Chuyến đi cuối cùng
Trước sau rồi cũng phải đi thôi, lo chi nhiều cho cực.
Ông vẫn hay nói với người khác kiểu này khi có ai hỏi chuyện sức khỏe. Cái chết, nói cho văn vẻ, là chuyến đi cuối cùng của đời người. Chuyến đi gặp lại tiên tổ. Sống cũng gia đình mà chết cũng gia đình đó thôi. Có chi mà lo.
Nhưng mấy ai nghĩ được nhẹ nhàng như vậy. Ngay cả chính ông, dù luôn miệng bảo không sợ chết, vẫn hoang mang khi phát hiện ra một khối u bên mang tai.
Buổi sáng tình cờ soi gương tỉa bớt vài cọng râu, ông bỗng nhìn thấy chỗ dưới tai phình ra nho nhỏ cỡ trái cau vua. Bần thần nghĩ tuổi này chỉ có hóp lại, ốm đi, nhăn nheo chứ làm sao phình thêm được. Dễ bị bệnh lắm, mà có khi là bệnh nan y. Tám mươi năm sống, ông hầu như không đau ốm nhiều, chỉ thỉnh thoảng cảm sốt do thời tiết, khỏi đến bệnh viện. Lại nghe nói những người sống mạnh khỏe, đã không bệnh thì thôi, chứ bệnh là nặng tới số luôn.
Cả ngày hôm đó ông ít nói hẳn, chốc chốc lại đưa tay sờ lên má. Vẫn đấy. Cái khối u nằm ở đó chưa chịu lặn. Ông vẫy thằng cháu nội đến hỏi:
- Có thấy trên mặt ông hôm nay khác gì không.
Thằng cháu nội mười tuổi bảo:
- Cháu thấy hình như râu trên của ông hơi quặp xuống.
Quặp là đúng rồi, trên má phình ra thì dưới phải bị ép vào chớ.
Ông lại dặn:
- Lát ba cháu về, cháu nhớ đố ba xem mặt ông có gì khác nhé.
Thằng bé cười.
- Sao hôm nay ông vui tính thế.
Lâu nay có thấy ông với ba chuyện trò gì nhiều đâu. Đứa cháu nhiều khi làm trung gian cho sự liên lạc. Chẳng hạn đến bữa, cha bảo con ra mời ông vào xơi cơm. Hoặc ông có việc đi đâu, lại sai cháu "vào nói với ba mày dắt xe ra chở ông". Một kiểu đối thoại vòng xuyến tam giác.
Cũng như hôm nay, ông không hỏi trực tiếp con trai là trên mặt ba có gì khác, mà lại nhờ đến cháu. Thằng cháu ngoan ngoãn dạ vâng nhưng đến lúc ba về thì nó quên béng. Ông đi ra đi vào. Thằng cháu vẫn mải mê chơi bi một mình. Hồi lâu ông quát:
- Không nhớ lúc sáng ông dặn gì à?
Thằng cháu ngớ mắt một lúc, đáp:
- Thôi, ông vào hỏi ba cháu đi, cháu hỏi mấy chuyện vớ vẩn đó lại bị ba mắng cho.
Á à, chuyện này mà bảo là vớ vẩn.
- Thế lỡ ngày mai ông chết đi, chuyện đó có vớ vẩn không.
Thằng cháu cười:
- Làm sao dễ chết vậy được, ông bảo ông phải sống đến một trăm tuổi cơ mà.
Nó tiếp tục chơi bi. Ông vào nhà, nằm trùm chăn kín mít từ đầu xuống chân.
Bữa cơm trưa ba bảo thằng cu vào mời ông xơi cơm, ông ngọ nguậy đầu trong chăn. Như mọi lần, thằng bé hiểu ông chưa muốn ăn.
Suốt bữa anh cứ tủm tỉm cười. Vợ hỏi:
- Chuyện gì mà anh cười một mình dở người vậy ?.
- À, tự dưng anh nghĩ đến một câu chuyện tiếu lâm. Chuyện là cô giáo ra đề bài tả về ông nội. Đứa học trò viết: Nhà em có nuôi một ông nội, suốt ngày ông trùm chăn nằm ngủ, đến bữa ông chui đầu ra hỏi cơm chín chưa bây.
