Cây thị chi xứ - Truyện ngắn Tiêu Đình

25.08.2013

  Cây thị chi xứ -  Truyện ngắn Tiêu Đình

Nghe mấy cụ già trong xóm mỗi lần cúng thường bắt đầu vái “Cây Thị chi xứ” rồi mới đến Xã, Huyện…, lớp trẻ cứ thắc mắc: “Cây thị nào hả, xóm mình làm gì có cây thị?”. Chúng không biết cũng phải, cây thị đối với người dân xóm Mới bây giờ chỉ còn là cổ tích. Lúc đầu nghe kể thân cây ba bốn người ôm chưa hết, rễ bò ngoằn ngoèo trên mặt đất như những con rắn khổng lồ, cành lá tỏa ra che kín cả một sào đất…thì dẫu chẳng rõ thực hư thế nào chúng cũng thấy thích. Thêm chi tiết trên ngọn văng vẳng tiếng hát ru con mỗi đêm khuya hay trưa vắng, dưới gốc có cái bộng một người ngồi vừa lọt, khói hương nghi ngút vào các ngày rằm, mồng một, bên cạnh là ngổn ngang những bình vôi, ông táo cũ… thì cây thị không trở thành không gian cổ tích sao được. Vậy mà riết rồi cũng chẳng ai còn nhớ, còn hỏi, còn kể về cây thị thời nào, ngoại trừ ông Ni và ông Năng, hai người lớn tuổi nhất còn lại trong xóm.

Không biết từ hồi nào, do ai, xóm Cây Thị bị xẻ làm hai mảnh: xóm Mới và xóm Lò Rèn. Ranh giới giữa hai xóm là một rẻo đất bị lãng quên của trời và không có văn tự quy định. Xóm Lò Rèn là di tích nghề truyền thống  còn thoi thóp cho đến ngày hiện đại hóa nông thôn. Khi phong trào khôi phục các làng nghề truyền thống rộ lên những năm đầu thế kỷ 21, sáu hộ còn lại trên tổng số hơn mười hộ xưa kia sống bằng nghề rèn được mời về họp trên xã. Đại biểu huyện phát biểu động viên và hứa sẽ giúp đỡ cho xóm phát triển nghề rèn lên thành một thương hiệu đường hoàng. Ông Hiệu hôm ấy có chút men vào đã mạnh miệng hỏi: “Phát triển thì được rồi, dân trong xóm ai cũng muốn, nhưng phát triển ra rồi đổ đi đâu? Hàng công nghiệp bán đầy dẫy ngoài chợ, rẻ như cho mà còn để rét cả đống”. Là hỏi vậy nhưng nghe nói có nhà nước đầu tư, ông Hiệu cũng về sai vợ con lục đục kiểm tra lại đe, búa, ve, ống bể… đã bị lãng quên, rồi dựng một cái lò bằng ngói hẳn hoi, xắn tay quyết “lấy lại những gì đã mất”. Năm sau, lại thấy cái lò rèn của ông hẩm hiu như cơm nguội, vắng hoe tiếng đe búa suốt ngày “cùng cực, cùng cực”. Ông nói, để cho hai đứa con nó học. Bắt chúng phụ suốt ngày tội nghiệp. Thợ bạn bây giờ kiếm không ra, trai tráng khỏe mạnh đi làm ăn xa hết rồi, vô ra cũng hai vợ chồng già này thì rèn với thổi gì.

Ngược với đó, xóm Mới lại phát triển tốc độ. Khi ông đội trưởng Huệ tự vượt cơ chế bằng cách cho phép một người thân của mình làm nhà trên đất ruộng thì dân trong xóm bắt đầu hùa nhau nộp đơn xin tách hộ. Ai cũng muốn xin một cái nền nhà ở khu ruộng cạn ăn thông ra với tỉnh lộ. Thời đại  mặt tiền mà! Lại còn nghe đồn rằng trước sau gì khu đất mới này cũng được quy hoạch thành thị tứ sầm uất. Người xóm khác nghe hơi bất động sản ùn ùn vọt giá cũng tranh thủ về đây mua đất. Ông Ni phản đối: “Đất teo người nở kiểu ni thì lấy đâu ra đất mà sống”. Ông nói thì mặc ông nói, đất vẫn teo người vẫn nở, xóm Mới vẫn nhanh chóng phát triển thòng ra ruộng như một cái bọng tốt mứt của tổ ong ruồi. Và chính ông Ni rồi cũng bị thằng con trai chạy vật liệu xây dựng kéo ra xóm Mới nằm giữ nhà, trông cháu.

