Tam Thái - Người chụp ảnh dạo thành danh
Dân trong nghề “phó nháy” thường gọi Tam Thái là người “hai tay hai súng”. Một tay cầm máy chụp như những nghệ sỹ nhiếp ảnh khác nhưng tay kia thì cầm bút - cũng một dạng lưu lại ký ức mà Tam Thái thường hay làm.
Sinh ra ở Quảng Nam nhưng lại lớn lên và thành danh trên mảnh đất Sài Gòn, sinh sống bằng cả nghề phó nháy lẫn viết lách nhưng Tam Thái thường tách bạch hẳn với cuộc sống đầy sôi động, ồn ã của đô thành để đắm chìm trong những ký ức hoài niệm.
Trước khi đến với nghề phó nháy, Tam Thái đã từng làm thơ. Anh có hẳn một tập thơ “Cho tương lai bắt gặp” được xuất bản đàng hoàng.
Nhưng rồi sống ở Sài Gòn, ngày ngày gặp những kiến trúc rất hiện đại nhưng cổ kính của một đô thị từng được mang danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, Tam Thái thấy đẹp lạ lùng. Cảm thấy không thể làm thơ mà nói trọn vẻ đẹp đó, Tam Thái đã tìm cách ghi lại cái đẹp qua ống kính. Những năm 80 thế kỷ trước, đến với nghề nhiếp ảnh quả là một khó khăn khi máy ảnh mua đã đắt, nhưng khó hơn là tài liệu về nhiếp ảnh rất ít mà đa số là bằng tiếng nước ngoài. Nhưng Tam Thái đã tự học, giáo trình Mỹ có, Pháp có. Vừa học vừa thực tập trên cái máy ảnh cũ, lại tranh thủ đi kiếm tiền mưu sinh nhờ chụp dạo. Ấy vậy mà Tam Thái thành nghề. Từ anh chụp ảnh dạo, Tam Thái tiến dần lên mở hẳn studio, “chuyên trị” chụp ảnh áo dài. Đầu những năm 90, khi khách nước ngoài bắt đầu vào Việt Nam, khách Việt kiều lục tục về nước thì studio của Tam Thái thường được nhắc tới như là điểm đến cho những người thích trang phục dân tộc Việt.
Tranh Nguyễn Xuân Hoàng.
“Ăn nên làm ra” nhưng dường như Tam Thái ít để ý đến để phát triển mạnh thương hiệu của studio mà anh lại thích chú tâm đến những chuyến đi khám phá, tìm hiểu phong cảnh của nhiều vùng đất. Chỉ với chiếc ba lô, Tam Thái đã làm nhiều chuyến đi đến với nhiều vùng đất khắp đất nước chỉ để lưu lại những khung cảnh của cây đa, bến nước, của dòng kinh nhỏ với chiếc cầu khỉ cheo leo, của tà áo bà ba với kĩu kịt đôi quang gánh trên vai. Tam Thái từng kể: “Tôi sợ rằng thời mở cửa, những hình ảnh quen thuộc từng bao đời gắn bó với đời sống người dân Việt sẽ bị biến mất. Và nét đẹp của văn hoá ngàn đời nay sẽ bị biến dạng đi theo thời cuộc nên tôi muốn đi để níu giữ lại bằng hình ảnh, bằng cảm nhận của chính tôi”. Xuôi ngược bao năm, Tam Thái đã lưu giữ hàng vạn tấm ảnh chụp ở khắp đất nước. Tam Thái kể để có những chuyến đi khắp Việt Nam, Tam Thái tận dụng mọi cơ hội. Thậm chí có lần, tranh thủ đưa vợ con đi chơi Tết, Tam Thái đã kết hợp đi rừng núi miền Bắc. Cả nhà 4 người ngất ngưởng trên chiếc xe máy, rong ruổi hết Đông Bắc rồi sang tận Tây Bắc. Hơn 20 ngày cả nhà đã đi hết hơn ngàn cây số đường rừng núi. Ngày đó chưa có dân phượt đi nhiều nên khi nghe Tam Thái kể về chuyến đi, nhiều người chỉ biết lắc đầu lè lưỡi trước sự can đảm, liều lĩnh của anh. Từ bộ ảnh, Tam Thái đã lựa những tấm ảnh đẹp để in thành sách. Nhưng dường như cảm thấy ảnh còn chưa đủ, với mỗi tấm ảnh, Tam Thái lại ghi lên những dòng mà Tam Thái gọi là cảm xúc từ tấm ảnh. Đó không phải là chú thích ảnh mà qua tấm ảnh, anh lại tìm hiểu quá khứ của vùng đất, tìm hiểu sự biến đổi từ nội dung trong bức ảnh. Bởi thế, mỗi tấm ảnh đã trở thành một bút ký tuy ngắn nhưng vẫn nói được sự hoài niệm về một cảnh quan, một vùng đất mà Tam Thái đã đi qua. Cuốn sách ảnh “Ký ức miền quê” được ra đời như thế. Sách dày 170 trang với 150 tấm ảnh và những dòng bút ký, gồm ba ngôn ngữ: Việt, Anh, Nhật đã được độc giả đón nhận nhiệt liệt. “Ký ức miền quê” đã đoạt Cúp vàng VA.PA - Công trình nhiếp ảnh năm 2007 của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam và được tái bản năm 2012.
