Đọc “Người tình trong những ca khúc” của Trương Văn Khoa - Mai Hữu Phước

25.08.2013

 Đọc “Người tình trong những ca khúc” của Trương Văn Khoa - Mai Hữu Phước

Người tình trong những ca khúc (Nxb Hội Nhà Văn - 6/2013) của Trương Văn Khoa là một tập tiểu luận xoay quanh chủ đề “bóng hồng” trong những bài hát về tình yêu đã vượt qua được sự thử thách khắc nghiệt và thậm chí khốc liệt của thời gian và thời đại, rộn ràng chạm ngõ trái tim dạt dào yêu thương của mọi người.

            Trong thời gian gần đây, bạn đọc để ý đến bút danh Văn Khoa trên các báo và tạp chí qua hàng loạt bài viết phân tích sắc sảo về kinh tế và ngân hàng bởi đây là nghề của Khoa. Anh hiện đang công tác ở một ngân hàng thương mại tại thành phố Đà Nẵng. Từ sự để ý này, nhiều người đi từ ngạc nhiên đến thú vị khi bắt gặp những bài viết của Khoa về lĩnh vực âm nhạc. Với Trương Văn Khoa: “Âm nhạc làm cho người ta nhớ về những cuộc tình, cho dù hạnh phúc hoặc đớn đau, tình yêu ấy vẫn mãi là của riêng nhau.”

            Hiếm ai đã chẳng từng có trong tim một gót hồng và những gót hồng. Có lẽ, từ những gót hồng thổn thức trong tim mình, Trương Văn Khoa tìm thấy sự đồng điệu trong những bản tình ca bất hủ. Hẳn là mê đắm lắm, Khoa mới bỏ ra nhiều công sức để sưu tầm tư liệu, đọc, nghiền ngẫm rồi viết. Trong từng bài viết của mình, anh hứng khởi như một người kể chuyện cổ tích, kể lại những điều anh biết một cách súc tích về bối cảnh ra đời của từng bài hát, qua đó chia sẻ cảm xúc của riêng anh về những tuyệt phẩm này. Cái tài của Trương Văn Khoa là cách chọn lựa sự kiện, tạo ra sự liên kết và chuyển mạch trong từng câu chuyện kể. Chính điều này đã cuốn hút người đọc đi từ đầu bài đến cuối bài và đi từ đầu tập sách đến cuối tập sách với một sự khoan khoái như người khát vừa được uống xong một cốc nước mát lạnh đến mê người.

            14 bài viết chính trong tập sách dày 220 trang, với các lời giới thiệu, lời tác giả và những lời bạt, Trương Văn Khoa dường như tái hiện cuộc đời, cuộc tình của những con người âm nhạc tài hoa, góp phần làm rạng rỡ nền âm nhạc Việt và tâm hồn Việt như La Hối (Xuân và tuổi trẻ), Đoàn Chuẩn (Lá đổ muôn chiều), Lê Trọng Nguyễn (Nắng chiều), Hoàng Dương (Hướng về Hà Nội), Phạm Đình Chương (Nửa hồn thương đau), Vũ Đức Sao Biển (Thu, hát cho người), Lê Uyên Phương (Dạ khúc cho tình nhân), Từ Công Phụng (Mắt lệ cho người), Ngô Thụy Miên (Riêng một góc trời)… Bên cạnh đó là những mối tình cảm động của các tác giả rạng danh trong nền thi ca Việt thời hiện đại như Hữu Loan với Màu tím hoa sim, Phạm Thiên Thư với Ngày xưa Hoàng Thị, Nguyên Sa với Áo lụa Hà Đông... Chuyện tình của họ thăng hoa thành những giai điệu lung linh trong trái tim mọi người.

            “Nửa hồn thương đau và bi kịch của một gia đình” gây xúc động và cuốn hút với chuyện tình của nhạc sĩ tài hoa Phạm Đình Chương và “bóng hồng” ca sĩ “ngọn núi lửa” Khánh Ngọc. Nhờ đó, hiểu hơn về sự ra đời và tan rã của một băng nhạc đình đám của những năm 1950 là Ban hợp ca Thăng Long. Ban nhạc này gắn liền với gia định họ Phạm nổi tiếng, với những con người tài hoa làm say đắm hàng triệu trái tim như Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Thái Hằng, Thái Thanh, Khánh Ngọc.