                                         *     *     *

  Xóm Mới, từ tỉnh lộ nhìn qua một cánh đồng hẹp thấy đúng là một xóm quê hiện đại. Đỏ tươi mái ngói lớn nhỏ, cao thấp san sát gối nhau. Những hàng cau mới trồng điểm xuyết màu xanh yên bình. Con đường bê-tông rộng 3m kiêu hãnh rẽ từ tỉnh lộ đâm thẳng vào xóm như phân lưu của một dòng chảy kinh tế thị trường hứa hẹn nhiều biến động. Nhà nào cũng láng sân xi-măng, xây tường rào kiên cố như muốn tuyên bố rằng đời sống cộng đồng đã đến hồi phân rã nhỏ, mỗi gia đình là một tế bào độc lập. Đến con chó con gà cũng hết đường chui qua nhà hàng xóm để tìm bạn. Nhưng với ai chứ với ông Ni - con sâu đang nằm trong ruột của trái ngọt ấy - thì những đổi thay đó chẳng hợp tình hợp lý chút nào. Thằng con suốt ngày cứ dặn ông là phải chú ý đóng cổng, không được lơ là mất cảnh giác, kẻ trộm vừa mới lấy cái di-động của thằng Huy, bắt con gà mái của mụ Thủy…. Lúc nào cũng phải cảnh giác, cảnh giác. Nó đâu biết rằng chín bước đời người, ông đã quen với cảnh sống chân đất quần đùi, cổng cửa không cần đóng, hàng rào bằng cây lá như một ranh giới giỡn đùa cho vui. Bây giờ, một bước còn lại bảo phải thay đổi thì thay đổi sao đây?

 Tiếng xe “bạch bạch” nổ máy hết cỡ lớn, phụt khói phủ đen ngòm đám rau dền đỏ. Ai đó hét lớn: “Vô chi sâu quá cho không đường ra!”. Một đám thợ nề cởi trần, lưng láng mướt mồ hôi, nằm ngồi nghiêng ngã cùng đám vỏ chai. Nhà bên cạnh mở chát chúa điệu tăng-gô ngứa chân. Mụ Hợi bình thản tưới rau. Con Tư ung dung đong mắm cho khách hàng. Hai chú chó con đùa nhau sấp ngửa trên nền gạch. Ông Ni nằm một mình, tay gác lên trán, chân tréo qua chân. Tất cả hình như không có mối liên hệ nào với nhau, kể cả với một lão làng như ông Ni. 

Mỗi lần chán cái cảnh luẩn quẩn nằm-ngồi với những âm vang xa lạ, ông Ni lại thích dạo lên gác ngồi ngắm cánh đồng lúa đang ngậm đòng quá nửa. Cảm giác bế tắc và bất an dịu đi phần nào. Chiều thoảng gió, thoảng hương lúa đòng, gợi nhớ trong ông cái thời đặt lờ, bắt chấu, thả diều, tát ao … trên chính nơi ông đang ngồi. Chỗ này là đám Đá của cả Thê nè, nơi quy tụ trẻ em trong xóm sau mỗi vụ thâu hoạch lúa cuối xuân. Chờ nước trời hơn ba tháng nắng, đất nứt nẻ, những gốc rạ khô trắng đã bị lũ trẻ dẫm đạp rách bươm trước khi được cày ải. Chỗ kia là đám Vũng của xã Tựu nè, mỗi lần xã Tựu tát cái ao ở góc đám Vũng là y như cả xóm vào hội. Dù không được chia phần, chịu khó lấm đầu một chút, mỗi người vẫn có thể bắt hôi được mấy con cá rô, cá tràu, mừng rơn. Nằm gọn trong khu vườn nhà thằng Tỵ bây giờ chính là đám Má của nhà ông Điểu, nơi mà hồi nhỏ ông Ni và đám bạn hay chơi trò đánh đồn cướp cờ vào những đêm trăng sáng. Đồn là một vòng tròn méo, kẻ vội trên đất bằng ngón chân cái mốc thếch. Cờ là tàu lá chuối cắm thẳng đứng, ướt ánh trăng loáng bạc. Chơi đánh đồn xong chỉ cần nhảy ùm xuống sông Ly Ly, kỳ cọ qua loa là về ngủ một giấc ngon lành.

