Nghiên cứu phê bình văn học hôm nay – Vắng bóng tác phẩm hay là vắng bóng người đọc?
Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 xét trao cho những tác phẩm được xuất bản từ tháng 10 năm 2020 đến hết tháng 9 năm 2021. Ở hạng mục nghiên cứu phê bình văn học có 15 tác phẩm dự giải hợp lệ để hội đồng chuyên môn của Hội xem xét. Đó là: Những thời xanh tráng lệ – Nguyễn Thanh Tâm, Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi – Đoàn Ánh Dương, Bốn nhà văn nhà số 4 – Ngô Thảo, Từ trang sách đến gương mặt văn chương – Nguyễn Hoài Nam, Thi pháp truyện ngắn hiện đại – Bùi Việt Thắng, Đọc và nghĩ – Đinh Xuân Dũng, Đường biên của chữ – Bùi Như Hải, Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa – Trương Đăng Dung, Tuồng – Trần Trí Trắc, Vân chữ – Đỗ Trọng Khơi, Nỗi lòng trong thơ lục bát – Nguyễn Khắc Đàm, Chọn bình văn học Trung Quốc – Vũ Quốc Huệ, Đền đáp – Đỗ Lâm Hà, Ngôn ngữ đối thoại – Thy Lan và Lảo đảo giữa nhân gian – Đỗ Anh Vũ.
Nhìn tổng thể, mặt bằng chất lượng các tác phẩm nghiên cứu phê bình văn học dự Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 là khá cao, trong đó nổi lên nhiều cuốn vốn gây được chú ý trong văn giới ngay từ khi vừa được ấn hành.
Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi của Đoàn Ánh Dương là một biên khảo công phu, giàu chủ kiến, giàu chất “văn”, về văn học và xã hội Việt Nam sau Đổi mới – một “thời đại” mới của lịch sử văn học dân tộc. Biên khảo trình ra một cái nhìn vừa “nội quan” vừa “ngoại quan”, hay nói chính xác hơn là một cái nhìn “nội-ngoại quan”. Có nghĩa, đây không đơn thuần chỉ như kết quả tìm hiểu một loại hình nghệ thuật đặc thù (nghệ thuật ngôn từ), mà còn nhận thức văn học như là một sự kiện xã hội và hiện tượng văn hóa (đặt văn học trong tình thế chuyển đổi). Theo đó, cái nhìn này cân bằng và công bằng hóa cái nhìn phiến diện cực đoan về văn học, khi mà từ khi thi pháp học lên ngôi thì văn bản văn học bị bứng ra khỏi môi sinh mà nó khởi sinh, nó thuộc về. Được khởi đi từ một suy tư dài hơi về “không gian văn học đương đại” (từ 1986), cuốn sách trở thành công trình chuyên sâu vạm vỡ đầu tiên giải phẫu một cách bén ngọt về những chuyển dịch của văn học trong sự liên can tất yếu biện chứng với không gian lịch sử – văn hóa – chính trị – xã hội cùng thời.
Những thời xanh tráng lệ của Nguyễn Thanh Tâm là một khảo luận kỹ càng, hứng khởi về văn học Việt Nam tiền chiến – một “thời đại” trong lịch sử văn học dân tộc, cũng là một hiện tượng có tính loại hình trên phạm vi Đông Á trong xu thế hiện đại hóa, toàn cầu hóa đương thời. Đóng góp đáng kể của khảo luận này nằm ở chỗ chất vấn lại những nhận định tưởng đã đóng đinh mặc định, bổ khuyết những khuất lấp chưa được khơi tỏ hay nhận diện đầy đủ… về sinh thể văn học tiền chiến dưới ánh sáng của tư liệu, phương pháp, lý thuyết, quan niệm mới. Với ý nghĩa khoa học đó, khảo luận có giá trị nhất định về mặt văn học sử, là tài liệu tham khảo cho những ai đang nghiên cứu và giảng dạy về giai đoạn văn học đặc biệt nửa đầu thế kỉ XX…
Lảo đảo giữa nhân gian của Đỗ Anh Vũ là một tập “mê luận” khá dày dặn, độc đáo, hấp dẫn của một nhà ngôn ngữ học, một nhà phê bình văn học, cho thấy khả năng bao quát, quán chiếu, làm chủ nguồn ngữ liệu cổ kim, khả năng xâu chuỗi vấn đề, cùng lối hành văn mê đắm, hào sảng của tác giả. Với cuốn sách này, đặc biệt là với Phần 3, tác giả đã đặt mọi đối tượng được “luận” (từ thanh đến tục) trên một mặt sân giá trị, phát huy tối đa quyền dân chủ, bình đẳng của chúng. Cuốn sách, do vậy, có ý nghĩa chất vấn lại không khí/ tinh thần/ thái độ/ tâm thế thường khi cứ tỏ ra nghiêm trọng/ nghiêm trang/ nghiêm túc/ nghiêm ngắn/ nghiêm nghị/ nghiêm chỉnh của đời sống nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam.
