Nhà văn Phan Tứ với đề tài chiến tranh cách mạng

30.06.2014

Phan Tứ là một trong những nhà văn xuất sắc viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Ông đã gắn bó mật thiết, sống và hy sinh cho cách mạng, cho đất nước và viết nên hàng ngàn trang sách, góp phần xứng đáng vào thành tựu chung của nền văn học cách mạng nước nhà.

Phan Tứ tên thật là Lê Khâm (có một số tác phẩm ông dùng bút danh Lê Khâm), sinh ngày 20/12/1930 tại Quy Nhơn, Bình Định, quê gốc ở Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng.

Nhà văn Phan Tứ với đề tài chiến tranh cách mạng

Ông ngoại là nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, bố là Lê Ấm, vốn là Đốc học Quy Nhơn. Lê Khâm sớm giác ngộ cách mạng và có ý thức hoạt động xã hội. Ông hăng hái tham gia làm liên lạc chuyển báo chí tài liệu bí mật cho Việt Minh huyện Quế Sơn (Quảng Nam) rồi tham gia khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng 8 năm 1945 khi mới 14, 15 tuổi.  Sau đó ông làm cán bộ thiếu nhi Hiệu đoàn thuộc các tỉnh đoàn Thanh niên cứu quốc Quảng Nam, Quảng Ngãi. Năm 1950, ông gia nhập quân đội. Sau một thời gian học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn ở Thanh Hóa, ông tham gia chiến đấu tại Hạ Lào. Vốn sống phong phú trong quá trình tham gia chiến đấu ở Hạ Lào cùng với những nhận thức về tinh thần chiến đấu hy sinh của quân đội hai nước Việt - Lào; tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần đoàn kết giữa 2 dân tộc là sức mạnh tạo nên chiến thắng của quân dân Lào và quân tình nguyện Việt Nam, đã giúp cho ông sáng tác nên những tác phẩm văn học sau này.

Tháng 11-1954, ông tập kết ra Bắc. Với vốn sống và nhận thức phong phú ở trên, ông bắt đầu viết truyện “Những người tình nguyện”. Ông được nhà thơ Chính Hữu và nhà văn Vũ Tú Nam dìu dắt, góp ý và đưa ông tham gia trại viết quân đội mở ra cho những cây bút trẻ lúc đó. Sau 4 lần viết đi viết lại tác phẩm, ông hoàn thành tiểu thuyết với tên mới là “Bên kia biên giới”.

Tháng 8-1958, ông chuyển ngành vào học khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong thời gian này, với vốn sống những năm tháng chiến đấu ở Lào, ông vừa học vừa viết tác phẩm Trước giờ nổ súng và xuất bản vào năm 1961. Bên kia biên giớiTrước giờ nổ súng là 2 quyển sách có giá trị cao trong nền văn học cách mạng Việt Nam và là 2 tác phẩm xuất sắc và đầu tiên viết về mối tình hữu nghị chiến đấu của 2 dân tộc Việt - Lào.

