NSNA Đào Tiến Đạt: Phía sau ngàn giải thưởng
19 năm gắn bó với nhiếp ảnh, Đào Tiến Đạt sở hữu 1.203 giải thưởng trong nước và quốc tế tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Anh cũng được Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ đưa vào danh sách những nhà nhiếp ảnh xuất sắc thế giới gồm: 3 lần xếp hạng Nhất ảnh màu và ảnh trắng đen khổ nhỏ (2011, 2013), 3 lần xếp hạng Nhì kỹ thuật số và ảnh trắng đen khổ nhỏ (2010, 2011, 2012)…
Trong một cuộc chuyện phiếm, anh Mã Thế Anh - Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đố tôi rằng: Có biết một nghệ sỹ nhiếp ảnh nào sở hữu cơ man giải thưởng nhưng hết sức kín tiếng không? Tất nhiên là tôi chịu. Mã Thế Anh giới thiệu: Đó là nghệ sỹ Đào Tiến Đạt.
Từ dạo ấy, tôi tò mò tìm hiểu về nghệ sỹ nhiếp ảnh đặc biệt này và chủ động gọi điện để làm quen với anh. Anh từ tốn tiếp chuyện tôi và cũng cực kỳ từ tốn xin không lên báo vì “Đạt chưa có gì mới, cho Đạt khất nhé”…
Bẵng đi một thời gian, tôi cũng quên mất có một người hứa “trả nợ” mình. Cho đến một ngày, tiếng Đào Tiến Đạt vui vẻ vang lên trên điện thoại: “Chào cô Hồng Diệu! Đạt đã có chuyện mới, muốn được chia sẻ với cô”. Vừa ngạc nhiên, vừa xúc động, bởi không biết đã bao nhiêu năm nay, tôi mới được gặp một nghệ sỹ giữ lời như thế! Thường khi ai đó nói: “Xin cho tôi khất” là tôi ngầm hiểu mình đã thất bại trong sự tiếp cận người ta. Đào Tiến Đạt chia sẻ tin vui: Vừa giành giải thưởng từ hai cuộc thi ảnh quốc tế ở Singapore và Ấn Độ. Anh cẩn thận giới thiệu và ghi rõ tên giải thưởng bằng tiếng Anh: “Đó là hai cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế Singapura Photo Cup Circuit- Singapore và Kohinoor Digital Circuit- Ấn Độ. Đây là hai cuộc thi ảnh vòng 3 Salon, mỗi Salon có Hội đồng giám khảo và bộ giải thưởng riêng biệt”. Tại cuộc thi ở Singapore, Đào Tiến Đạt gửi 12 tác phẩm cho 3 thể loại ảnh (ảnh màu và đen trắng tự do, ảnh du lịch) thì “rinh” 12 giải thưởng, nào huy chương vàng, huy chương bạc, bằng danh dự… Tại cuộc thi ở Ấn Độ, anh “càn quét” 5 giải thưởng với huy chương vàng, bằng danh dự, giải của giám khảo.
Có tin vui Đào Tiến Đạt mới chịu lên báo. Nhưng anh vẫn nhắn rằng: “Xin cô đừng nói tôi là nhiếp ảnh gia giữ kỷ lục giải thưởng”. Anh kể: “Năm 2011, tôi cùng các anh chị Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam săn ảnh tại Ninh Bình. Trên đường đi, bạn tôi gợi ý sẽ giới thiệu với Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, tôi cảm ơn và xin từ chối. Cuộc sống luôn vận động, nghệ thuật cũng từ cuộc sống, cho con người và vì con người nên nó cũng luôn vận động và thay đổi. Cái của hôm nay là quá khứ của ngày mai. May mắn sau này có ai nhớ đến một tác phẩm của mình là quý rồi”.
Vẫn hồi hộp như đợi “người tình”
Phải mất một ngày tính toán cẩn thận, Đào Tiến Đạt mới đưa ra con số chính xác về giải thưởng nhiếp ảnh anh đã gặt hái được trong suốt 19 năm cầm máy: “Từ tháng 7 năm 1998 đến nay tôi được 1.203 giải thưởng trong nước và quốc tế tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 giải thưởng xuất sắc nhất cuộc thi (2009, 2012, 2016), Cúp vàng Nhà nhiếp ảnh của năm - Italia (2005), 3 Cúp xuất sắc (2006, 2009, 2013), Giải thưởng lớn tại Italia (2005), Giải nhất Ảnh của năm của Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (2011), 141 huy chương vàng…”. Có người sẽ nghĩ: Nhận quá nhiều giải thưởng sẽ bào mòn cảm xúc. Giống một cô ca sỹ nọ, vì được vinh danh quá nhiều ở những giải thưởng trong nước nên cô tỏ rõ sự thờ ơ, có khi không buồn đến nhận giải. Nhưng Đào Tiến Đạt lại khác: “Tôi yêu những “đứa con tinh thần” của mình nên mỗi khi gửi tác phẩm dự thi, tôi đợi chờ ngày Ban tổ chức công bố kết quả như đợi “người tình”. Làm sao không hạnh phúc khi những “đứa con tinh thần” được thừa nhận, nó tiếp thêm nguồn năng lượng trên hành trình tìm kiếm cái Đẹp”.
