Tết này Miêu có về không?

28.11.2022
Lê Nguyên Ngữ
Ông Hạp chúa là ghét chuột! Thù ghét, ghê tởm và cả sợ nữa. Đàn ông mà sợ chuột có lẽ hơi… hiếm nhưng ông thật sự kinh hãi khi thấy phải giống này. Khốn nỗi, nhà ông Hạp lại ẩm thấp, nhiều đồ đoàn, ngóc ngách nên là nơi trú ẩn lý tưởng cho loài chuột.

Tết này Miêu có về không?

Minh họa: Hoàng Đặng

Về đêm từ những nơi trú ẩn này, chúng túa ra cứ như là mở đại hội khắp nhà sau, nơi chứa chạn bát thức ăn và chỗ để chén đĩa dơ tối chưa kịp rửa. Không đêm nào ông Hạp ngủ được tròn giấc với chúng. Khi lịch kịch chỗ này, lúc lại lắc cắc nơi khác. Có khuya chúng làm xoong nồi rơi đổ xủng xoảng thì đố ai ngủ yên được. Lò mò dậy ra đậy điệm lại thì thấy chuột chạy hàng đàn. Có con lại đứng giương mắt nhìn ông như thể là thách thức.

Ông Hạp nghiệm ra với vợ - bà An - nhà mình sở dĩ nhiều chuột hoành hành chính là do thực phẩm đậy điệm không kỹ và thường để thức ăn vương vãi. Chúng chẳng thù ghét gì mình nhưng xét cho cùng cũng là vì cái ăn cả… Tiệt đi nguồn này tất chúng phải tìm nơi khác, nhà khác ngay. Ông bèn mua cái “củi cá”(*) mới, chuột không thể vào. Đêm về thức ăn thừa tất cả để vào đấy. Chén bát dơ nếu không rửa kịp thì bỏ vào thau và đổ ngập nước. Làm theo chủ trương này, yên ổn được mươi hôm trong củi cá lại có dấu hiệu thức ăn xộc xệch. Lúc đầu tưởng do vô tình trong lúc đậy, cất cho đến lúc một khuya nghe lục đục, mò dậy, dọi đèn pin vào thấy một con khá to đang quáng quàng nhào xuống đáy tủ thì mới hỡi ôi. Do ván mỏng, chúng đã khoét một lỗ ở nơi khó ngờ nhất dưới đáy tủ.

Sau khi đóng lại nơi cái củi cá bị khoét, bây giờ ngoài việc cẩn thận nguồn thức ăn, ông Hạp bổ sung thêm khoản đánh bẫy. Ông mua bẫy loại bằng lồng sắt hẳn hoi. Nhưng rồi sau cả tuần gài bẫy, thức đêm nghe ngóng cũng chỉ dính được có mỗi hai con. Mà hai con nhép nhắt, loại láu táu và háu ăn. Chẳng biết hai nhóc nhí ấy đã thông báo, tín hiệu gì cho đồng loại mà không con nào chịu chui vào rọ nữa, dù có lẽ chúng đói đến rã họng! Bây giờ cái bẫy chuột càng làm ông Hạp khó ngủ thêm. Nửa đêm nghe bẫy sập, mừng ra xem thì… trong chẳng có con nào. Chúng điều nghiên, khều thử cái ngoéo bẫy bên trên lồng, thấy bẫy sập biết suýt mắc lỡm nên... biến. Sau nhiều đêm chúng giỡn mặt với cái bẫy thế, ông Hạp vứt nó cho đồng nát. Ông chuyển sang bẫy bằng khạp, bằng cách để cái đầu gà trong đáy. Hám ăn lao xuống tất không thể leo lên được vì lòng da khạp trơn. Để trưa, mới chiều đi đánh cờ về, đầu gà mất biến! Mà mất giữa ban ngày ban mặt, mới lạ! Ông Hạp nói chỉ có mèo hàng xóm hoặc con gì chứ chuột thì không tài nào.

Bà An vốn không tin hiệu quả của mấy loại bẫy cho rằng, từ miệng khạp, chúng cắn đuôi nhau thòng xuống lấy cái đầu gà như thể nằm ngửa ôm cắp trứng.