Giữa năm 1961, tiếng gọi tha thiết đòi giải phóng của quê hương đang bị kẻ thù giày xéo đã thúc giục ông trở về. Ông lên đường vào Nam, công tác ở Ban Tuyên huấn Khu ủy V. Thời gian này, Phan Tứ tham gia vào công tác trọng điểm của Khu: giải phóng vùng Tứ Mỹ. Đây là mảnh đất đồng bằng được giải phóng đầu tiên ở chiến trường Quảng Nam và Khu V, khởi đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho 14 tỉnh, thành của Khu sau khi Trung ương Đảng cho phép cách mạng miền Nam “cầm súng” để chống lại tội ác của Mỹ - ngụy. Ông tham gia công tác phát động quần chúng đồng khởi, sinh hoạt và chống càn cùng cán bộ và nhân dân vùng này. Với đôi quang gánh, một đầu là tài liệu và bản thảo, một đầu là quần áo, gạo, muối lúc sống với đồng bào dân tộc, lúc sống với đồng bào Kinh giữa hiểm nguy và gian khổ nhưng ông cảm thấy tự hào vì đã trực tiếp góp phần vào giải phóng quê hương. Ông ghi trong nhật ký: “Những tính toán riêng tư cháy vèo đi bên những gương anh hùng chói lọi”(1) và ông tâm niệm: “Phải tắm mình trong cuộc sống”(1), vừa cùng mọi người chiến đấu vừa rèn giũa chắt chiu mỗi ngày để tìm ra những nét đặc biệt và suy nghĩ tìm cách tái hiện nó. Vừa công tác, ông vừa viết những truyện ngắn nảy sinh từ cuộc chiến đấu, đưa cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đọc. Tập Về làng đã được hình thành như vậy. Hình ảnh những người nông dân (ông Sần trong Về làng), những người nghèo như cô Cúc (trong Làm đĩ), của những em thiếu nhi trong Trong đám mía. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, trải qua quá trình đấu tranh gay gắt của bản thân đã giác ngộ, đã đứng trong hàng ngũ cách mạng. Phan Tứ cho ta thấy quá trình chuyển biến khó khăn mà tất yếu của quần chúng, đặc biệt là quần chúng trung gian đến với cách mạng. Như Lê Nin đã nói: “Cách mạng sẽ thành công khi quần chúng trung gian ngả về phía cách mạng”. Phan Tứ đã nhận ra được điều cốt lõi này.

Về làng với bút pháp hiện thực sắc sảo đã đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình sáng tạo của Phan Tứ. Càng đặc biệt hơn, nó ra đời khi văn học cách mạng miền Nam hãy còn ít ỏi.

Tiếp theo Về làng, Phan Tứ càng được bạn đọc yêu mến với Gia đình má Bảy (1968), một tiểu thuyết phản ánh sinh động phong trào đồng khởi của một xã ở Khu V bất khuất kiên cường. Tiểu thuyết đã phản ánh được toàn diện bước chuyển vĩ đại của cách mạng miền Nam đang chuyển sang thế tiến công. Ở Về làng, Phan Tứ phản ánh quá trình giác ngộ của quần chúng, còn ở Gia đình má Bảy ông hướng vào khối quần chúng cách mạng đã được giác ngộ để làm cuộc cách mạng. Với Gia đình má Bảy, Phan Tứ đã làm sáng tỏ chân lý “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.

Tiểu thuyết Gia đình má Bảy được coi như một bức tranh toàn diện và sâu sắc về cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền gay go, quyết liệt và xu thế tất thắng của nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là một bước tiến mới của bản thân Phan Tứ và của nền văn học cách mạng miền Nam nói chung.

Sau những năm lăn lộn với phong trào, bị nhiễm chất độc hóa học và bị thương bởi bom đạn Mỹ, Phan Tứ ra Bắc chữa bệnh, sau đó công tác ở Nhà xuất bản Giải Phóng. Vừa công tác, vừa tranh thủ thời gian, Phan Tứ tiếp tục viết cuốn tiểu thuyết Mẫn và tôi (in 1972) lấy chất liệu từ những trải nghiệm trong cuộc đời chiến đấu, đặc biệt là vốn sống ông thu nhận được trong thời gian công tác ở vùng Nam Tam Kỳ (Quảng Nam). Cuốn tiểu thuyết này tạo được tiếng vang lớn và có sức hấp dẫn với nhiều độc giả trong nước. Nhà thơ Tố Hữu đã gọi đó là “quyển sách gối đầu giường của thanh niên miền Bắc”. Qua 2 nhân vật chính Mẫn và Thiêm (tôi) tiêu biểu cho lớp cán bộ trẻ, dũng cảm, kiên cường, thông minh và sáng tạo giữa dòng thác cách mạng như sóng trào nước xoáy của quần chúng, tác giả đã tái hiện chân thật cuộc chiến đấu của quân dân ở một vùng vành đai ác liệt sát căn cứ Chu Lai của Mỹ trong thời gian chuyển tiếp giữa 2 cuộc chiến tranh Đặc biệt và Cục bộ. Từ đây Phan Tứ khái quát rộng ra những vấn đề có ý nghĩa nhân loại, thời đại: “Loài người đánh lấn đế quốc từng bụi tre trên một làng cá”. Thành công xuất sắc của Mẫn và tôi cho ta thấy bước tiến vượt bực của Phan Tứ trên nhiều mặt: Quy mô hiện thực được phản ánh, tầm khái quát tư tưởng, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật tiểu thuyết, đã đáp ứng nhu cầu của cuộc chiến đấu giai đoạn đó.