Bà Lý, vợ ông Ni, miệng cú gà, tay vãi lúa mà mắt vẫn nhìn ra con đường bê-tông nối trung tâm xóm Lò Rèn với trung tâm xóm Mới. Đường chỉ hơn nửa cây số mà cứ như kéo dài lê thê. Ông Ni chỉ ra đó ngó nhà cho con trai mỗi ngày mà cảm giác ly hương cứ như kim chích trong bụng bà, nhất là vào chạng vạng tối như lúc này, khi mà mặt trời chỉ còn cách đỉnh Hòn Tàu chưa đầy một cái cán cuốc, trời rực đỏ ở đằng Tây và thẫm đen trên cánh đồng trước nhà. Hay mà căn nhà cổ có lúc vắng đến thế này thì bà sẽ không bỏ tiền ra để trùng tu cho đỡ lãng phí. Con thì đẻ thêm vài đứa nữa, hoặc là phải giữ lại cho được một đứa để thêm vui cửa vui nhà. Đến nỗi gì sinh bốn đứa con mà giờ bà vẫn phải vô ra vò võ một thân như người góa bụa giữa vườn không nhà quạnh.

 “Lại uống rượu chứ làm gì ngoài đó mà giờ này vẫn chưa thấy về!”. Bà Lý lẩm bẩm một mình rồi bỗng dưng hai con gà cắn nhau kêu “toác” khiến bà giật mình. Nghe lạnh sau gáy, cái lạnh như có hình khối, có chân, gai gai bò dọc theo các đốt xương sống đã mỏi nhừ. Bà vừa nghĩ đến cái chết của ông Hạnh vào tháng trước. Ông Hạnh bị trúng gió chết cô độc trong căn nhà hoang vắng rộng thênh. Qua một đêm và nửa ngày hôm sau hàng xóm mới phát hiện. Những con kiến, con ruồi, con gián… đã bắt đầu đánh mùi tìm đến cái xác nằm cong như dấu hỏi, mũi miệng trào ra thứ chất dẻo dẻo vàng vàng.  Lúc này con ông đứa thì đang buôn gỗ ở xa, đứa làm vàng trên núi, đứa làm thợ hồ trongNam. Cô con gái có chồng ở xã bên cũng chỉ thi thoảng mới ghé về thăm cha.

 

                                  *   *   *

 

           Ông Năng lững thững đi tìm ông Ni. Hỏi tìm làm chi thì ông không trả lời. Qua rẻo đất bị lãng quên của trời, ông dừng lại đứng ngắm cái nhà hàng đang xây dựng dang dở. Khu đất đã bị cỏ dại và cây tạp phủ kín từ thời xứ Cây thị mới ra đời, cũng là nơi hội tụ của đủ loại rác rưới, mảnh sành, chén bể… giờ đã được cày ủi bằng phẳng. Đất thịt pha cát phơi màu cà-phê sữa dễ chịu dưới ánh nắng buổi chiều sắp tắt. Nhớ lời thằng Hinh “Nghe nói sẽ xây cả nhà nghỉ, phòng hát karaoke nữa đấy”, ông chửi thề một mình rồi quay ngoắc bỏ đi: “Mẹ, đem chi ba cái thứ trời ơi đất hởi ấy về xóm!”.

Cũng là “Cây thị chi xứ” mà mỗi lần ra xóm Mới ông Ninh cảm thấy có cái gì đó nửa gai mắt nửa vui mắt rất khó mà diễn tả. Có thể đó là một cổng chào vừa được dựng lên, một tường rào của nhà ai đó mới xây, hay thêm một bản hiệu như “ Cháo lòng - Mỳ Quảng” được trương ra. Đó cũng có thể là một con chó giống lạ, đẹp mà hung dữ, một tiệm internet nhỏ như cái hộp, một quán cà-phê mở nhạc hết cỡ lớn. Dường như nó mới từng giờ đúng như tên gọi. Hồi xưa ra đến ngã ba cây xoài, ông Năng đã có thể nhìn thấy đồi Hòn Chồng xếp một hàng đá cao chon von, đá nhỏ chồng trên đá lớn như có bàn tay huyền nhiệm của tạo hóa can dự vào. Giờ thì mấy cái gác lợp ngói đỏ tươi đã chắn ngang tầm mắt, con nước chính đã đổi dòng, đồng ruộng nở một đầu, co thắt một đầu như hình quả bầu. Cứ đà này không chừng ít năm nữa xóm sẽ kết dính với tỉnh lộ thành một tam giác điển hình của nông thôn mới. Và cái xóm Lò Rèn của ông chẳng biết có còn tồn tại?

