Người bẫy chim
Người thợ thủ công phải tốn bao lâu cho một sản phẩm thế này? Trong lồng, một chú cu gáy màu xám đất ủ rũ co một chân. Mắt chú chim ánh lên vẻ mơ màng xa xăm. Lâm chả biết chú ta nghĩ gì. Giá hiểu được nhau thì hay biết mấy.
Bữa nay, mưa, đội thợ đổ cống rãnh nằm ngáp vặt. Sau mưa là thời điểm lý tưởng các loại côn trùng bò khỏi mặt đất, lá cây, và là lúc đa số các loài chim đi ăn. Lâm buồn, mang đồ nghề bẫy chim, giết thời gian. Vùng đồi trung du bán sơn địa ngút ngát màu xanh biếc của chè, sắn, xen kẽ tán cọ xòe ô che nắng như loại cây tạo bóng mát dưới xuôi. Ven đồi lác đác sim mua tím lịm trước nắng vàng rực rỡ. Đôi lúc yên tĩnh bỗng rộ lên tiếng gà rừng téc te xa gần khắc khoải. Chứng tỏ đồi bạch đàn, keo tai tượng còn tồn tại những cá thể gà rừng sinh sống. Một ông người địa phương bảo, bọn thanh niên thỉnh thoảng vẫn bẫy được chúng. Bẫy rồi làm gì? Người khác hỏi. Làm món nhậu thì túy lúy, ông ta trả lời, loại này nướng than củi thơm nức mũi, nhìn da gà bóng nhẫy vàng ruộm tứa nước miếng, nói chi uống ngụm bia lạnh, xé miếng thịt trắng phau đưa lên miệng. Lâm nghe, tự nhiên thấy con người đúng là loài ăn tạp. Tập tính tham ăn của loài “homo sapiens” hẳn là bắt nguồn từ sự cạnh tranh thực phẩm khốc liệt thời kỳ nguyên thủy. Nghĩ vẩn vơ Lâm thấy mình mâu thuẫn. Chính hắn đương làm cái việc tham lam kia, chiếc lồng treo lủng lẳng nhánh sim chờ đôi cu gáy sập bẫy. Hắn buộc chân chim mồi trong lồng, mở điện thoại chứa file ghi âm tiếng cúc cu cu, cúc cu cu. Tiếng chim giả mải miết gọi bạn, âm thanh vang vọng như thật. Còn hắn chăm chú quan sát, đầu loang loáng món tiền các tay chơi chim cảnh định giá. Dù không ham mê nhưng rỗi rãi hắn có thói quen săn bắt chim trời cá nước. Phần nhiều thú tiêu khiển này giải quyết khâu mồi nhậu.
Sự kiên trì của hắn được đền đáp. Cặp cu gáy chao liệng quanh lồng cả tiếng đồng hồ. Chúng vừa muốn thăm người bạn, vừa đắn đo bất trắc bất ngờ. Ngần ấy thời gian Lâm nín thở, hồi hộp phán đoán từng hành vi cặp chim. Nhiều lần đôi chim nhìn rất lâu người bạn thu lu một chân trong lồng. Có lẽ chúng giao tiếp, trao đổi bằng mắt. Thận trọng đến đâu hai chú chim tự do nào cưỡng lại được tiếng kêu thảm thiết phát qua chiếc loa di động. Khi con chim mồi buông chân kia xuống thanh tre bắc ngang, một chú chim bên ngoài nhảy tót vào bên trong. Chú chim ấy ngóc cái mỏ khum khum, cúc cu cu... cu, ba bốn tiếng đúng cách gọi bạn tình bên ngoài. Rõ ràng chú chim gáy giọng một. Lâm hơi hơi nóng ruột. Hắn chờ đợi chú chim bên ngoài vào nốt. Con chim cứ lắc lẩn dùng dằng luyến tiếc bầu trời tự do. Lòng kiên nhẫn vơi dần, hắn lau bàn tay nhớp nháp mồ hôi xuống chiếc quần bò sờn rách, bạc phếch vì nắng gió thời gian. Chiếc quần mà cánh làm cùng nhìn thấy những sợi vải lua tua ống quần đều cười mỉm như kiểu họ nảy ra ý tưởng hay ho nào đấy. Một lần, một tay nhẩm tính công trình hai năm, trừ ngày nghỉ lễ tết, bình quân làm việc khoảng hai mươi tháng, tối thiểu tháng thu nhập khoảng bảy triệu, thế thì “chiếc quần” kiếm trăm bốn mươi triệu chứ không ít. Tay này nói cười hô hố. Lâm liếm môi im lặng.