Bây giờ thì chuột nhà ông Hạp không những làm loạn về ban đêm mà chúng còn hoành hành cả giữa ban ngày. Có hôm giữa trưa, chúng rượt nhau cắn xé va cả vào chân ông. Chúng ngang nhiên như thể đây là giang sơn riêng mình chứ không phải nhà của ông bà vậy. Chuột với ông Hạp ngày càng trở thành nỗi ám ảnh triền miên, nhất là về đêm. Có một thời gian dài, ông nhìn vào hóc hẻm nào thì ở đấy cũng ang áng màu xám xỉn của thân chuột hay cặp mắt tròn đen quái quỷ chiếu vào ông. Nằm ngủ dù đêm hay ngày, cứ yên ắng một lúc là ông Hạp lại nghe có tiếng gặm, cạp gỗ đâu đó trong phòng, ông vừa trở mình dậy tiếng động liền biến mất. Nhưng chỉ sau một lúc lơ mơ thì tiếng gặm nhấm lại nổi lên. Lúc đầu giường, khi cuối giường, lúc bên phải, khi bên trái… khiến ông vốn khó ngủ lại trở thành mất ngủ kinh niên. Mà đôi lúc có chợp mắt được thì  cũng tràn vào giấc ngủ của ông cả chuột lớn lẫn chuột bé…

Một lần ông Hạp chết khiếp vì chúng. Số là khi ông vào chỗ ngủ, mùng màn vừa tém xong thì một con chuột không biết từ đâu ra, nhảy loi choi khắp giường! Ông la váng cả nhà. Ông càng la, chuột ta càng hoảng. Càng hoảng, nó càng lao vào người ông. May mà cuối cùng rồi nó cũng tìm được chỗ thủng rách của mùng thoát ra. Thật đúng là chết khiếp!

Ông Hạp bàn với vợ, đã đến nước này nhà mình nên kiếm một con mèo. Chỉ có mèo với cái uy “thiên địch” mới trị được lũ chuột chết tiệt nhà ông.

Bà An rất thích mèo. Đấy là giải pháp bà đề ra ngay từ đầu. Nhưng ông Hạp lại không thích và đó cũng là nguyên nhân khiến bà hay mĩa mai trong suốt thời kỳ ông chiến đấu với lũ chuột. Ông không thích mèo mỗi tội vì chúng hay ị bậy. Thế là bà An sau nhiều hôm thăm hỏi, chạy đôn chạy đáo cũng xin về được một con mèo. Một mèo cái tam thể khá xinh. Biết tính ông, bà bẻ que đo đuôi làm phép cho nó không ị bậy và đặt tên luôn là Miêu. Hai vợ chồng chăm bẵm Miêu như thể chăm cháu mọn. Cũng nhờ vậy nên nó lớn khá nhanh, lại biết “đi cầu” vào đúng nơi quy định và không có tính ăn vụng như đa số giống mèo. Cứ sau mỗi bữa cơm, Miêu nằm chờ. Thức ăn có bỏ riêng vào đĩa dành cho, nó mới dám ăn.

Riêng lũ chuột nhà ông giờ cũng dần bớt tung hoành. Bớt thôi chứ ông Hạp biết, một số chúng bỏ đi và số khác vẫn còn mai phục đâu đó. Nhưng miễn chúng không ngang nhiên hoành hành như trước cũng là tốt lắm rồi.

Con Miêu, bên cạnh những cái hay, dần dần ông Hạp cũng khám phá ra cái dở. Mà cái dở này rất quan trọng, ấy là nó không bắt được chuột! Không bắt được chẳng biết vì nó hiền hay không có tay sát thủ. Từ hồi nuôi đến giờ, Miêu chưa bắt được con chuột nào dù vào hàng nhắt, nhí. Có lần mới đây ông Hạp bắt gặp nó trực diện với một con chuột. Con này chỉ trung bình, không nhỏ không to. Hai bên gờm nhau một lúc. Sau đó bỗng con Miêu nhẹ nhàng thối lui mấy bước. Con chuột thấy khoảng cách đủ xa nên quay đầu chạy thoát thân. Lúc ấy Miêu ta mới rượt theo, và cũng rượt chiếu lệ theo kiểu hù dọa là chính. Mong rằng lũ chuột nhà ông đừng biết được nhược điểm này của con Miêu. Hằng ngày nó cũng thường xuyên tập vờn mồi, chụp bắt, mài móng vuốt… Nhưng mọi sự tập luyện ấy là chỉ để dọa, trị lũ gián và thằn lằn mà thôi. Nó dường như quên mất bắt chuột là chức năng, nhiệm vụ chính thiên phú cho mình.