Có những giải thưởng mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sáng tác của Đào Tiến Đạt: “Giải Huy chương vàng xuất sắc nhất Châu Á (Gold Medal Best of Asia) tại Italia năm 2006 trao cho hai tác phẩm “Trở về cát bụi” và “Đồ Nho”, cho tôi niềm hạnh phúc vì trong cuộc thi đó Ban tổ chức trao cho mỗi châu lục một huy chương vàng xuất sắc nhất. Hơn nữa, cuối năm 2006, tác phẩm “Trở về cát bụi” được Hội NSNAVN trao giải C ảnh xuất sắc; tác phẩm “Đồ Nho” được huy chương vàng tại Brasil năm 2005, sau đó Bảo tàng Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế MIF - Tây Ban Nha chọn vào bộ sưu tập và trưng bày. Hai tác phẩm này chụp tại Bình Định, quê tôi”. Một tác phẩm được vinh danh ở vị trí cao nhất trong một cuộc thi ảnh quốc tế tầm cỡ về Việt Nam chỉ được vinh danh giải C nhưng Đào Tiến Đạt vẫn nhắc đến đầy trân trọng. Bởi với anh, giải thưởng trong nước hay quốc tế đều có giá trị riêng: “Giải thưởng trong nước vui và ý nghĩa vì được tôn vinh trên quê hương mình”.
Với nghệ sỹ nhiếp ảnh Bình Định trước mắt anh vẫn còn nhiều đỉnh cao muốn chinh phục: “Tôi đến với nhiếp ảnh chưa đầy 20 năm. Tuổi 20 là tuổi đẹp nhất đời người. Tôi trộm nghĩ có những điều hay ho còn ở phía trước, mình chưa có điều kiện khám phá và trải nghiệm. Thế giới này mênh mông lắm, trong khi con người thì hữu hạn, làm sao khám phá cho hết, huống chi là nghệ thuật”. Anh bồi hồi nhớ kỷ niệm lần đầu tiên đoạt giải quốc tế: “Năm 2002, lần đầu tiên tôi được bằng danh dự cho tác phẩm “Đi làm” tại cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 29 ZAGREB Salon- Croatia. Khi ấy tôi đang ở TP HCM khám chữa bệnh định kỳ, lúc bấy giờ tôi mang bệnh nan y. Tối đó tôi mượn xe Honda của bạn chở vợ đi khắp phố phường Sài Gòn với niềm phấn khích khó tả. Tôi không nghĩ sẽ có một ngày như thế và sau này khi nhận Catalog từ bưu điện gửi về, tôi ghi ngay để nhớ “Điều không tưởng đã thành hiện thực”.
Đào Tiến Đạt kể lại chuyện những ngày đầu “đem chuông đi đánh xứ người”, mới thấy hồi ấy mọi thủ tục dự thi nhiếp ảnh quốc tế thật nhiêu khê và tốn kém: Gửi dự thi bằng ảnh giấy, chi phí phóng rọi ảnh, cước phí bưu điện và lệ phí rất cao. “Trước khi gửi ảnh dự thi, tôi phải đến Sở Văn hóa- Thông tin (nay là Sở Văn hóa- Thể thao) trình duyệt ảnh để được cấp giấy phép xuất khẩu văn hóa phẩm, kèm theo tờ khai Hải quan và giấy cam kết thì bưu điện tỉnh mới nhận ảnh chuyển đi”, anh nhớ lại. Đào Tiến Đạt nghiêm chỉnh tuân thủ mọi yêu cầu đặt ra, để mong được công bố tác phẩm của mình, qua đó giới thiệu hình ảnh quê hương mình. “Tôi không đặt nặng việc thắng thua, có giải thì vui, không có giải cũng chẳng lấy đó làm buồn”, anh tâm sự.
Nghề giám khảo cần tâm sáng
Đào Tiến Đạt vừa tham gia Hội đồng Giám khảo Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 5, Three Country Grand Circuit 2017 (Ireland - Montenegro - Serbia). Anh không nhớ chính xác mình đã ngồi ghế giám khảo lần thứ bao nhiêu trong đời cầm máy. Nhưng nghệ sỹ nhiếp ảnh sở hữu hơn ngàn giải thưởng này từng “cầm cân nảy mực” trong những giải thưởng danh giá của nước nhà. Năm 2016 anh là thành viên của Hội đồng xét giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước chuyên ngành nhiếp ảnh. Còn ở giải thưởng quốc tế, Đào Tiến Đạt đã ngồi “ghế nóng” 11 lần. Đầu năm 2018, Đào Tiến Đạt sẽ ngồi “ghế nóng” hai cuộc thi ảnh quốc tế diễn ra vào tháng 1 và tháng 4. “Là người trưởng thành từ thực tiễn sáng tác, đã từng gửi ảnh tham gia dự thi, tôi rất hiểu trách nhiệm của mình khi được đề cử làm giám khảo. Ngoài vấn đề chuyên môn, quan trọng nhất là giữ cho tâm sáng!”, anh chia sẻ.
