Làng trong phố
Lễ hội rước mục đồng tại làng Phong Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang). Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN |
Thơ về làng, thơ về phố thì không thể thống kê hết. Nhưng thơ về làng trong phố (hoặc có chút liên quan) thì chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, làng vẫn tồn tại trong những mái đình cong vút, trong cái cổng làng uy nghi hay trong những lễ hội truyền thống… Cái làng ấy tồn tại ngay trong tâm hồn của những con người đi từ rạ từ rơm ra sống ở phố. Và chẳng phải phố cũng sinh ra từ quê ư? Nghĩa là làng quê hiện hữu bằng nhiều chiều kích không gian, nhưng các tác giả thường gạt mất cái chi tiết này. Nên giả dụ có viết về cổng làng, hay mái đình ở phố nhưng các tác giả chỉ viết đơn thuần như cái không gian mà những sự vật ấy vốn thuộc về. Dĩ nhiên, đó là dụng ý của người sáng tác. Nên cũng bằng một mục đích khám phá và chấm phá, hình ảnh làng trong phố đã tồn tại trong nhiều thi phẩm như một sự phát hiện.
Dấu ấn của làng trong phố
Dấu ấn ấy sẽ xuất hiện trong không gian văn hóa làng. Mà văn hóa làng thì lại phải nói đến vật thể (các cổ vật, đình làng, cổng làng, văn miếu…) và phi vật thể (cụ thể là hội hè). Và dĩ nhiên những tác phẩm người viết giới thiệu đây phải có song song hai yếu tố phố và làng.
Lễ hội thì vốn từ làng sinh ra. Kể cả khi ta thấy các bô lão mặc áo dài khăn đóng, hay đội nón lá, nón quai thao… thì đó cũng là phong cách của làng quê rồi. Chả thế mà thi sĩ Nguyễn Bính lại kéo cái yếm lụa sồi, cái dây lưng đuỗi, cái quần nái đen về phía “Chân quê”. Hình ảnh lễ hội truyền thống nhộn nhịp ở thành phố đã được thi sĩ Ngô Mai Phong tái hiện với niềm hứng khởi: “…Và cứ thế phố phường bốc cháy/ Dòng người chen, dòng người trôi/ Xe cộ nép bên hè cóm róm/ Chỉ còn ta và cây cối reo cười...” (Lễ hội). Không khí ấy có khác chi một buổi lễ hội ở làng đâu. Có chăng là khác ở địa điểm thôi. Lễ hội ấy là cái nếp từ làng xưa truyền lại đến bây giờ. Làng đã mang nó lên phố hay phố kế thừa lễ hội từ làng thì những phong tục truyền thống ấy cũng là một dấu triện mà làng đã đóng lên phố.
Đó là nói về những giá trị phi vật thể. Phố cũng còn dấu chân làng ở những giá trị vật thể vững vàng neo lại mặc cho dòng chảy thời gian ráo riết cuộn trôi. Đơn cử như bài thơ Hà Nội ngày trở về (Dzoãn Thanh Tùng) hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam hiện lên mồn một: “…Từ gốc đa già đến mặt hồ sương/ Từ ngàn xưa đến tận hôm nay/ Quán ngập lá và mắt em vẫn thế/ Rượu không say, chỉ đủ để buồn thôi…”. Cây đa, bến nước, sân đình là những hình ảnh thân thuộc của nông thôn Việt Nam chứ đâu nữa. Và sau bao nhiêu thăng trầm biến đổi, cội đa vẫn bền bỉ đứng đó như để làm chứng cho một ngôi làng từng tồn tại ở thủ đô.
Đến đây mới thấy, phố với làng tuy khu biệt nhưng lại chẳng tách rời nhau. Tuy nói phố trong làng nhưng thực chất cả hai đang tồn tại song song và âm thầm bao bọc lấy nhau.
Làng hiện hữu trong tâm thức người ra phố
Làng ở trong phố đâu chỉ là sự tồn tại của chính những sự vật, hiện tượng biểu thị nó. Mà đôi khi nó như những tàn lửa âm ỉ cháy dưới lớp tro bụi. Những người xa quê là lớp tro bụi, còn tình quê chính là lửa đó vậy. Họ ra đi từ làng, rồi hồn làng theo họ đi ra phố.
Nếu nói về người mang làng ra phố, trên văn đàn tôi nghĩ Nguyễn Ngọc Hạnh sẽ là ứng cử viên sáng giá. Và đã có người gọi ông bằng cái biệt danh ấy. Bài thơ Làng sẽ bảo vệ cho quan điểm tôi nêu ở trên, đồng thời khẳng định tính đúng đắn của cái biệt danh mà người ta đặt cho ông: “…Qua bao nhiêu phường phố/ Thuộc hết những tên đường/ Người trên phố hàng cây và gió/ Đều nhận ra tôi dáng dấp làng quê/ Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ Mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê bóng núi cứ chập chờn/ Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi”.
Nếu nhìn một người mà biết ngay quê hay tỉnh thì không thể quả quyết được. Thế nhưng nhìn qua mà “nhận ra” ngay cái “dáng dấp làng quê” thì hẳn phải có cái gì đặc trưng lắm. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh không đến nỗi quê kệch như cách người ta vẫn gọi là hai lúa đâu. Nhưng có lẽ vì tình quê chan chứa, nồng nàn đã toát lên khiến ai cũng cảm nhận được, kể cả thiên nhiên. Làng theo ông, rồi ông mang theo làng (vì “làng sống trong tôi”) thì chẳng phải chỉ lên phố thôi đâu mà đi đến đâu ông cũng có làng.
Cũng với làng quê và phố, tôi lại muốn nhắc đến thi sĩ Nguyễn Duy. Tác phẩm của ông cũng xuất hiện những thi ảnh ấy. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một điều đặc biệt trong thi phẩm sắp được nhắc đến. Vì: “Từ hồi về thành phố/ quen ánh điện cửa gương/ vầng trăng đi qua ngõ/ như người dưng qua đường” (Ánh trăng). Nếu ở trên, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh không biết rằng cái làng ấy theo mình thì ở đây tác giả Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa cũng chẳng biết mảnh trăng quê đang dõi theo mình. Bởi: “Hồi nhỏ sống với đồng/ với sông rồi với bể/ hồi chiến tranh ở rừng/ vầng trăng thành tri kỷ” (Ánh trăng). “Hồi nhỏ” sống với trăng thì hiển nhiên đó là vầng trăng ở vùng Đông Vệ chứ còn đâu nữa. Làng vẫn hiện hữu ở phố nhờ vầng trăng kết nối đó thôi. Không một cảm nhận huyền hồ như ảo giác về thời gian, không gian trong câu: “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái” (Nguyễn Khuyến).
Trăng đó kỳ thực là trăng quê rồi (cố nhiên thôi, bởi lẽ chưa ai gọi là trăng phố cả). Nên tôi nghĩ rằng, làng quê đâu chỉ tồn tại bằng những giá trị văn hóa hay trong lòng người, mà làng hiện hữu ở phố ngay trong những hiện tượng tự nhiên nữa kia. Rồi cũng chính những hiện tượng ấy sẽ gợi nhớ cho người ta những dư ảnh của làng quê trong tâm hồn mình.
Rồi đây, sẽ còn biết bao nhiêu làng quê sẽ thay da đổi thịt, sẽ có thêm những phố khang trang và những làng sẽ vào dĩ vãng. Nhưng những giá trị của làng sẽ trường tồn, những con người sinh ra ở nơi ấy sẽ đại diện cho làng để nói rằng: “Làng hãy còn trong phố”.
(baodanang.vn)