Bốn nhà văn nhà số 4 của Ngô Thảo là một tập tư liệu văn học đầy đặn, quý hiếm về bốn nhà văn nhà số 4 – Tạp chí Văn nghệ Quân đội – một thời vang bóng, gồm: Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và Thu Bồn. Thói thường “văn nhân tương khinh”, nhưng cuốn sách này cho thấy một sự tương kính, biệt nhỡn liên tài hiếm có mà tác giả dành cho các đồng chí, đồng nghiệp, bạn văn của mình. Như vậy, cuốn sách không chỉ đóng góp về mặt tư liệu, văn học sử, mà còn mang giá trị ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Đọc và nghĩ của Đinh Xuân Dũng cho thấy sức đọc sức nghĩ đáng nể của một chủ thể tuổi cao. Phần 1 được thể hiện dưới dạng “nhật ký đọc sách”, kết quả của việc đọc và cảm nhận gần 80 tác phẩm của hơn 100 tác giả được xuất bản từ cuối năm 2016 đến cuối năm 2020. Phần 2 tập hợp và tuyển chọn các nghiên cứu, tiểu luận khoa học của tác giả được viết từ năm 2020 đến tháng 6/2021, đúc kết những suy nghĩ, cảm nhận, liên hệ thực tiễn và những đề xuất của tác giả trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Theo đó, cuốn sách cho thấy sự cập nhật, theo sát của một nhà nghiên cứu phê bình đối với thực tiễn sáng tác tươi ròng đang diễn ra. Là sản phẩm của một nhà “tuyên truyền”, “định hướng”, nhưng điểm sáng của cuốn sách nằm ở tâm huyết, chiều sâu tri thức, thái độ khách quan, tư duy biện chứng của một người làm nghề.
Tuồng của Trần Trí Trắc là một nghiên cứu hệ thống về tuồng – thể loại kịch hát Việt Nam, từ quá trình hình thành và những đặc trưng cơ bản của thể loại cho đến lịch sử vận động phát triển của thể loại (tuồng cổ – tuồng thời Nguyễn – tuồng cách mạng), từ khái quát thể loại cho đến những đơn vị nghệ thuật, những chân dung nghệ sĩ tuồng cụ thể. Công trình cho thấy tình yêu, sự đắm đuối của tác giả đối với di sản nghệ thuật truyền thống của dân tộc. (Có một sự nhập nhằng thể loại cần được minh định ở đây: Lý luận văn học chia tác phẩm văn học thành 3 loại hình, đó là trữ tình, tự sự và kịch. Như đã nói, tuồng là một thể loại kịch hát Việt Nam, mà kịch là văn học, tuy nhiên, tư cách văn học của nó chỉ xét ở kịch bản văn học. Nhưng trong cuốn sách này, tuồng còn được đề cập nhiều ở tư cách là nghệ thuật biểu diễn, mà nghệ thuật biểu diễn thì lại thuộc về loại hình nghệ thuật sân khấu. Có nghĩa, cuốn sách này vừa là nghiên cứu phê bình văn học, vừa là nghiên cứu phê bình sân khấu.)
Từ trang sách đến gương mặt văn chương của Nguyễn Hoài Nam có ưu điểm nổi bật là văn hoạt, tự nhiên, có “mùi chữ”, đi sâu giải phẫu, “đọc vị” tác giả/ tác phẩm bằng chủ kiến, bằng cái đọc mẫn cảm của một nhà phê bình, từ chối viện dẫn những lý thuyết rủng rẻng, phô trương, không ăn nhập… Tuy nhiên, cuốn sách hơi “mỏng”, thiên về phê bình báo chí (tập hợp những bài viết rời đã đăng báo những năm gần đây, sau khi tác giả công bố cuốn Mùi chữ), chưa phản ánh được sức vóc, bút lực của nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam…
Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa của Trương Đăng Dung đã chinh phục sâu sắc những người hữu trách, dành được phiếu tuyệt đối ở cả hai vòng xét giải: vòng Hội đồng Lý luận phê bình và vòng Ban Chấp hành, để được vinh danh một cách xứng đáng tại Lễ trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 diễn ra tại Hà Nội vào dịp Nguyên tiêu 2022. Đây thực sự là tập tiểu luận sang trọng của một nhà nghiên cứu lý luận uyên bác thông tuệ mà tên tuổi của ông là một sự bảo chứng thuyết phục trong giới văn chương học thuật. Cuốn sách có độ sâu của tri thức khoa học, độ mới của những lý thuyết hiện đại/ hậu hiện đại, độ mở của tư duy phản biện, chất vấn, khơi vẫy đối thoại… trên hành trình suy niệm truy vấn mang tính triết học về đặc trưng bản thể của văn bản văn học, về cơ chế tạo nghĩa của văn bản văn học trong quan hệ với người đọc. Cái phẩm tính vừa duy học thuật vừa duy mỹ nơi chủ thể mang đến cho bạn đọc những trang viết vừa đẫm trĩu hàm lượng chuyên môn vừa phát sáng vẻ đẹp ngôn từ…