Nhiếp ảnh gia Đỗ Tùng: “Chỉ trong một khuôn viên nhỏ quanh Nhà thờ Đức Bà mà Tam Thái đã làm được hẳn một cuộc triển lãm ảnh thì quả thực là xuất sắc. Phải là người gắn bó với Sài Gòn sâu đậm như thế nào anh ấy mới có được góc nhìn độc đáo, một Sài Gòn nằm giữa một Sài Gòn”
Bẵng đi một thời gian, tưởng chừng như Tam Thái đã an phận với một nghề mới là dạy chụp ảnh thì bất ngờ vào một ngày đầu đông 2015, Tam Thái đột ngột làm cú “song cước liên hoàn” khi vừa ra mắt cuốn sách ảnh “150 năm hình bóng Sài Gòn” cùng lúc với một triển lãm ảnh “Sài Gòn- 9.000m2 phản chiếu”. Trong đó cuốn “150 năm hình bóng Sài Gòn” dày hơn 500 trang với trên 900 bức ảnh cùng những lời tự sự dưới từng bức, Tam Thái đã mất hơn 10 năm ròng rã.
Ít ai biết từ những ngày còn đi chụp ảnh dạo, Tam Thái đã thích sưu tầm những bức ảnh cổ của Sài Gòn. Cứ mỗi khi bưu điện Sài Gòn có bán bưu ảnh mới, Tam Thái lại mua một bộ. Rồi khi có internet, Tam Thái lại lần mò lên những trang ảnh nước ngoài, tìm kiếm ảnh cổ Sài Gòn. Rồi từ những bức ảnh đó, Tam Thái lại tìm đến với địa điểm đã chụp tấm ảnh để tìm kiếm lại, để so sánh sự biến đổi của nội dung bức ảnh theo thời gian. 10 năm biên khảo, sưu tầm và vác máy đi tìm quá khứ lẫn hiện tại, Tam Thái đã có bộ sưu tập ảnh của Sài Gòn từ thủa sơ khai cho đến ngày hôm nay. Bộ ảnh đã được nhiều người đánh giá là đồ sộ nhất ở Sài Gòn, trong đó có nhiều tấm ảnh độc chưa bao giờ được công bố.
Cánh én mùa xuân: “Một con ém chẳng làm lên mùa xuân” nhưng hôm nay, tôi đếm trên bầu trời, có đến chục con: vậy là mùa xuân đang đến? Thôi chần chừ gì nữa, bởi Xuân Diệu đã từng thúc giục: “Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua. Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”. Mượn câu thơ làm ý ảnh, lên phim mà bấm ... Ảnh: Tam Thái.
Nói chuyện với mọi người về kho ảnh quý Sài Gòn, Tam Thái khiêm tốn bảo không phải do mình tài năng mà do may mắn. Cái may mắn đầu tiên, anh kể, một lần đi chụp ảnh, tình cờ anh gặp một ông già nhỏ bé gầy gò đang đốt nhang bên mộ đá ở lăng Ông Bà Chiểu. Tam Thái hỏi chuyện thì biết ông khá rành rẽ về đất Sài Gòn nhưng không biết đi xe máy. Tam Thái thì ngược lại. Thế là anh tình nguyện làm “xe ôm” miễn phí cho ông già. Mãi mới biết ông già nhỏ bé đó chính là nhà văn Sơn Nam - Một cây đại thụ về văn hóa ở phương Nam. Nhờ gặp ông, Tam Thái học hỏi được rất nhiều. May mắn khác là có một lần, có ông ve chai tới gạ bán cho Tam Thái một thùng đạn đại liên chứa đầy những tấm phim âm bản. Tam Thái đã mua khi biết đây là những thước phim chụp Sài Gòn từ những năm năm mươi của thế kỷ trước. Sau này tìm hiểu kỹ, Tam Thái mới biết thùng phim đó trước nằm trong kho lưu trữ tư liệu của chính quyền Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm. Sau 1975, người quản lý kho đã đem chúng về nhà và khi ông ta mất, con cái đã đem bán ve chai. May mà nó đã đến đúng người đang cần.
