Nhà thơ Đông Trình: Men của một thời

21.11.2022
Huỳnh Như Phương
Nhà thơ Đông Trình, bút hiệu khác: Hồng Chi, Trần Hồng Giao, tên thật Nguyễn Đình Trọng, là một trong những nhà thơ tiêu biểu thuộc khuynh hướng phản kháng xã hội và tìm về dân tộc ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975.

Nhà thơ Đông Trình: Men của một thời

Nhà thơ Đông Trình

Đông Trình sinh năm 1942 tại Quảng Bình, hiện sống tại Đà Nẵng. Thời trẻ ông học Trường Trung học Trần Quý Cáp (Hội An), rồi vào học Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa Huế năm 1963; tốt nghiệp năm 1968, đi dạy học ở Đà Nẵng. Những năm chiến tranh, ông tham gia phong trào sinh viên và giáo chức chống Mỹ, đòi hòa bình và thống nhất. Sau 1975, ông làm trưởng ban điều hành trường Trung học Phan Châu Trinh, rồi chuyển sang công tác ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Đông Trình có 16 cuốn sách được xuất bản. Về thơ, có Khi mùa mưa bắt đầu (1967), Lót ổ cho đại bác (1968), Rừng dậy men mùa (1972), Tên gọi mới của hạnh phúc (1983), Từ chiếc tao đời mẹ ru (1986), Lấm tấm hạt đau (1990), Rừng và hoa (1993), Mất và tìm (1996). Riêng thơ thiếu nhi, có Giữa thực và mơ (2008), Những chiếc xe màu lửa (1992), Nếm mật (1995). Về tản văn, có Trà dư tửu hậu (1995), Khéo dư nước mắt (1998). Về tiểu luận – khảo cứu, có Giữa vòng tay thân hữu (1974), Ngoài vô tận tìm kẻ xa lòng (1995), Vườn đời lá vẫn xanh cây (1996). Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học và Nghệ thuật TP. Đà Nẵng.

Đông Trình làm thơ từ thời là học sinh ở Quảng Nam và sinh viên ở Huế. Sau khi hai tác phẩm Khi mùa mưa bắt đầu (1967), Lót ổ cho đại bác (1968) được ấn hành và phổ biến trong giới sinh viên Huế, Đông Trình thực sự được bạn đọc miền Nam chú ý với tập thơ Rừng dậy men mùa (1972). Tròn nửa thế kỷ trước, cầm tập thơ mỏng 80 trang mua được ở Hiệu sách Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Đồng (Quận 3, Sài Gòn) vài tháng trước khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi nhận ra một sự hiện diện rất thú vị của những gương mặt và khuynh hướng văn nghệ đa dạng ở miền Nam.

Rừng dậy men mùa là tác phẩm có một số phận khá đặc biệt. Trước đó nhiều bài thơ trong tập đã được công bố trên các tạp chí Việt, Văn, Bách Khoa, Đối Diện, nhưng khi tập hợp làm thủ tục xuất bản thì gặp trở ngại. Với giấy phép xuất bản số 164 của Ủy ban Kiểm duyệt Vùng I chiến thuật cấp ngày 15.9.1972, như một thủ thuật khôn ngoan của những người làm xuất bản thời đó, ấn phẩm này là một trong những trường hợp hiếm hoi của làng xuất bản miền Nam Việt Nam: được cấp phép ở miền Trung, đem vào Sài Gòn in bìa một nơi, in ruột một nơi, in phụ bản ở một nơi khác và phát hành bất hợp pháp (Xem Đông Trình: Rừng và hoa, Nxb Đà Nẵng, 1993, tr.147).

Đầu những năm 1970 thơ Đông Trình xuất hiện khá thường xuyên trên Bách Khoa và Đối Diện là hai tờ báo rất khác nhau, nếu không muốn nói là trái ngược nhau, về quan điểm xã hội và quan niệm nghệ thuật. Tạp chí Bách Khoa, tờ báo kiên trì lập trường của chủ nghĩa quốc gia, nhưng dung hợp nhiều khuynh hướng và phong cách nghệ thuật, đã ưu ái đăng những bài thơ phản chiến, kêu gọi hòa bình của Đông Trình. Trong một lá thư gửi tác giả, Lê Ngộ Châu, chủ bút Bách Khoa, cho biết trong tình hình báo chí “đang lâm đại nạn”, “không biết Bách Khoa có còn sống để đăng thơ anh được lâu nữa không, nhưng sẽ cố gắng đi cho kỳ được Tiếng đàn bầu rồi sau sẽ hay” (Xem Đông Trình: Rừng và hoa, tr.148). Điều may mắn là Bách Khoa vẫn tiếp tục ra được đến số cuối cùng, ngày 19.4.1975, mới “hoàn thành sự nghiệp”.

