Nhớ bến phà sông Hàn Đà Nẵng

02.08.2024
Mỹ An
Mới đó mà tôi xa Đà Nẵng đã gần 30 năm, kể từ khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đầu năm 1997. Thời gian có thể làm thay đổi tất cả, nhưng hoài niệm về một bến phà sông Hàn Đà Nẵng sẽ mãi mãi còn ở lại trong tâm thức.

Nhớ bến phà sông Hàn Đà Nẵng

Bến phà Đà Nẵng

Nhớ trước năm 1977, Quảng Nam - Đà Nẵng là một tỉnh trực thuộc Trung ương. Cứ mỗi lần hội họp công tác ở Đà Nẵng, tôi từ huyện Tiên Phước leo lên xe đò chạy bằng than, nổ phành phạch nhả khói đen nghịt bám khắp người, mặt mũi tèm lem.  Xe chạy ì ạch phải mất một buổi mới ra đến Đà Nẵng. Từ bến xe liên tỉnh đi bộ về nhà khách Ty Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng ở đường Lê Thánh Tôn (Bây giờ là Trường THPT Trần Phú). Nghỉ ngơi một chút, thư thả mở gói mo cau ăn ngon lành nắm cơm múi mè mẹ gói mang theo từ sáng, rồi tranh thủ dạo ra đường Ông Ích Khiêm để qua chợ Cồn, lang thang theo đường Hùng Vương đến rạp Trưng Vương, băng qua đường Trần Phú, đến đường Bạch Đằng là gặp bến phà sông Hàn Đà Nẵng.

Sông Hàn mang một dáng vẻ rất riêng không lẫn vào đâu được. Sông không đỏ nặng phù sa như sông Hồng, không hiền hòa dịu dàng như sông Hương, cũng không ầm ào giận dữ trong mùa nước lũ về như sông Thu Bồn. Sông Hàn mang chút riêng tư thơ mộng, chút mặn mà bình yên, chút đằm thắm lững lờ, con sông hình thành từ sự hợp nhất của sông Cẩm Lệ và sông Vĩnh Điện rồi lãng đãng trôi chừng 10 km là đã hòa vào biển lớn. Sông như một dãi lụa xanh vắt qua, chia Đà Nẵng thành hai nửa. Nửa bên đông là quận 3 (nay là quận Sơn Trà) quanh năm gió cát, dọc bờ sông có xóm nhà chồ với những dãy nhà tôn lụp xụp cao thấp tạm bợ nằm theo mé sông. Nửa bên tây là quận 1 (nay là quận Hải Châu) có con đường Bạch Đằng rộng lớn với những ngôi nhà cao tầng quay mặt ra sông như Bưu điện Đà Nẵng, Tòa Hành chính Đà Nẵng, Cổ viện Chàm, Đài Truyền hình, Nhà trưng bày tội ác đế quốc Mỹ... được thiết kế theo phong cách kiến trúc vừa cổ điển, vừa hiện đại, mẫu mực tinh tế.

Đứng trên ban công những tòa nhà này nhìn xuống bến phà sông Hàn chợt nhớ câu ca “Đứng bên ni Hàn ngó qua bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hà Thân ngó về bên ni Hàn thấy phố xá nghinh ngang” nghe vậy đã biết bên quận 3 ngày xưa còn hoang sơ, nhà cửa thấp lè tè, rải rác, dân cư thưa thớt, chủ yếu sống bằng nghề đi biển, trồng rau hoặc lao động phổ thông. Còn phía bờ tây sông Hàn là quận 1, trung tâm thành phố, nhà cửa san sát, phố phường sầm uất, nhộn nhịp. Trước tháng 3 năm 2000, khi chưa có cầu Sông Hàn, những chuyến phà vẫn lặng lẽ nhọc nhằn qua sông, cần mẫn miệt mài chở khách đến khuya mới ngơi nghỉ.

Trước đây, sông Hàn chỉ có độc nhất chiếc cầu Nguyễn Văn Trỗi nối hai bờ đông tây. Nếu không qua cầu thì qua phà là phương tiện độc nhất. Qua phà thường là những người đi bộ, đi xe đạp, đôi lúc cũng có xe máy. Đối với sinh viên, học sinh, cán bộ viên chức thường mua vé tháng để đi phà cho tiện. Khi qua phà phải vào cổng soát vé. Lúc phà đầy, bảo vệ tháo dây neo, người lái phà kéo một hồi còi dài rồi cho máy nổ đưa phà rời bến, sang ngang. 