Có những lần ngồi “ghế nóng” khiến anh không thể quên, như Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 2 “Ireland Exhibition 2015” do Hội nhiếp ảnh Ireland tổ chức: “Nguyên cả tháng sau đó, tôi không cầm máy chụp ảnh được vì sự ám ảnh của các tác phẩm tham gia dự thi. Nhiều tác phẩm của các nghệ sỹ quốc tế dự thi làm tôi kinh ngạc. Tôi không thể hiểu nổi chỉ đóng khung trong một khuôn hình mà tác giả lại khắc họa tác phẩm đầy tính nhân văn với nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc, giàu sức biểu cảm thẩm mỹ đến như vậy!”.
Nhiều năm cầm máy và ngồi “ghế nóng”, theo Đào Tiến Đạt, điều cốt lõi của mỗi nghệ sỹ nhiếp ảnh là vấn đề văn hóa. Quan điểm của người sở hữu ngàn giải thưởng: “Văn hóa mỗi quốc gia là nền tảng tạo nên bản sắc riêng làm phong phú vườn hoa nghệ thuật, chúng ta không thể lấy văn hóa phương Tây để đánh giá văn hóa phương Đông và ngược lại”.
“Tôi không đặt nặng việc thắng thua, có giải thì vui, không có giải cũng chẳng lấy đó làm buồn”
Nhiếp ảnh gia Đào Tiến Đạt
Đào Tiến Đạt sinh ra ở làng quê Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt. Đất nước thống nhất, gia đình, làng xóm nghèo xác xơ, kèm theo đó là những định kiến xã hội. Để tồn tại, Đào Tiến Đạt phải nỗ lực không ngừng. Trên hành trình mưu sinh, anh đã gặp những cảnh đời, phận người để lại dư âm không phai, như một phần cuộc đời. Đó là lí do vì sao khi chiêm ngưỡng tác phẩm của Đào Tiến Đạt người ta bị ám ảnh đến day dứt về con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Thí dụ như tác phẩm “SOS” số 2, đoạt giải Ảnh xuất sắc nhất về sáng tạo (Best Creative Print) tại Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế “PSA EXHIBITION 2010” của Hội nhiếp ảnh Hoa Kỳ, là thông điệp bảo vệ rừng: “Năm 2008, trên đường đi sáng tác ảnh tại tỉnh Kon Tum, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai, tôi bàng hoàng trước cảnh tàn phá rừng tan tác. Hèn chi mỗi khi đông về lũ lụt hoành hành, dù mưa chẳng bao nhiêu. Từ đó tôi hình thành ý tưởng “SOS” số 2, nhằm cảnh báo tác hại của việc phá rừng”. “Người nghệ sỹ không thể vô cảm với thời đại mình đang sống”, quan điểm của anh
Một ngày bình thường của Đào Tiến Đạt “giống như bao người Bình Định bình thường”. Khác thường nằm ở nhiếp ảnh: “Khi nhà không có việc gì tôi đều dành cho nhiếp ảnh. Thời gian đến với bạn hữu cũng ít đi vì nhiếp ảnh. Tôi sợ một ngày bạn bè bỏ tôi khỏi cuộc chơi. Thú thật, nhiếp ảnh như hơi thở, thiếu nó tôi cảm thấy thiếu một cái gì ghê gớm”, nghệ sỹ trải lòng.
Rất nhiều người băn khoăn: Đào Tiến Đạt có bao giờ chụp ảnh khỏa thân? Nhưng hãy chờ thời gian, lúc này nghệ sỹ chưa sẵn sàng “bật mí”: “Cho phép tôi được miễn trả lời câu hỏi trong lúc này”. Ai cũng thấy, Đào Tiến Đạt đã và đang dành nhiều tâm huyết cho di sản văn hóa Bình Định như võ cổ truyền, tuồng, bài chòi: “Tuy có đạt giải thưởng và trưng bày triển lãm ảnh trong nước và quốc tế nhưng còn khiêm tốn. Khi có điều kiện tôi sẽ in sách ảnh võ cổ truyền và nghệ thuật Tuồng để tri ân nơi đã sinh và nuôi dưỡng tôi nên người".
Nông Hồng Diệu
(tienphong.vn)