Vợ cười phun cả cơm. Lát sau, anh trừng mắt hỏi thằng cu:
- Sáng nay ông có chuyện gì không ?
Thằng bé bảo không, ông chỉ nói ngày mai ông chết.
- Thế con nói sao ?
- Con bảo ông đừng đùa, ông phải sống thêm hai mươi năm nữa.
Anh xoa đầu thằng cu:
- Mày đối đáp khôn giống ba. Với ông là cứ phải nói như thế nhé, cho ông vui.
Vợ nguýt chồng, bảo:
- Có khi ba lại sợ chết đấy anh ạ. Chắc là tại hôm qua cụ Quýt làng bên vừa mất đột ngột. Mấy ông bà tuổi già, thấy đám ma là sợ lắm. Càng già càng sợ chết. Đừng chủ quan.
Sáng hôm sau, thằng cháu thức dậy sớm chạy vào buồng ông. Thấy ông vẫn trùm chăn nhắm mắt, thằng bé lay cánh tay không thấy ông nói gì thì bảo ông ơi ông chết rồi sao. Ông vẫn im lặng. Thằng bé hét lên:
- Ba mẹ ơi…
Ông đưa tay bịt miệng cháu, sợ nó nói nốt cái vế "ông chết thật rồi". Ông vẫn sống nhăn răng đây này, chưa chết đâu.
Kể từ ngày ông phát hiện ra khối u đến nay đã hơn 5 năm, quãng thời gian không dài trong một đời người nhưng không hề ngắn với ông cụ tám mươi. Sau bát tuần, người ta bảo sống được ngày nào là tốt ngày đó. Ông đã sống thêm những hai ngàn ngày. Từng ngày không thể nhận thấy khối u to thêm, nhưng 5 năm thì nhìn rõ, nó bây giờ đã lớn bằng cái nắm tay.
Ông nhất quyết không đi bệnh viện. Tự tin tám mươi năm cuộc đời chưa hề gặp bác sĩ mà vẫn sống ngon lành, giờ đi khám đi khiếc khéo lại sinh chuyện. Thêm nữa, khối u cũng chả gây đau đớn hay phiền toái gì nên ông coi như không. Đấy là ông nói vậy với con cháu, với người đến thăm hỏi chuyện. Trả lời như để người khác yên tâm, khỏi tò mò bày vẽ, khỏi an ủi động viên. Thực tình đau hay không chỉ có ông mới biết.
Ông bảo thằng cháu dạy cho cách sử dụng máy vi tính. Chỉ bảo cho ông già tám mươi thì như dạy cho người học bồi, cái gì cần mới bày vẽ. Ông ơi ông cần máy tính làm gì. Dùng mạng à, thế thì dễ thôi. Bấm biểu tượng này, nó sẽ hiện lên cái google, ông cần tìm gì cứ gõ theo bàn phím là được.
Tám chục tuổi mới học vi tính nhưng ông học rất nhanh. Những khi thằng cháu nội đi học, ông mở máy tính tự tìm tòi. Ông gõ bàn phím như gà nhặt thóc lẫn, lóm liếc một hồi mới gõ được một chữ. Buổi sáng, lúc cả nhà đã đi khỏi, ông bật máy. Buổi chiều, ông lại bật máy khi một mình ở nhà. Thứ bảy chủ nhật ông không đụng đến vi tính. Thành ra, chẳng ai biết ông dùng được máy. Kể cả thằng cháu nội tuy bày vẽ cho ông nhưng nó cũng nghĩ ông chả dùng đâu.
Thằng cháu như một người bạn của ông nội, vẫn là cầu nối liên lạc giữa cha và ông. Nhưng ông cứ già thêm mà chuyện xưa ông kể lặp đi lặp lại không còn hấp dẫn. Thằng cháu lên cấp ba, dùng xe điện đi học tận trên thị xã. Ông và cháu giờ vẫn ở chung nhà, nhưng chuyện trò hiếm hoi. Không còn những cuộc ngồi chơi ông uống trà cháu hóng chuyện như trước. Cháu cũng không còn lon ton chạy theo ông hỏi cách trồng cây nuôi chim. Bây giờ cần gì ông sẽ nhờ cháu. Rồi cháu đáp dạ.