Bỗng một hôm, bà An khám phá ra con Miêu nhà mình có chửa. Rồi thì cái ngày nó khai hoa nở nhụy cũng tới. Sau một lúc cắn níu chân bà An nhờ giúp, Miêu cho ra đời dưới gầm tủ ba nhóc con. Hai đực một cái và màu lông hệt như mẹ.

Bây giờ thay vì chuột là mèo con bò lểnh khểnh khi mẹ nó đi vắng và kêu váng nhà. Đã đến lúc sự phiền toái của mèo cũng chẳng thua lũ chuột là bao. Giờ chỉ còn cách cho bớt đi đàn con. Bà An hỏi thăm, mời mọc mãi nhưng chẳng nhà nào cần mèo cả. Lúc cần tìm thì khó, khi cho lại chẳng gặp người cần. Theo sự chăm bẵm, dỗ dành của bà An, cả mèo mẹ lẫn mèo con lại luôn quyến luyến, quanh quẩn theo chân bà, khiến cho bỏ không đành, mới khổ. Đang loay hoay với đàn mèo chưa biết xử trí ra sao thì một hôm bà An lại nói như mếu với ông Hạp “Ông ạ, hình như con Miêu nhà mình lại có… mang nữa rồi!”. Sẽ là đại nạn, là vấn đề môi trường cho ông bà khi số lượng mèo nhà lại tăng lên gấp đôi.

Bỏ thì thương, vương thì tội. Cuối cùng trước sự khi ca cẩm, lúc quyết liệt của ông Hạp, bà An đành thuận theo việc phải đem bỏ mấy con mèo và chỉ giữ lại con mèo nào khá nhất. Theo kinh nghiệm dân gian, khi dời cả ổ con, mèo mẹ tha về chỗ cũ theo thứ tự, con nào trước là con đó khỏe mạnh hơn hết. Cũng may như dự định của ông bà, con nó tha về đầu tiên là con mèo đực. Giữ lại nuôi mèo đực, sẽ tránh đi cái nạn chửa đẻ liên hồi…

Cho mãi đến bây giờ, theo kể lại của bà An về cái đêm đem bỏ mấy mẹ con con Miêu, khiến ông bà luôn bần thần thương nhớ. Khi bà An xổ giỏ lác, đổ mấy mẹ con Miêu xuống một nơi khá xa nhà, bà vội chạy lại chỗ để xe của mình, còn mấy con con túa ra về hướng ngược lại. Con Miêu ở giữa vừa chạy theo bà mấy bước, nghe tiếng con kêu vội bươn về phía con, gom chúng xong, lật đật chạy theo bà. Rồi con kêu nó chạy tới với con, vừa mấy bước như sợ lạc chủ nó lại quay về phía bà. Bà An đứng trong bóng tối ở xa nhìn thấy con Miêu cứ chạy tới chạy lui mãi như thế… Kịp khi có hai ánh mắt xanh lè của con thú nào tiến đến, nó đành phải thôi theo bà để bảo vệ đàn con!

Cách ngày sau, chẳng cầm lòng được, ông bà Hạp đến chỗ bỏ đêm trước để tìm nhưng chẳng thấy mẹ con Miêu đâu. “Không biết đĩa thức ăn mang theo cho, mẹ con nó có ăn không? Bây giờ Miêu có còn nuôi đàn con khi bụng mang dạ chửa, hay bị người ta bắt làm “tiểu hổ”, bỏ mấy con chết đói rồi!”. Cứ mỗi lần nhắc đến Miêu là bà An lại luôn mồm than thở như vậy.

Riêng con mèo đực con còn lại, sau đêm bà An đem bỏ mẹ nó và các em, chẵng hiểu biến đi đâu. Bị trộm bắt hay ra đi tìm mẹ cũng không biết nữa.

Người ta bảo bỏ mèo phải ở nơi cách sông, trở nước, chứ không thì nó cũng tìm được về nhà. Từ nhà ông bà đến nơi bỏ mẹ con nó đâu có con sông nào. Chẳng biết rồi mẹ con Miêu có tìm về được với ông bà hay không ?

Bây giờ nhà ông bà Hạp đàn chuột đang bắt đầu rục rịch trở lại. Bà An nói, nếu giờ đến Tết mẹ con Miêu không về, chắc phải tìm nuôi một con mèo khác. Tết nhất bánh trái, thức ăn đơm cúng trên bàn thờ ông bà, vô lẽ lại đậy lồng bàn ngăn chuột thì còn ra làm sao! Ông Hạp cũng nghĩ vậy khi nhớ đến con chuột nhảy loi choi trong mùng dạo nào...

(ĐNO)