Nhà văn với tấm lòng trong sáng
Nhà văn Sơn Tùng (SN 1928 tại Diễn Kim-Diễn Châu-Nghệ An). Cuộc đời hoạt động văn học và báo chí của ông gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Ông là người xông xáo, đi nhiều ngay từ những năm tháng còn chiến tranh ác liệt cho đến nay với một khát vọng “cháy bỏng” tìm kiếm các tư liệu lịch sử chân thực về lãnh tụ Hồ Chí Minh và lãnh tụ cách mạng của dân tộc ta. Mặc dù là thương binh hạng nặng (1/4), song ông không “chịu” nghỉ ngơi mà dành trọn cuộc đời mình dể dấn thân vào nghiệp viết.
Những tác phẩm của ông đã trở thành tấm gương phản ánh sinh động ở những khía cạnh cơ bản của hai cuộc kháng chiến chống xâm lược được nhân loại biết đến như một kỳ tích của thế kỷ XX. Trong đó, đề tài viết về Bác đã khơi nguồn cảm hứng, thôi thúc ông trong suốt quá trình cầm bút và nhân vật được khắc họa thành công nhất của nhà văn chính là Chủ tịch Hồ chí Minh. Cho đến nay, Sơn Tùng đã cho ra mắt bạn đọc gần 20 đầu sách viết về Bác Hồ, sách viết về cách mạng.
Trong lao động sáng tạo nghệ thuật, nhà văn Sơn Tùng đã chọn cho mình một con đường riêng, đi từ trái tim của giống nòi Hồng Lạc mà nhân vật chính được khắc họa thành công nhất chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đề tài này, Sơn Tùng đã có nhiều tác phẩm như: Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng năm, Búp sen xanh, Bông sen vàng, Hoa râm bụt, Bác về, Bác ở nơi đây… Trong đó, Búp sen xanh là cuốn đầu tiên ở loại hình tiểu thuyết điển hình viết về Bác Hồ trong giai đoạn hình thành nhân cách từ thủa thiếu thời cho tới khi Hồ Chí Minh lên tàu bôn ba ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Ở tác phẩm này, nhà văn không miêu tả mặt vĩ đại của Bác mà nhà văn lo tìm hiểu để khắc họa một cách sinh động ở một con người bình thường như Nguyễn Tất Thành trở thành Hồ Chí Minh. Thông qua tác phẩm đã giúp người đọc thấy rõ Bác là một con người, một người dân bình thường như bao người dân Việt Nam khác cũng có một gia đình, một quê hương, một Tổ quốc…
Sau khi miền Nam giải phóng thống nhất đất nước, tuy sức khỏe giảm sút nghiêm trọng song ông vẫn quyết tâm trên những cuộc hành trình trải dài từ Bắc vào Nam để dò tìm theo những dấu của Người. Nhà văn bắt đầu cuộc hành trình từ làng Chùa, làng Sen cho đến Huế… Khi có được thông tin và nguồn tư liệu về Bác, ông lại cặm cụi ghi chép, xâu chuỗi những sự kiện để dần hình thành nên tác phẩm mà trên thực tế tưởng chừng như bị chìm khuất dưới lớp bụi thời gian của quãng đời tuổi trẻ của Hồ Chí Minh đã được tái hiện lại một cách sinh động trong Búp sen xanh.
Còn ở tập truyện Hoa râm bụt bằng những câu chuyện hùng hồn đã cho chúng ta thấy lòng “Hiếu” của Bác đối với cha mẹ, cách nhìn của Bác về Đảng; chịu trách nhiệm trước những khó khăn thiếu sót-nhất là cải chính được những lời dạy của Người đối với thiếu nhi. Điều quan trọng tập truyện đã rút ra được là thái độ cảnh giác của Người trong cương vị của người lãnh tụ. Hồ Chủ tịch không chấp nhận bất cứ một ưu tiên nào dành cho bản thân mình mà bao giờ Người cũng đứng cùng hàng ngũ với những con người lao động xưa nay luôn bị xếp vào hạng thấp bé. Trong suốt cuộc đời, lúc nào Người luôn cố gắng gần gũi, thông cảm, sẻ chia với những khó khăn của người khác, khát khao làm được những điều gì có ích cho nhân dân và đất nước.
Nhà văn Sơn Tùng sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bản thân ông đã tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi. Với ông, gia đình có vai trò hết sức quan trọng, là nền móng, là khởi thủy hình thành nên nhân cách của nhà văn và đưa ông đến với văn chương cách mạng. Và chính từ những vần thơ, những bài văn tế, phú, văn ai… dần ngấm vào máu thịt ông ngay từ hồi nhỏ, để rồi thôi thúc ông cầm bút. Trên thực tế, hồi đi học ông lại muốn được viết báo để phản ánh cuộc sống thực tại lúc bấy giờ. Nhà văn Sơn Tùng đã đi sâu, tìm tòi để rồi gắn bó cả cuộc đời mình với đề tài danh nhân cách mạng. Bản thân nhà văn đã từng chứng kiến nhiều Anh hùng cách mạng, chiến sĩ yêu nước phải chịu cảnh đọa đầy, cảnh nước mất… Ông tìm tòi tư liệu và viết về họ. Và cũng từ đề tài này đã giúp nhà văn dần hình dung ra các danh nhân, nhìn ra các phong trào yêu nước, mà điển hình là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sơn Tùng tâm sự: Danh nhân thường bị khuất sau lớp bụi thời gian và những dấu vết của họ để lại cũng rất mờ nhạt trong dân chúng. Chắp lại những tư liệu còn ít ỏi, đứt quãng để tạo ra bóng dáng cách mạng là một việc làm quá khó khăn, công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết, tình huống và phải điều tra, xác minh thông tin độc lập theo ba nguồn: Bút tích, bia tích và tục truyền trong dân gian. Cũng theo nhà văn, để tìm ra được sự thật dựa vào ba nguồn trên thì tục truyền trong dân gian có vai trò vô cùng quan trọng, thông qua nguồn này, người cầm bút có thể hình dung tính chân thực của thông tin, của vấn đề. Chẳng hạn ở tiểu thuyết Búp sen xanh, viết về giai đoạn hình thành nhân cách, tuổi trẻ của Bác, công việc tìm kiếm tư liệu ở giai đoạn này rất vất vả, bị thất thoát nhiều. Tuy nhiên, tôi cũng có may mắn đã gặp và được nghe kể lại gần gũi như người thân trong gia đình của anh-chị Bác Hồ (hai người ruột thịt của Bác) kể về Người. Và từ đó, tôi đã quyết tâm tìm bằng được những “ẩn tích” Hồ Chí Minh, những sự thật về cuộc đời và gia cảnh cùng những kỷ niệm về tuổi thơ đầy xúc động của Bác.
Nhà văn Sơn Tùng quan niệm: Khi đặt bút viết về lãnh tụ và những danh nhân lịch sử người cầm bút phải có một tấm lòng trong sáng, phải có nhân cách, phải ngay thẳng trung thực, phải đặt lợi ích chung lên trên hết, không được lừa dối hay thổi phồng sự thật. Với ông, đề tài lãnh tụ không bao giờ phai mờ trong ý thức và tâm trí cầm bút của mình. Cả cuộc đời ông đã dành tình yêu, sự tâm huyết vì khát vọng được góp một phần công sức nhỏ bé của mình giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những vị lãnh tụ anh minh của dân tộc ta cho thế hệ mai sau.
Thủy Liên