Còn Đối Diện, tạp chí khuynh tả quyết liệt, mỗi khi đăng thơ Đông Trình thì liền được Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội phổ biến. Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, người trợ thủ đắc lực của Linh mục Chân Tín, chủ nhiệm tạp chí Đối Diện, đã hợp tác với giám đốc Nguyễn Liên của nhà xuất bản Trí Đăng để ấn hành Rừng dậy men mùa, nhưng không ghi tên Trí Đăng mà ghi Đối Diện. Đây lại là một thủ thuật nữa, vì Đối Diện được chính quyền cấp phép như một nguyệt san chứ không phải như một nhà xuất bản, chưa kể giấy phép đó không còn hiệu lực sau sắc luật 007 năm 1972 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa với những biện pháp kiểm soát ngặt nghèo đối với báo chí.

Những chi tiết thú vị trên ấn phẩm này chưa dừng ở đó. Ngoài tranh bìa ngợi ca hòa bình của Đỗ Toàn, cuốn sách còn in bốn ca khúc của Tôn Thất Lan và Trần Đình Quân phổ thơ Đông Trình. Đó là hai nhạc sĩ trong Phong trào Du ca Việt Nam, một hiện tượng văn nghệ mà ngày nay việc đánh giá vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Nói gì thì nói, thơ đó và nhạc đó làm sao hòa kết được nếu không cùng chung một tình tự quê hương và một niềm hy vọng.

Tôi trình bày sự ra đời của Rừng dậy men mùa không phải để lấy yếu tố bối cảnh biện minh cho thông điệp mà chỉ để nhấn mạnh rằng trong dòng thơ của thế hệ trẻ phản kháng ở miền Nam thời chiến, đây là một trong những tập thơ tiêu biểu và có lẽ là tập thơ có sức truyền cảm nhất trong sự nghiệp sáng tác gần 60 năm của tác giả.

Thơ Đông Trình là thơ nhập cuộc, thơ đấu tranh, điều này thì không cần bàn cãi. Nhưng những bài thơ ông viết giai đoạn đầu chưa thật nhiều xác tín, chưa thật nhiều hăng hái là những bài thơ còn đọng lại sâu sắc nhất. Ở đây chưa có giọng nói cả quyết mà vẫn còn chất mơ hồ, phân vân, hoài nghi:

Ta đã ngồi chờ bao nhiêu năm?

Nhìn cảnh đao binh ruột tím gan bầm

Sống giữa quê hương làm người đất trích,

Tự gõ mà ca một khúc lưu vong.

 

Ta sẽ còn chờ bao nhiêu lâu?

Ngày đã tàn phai, nguyệt xế ngang đầu.

Đọc bài cổ thi vui bên chén rượu,

Tự thương cho mình nát cuộc bể dâu.

Bài thơ này có nhan đề là Đêm nghe pháo kích dậy đọc cổ thi. Hãy tưởng tượng một người trẻ chưa tới 30 tuổi lần giở những trang thơ cổ để tìm những tâm hồn đồng điệu thời quá vãng và ký thác nỗi niềm tâm sự trong một đêm chiến tranh âm vang tiếng súng. Thơ đó là những câu hỏi không cần trả lời, khác với những câu hỏi xác tín câu trả lời ít năm sau đó.

Có thể nói thơ buổi đầu của Đông Trình được nuôi dưỡng trong bầu khí cổ điển với những “Kinh Kha”, “Dịch Thủy”, “tâm y cựu”, “hạo khí ca”. Không lạ gì, so với thơ tự do, Đông Trình làm thơ tám chữ và thơ lục bát, nhất là lục bát tình yêu, ý nhị và hàm súc hơn:

Em về tắt hết giùm tôi

Ngọn trong hiu hắt, ngọn ngoài tiêu sơ

Ngọn ma quái, ngọn dật dờ,

Hiên im vắng đợi, cổng ngơ ngác nhìn.

