Mối quan hệ giữa lý luận văn học với sáng tác văn chương ở Nhật Bản
LTS: Cách đây ít lâu, Giáo sư Văn học Mitsuyoshi Numano đến từ Trường Đại học Tokyo đã có một buổi tọa đàm về Văn học Nhật Bản tại Hội Nhà văn Đà Nẵng. Trong buổi nói chuyện văn chương đầy ấn tượng của mình, Giáo sư Mitsuyoshi Numano đã dành nhiều thời gian để thảo luận với cử tọa. Thạc sĩ Bùi Văn Tiếng, hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng đã nêu ba câu hỏi và được Giáo sư Mitsuyoshi Numano trực tiếp trả lời. Tạp chí Non Nước xin giới thiệu với bạn đọc nội dung trao đổi giữa Giáo sư Mitsuyoshi Numano và Thạc sĩ Bùi Văn Tiếng.
Bùi Văn Tiếng:
Tôi xin bắt đầu bằng một con số: trong danh mục 46 tác phẩm văn học Nhật Bản đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam có 6 tác phẩm được in ở Nhà xuất bản Đà Nẵng. Điều này chứng tỏ cùng với một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành một đầu mối giao lưu văn học Việt Nam/Nhật Bản. Thậm chí với ưu thế là nơi từng diễn ra giao lưu Việt/Nhật sớm (từ thời Đà Nẵng còn là tiền cảng của Hội An) và trong xu hướng tăng cường quan hệ Việt/Nhật, Đà Nẵng/Nhật Bản hiện nay, rất có thể Đà Nẵng là đầu mối quan trọng nhất trong cuộc giao lưu này.Trong khuôn khổ cuộc tọa đàm chiều nay, tôi xin được hỏi Giáo sư (GS) Mitsuyoshi Numano một số câu hỏi liên quan tới lĩnh vực lao động nhà văn của tôi: [1] Xin GS. cho biết ở Nhật Bản, mối quan hệ giữa lý luận văn học với sáng tác văn chương như thế nào? Lý luận văn học tác động như thế nào đến các nhà văn Nhật trong quá trình lao động nghệ thuật? [2] Xin GS. cho biết mối quan hệ giữa phê bình văn học với sáng tác văn chương ở Nhật như thế nào? Ở Việt Nam, có một thời phê bình văn học được xem là cây roi để quất cho con ngựa sáng tác văn chương lồng lên, xin hỏi ở Nhật đã từng có một quan niệm tương tự hay không? [3] Xin GS. cho biết mối quan hệ giữa văn học và chính trị trong văn học Nhật?
GS. Mitsuyoshi Numano:
[1] Câu hỏi về mối quan hệ giữa lý luận văn học với sáng tác văn chương là một câu hỏi rất quan trọng. Thế kỷ XX có rất nhiều trường phái/trào lưu lý luận văn học nước ngoài kể cả lý luận văn học Marxisme và tất cả đều được giới thiệu ở Nhật và có vai trò quan trọng trong đời sống văn học Nhật. Nào là chủ nghĩa hình thức Nga, nào là trường phái phân tâm học, nào là chủ nghĩa cấu trúc và tái cấu trúc… nói chung tác phẩm của các nhà lý luận văn học người Pháp, người Đức… đã được dịch sang tiếng Nhật và được giới thiệu rộng rãi ở Nhật. Tuy nhiên có một vấn đề cần được nhìn nhận thẳng thắn là đa phần những tác phẩm lý luận văn học nước ngoài được giới thiệu ở Nhật là từ phương Tây, thường do giới nghiên cứu văn học chuyên sâu chuyển ngữ và thực tế cũng chỉ chủ yếu được giới này tiếp nhận, còn đối với người sáng tác văn chương Nhật thì tình hình có khác: tuy một số nhà văn cũng quan tâm tiếp thu những quan niệm lý luận văn học phương Tây và có vận dụng vào quá trình sáng tác nhưng số đông nhà văn thì không quan tâm đến chuyện này, xem đó là việc riêng của các nhà lý luận. Trong khi đó đội ngũ các nhà lý luận văn học Nhật Bản thì chưa tự đề xướng được những trào lưu/trường phái lý luận văn học mới mang tính bản địa. Thực tế này dẫn tới phần đông những người nghiên cứu văn học Nhật Bản thường không quan tâm lắm đến lý luận văn học (phương Tây), chủ yếu tác nghiệp theo quan điểm truyền thống, coi trọng thực chứng - tức là dựa vào văn bản để nghiên cứu.