2021 là năm đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam thành lập Giải thưởng Tác giả trẻ. Ở hạng mục nghiên cứu phê bình có 2 tác phẩm tham dự giải: Lần đường theo bóng – Văn Thành Lê và Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật – Vũ Thị Trang. Trong mặt bằng khan hiếm những đầu sách nghiên cứu phê bình của người trẻ thì đây là các tác phẩm rất đáng ghi nhận. Cuốn 1 là phê bình chân dung, cho thấy nhiệt hứng đồng hành, sống với văn chương cùng thời của một cây bút thiên về phê bình báo chí; cuốn 2 là phê bình lý thuyết, cho thấy nhiệt hứng chuyên sâu làm khoa học của một cây bút thiên về phê bình hàn lâm. Qua hai vòng xét chọn (vòng 1 là của Ban Sơ khảo Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất do Hội Nhà văn Việt Nam thành lập, vòng 2 là của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam), công trình của Vũ Thị Trang đã thắng giải. Tuy nhiên, sau khi giải được trao thì cuốn sách bị vướng vào một nghi án bản quyền. Hiện câu chuyện lùm xùm này đang được các cơ quan hữu quan vào cuộc để xác minh, bạch hóa.
Giải thưởng Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2021 ở chuyên ngành nghiên cứu phê bình văn học có 8 tác phẩm được đề nghị xét giải. Trong số này có 2 cuốn tham dự đồng thời Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam là Nỗi lòng trong thơ lục bát – Nguyễn Khắc Đàm và Đường biên của chữ – Bùi Như Hải. 6 cuốn còn lại gồm: Sự thăng hoa của cái đẹp trong tác phẩm văn học – Chu Thị Hảo, Dưới bóng cây đời – Nguyễn Thị Thanh Vĩnh, Thơ vua và suy ngẫm – Nguyễn Phước Hải Trung, Thông điệp thời gian – Nguyễn Hữu Ngôn, Miền đất văn chương – Nguyễn Đình Anh và Văn chương một cách tiếp cận – Lê Văn Mí. Trong số vừa kể, Thơ vua và suy ngẫm của Nguyễn Phước Hải Trung (Thừa Thiên Huế) trội vượt hơn cả, xứng đáng để nhận giải B (không có giải A). Tập khảo cứu này tỏ ra trường sức khi đi sâu vào thơ của các vị vua triều Nguyễn – khu vực văn học dung chứa nhiều dữ kiện văn hóa, lịch sử, triết học, mỹ học… thú vị. Cuốn sách thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc và say mê, tư duy khoa học và mạch lạc, sự thông tuệ và tài hoa của một nhà nghiên cứu. Đóng góp lớn nhất của cuốn sách là đã từ những chứng cứ lịch sử có thực để minh định, xác quyết vấn đề, làm “hiện lên một cách sinh động bóng hình của lịch sử, soi chiếu thêm vào sử liệu để thấy được những chân giá trị”, đúng như lời phi lộ của chính tác giả. Cuốn sách là một nỗ lực đầy hứng khởi trong việc tìm về vốn cổ, góp phần đắc lực vào công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tinh thần của ông cha. Sản phẩm nghiên cứu cho thấy chủ thể có tư duy độc lập, giàu khả năng tranh biện, đối thoại. Hai giải Khuyến khích (không có giải Ba) thuộc về Dưới bóng cây đời của Nguyễn Thị Thanh Vĩnh (Vĩnh Phúc) và Văn chương một cách tiếp cận của Lê Văn Mí (Đồng Tháp).
Năm 2021, ở hạng mục nghiên cứu phê bình, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội trao cho tác phẩm Đa mang một cõi lòng không yên định – Chu Văn Sơn, còn Giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng thưởng cho tác phẩm Sóng đồng và cây núi – Lê Quang Trang.