Cảm giác bàn tay khô ráo, Lâm nhẹ nhàng cầm sợi cước. Sợi dây trắng sữa, nhỏ lấp lóa vờn vã từng nhịp gió thổi. Khẽ miết hai ngón tay giữ chặt đầu dây, sợi cước cứa ngón trỏ đau đau. Hắn giật mạnh, sợi dây căng đét, tiếng “bặc” khô khốc, cửa lồng đóng kín. Bây giờ lồng có hai con chim. Chú chim mới cuống quýt tìm đường thoát, nhưng mọi chuyện đã muộn. Chú chim bên ngoài kịp thảng thốt cúc cu cu...cu...u u. Âm “u u” theo đôi cánh vù vù lên cao. Lâm đứng nhìn, ngẩn ngơ tiếc mãi cho tới khi chú chim khuất dạng. Không phải dân chuyên nghiệp nhưng nghe qua Lâm thừa biết cặp chim sở hữu giọng một, vì sau “cúc cu cu” là tiếng “cu” vui tai. Đấy là hắn học lỏm ông hàng xóm. Ông còn phán rằng, quý nhất là giọng ba. Dân săn chim chuyên nghiệp phát hiện ra chú chim giọng ba thì họ tìm mọi cách bắt. Mà chúng thường sống nơi rừng sâu núi cao. Thời gian, công sức, tiền bạc vô nghĩa. Có thể vì thế mới nói “gác cu” là một trong bốn cái ngu người đời: làm mai, nhận nợ, gác cu, cầm chầu... Hớn hở hắn xách chiến lợi phẩm về phía căn lán công trường.
Bên trong lán nhộn nhịp người nấu ăn, nhặt rau, vài ba gã đánh bài đợi cơm chín. Một gã tia mắt con chim mới. Gã ta trố mắt ngắm chú chim. Lâm báo anh chủ em về. Anh chủ bảo không ở ăn cơm à? Lâm bảo thôi. Gã kia oang oang cơm cháo gì nữa, thằng ôn vật đớp vài triệu bạc đây. Mọi người xúm xít bình phẩm con chim trước khi Lâm nổ máy phi vun vút.
Mất ba mươi phút Lâm về đến nhà. Ông hàng xóm thoáng thấy Lâm với cái lồng liền vọt sang. Ông ta mê mải nhìn con chim. Bất chợt chú chim cất tiếng gáy vang, cúc cu cu... cu. Xuýt xoa ông bình: “Gáy đảo giọng liên tục là chim đực. Được cái ưu nữa là “nhì liên giáp”. Rồi ông ta giải thích: “Chim có sáu tướng quý: nhất huỳnh kiên, nhì liên giáp, tam quá khóe, tứ chân khô, ngũ liên hoàn, lục cườm rựng. Con anh bẫy thuộc tướng quý thứ hai. Tức là hình dáng chim giống cái bắp chuối, hai đầu nhỏ, giữa phình ra, trông rắn chắc, gọn chặt”. Hắn khen ông sành chim. Lời khen xem như không lọt vô tai ông. Mọi giác quan ông hướng trọn phía chú chim. Lát sau, ông nói nhỏ, giọng pha chút tâm sự: “Anh Lâm này, anh không mê thú chơi chim, vậy chi bằng bán lấy tiền. Nếu bán, tôi đồng ý mua, giá sẽ là ba triệu”. Lâm bối rối bởi hắn chưa nắm được giá, nên ậm ừ nước đôi: “Dạ, thư thư cháu nuôi một tuần đã”. “Đấy là tôi rào trước, thuận bán ới tôi một câu. Ba triệu bằng công anh mười ngày đổ bê tông bục mặt. Trúng mánh nửa buổi nghỉ thư giãn chín hôm khỏe re, tôi khuyên thật, anh sắm đồ nghề hẳn hoi mà làm”.