Ông đưa cho cháu tờ giấy có ghi hai loại thuốc viên, nhờ cháu ghé vào quầy thuốc lớn nhất trên thị xã mua. Tờ giấy gấp làm tư, cháu không mở ra làm gì, chỉ nhét vào cặp. Hôm sau đến quầy thuốc chìa giấy ra, hai tên thuốc viết bằng chữ nước ngoài, cháu có đọc cũng không biết và không nhớ. Khi nào hết thuốc ông bảo cháu mua, cháu lại chìa cái giấy ra, thế thôi.
Khoảng cách giữa các lần mua thuốc dần ngắn hơn. Lần thứ hai cách lần thứ nhất tháng rưỡi, sau đấy thì cứ một tháng, hai nhăm ngày… Lần nào vẫn chỉ hai loại thuốc ấy. Một loại chục viên màu vàng hình tròn bọc trong vỉ kẽm. Một loại thuốc màu trắng, thon dài đựng trong hộp nhựa. Viên trắng có ba cái khấc ngang, tức chia viên thuốc làm bốn phần. Ông dược sĩ chủ quầy dặn mỗi lần bẻ một khấc, cần thiết thì có thể uống hai khấc.
- Chỉ hai khấc thôi nhé, không được hơn.
Cháu mang thuốc về truyền đạt lại đúng lời của người bán với ông nội.
Khối u của ông nội đã to bằng nắm tay, như chực vỡ. Nhưng sờ vào thì thấy nó cưng cứng, thậm chí di ngón tay vào đấy khối u có xê dịch đôi chút. Thế thì không vỡ được đâu. Mà nếu vỡ ra, có khi nó được một khối đá quý kim cương đấy ông ạ. Một người đến chơi đùa với ông như vậy, thế mà ông vui suốt ngày.
Ông vẫn kiên quyết không đi viện. Ông nói tự biết bệnh mình, tự liệu sức mình để sống. Già thường khó tính, người ta thường thấy vậy. Cái sự khăng khăng bất chấp của ông cũng có thể coi là khó tính. Buông xuôi. Hoặc cũng có thể xếp vào dạng dễ tính. Biết chấp nhận.
Một buổi tối ông nhịn ăn. Chuyện ấy cũng không lạ, già rồi ăn uống thất thường, trở trời hay nắng oi thỉnh thoảng ông cũng nuốt không vào. Sáng hôm sau cả nhà thức dậy, chỉ trừ ông vĩnh viễn ra đi một cách lặng lẽ.
Hết đám tang, khi dọn dẹp cái bàn kê bên giường ông nằm, đứa cháu phát hiện gói thuốc chiều hôm trước mới mua mà ông đã uống hết hai viên màu trắng ngay trong đêm ấy. Liều bình thường không quá nửa viên, thế mà ông uống gấp bốn. Có khi vì dùng thuốc quá liều.
Cháu bật máy tính lên mạng, đánh tên loại thuốc ghi trong tờ giấy. Giờ thì tìm kiếm cũng chả ích lợi, chỉ để xem nó là thuốc gì. Màu vàng là thuốc giảm đau có hàm lượng codeine liều cao. Màu trắng là thuốc ngủ. Hóa ra bấy lâu nay ông đau đớn và mất ngủ triền miên. Thế mà chả nghe ông kêu ca bao giờ. Thằng cháu chỉ nghĩ đấy là thuốc bổ cho người già.
Cháu bật lịch sử duyệt web, những trang mà ông nội từng xem hiện lên. Toàn những thuật ngữ ung thư. Cháu dừng lại rất lâu trước một cái diễn đàn dành cho người ung thư giai đoạn cuối. Ở đó, họ động viên nhau giữ lạc quan mỗi ngày, đừng kêu ca than phiền. Mệnh trời vậy rồi, có kêu rên cũng chả ai giúp được, khéo lại làm con cháu người thân khổ tâm thêm. Chừng nào chịu không nổi thì nên sử dụng thuốc ngủ liều cao.
Đấy là chuyến đi cuối cùng của ông nội, bằng mấy viên thuốc màu trắng. Bí mật đấy chỉ riêng đứa cháu biết, và nó giữ im lặng, như ông đã giữ im lặng suốt những tháng ngày sau cùng của đời người.
(tuoitre.vn)