Có thể nói, Mẫn và tôi cùng với Trước giờ nổ súng là 2 đỉnh cao trong đời viết văn của Phan Tứ.

Ở tiểu thuyết Trại ST18 (in 1974), Phan Tứ đã tái hiện mảng hiện thực độc đáo mà chính ông đã trải qua và am hiểu tường tận. Đó là sự kiện trong trại giam đặc biệt, trại ST18, trại giam tù binh Mỹ ở vùng núi Quảng Nam. Tại đây, các chiến sĩ quân giải phóng đã kiên trì trong một cuộc chiến đấu thầm lặng và căng thẳng, dẫu không đổ máu nhưng vô cùng quyết liệt để cải huấn tù binh Mỹ. Trại ST18 đã góp phần khắc phục cái thiếu vắng trong văn học giải phóng và văn học Việt Nam khi đó là cần xây dựng những nhân vật phản diện (Mỹ, ngụy) chân xác, đúng với bản chất của nó để có thể hiểu sâu sắc kẻ thù mà ta đang chiến đấu, để càng hiểu rõ hơn ý nghĩa to lớn của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Đầu năm 1974, Phan Tứ trở lại chiến trường. Ông mang theo một đề cương tiểu thuyết nhiều tập với tên Người cùng quê đã được các đồng chí lãnh đạo văn hóa văn nghệ (Tố Hữu; Hà Huy Giáp) góp ý. Ông vào chiến trường để lấy tư liệu và ông đã hòa mình vào cuộc sống chiến đấu những ngày Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng từng địa phương và cả miền Nam. Ông vừa đi theo các đơn vị bộ đội, dân chính vừa viết báo kịp thời phục vụ cho các chiến dịch Tiên Phước - Tam Kỳ, Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh.

Vào chiến trường lần này, Phan Tứ muốn thu thập tư liệu nhằm xây dựng một tiểu thuyết đồ sộ để “đền ơn đáp nghĩa” với đồng bào, đồng chí, với quê hương đã nuôi dưỡng mình. Ông hy vọng với quyển sách này, ông sẽ thể hiện được những biến cố lịch sử lớn nhất của đất nước, đồng thời phản ánh sự trưởng thành của nhiều tầng lớp quần chúng cách mạng trong suốt chặng đường lịch sử dân tộc từ Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Từ sau giải phóng, vừa công tác với cương vị Ủy viên Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội, vừa chống chọi với nhiều bệnh tật, Phan Tứ đã gồng mình viết được 3 tập trong tiểu thuyết “Người cùng quê”, còn tập 4 phải dang dở. Ông ra đi ngày 17/4/1995…

 

*

*        *

 

Phan Tứ thường nói với đồng nghiệp: “Người ta đang nô nức viết theo phong cách này, phong cách nọ, tôi chỉ theo hiện thực nghiêm ngặt(1). Xuất phát từ quan điểm đó với ý nghĩ: Hiện thực bao giờ cũng có cái xấu cái tốt, cái cao cả và cái đớn hèn thường đi bên nhau nên ông nhìn nhận cuộc sống một cách khách quan. Nhờ thế trang viết của ông không đơn giản, phiến diện một chiều. Ông không né tránh những mất mát, tổn thất, những giằng co quyết liệt, những kẻ hèn nhát, đầu hàng. Là người trong cuộc - ông tham gia chiến đấu ở Lào và miền Nam - nên ông nhận ra những vấn đề cơ bản của cuộc chiến đấu: Sự gắn bó giữa cách mạng dân tộc và dân chủ, bản chất anh hùng và lòng nhân đạo của quân đội ta, tinh thần quốc tế vô sản đến vấn đề tình yêu và lý tưởng, cá nhân và tập thể… Do nhận thức và giải quyết được những vấn đề đó nên tác phẩm của ông có sức lôi cuốn và có giá trị cao. Ông đã dựng lên được một bức tranh hiện thực lớn của cuộc chiến đấu với nhiều chủ đề, nhiều loại nhân vật, nhiều địa điểm và thời khắc khác nhau.

