện Việt Nammới chính thức phát hành bộ tem đầu tiên mang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ tem đầu tiên này do họa sĩ Nguyễn Sáng thiết kế, có một mẫu vẽ hình chân dung Bác Hồ in thành 5 tem với 5 màu sắc và giá mặt khác nhau, trong đó 2 tem có phụ thu cứu quốc.  
Trên tem có in tiêu đề “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, việc phát hành bộ tem đầu tiên này đánh dấu một mốc quan trọng trên con đường phát triển của tem Bưu chính ViệtNam”.

    Cũng theo ông Gérard Chapuis: ‘Từ đó đến nay, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn xuất hiện trong một số bộ tem, mẫu tem bưu chính ở các đề tài khác như: "Kỷ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 1970)"; "Kỷ niệm lần thứ 60 Cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại"; "Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 1980)";" Kỷ niệm những ngày lịch sử; Việt Nam với Thế kỷ XX"…Tuy nhiên, có thể nói bộ tem “Kỷ  niệm lần thứ nhất Cách mạng tháng Tám (19/8/1945) và Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945)” do cố họa sĩ Nguyễn Sáng thiết kế, phát hành ngày 2/9/1946 là một bộ tem độc đáo nhất. Bởi lẽ, bộ tem này không những là bộ tem đầu tiên chính thức mang quốc hiệu “Việt Nam” mà còn là bộ tem bưu chính đầu tiên do chúng ta tự thiết kế, in ấn và phát hành, mở đầu thời kỳ mới - thời kỳ trực tiếp tổ chức thiết kế và sản xuất các mẫu tem bưu chính”.

    Ông Gérard tiết lộ, 2 bì thơ có dán tem Nguyễn Sáng trong bộ sưu tập của ông đã có người sẵn sàng mua với giá hơn 100 triệu đồng.  Hình ảnh được chọn trong bộ tem đầu tiên là Hồ Chủ tịch, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi thực hiện vẽ mẫu tem đầu tiên này,  hoạ sĩ Nguyễn Sáng, mới 23 tuổi, quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang.  Trước đó, ông là một sinh viên mỹ thuật giỏi, tốt nghiệp hệ trung cấp Trường Mỹ thuật Gia Định và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (trước năm 1945), đã từng vẽ tranh tuyên truyền, cổ động cho cách mạng, vẽ giấy bạc Việt Nam. Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Nguyễn Sáng vẽ đúng yêu cầu tem thư: chi tiết, đặc trưng và chính xác cao, đúng chất đồ hoạ, phù hợp với điều kiện in khó khăn, thiếu thốn của những ngày đầu dựng nước.

    Về sau này, qua các thời kỳ, nhiều họa sĩ tài danh cũng  đã khắc họa hình tượng Bác rất thành công trên những cánh tem.  Chẳng hạn, các hoạ sĩ Bùi Trang Chước, Trịnh Quốc Thụ, Trần Huy Khánh, Nguyễn Thế Vinh…đều đem lại những mẫu tem đẹp, độc đáo, cũng như phong phú về số lượng sáng tác khi thể hiện chủ đề về Người. Song, theo ông  Gérard Chapuis, trong bộ sưu tập Tranh tem ViệtNam, ông vẫn quý nhất những con tem đầu tiên do họa sĩ Nguyễn Sáng thể hiện.

 

T.T.S