Phà qua sông Hàn. Ảnh Lê Thọ.

Mỗi một ngày, bến phà sông Hàn đón ánh bình minh lúc 4 giờ sáng. Mặt sông rạng rỡ như mặt người đón chào một ngày mới. Bến phà mở ra cánh cửa đón bao người, chật ních những niềm vui từ các mẹ các chị đội nón mang mớ rau khoai ra chợ bán, những chàng trai cô gái duyên dáng đến nhà máy công sở làm việc.

Chiều lên, khi ánh hoàng hôn lấp loáng trên mặt sông, bến phà đầy người qua lại. Em bán vé số cầm trên tay ve vẩy lo lắng bởi chưa bán hết những tờ vé số. Cái vé của sự rủi may muôn thuở, chị lao công tất tả về nhà chuẩn bị bữa cơm tối cho chồng trước khi vào ca ba, anh công nhân mệt nhoài mà lòng vẫn vui khi nghĩ chuyến phà sẽ đưa ta về với bến bờ hạnh phúc... tất cả dường như vội vã và lặng lẽ, sẵn sàng vào đêm của phố.

Đêm về, người qua lại thưa thớt, chuyến phà cuối cùng lúc 22 giờ khuya, gửi lại một khoảng không gian yên ắng trống trải đến mơ hồ trong tiếng còi phà kéo một hồi dài như để kết thúc chặng đường qua lại đưa những người khách cuối cùng về với gia đình. Vào bến neo đậu, chiếc phà nằm yên nhìn mặt sông vắng lặng, chỉ còn nghe những con sóng nhẹ vỗ vào mạng thuyền và mái chèo khua lộp cộp của người lái đò đưa những người khách trễ phà qua sông về muộn.

Có thể nói bến phà sông Hàn đã sinh ra lớn lên mấy đời rồi, chứng kiến biết bao biến cố lịch sử đổi thay của thành phố, là chốn hội tụ ghi đậm nét văn hóa đa dạng, đa chiều, đa mang của người Đà Nẵng, là cõi đi về của tình yêu và biệt ly xa cách. Ở đây, có biết bao nhiêu cuộc hẹn hò thành chồng thành vợ sinh con đẻ cháu. Và bao nhiêu sự ngỡ ngàng tái hợp chia ly tiếc nhớ trong lòng mang theo đầy ắp những kỷ niệm buồn vui của cuộc đời.

Giờ thì bến phà sông Hàn chỉ còn trong ký ức. Dưới ánh điện muôn màu lấp loáng trên mặt sông, chợt bâng khuâng nhớ tiếng còi phà khi xuất bến, nhớ mái chèo khua lộp cộp của người lái đò đưa khách về muộn. Nhớ da diết chiếc phà cũ mèm nhưng vững chãi bình yên đưa khách qua sông.

Bến phà sông Hàn đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả của một thời gian khổ. Giờ nối đôi bờ sông Hàn có tới những 6 chiếc cầu lộng lẫy thênh thang, tô thắm cho Đà Nẵng như cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Thuận Phước, cầu Tiên Sơn, cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Văn Trỗi. Đường sá thành phố được khơi thông mở ra lối đi về thuận lợi. Không còn cảnh khách ngồi chờ phà trên bến. Sông Hàn thành phố Đà Nẵng vốn đã đẹp và nên thơ, nay thêm nhiều cầu mới đẹp đến nao lòng. Đêm về, sông Hàn trở nên lặng lẽ, khoác lên mình chiếc áo màu rực rỡ từ các nhà cao tầng, các cột đèn rọi xuống mặt sông.

Đi với cuộc đời “thời gian làm mòn mọi gót giày”, đi với tháng năm thời gian làm mất đi bến phà sông Hàn năm xưa để đến hôm nay có được thành phố bên sông hiện đại mang dáng dấp riêng của một thành phố đáng sống. Nhưng sao lòng ta vẫn bâng khuâng tiếc nhớ những cảnh xưa người cũ trên cái bến phà sông Hàn khó quên này?

 

Có lẽ chỉ khi kỷ niệm xưa hoài ức cũ còn sống trong ta, thì lúc ấy cuộc đời này xem ra còn có ý nghĩa tốt đẹp biết bao. Và các thế hệ sau này qua hoài ức của cha ông mà biết được rằng bên dòng sông Hàn của thành phố Đà Nẵng thân yêu này, có một bến phà xưa đã mất đi nhưng tình người thì ở lại.

(Tạp chí Non Nước số 218)