(Em gái hồi cư)

Ngỡ tình đã cuối cơn say,

Nhưng viên độc tố mới xoay nửa vòng.

Cây mềm lá đỏ mắt chong,

Biển xa con nước lưng giòng đứng phơi.

(Tình về)

Thật vậy, Đông Trình không mấy chuộng thể thơ tự do như một số nhà thơ cùng thế hệ (Ngô Kha, Lê Văn Ngăn, Thái Ngọc San, Nguyễn Quốc Thái…). Trong mấy bài thơ tự do của ông (Về một ngôi trường ở Quảng Phước, Với bạn bè ở miền núi, Người con gái bên kia cầu Sông Vệ, Vô cùng linh thiêng như nghe theo tiếng gọi), hình ảnh và nhịp điệu trong những câu thơ đều đều, bằng phẳng không tôn lên được tứ thơ và nét chủ âm. Chính những bài thơ tám chữ, thế mạnh của Thơ Mới vừa dẫn truyền, vừa gián cách với thế hệ những năm 1960, lại được Đông Trình tiếp thu nhuần nhuyễn. Nhưng ông không hướng nó đến những chủ đề vĩnh cửu như cái chết, tình yêu, hạnh phúc mà là những chủ đề thời sự – thời sự trong cái vĩnh cửu bao trùm là lẽ tồn vong của dân tộc, đất nước.

Bách Khoa và Đối Diện không phải là những tờ báo thuần túy văn chương; mỗi tờ báo thường chọn thơ phù hợp với quan điểm xã hội của ban biên tập. Về phía mình, Đông Trình cũng biết cách “chọn mặt gửi vàng”. Những bài ôn hòa ông gửi cho Bách Khoa, những bài quyết liệt thì gửi Đối Diện. Cũng có yếu tố thời cuộc là từ 1973, Bách Khoa trở thành “giai phẩm”, còn chịu ràng buộc của chế độ kiểm duyệt; chứ Đối Diện thì trở thành tờ báo “bất hợp pháp”, ngoài “vòng phấn trắng”, nghĩa là không còn chịu sự cương tỏa, câu thúc của Sở Phối hợp Nghệ thuật – tên gọi mới của Sở Kiểm duyệt – thuộc Bộ Thông tin Việt Nam Cộng hòa nữa.

Quy luật tiếp nhận nghệ thuật có những bí ẩn khó giải thích của nó. Là độc giả của Đông Trình và có liên lạc thư từ với ông từ ttrước 1975 (Xem Đông Trình: Rừng và hoa, tr.148; Mất và tìm, Nxb Đà Nẵng, 1996, tr.141), bây giờ đây sự phấn khích trong tôi thời trẻ với những bài thơ mang chất sử thi đăng trên Đối Diện như Giọt lệ mừng, Hoa đã hướng dương, Mùa thu trên đường về, Vì những người chết không nhắm mắt… đã không còn như cũ nữa. Ở đó, thỉnh thoảng người đọc sẽ vấp phải những câu thơ hô hào nồng nhiệt như Chiến thắng về ta rất dĩ nhiên/ Như nhân tâm phải thắng bạo quyền (Giọt lệ mừng); Vì có em biểu tượng tuổi thanh niên/ Biết nở đời mình thành đóa hoa cách mạng. (Hoa đã hướng dương); Đường ta đi dù còn nhiều gian khổ/ Sức mạnh nhân dân là chân lý sáng ngời (Mùa thu trên đường về). Rất nhiều lần những hình ảnh của ngày mai hiện về và vẫy gọi trong thơ Đông Trình cũng như các nhà thơ phản kháng những năm tháng đó, nhưng trong quầng sáng mờ ảo của niềm khát vọng có lẽ không mấy ai hình dung được cụ thể cái ngày mai đó sẽ như thế nào khi nó thành thực tế.

Bài thơ Hoa máu còn hồng trước ngôi nhà cũ thật hay khi phản chiếu trong ngôn từ màu bông giấy trước trụ sở Tổng hội Sinh viên Huế trên đường Trương Định. Nhưng sau những lời thơ tinh tế, tác giả lại cài đặt những câu khẩu hiệu:

Những ngày gặp nhau trong ngôi nhà cũ

Hoa giấy tháng tư rụng lá trên đầu

Hoa làm chứng cho những lời tâm sự

Cờ đấu tranh ta chuẩn bị phất cao.