            “Lê Uyên Phương - Thời vang bóng” viết về đôi song ca với các nghệ danh Lê Uyên và Phương nổi danh của những năm đầu thập niên 70. Họ được xem như là  luồng gió mới trong nền tân nhạc Việt còn xạc xào mãi cho đến bây giờ. Đâu chỉ có ánh hào quang của sân khấu và sự réo rắc của những âm thanh dịu ngọt, chuyện tình của Lê Uyên và Phương còn là một mối tình rất đẹp vượt qua được định kiến của gia đình và sự tật nguyền của một thân thể đang bị giày vò từng giây, từng phút. Và rồi, mặc cho sự tan vỡ của hôn nhân, những giờ phút lâm chung của người này là nỗi đau, là mất mát vô bờ bến của người kia khiến cho lòng người chia sẻ trong niềm cảm thông và cảm động.

            Nhân vật Thu trong Thu, hát cho người có vẻ như gần gũi với chúng ta hơn khi Trương Văn Khoa bộc lộ: “Hồ Thị Thu bây giờ đã ngoài 60 và trở thành một bà chủ tiệm bán hàng trang trí nội thất ở thị trấn Hà Lam. Mỗi lần về lại Thăng Bình, lên những đồi sim bạt ngàn ở miền trung du (Bình Định, Bình Trị…) tôi lại khe khẽ hát trong hoài niệm, trong nỗi nhớ về những tháng ngày xưa cũ.”. Người đẹp tên Thu mộng mơ xa xăm và đơn phương của Vũ Đức Sao Biển, cứ như là Thu của riêng Khoa thời trung học trong những lần ghé quán cà phê Thu tại thị trấn Hà Lam (Thăng Bình, Quảng Nam) để thưởng thức cà phê ngon được pha từ một đôi bàn tay khéo léo, chuyện trò cùng cô chủ quán và nhìn trộm đôi mắt đượm buồn, xa xăm của một nhân vật đi vào bản tình ca say đắm lòng người: “Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người/ Biệt ly nào không buồn phiền trên dấu môi…”

            Người tình trong những ca khúc của Trương Văn Khoa giúp hiểu rõ hơn, nhiều hơn về cuộc đời, tài năng, thân phận, tình yêu, quả ngọt và trái đắng của các nhạc sĩ tài danh mà ít ra ai cũng thuộc của họ một vài câu. Theo cách nói của Đoàn Chuẩn: “Rồi những người tình sẽ ra đi. Rồi nhạc sĩ sẽ ra đi. Chỉ còn tác phẩm ở lại.”. Tác phẩm ở lại trong lòng người hát, người nghe với sự hiểu biết về những khía cạnh liên quan hẳn luôn là điều thú vị, tò mò và hấp dẫn với mọi người. Đó chính là sự mong mỏi của Trương Văn Khoa khi cầm bút viết ra để chia sẻ. Được vậy thật là điều hạnh phúc và may mắn.

            Điều góp ý với Trương Văn Khoa một cách chân thành là anh hơi “tham lam” khi đưa vào tập sách này các bài viết “Ly rươu mừng”, “Jinggle Bells - Khúc ca bất hủ mùa Giáng sinh”, “Happy New Year và huyền thoại ABBA”, vì những bài viết này không xoay quanh chủ đề “bóng hồng”. Điều đó làm cho người đọc đang “ngon” với các bóng hồng chợt thấy hụt hẫng, lan man..., mặc dù đây là những bài viết tốt.

            Khi nói đến các bài viết về âm nhạc của Trương Văn Khoa nhà thơ Nguyễn Minh Hùng cho rằng: “ Trương Văn Khoa như người đệm đàn ngẫu hứng, đầy cảm xúc cho một bài hát vang lên tình cờ. Anh chơi đúng kỹ thuật đến cỡ nào không phải là điều quan trọng lắm. Điều đáng nói là anh đang chơi vô tư và mê say.”. Đúng là Khoa đang rất vô tư và rất say mê khi tìm kiếm, khám phá và viết về những tình yêu đã trở nên bất tử.

 

                                                                                    M.H.P