Khi xây dựng nhân vật, ông cũng chú ý đến tác động nhiều chiều, nhiều mặt đối với sự phát triển tính cách nhân vật. Vì thế, ông đã tạo nên sự đa dạng trong thế giới nhân vật của mình nói chung và sự phong phú trong tính cách của từng nhân vật nói riêng. Ông đặc biệt thành công trong việc xây dựng một khối quần chúng cách mạng đông đảo với nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp cùng nhau tham gia cách mạng. Từng người trong tập thể lớn lao đó đều có tính cách riêng, số phận riêng như ông Sần trong Về làng, má Bảy, út Sâm trong Gia đình má Bảy, Mẫn, Thiêm trong Mẫn và tôi

Trong việc xây dựng nhân vật tích cực, nhiều nhà văn đã chọn hình ảnh người anh hùng trong đời thực để đưa vào trang sách (Nguyên Ngọc với Đất nước đứng lên, Nguyễn Thi với Người mẹ cầm súng) còn Phan Tứ thường chọn những con người bình thường trong quần chúng cách mạng do va đập trong cuộc sống chiến đấu mà trưởng thành và trở thành anh hùng: Tiến trong Bên kia biên giới, Đại đội trưởng Lương trong Trước giờ nổ súng, má Bảy, út Sâm trong Gia đình má Bảy, Thiêm, Mẫn trong Mẫn và tôi.

Phan Tứ đã thành công trong việc khắc họa rõ nét nhiều số phận nhân vật, chứng tỏ tay nghề viết tiểu thuyết vững vàng, tư duy thấu đáo của ông. Nhiều nhân vật của ông có số phận, tính cách rất riêng không lẫn vào đâu được.

Trong sáng tác, Phan Tứ ngày càng có nhiều cố gắng trong việc tìm tòi đổi mới cách viết. Người đọc có thể nhận ra ở Bên kia biên giớiTrước giờ nổ súng Phan Tứ cấu trúc theo trình tự thời gian, ở dạng đơn tuyến. Đến Gia đình má Bảy ông đã kết hợp nhiều thủ pháp, đi sâu thể hiện diễn biến tâm lý nhân vật. các tuyến chủ đề, nhân vật, sự kiện được tổ chức đan xen. Ở Mẫn và tôi ông lại trình bày câu chuyện từ ngôi thứ nhất, mọi việc được thông qua nhân vật tôi, vì vậy nhà văn có điều kiện mở rộng biên độ suy nghĩ, hồi ức, liên tưởng…

Tuy nhiên, do sáng tác của Phan Tứ ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh gian khổ và ác liệt, trong hoàn cảnh tác giả đau ốm liên miên nên có chỗ, có trang chưa được chăm sóc kỹ lưỡng vì thế không tránh khỏi những hạn chế: một số chỗ chưa nhuần nhuyễn về cảm xúc, có chỗ chi tiết sự kiện lấn át nhân vật… Nhưng bạn đọc có thể thể tất cho điều ấy. Bạn đọc vẫn nhận ra những trải nghiệm bằng xương máu của tác giả, vẫn cảm nhận được tình yêu, lòng tin và sự gắn bó của nhà văn với nhân dân và đất nước. Phan Tứ đã chung thủy với đề tài chiến tranh cách mạng đến trọn đời. Đúng như nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đọc trong lễ truy điệu nhà văn Phan Tứ tại Đà Nẵng: “Phan Tứ là một trong những cây bút xuất sắc về đề tài chiến tranh cách mạng, đặc biệt xuất sắc trong việc thể hiện mối tính gắn bó keo sơn trong mọi hoàn cảnh của hai dân tộc Việt - Lào”.

 

Tháng 3-2014

Thế Quang