Hỏi Tam Thái là tại sao lại chọn thời điểm 150 năm để làm cuốn sách thì Tam Thái giải thích: Năm 1863 thực dân Pháp chiếm Sài Gòn. Từ lúc này, mảnh đất Sài Gòn đã có những biến chuyển mạnh mẽ. Theo cuốn “150 năm hình bóng Sài Gòn”, người xem có thể biết được thêm nhiều kiến thức quí giá. Như khu vực hồ Con Rùa quận I, theo cuốn sách, nơi đó đã từng là tháp nước rồi sau đó là tượng đài rồi thành hồ nước. Mãi tới những năm đầu tiên của thập kỷ 70 thế kỷ trước, nó mới thành đài tưởng niệm có hình con rùa. Rồi văn minh sông nước Sài Gòn một thời cổng chợ Bến Thành đã từng có một con kênh đào, nhà thương Đồn Đất là nơi người Pháp chọn để xây bệnh viện vì có địa thế cao ven sông… Ảnh xưa cùng ảnh nay cùng được chụp ở một góc độ với lời chú giải giúp người đọc dễ hình dung. Theo nhà thơ Phạm Sỹ Sáu- người tham gia biên tập cuốn “150 năm hình bóng Sài Gòn” thì “Tam Thái đã làm tốt cả hai công việc, vừa của một nhà nhiếp ảnh vừa là một nhà nghiên cứu văn hóa để làm lên cuốn sách này”.
Trên và dưới
Trên trời có mấy vì sao Thì nay dưới đất có bao phận đời (Chú thích ảnh của Tam Thái). Ảnh: Tam Thái
Có vẻ một cuốn sách ảnh chưa đủ để Tam Thái trải lòng với Sài Gòn nên cùng lúc ra mắt cuốn sách, Tam Thái còn “khuyến mãi” cho người yêu Sài Gòn thêm triển lãm ảnh “Sài Gòn- 9.000m2 phản chiếu”. Đây cũng là một phần trong công trình khảo cứu Sài Gòn của Tam Thái. Sự khác biệt của triển lãm so với sách chỉ ở chỗ: Hơn 90 bức ảnh được trưng bày tại triển lãm chỉ chụp duy nhất ở khu vực nhà thờ Đức Bà. Theo Tam Thái, chỉ 9000m2 khu vực trung tâm này đã phản chiếu mọi góc cạnh sâu nhất của đời sống xã hội cả Sài Gòn rộng lớn. Trong lời ngỏ, Tam Thái viết: “Trên khoảng đất này, cuộc sống hàng ngày xem ra cũng đa dạng và tương phản: Nơi dừng xe khoe dáng của những chiếc ô tô bạc tỷ. Sự hào nhoáng, bóng bẩy đến nỗi đã soi bóng cả những người lao động, bám víu quanh đó tìm kiếm những đồng tiền lẻ, cho cuộc mưu sinh cơm áo. Đó có thể là người bán báo, vé số dạo, có thể là người buôn gánh bán bưng, hay ông xích lô già cỗi. Dĩ nhiên, nó cũng in bóng cả những khách nhàn du, ngoạn cảnh, hay tốc độ vội vàng hối hả, của những vị luôn bận rộn với công danh sự nghiệp. Ngang qua khoảng đất này, dẫu hờ hững vô tình, vẫn nhìn thấy khoảng trời xanh lơ lửng, những tàn cây vương bóng mặt trời. Những mái cũ bưu điện, màu gạch đỏ trăm năm giáo đường, Bót Catinat vàng vọt, ngã bóng thời gian… Với tâm tư nhỏ nhoi của một thợ ảnh, tôi mong muốn chụp lại một ít sinh cảnh, như một ghi chép sống động, lưu lại cái dấu tích của thời mình đang sống, dầu chỉ trên mảnh đất nhỏ hẹp, khoảng 9000m2 này”.
“Tôi luôn có suy nghĩ phải làm điều gì đó để trả ơn các bậc tiền nhân đã đến đây khai kênh bồi đất, dựng nên Gia Định - Bến Nghé cho con cháu được một Sài Gòn - TPHCM hôm nay. Vì vậy, khi nhìn thấy nhiều ngôi nhà cổ, công trình xưa cũ bị đập bỏ để xây dựng các công trình hiện đại, tôi lao vào chụp không biết mệt mỏi. Bởi tôi luôn quan niệm: Phải hiểu dĩ vãng để xây dựng tương lai”, Tam Thái nói.
Nhiếp ảnh gia Tam Thái sinh năm 1953 tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Tam Thái tự sự: “Năm 1972: Vô đạp đất Sài Gòn kiếm chữ. Từ 1976 : Đạp đất Sài Gòn kiếm cơm. Nghề nghiệp đã từng qua: Làm giáo dục, báo chí, dạy ảnh, viết sách. Nghề hiện nay: “Nhà chớp ảnh. Nhà báo tự lo”, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh EVAP.G.”
Trọng Thịnh
(tienphong.vn)