Lâm tỉnh dậy khi trời xế chiều. Hắn liếc chiếc cốc đựng nắm thóc gạo. Vẫn nguyên. Chứng tỏ chú chim chưa chịu ăn. Hay nó thích các loại hạt đỗ? Hắn nghiêng tay mỗi loại một nhúm, đỗ tương, đỗ đen, đỗ đỏ, bỏ vào cốc. Hàng giờ trôi qua, chú chim hết ngó đất trời lại buồn bã rỉa lông. Tuồng như chú chim không bận tâm chuyện ăn uống. Lâm chán, quay qua lướt điện thoại. Chợt hắn nhớ anh Điểu nhờ cầm tiền công. Anh dặn kỹ đưa vợ anh ngay, sợ chị túng tiền tiêu. Hắn luấn quấn tiếp hàng xóm nên quên.
Anh Điểu người xóm bên, cuối tháng tổng kết luôn nhiều công nhất, hỏi thì anh bảo mấy cái tàu há mồm nằm nhà. Hắn mở cốp xe lấy tiền, thong thả bách bộ dẻo chân. Nhà anh qua cầu sông. Trời chiều, nắng tắt, mấy đứa trẻ co con tôm nhảy từ trên cầu xuống, mặt nước vỡ ra, bọt tung trắng xóa, tiếng cười đùa tan loãng lan xa cùng sóng nước.
Dưới nền gạch cũ kỹ, loang lổ vết chân trẻ con, cơm tối dọn sẵn. Trên cái mâm lồi lõm sứt góc tuềnh toàng đĩa rau muống luộc dối đo đỏ, bát nước mắm không gia vị, đĩa đậu lèo tèo vài miếng rán nhộm nhoạm nửa vàng nửa trắng. Đũa bát vương vãi mỗi nơi mỗi thứ. Vợ anh Điểu đang mặc áo quần cho hai đứa bé, đứa lớn nhếch nhác bên mâm. Đứa lớn tầm ba tuổi, hai đứa sau sinh đôi hơn tuổi. Lâm đằng hắng: “Anh Điểu gửi tiền công tháng vừa rồi”. Chị ta chẳng quan tâm được ngần nào, lí nhí: “Chị cảm ơn”. Hắn toan chào, tự dưng hỏi câu khá vô duyên: “Ăn uống sơ sài thế?”. Chị thanh minh: “Thì chú tính, mỗi anh là lao động chính. Chị trông ba đứa nhỏ đến bở hơi tai, cố lắm cáng đáng vài sào ruộng đủ lúa ăn. Mọi chi tiêu trông chờ hết tiền công anh. Tháng nào cỗ bàn cưới cheo nhiều, công ít không đủ tiêu ấy”. Giờ hắn hiểu lý do anh Điểu hùng hục cày. Hắn bước nhanh ra đường.
Nửa đêm khó ngủ, hắn tò mò nghé chú chim. Nó chưa ăn gì. Mới gần một ngày mà nom nó rệu rã lắm, bộ lông đã xác xơ, ánh mắt chùng xuống lờ đờ. Bất giác Lâm mường tượng, chắc nó nhớ vợ thương con, biết đâu nó chẳng nặng gánh như anh Điểu. Tự vấn thông suốt, tuy thâm tâm tiếc ba triệu, hắn vẫn quả quyết dắt xe, đem chú chim ngược con đường buổi sáng.
Đêm, sương giăng giăng. Trăng nhô cao chênh chếch rọi ánh sáng thăm thẳm. Bụi sim, nương chè, luống lạc chỉ còn là một dấu vết mờ mờ. Hắn mở lồng, nhủ thầm: “Tự do muôn năm, về mà nuôi con”. Chú chim loạng choạng một lúc rồi vỗ cánh vút không trung. Giữa không gian mênh mang ấy, hắn ngộ ra một điều, dường như khi con người chìm sâu vào giấc ngủ, thì thế giới tự nhiên mới sinh động. Tiếng giun dế ri rỉ, tiếng gió ru những tán lá xôn xao, hòa thanh âm cuốc cuốc cuốc gọi đêm bình yên lạ lùng.
(TNO)