Ngày Tết vắng tiếng rao

15.02.2024
Nguyễn Đông Nhật
Mưa về. Cả gió nữa. Đất trời thấm đẫm cái lạnh của những ngày gần tết. Buổi sáng sớm, những tiếng rao bán hàng vào tận những ngõ nhỏ của phố phường. Tiếng rao bán xôi bắp, xôi đậu đen, bánh chưng, bánh bò... cho bữa sáng.

Ngày Tết vắng tiếng rao

Tiếng rao dẫu phát ra từ những chiếc loa nhưng cái hồn của người bán quyện vào không gian, như thể tiếng lòng mong được một ngày vui trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, vất vả, như thể cho mọi người biết là cái ăn được rao bán, được phục vụ đến mọi người. Chỉ cần bỏ ra mười ngàn, hay mười lăm ngàn là bạn có bữa ăn sáng dân dã. Đó có thể là bữa ăn của người nghèo, cũng có thể là bữa ăn của những sinh viên xa nhà, của người bán vé số dạo, của người kiếm tìm cái ăn từng bữa... Và cũng có thể đó là bữa ăn của người giàu ăn thử cho biết mùi vị những món bình dân.

Rồi nửa buổi sáng. Tiếng rao mài dao kéo. Tôi thấy người đàn ông gầy gò trên chiếc xe đạp đã tróc hết sơn, chiếc xe đạp chỉ giơ bộ khung đen rỉ, chiếc xe đạp chở bộ đồ nghề nếu bỏ quên đâu đó, có lẽ chẳng ai thèm lượm mang về.

Tôi cũng nghe tiếng rao hớt tóc dạo: “Hớt tóc hông? Ai hớt tóc hông”. Tiếng rao khản đục của người đàn ông hơn 60 tuổi trên chiếc xe đạp lọc cọc mưu sinh lướt vội qua những salon tóc, qua những tiệm hớt tóc thời trang. Tiếng rao ấy có lẽ mươi năm sau trở thành tiếng vọng một thời.

Và những đêm cũng vọng tiếng rao. Tiếng rao đêm từng có trên những trang văn, trên những câu thơ thấm mồ hôi của giới cần lao, thấm cái tình thương yêu của người viết. Giờ, tiếng rao đêm là tiếng rao phát ra từ máy. Nào là bánh bao nóng hổi thơm ngon đây, bánh bao đặc biệt đây; nào là bánh mì nóng giòn đây. Tiếng rao đêm lặp đi lặp lại đều đều như tiếng kinh cầu, như tiếng thở của đêm, như nỗi khắc khoải của người cùng khổ.

Gần tết rồi mà tôi cứ nghe những tiếng rao đầy trên đường phố. Đó là tiếng rao bán chổi lông gà, chổi quét nhà, quét mạng nhện. Đó là tiếng rao bán hương đèn, trái cây. Đó còn là tiếng rao mua tivi, tủ lạnh, laptop hư, điện thoại hư, tranh liễn, máy nước... Đó là những tiếng rao cuối cùng của năm âm lịch kiếm chút tiền sắm tết. Tiếng rao vẫn đều đều như mọi ngày dẫu những ngày giáp tết mọi người có cảm giác tất bật, vội vàng.

Cũng có những tiếng rao trên mạng Internet. Những trang Facebook đầy những tiếng rao. Đó là tiếng rao bán mỹ phẩm, bán áo quần giảm giá. Đó là tiếng rao bán cây cảnh, bán mai đủ loại trong dịp cuối năm. Kể cả bán những chủng loại lan đột biến, lan rừng với giá bèo so với thời kỳ có lúc giá hàng tỷ đồng một giò lan. Có cả những tiếng rao mua bán đất, xe hơi, nhà cửa... Có cả những tiếng rao chào mời đấu giá sản phẩm trôi nổi trên thị trường... Và có cả tiếng rao bán các mặt hàng dành cho ngày tết. Nào là trà, mứt, kẹo bánh, hạt dưa, giò, chả... Nào là chén bát, chảo nồi... Nào là cây lau nhà, nước rửa chén...

Đâu chỉ có thế, văn chương cũng được rao bán trên mạng. Một thời Hàn Mặc Tử rao bằng thơ: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”. Còn giờ thì các nhà thơ rao bán sản phẩm thơ, những đứa con tinh thần của mình qua những lần ra mắt tác phẩm. Có cả tiếng rao nhà văn, nhà phê bình nữa. Tôi nghe tiếng rao của thơ ca, văn chương như thể là tiếng reo vui và cũng có thể là tiếng thở dài của những tác giả, kể cả tôi. Tiếng rao trên cõi mạng ấy chìm nổi mông lung, xốn xang qua những dấu hiệu tỏ bày cảm xúc của bao người. Quả là đủ thứ thượng vàng hạ cám nổi trôi được rao mua, rao bán. Tôi nghe nhiều giọng rao trên mạng, đủ các vùng miền trên cả nước.

Giao thừa. Những tiếng rao mưu sinh tạm gác lại. Tạm gác những nhọc nhằn, khổ cực qua một bên. Tạm gác mọi thứ để mà chào đón năm mới. Tôi không còn nghe những tiếng rao mưu sinh nữa. Chỉ có tiếng pháo hoa rộn ràng cùng với tiếng hò reo vui của bao người khi thưởng ngoạn những bông hoa nở nhiều sắc màu trên bầu trời. Tôi nghe cả tiếng còi tàu trên sông. Tôi nghe cả tiếng chuông chùa, nhà thờ vang lên như hòa cùng bao nhịp đập của lời nguyện cầu mong quốc thái dân an. Tôi chỉ nghe những lời tử tế trên môi mỗi người. Tôi ao ước những lời tử tế ấy không chỉ có khi xuân về, tết đến mà luôn có mọi lúc mọi nơi.

Ngày mùng một Tết, tôi như nghe lời chúc mừng năm mới rộn khắp nơi nơi.

Ngày tết, những tiếng rao mua bán hầu như vắng trên những cung đường của phố phường. Chỉ có những tiếng cười vui của bao người du xuân, chụp ảnh bên đường hoa, bên những tụ điểm vui chơi với áo quần đẹp đủ sắc màu. Chỉ có những lời nói tử tế như hòa vào không gian bình yên, tươi vui, sống động.

Và trên mạng Internet, những tiếng rao nhường chỗ cho những lời chúc tụng vui vẻ, bình an, tấn tài tấn lộc, vạn sự như ý... Những lời chúc mang tình Xuân tốt đẹp đến với mọi người. Tôi đọc bao lời chúc mừng năm mới của bạn bè trên Facebook. Tôi cũng gửi lời cầu chúc một năm bình an đến với mọi người.

 Đang dạo ngắm con đường hoa, bất chợt tôi nghe tiếng nhạc từ chiếc điện thoại di động của ai đó vang lên bài hát mừng Xuân.

Và trong tôi vang lên lời ca tự đáy lòng: Xuân Xuân ơi, Xuân ơi, Xuân ơi! (Xuân Ca, Phạm Duy).

(Tạp chí Non Nước số 311, 312)