“Ông Ni ối a ông Năng, ông ra đầu làng ông gặp ông Ni. Ông Ni mà gặp ông Năng, ông Năng mà gặp ông Ni, ôi vui quá chừng”. Thằng Tùng nổi tiếng tếu táo của xóm đang ngồi nhậu với đám bạn bỗng nhanh miệng nhại lời đồng dao Nam bộ hát to khi thấy ông Năng đi ra, ông Ni đi vào và gặp nhau đúng chỗ ngã ba quán nhà bà Lữ góa chồng. Hai ông cười cười nói với nhau điều gì đó rồi lại thấy dắt nhau đi ngược vào xóm Lò Rèn. “Chiều chiều giải mỏi, giải buồn/ Thì ra xóm Mới nằm truồng mát-xa”. Thằng Tùng đọc tiếp câu ca dao hiện đại, rồi không đợi cả bọn dứt cười, nó chạy ùa ra đường: “Mời nhị vị tiền bối vào đây làm với cháu con một ly. Về chi xóm Lò Rèn giờ này cho thêm buồn”. Hai ông già nháy mắt nhau từ chối. Đi được một đoạn ông Năng mới nói: “Thèm uống chút rượu cho đỡ buồn mà không thể vào đó được. Trẻ bây giờ sinh hoạt nhố nhăng quá. May mà có ngày chi chúng về ào ào như ong vỡ tổ rồi đi sạch, không thì chắc nát xóm nát làng”.

Không nghe ông Ni nói gì, ông Năng vừa dẫn người bạn già băng qua lối mòn đầy cỏ dại vừa cố giải thích: “Có việc còn đỡ, rảnh tay một chút như hôm nay lại thấy nhớ con cháu bắt chảy nước mắt. Với tuổi già niềm vui là thuốc bổ, vậy mà tiền chúng nó gởi về đều đều vẫn không kiếm mua được niềm vui. Phải chi chúng để ở với tui một đứa cháu!”. Ông Ni lặng nghe nỗi   buồn của ông bạn già ngấm vào tim mình, đau buốt. Khi ngồi vào chiếc bàn cũ kỹ thoảng mùi nước mắm, nhìn cỏ dại mọc xanh sân, nhìn mạng nhện giăng đầy nhà dưới nhà trên và cái bếp lạnh tanh củi lửa, ông Ni càng thấm sâu hơn nỗi đau buồn chẳng thể gọi tên. Đầu óc ông bỗng suy nghĩ lung tung. Ông nghĩ về bà Lý đang thui thủi một mình với đàn gà liu chiu, với cái sân rộng không kịp nhổ cỏ dại, lá khô lớp mới, lớp mục chất chồng. Rồi ông nghĩ đến chuyện thằng con trai có ý định xây cho cha mẹ một bức tường rào kiên cố để con gà, con chó khỏi bị bắt trộm. Kiểu này chắc rồi nhà ai nấy ở, ông và ông Năng cũng sẽ lười gặp nhau để ôn chuyện về xứ Cây Thị đã thành cổ tích.

 Cuối cùng, ông Ni lại thấy hiện về hình ảnh cây thị xòe tán lá che kín cả sào đất, rễ ngoằn ngoèo như con rắn bò, cái bộng sâu hoắm đang tỏa khói hương. Ngổn ngang dưới gốc là những om kiềng, bình vôi, ông táo cũ. Và văng vẳng đâu trên ngọn cao là tiếng hát ru con trong vắt: “Đói lòng ăn hột chà là/ Để cơm nuôi mẹ mẹ già yếu răng”.

            -Này ông bạn già, lên tí đi. Làm gì bần thần, mơ mộng dữ vậy?-

            Ông Năng đẩy ly rượu về phía ông Ni. Ông Ni nghĩ nốt điều đang nghĩ rồi mới cầm ly rượu lên, đối ẩm với người bạn vong niên giữa vắng lặng xung quanh: “Không biết hồi xưa ông bà mình có hay trăn trở nỗi đau như ông?”.  

                                                                                    T.Đ