[2] Về mối quan hệ giữa phê bình văn học với sáng tác văn chương thì bản thân tôi cũng là một nhà phê bình nên có thể trao đổi nhiều hơn. Khoảng 20 - 30 năm trước đây, Nhật Bản có những nhà phê bình văn học rất có uy tín, có ảnh hưởng lớn đối với dư luận, những tác phẩm văn chương chất lượng thấp thường bị họ phê phán gay gắt. Tuy nhiên gần đây ở Nhật không thấy xuất hiện những nhà phê bình văn học tầm cỡ như vậy, rất hiếm nhà phê bình văn học được các nhà văn tâm phục khẩu phục. Công việc của nhà phê bình văn học không phải lúc nào cũng ngợi khen, cũng có lúc phải chê những chỗ chưa được/chưa tới, kể cả với những tác phẩm lớn. Ông Tiếng có nhắc tới cái roi. Ở Nhật phần đông các nhà văn đều không muốn xem phê bình văn học là cái roi dẫu các nhà phê bình cũng thường nghĩ mình là cái roi. Tôi nhớ Sekhop có một truyện ngắn trong đó nhân vật nữ hỏi một nhân vật khác là nhà văn rằng cảm giác của anh ta khi tác phẩm bị phê bình, nhà văn trả lời hễ được khen thì sướng còn bị chê thì bực bội ba bốn ngày liền. Gần đây ở Nhật có nhiều tranh cãi về quan hệ giữa nhà văn và nhà phê bình. Nhà phê bình chê bai các nhà văn - điều đó đã đành - mà nhà văn cũng chỉ trích các nhà phê bình, cho rằng các nhà phê bình không có tài viết văn nên mới đi làm phê bình, mà đã không sáng tác nổi thì phê bình thế nào được. Có thể nói ở Nhật, vị thế của nhà phê bình và nhà văn là bình đẳng. Tôi nghĩ vị thế của các nhà phê bình văn học ViệtNam cũng tương tự như vậy. Tất nhiên ở các nước mà ý thức hệ được đề cao thì các nhà phê bình dựa vào ý thức hệ vẫn có thẩm quyền nhất định. Như đã nói trên, hiện nay ở Nhật không còn những nhà phê bình có tầm cỡ nhưng việc nghiên cứu văn học ở các trường đại học Nhật đang rất phát triển, do vậy vẫn có chỗ cho các nhà phê bình.
[3] Về mối quan hệ giữa văn học và chính trị trong văn học Nhật, tôi xin được nói rằng ở một nước như Nhật Bản, các nhà văn sáng tác khá đa dạng về nội dung, thậm chí mỗi người một vẻ, và tuy không nhiều nhưng cũng có những nhà văn chuyên viết về đề tài chính trị, đưa nội dung chính trị vào tác phẩm của mình. Chẳng hạn có thể kể tới Oe Kenzaburo hồi trẻ đã viết về các chủ đề nhạy cảm như Hiroshimahay Okinawa… Tuy nhiên cũng phải thừa nhận tác phẩm của các nhà văn Nhật Bản đương đại rất ít tính chất chính trị - xã hội, chủ yếu họ chỉ miêu tả cái thế giới hạn hẹp chung quanh bản thân mình, ví dụ như tình yêu lứa đôi, tình bạn… Tôi còn hiểu câu hỏi của ông Tiếng theo một nghĩa khác nữa là mối quan hệ giữa các chính trị gia với các nhà văn, ảnh hưởng của chính trị gia tới sáng tác văn học. Ở Nhật không có loại ảnh hưởng này. Ở Nhật chính trị và văn chương là hai thế giới tương đối riêng biệt. Chính trị gia Nhật nhìn chung ít am hiểu văn học, từ đó cũng ít đọc tác phẩm văn học. Nước Nhật vốn tự do ngôn luận nên các nhà văn có thể viết bất cứ điều gì họ thích, kể cả về đề tài ca ngợi chủ nghĩa cộng sản hay chống Mỹ/phản Mỹ… thậm chí có thể công kích cá nhân chính trị gia. Xin nói thêm là câu trả lời của tôi không có ý động chạm tới lĩnh vực nhạy cảm của ViệtNam mà chỉ muốn được trao đổi trên góc độ học thuật về vấn đề quan hệ giữa văn học và chính trị.
Bùi Văn Tiếng:
Xin cảm ơn GS. Mitsuyoshi Numano.