Những cuốn sách tham dự các giải thưởng kể trên chưa phải là tất cả diện mạo của đời sống nghiên cứu phê bình văn học năm 2021. Vì những lý do khác nhau, nhiều công trình không có mặt trong các danh sách xét giải. Nếu lấy mốc xuất bản là từ tháng 10 năm 2020 đến hết năm 2021, có thể kể thêm khá nhiều tác phẩm nghiên cứu phê bình văn học đáng chú ý khác như: Theo dòng sáng tạo – Mai Nam Thắng, Văn học đại chúng trong bối cảnh văn hóa Việt Nam đương đại – Nguyễn Đăng Điệp (chủ biên), Tự sự về một cuộc chiến tranh – Nguyễn Anh Vũ, Ngọn lửa từ trang viết – Nguyễn Văn Sơn, Đọc một bài thơ – Lê Hồ Quang, Nguyễn Duy, nhà thơ hiện đại Việt Nam – Lã Nguyên, Nguyễn Xuân Khánh, một nụ cười mỉm một nghiệp văn xuôi – Nhiều tác giả, Thị hiếu thẩm mỹ công chúng văn học Việt Nam đương đại – Vũ Thị Thu Hà, Sức mạnh của vết thương – Hoàng Thụy Anh, Lặng lẽ những đời văn – Ngô Thảo, Văn học mạng Việt Nam, xu hướng sáng tạo và tiếp nhận – Trần Khánh Thành (chủ biên), Hạt phù sa sông nước Cửu Long – Võ Quốc Việt, 90 chân dung văn hóa văn chương Việt – Phong Lê, Nevermore, hồi ức đau buồn và bất tận – Hoàng Tố Mai, Bạn văn bạn mình (bộ 10 cuốn) – Nhiều tác giả, Hậu lý luận vẫn là lý luận – Phương Lựu, Tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa – Lê Nguyên Cẩn, Lược sử văn học Việt Nam – Trần Đình Sử (chủ biên), Văn học Nam Bộ 1945-1954 – Nhiều tác giả, Hương gió phương Nam – Nguyễn Q. Thắng, Giáo trình viết phê bình văn học – Ngô Văn Giá, Giáo trình sáng tác thơ – Mai Anh Tuấn, Thơ rìa mắt – Đỗ Lai Thúy, Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa, những hướng tiếp cận – Nguyễn Kim Châu, Tình trong bút mực – Nguyễn Tấn Ái, Tri âm cùng con chữ – Trịnh Vĩnh Đức, Hình tượng người lính trong thơ lục bát mười năm đầu thế kỉ XXI (trên cứ liệu tạp chí Văn nghệ Quân đội 2000-2011) – Đoàn Minh Tâm, Những thế giới tiểu thuyết – Nguyễn Thành, Dám ngoái đầu nhìn lại – Nguyễn Thị Tịnh Thy, Sự cất tiếng của lương tri – Nhiều tác giả, Nhà văn nói về nghề – Nhiều tác giả, Mạch đời chảy mãi – Nguyễn Văn Hòa, Những bí mật thơ – Mai Bá Ấn, Về Nguyễn Huy Thiệp – Nhiều tác giả, Phê bình văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay, thực trạng và định hướng phát triển – Nhiều tác giả, Ô cửa từ trang sách – Nguyễn Quang Hưng, Điển tích văn học – Tố Hoài, Văn học Nhật Bản, vẻ đẹp mong manh và bất tận – Lam Anh, Cảm nghĩ về văn chương và thời cuộc – Hà Minh Đức, Đi tìm tác phẩm văn chương và kinh nghiệm hư vô – Huỳnh Phan Anh, Nhận diện thơ lục bát Việt Nam đương đại – Nhiều tác giả, Cây vườn thức với gió – Lê Thành Nghị, Aubade, thơ Louise Glück Nobel văn chương 2020 – Mộc Nhân Lê Đức Thịnh, Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam – Nguyễn Đăng Na, Một số khuynh hướng và trào lưu văn học tiêu biểu ở Việt Nam và thế giới – Phạm Thành Hưng (chủ biên), Văn học quốc ngữ thời kỳ đầu & miền Nam lục tỉnh và Sống và viết ở ngoài nước – Nguyễn Vy Khanh…
Một cái nhìn chưa thật đầy đủ về mảng nghiên cứu phê bình văn học năm 2021 trên đây cũng đủ dẫn gợi hình dung về sự hiện diện sinh động của địa hạt đặc biệt này trong không gian văn học hôm nay. Tuy nhiên, “đầu sách” và “tác phẩm” – trong tính chính danh nghiêm ngặt – là hai phạm trù khác nhau. Vậy nên, đòi hỏi kỳ vọng nghiên cứu phê bình phải tiến hóa trưởng thành nhiều hơn nữa là một đòi hỏi kỳ vọng chính đáng. Nhưng, nếu bảo nghiên cứu phê bình văn học vẫn vắng bóng thì lại là một cách nhận định quan liêu. Rõ ràng, nghiên cứu phê bình văn học hiện thời không hề vắng bóng “đầu sách”, và đang hiển lộ ít nhiều “tác phẩm”, nếu có vắng bóng chăng là vắng bóng người đọc mà thôi.
(vanvn.vn)