 […]

Ôi những bước chân đã làm nên lịch sử

Những bước chân đi rúng động bạo quyền

Giữa lòng nhân dân ta mồi ngọn lửa

Quyết soi đường theo Cách mạng đi lên.

Trong khi đó, những bài thơ Đông Trình công bố trên Bách Khoa lại đằm sâu hơn xét về tinh thần dân tộc và nghệ thuật thi ca truyền thống, nên có sức âm vang lâu dài hơn. Theo thiển ý của chúng tôi, ba bài thơ cảm động nhất của Đông Trình giai đoạn này là Nhạc đời, Tiếng đàn bầu, Trong vườn bắp đều gắn liền với hình ảnh người mẹ và đều đăng trên Bách Khoa:

Tuổi thơ tôi dù rất nghèo hạnh phúc

Âm thanh đời đã nuôi lớn bài ca

Trong ánh nắng chiều, dưới bóng tre đưa

Lời thiên nhiên cũng mềm như tiếng mẹ.

Những chú dế mèn hòa âm rất khẽ

Khiến con nhện buồn chùng cả đường tơ

Tôi nằm trong nôi mắt khép rất hờ

Mẹ vỗ bàn tay đều như nhịp phách…

(Nhạc đời)

Mẹ nhìn rất xa về những cánh đồng

Thấp thoáng trong tre khói ôm mái rạ

Có tiếng chim chiều gọi nhau về tổ

Vọng giữa bầu trời bàng bạc thủy ngân

Và cụm hương tàn trên mồ mả cha ông…

(Tiếng đàn bầu)

Khi vườn nhà bắp mùa đang hái

Cha tôi từ xa có gởi thư về

Sáng ngày mai trong khăn gói người đi

Mẹ rưng rưng gởi theo từng trái bắp.

Và đêm ấy giữa núi rừng xuôi ngược

Có người ngồi quanh lửa ấm reo vui

Nghe nổ trong than từng hạt rất bùi

Có lòng mẹ tôi trong ngôn ngữ bắp…

(Trong vườn bắp)

Đó là tình tự dân tộc mà cũng là tình tự cá nhân, là chuyện đời chung mà cũng là chuyện đời riêng, là tiếng vọng từ quá khứ mà cũng là tiếng ngân vang của hiện tại. Thành ra nếu Đối Diện tạo cơ hội phô bày con người xã hội bộc trực của Đông Trình, thì Bách Khoa lại giúp chuyển tải con người nghệ sĩ kín đáo của ông, vì đó đều là hai phương diện gắn kết trong người và thơ Đông Trình.

Chính nhờ cả hai phương diện đó, nhất là phương diện thứ nhất, mà Đông Trình đã hòa nhập với sinh hoạt xã hội và sinh hoạt văn học sau 1975 nhanh chóng. Ông đã công bố những sáng tác mới khá sớm, tuy bảy năm sau mới in Tên gọi mới của hạnh phúc (1982), tác phẩm đưa ông vào Hội Nhà văn năm 1985 sau ít nhiều chật vật. Hình như không có một gián đoạn nào đáng kể trong hành trình sáng tác giao thời của Đông Trình, tuy ông phải cố gắng thích nghi với thơ ca hiện thực về đề tài đất đai và sản xuất. Không phải ngẫu nhiên mà ông đưa vào những trang đầu tập thơ này phần “Hoa đã hướng dương”, như một ẩn dụ về con đường nghệ thuật đã được định hướng của ông!

Phải chờ đến sau 1986, Đông Trình mới có những tỏ lộ mới về tâm tư khi ông nói đến nỗi đau, sự cô đơn của thân phận con người và lẽ được mất trong cuộc đời. Tập Lấm tấm hạt đau (1990) xót thương “những ngôi nhà tốc mái”, “những đời người trống trải’, “những tàu thuyền chưa kịp trục vớt” và “những đứa trẻ đói ăn” lang thang sau cơn bão (Lộ ra sau cơn bão). Ông gặp lại những bà mẹ già bơ vơ sau chiến tranh đã bỏ nhà dưỡng lão mà đi: Có mẹ thẫn thờ ngồi ngoài trường học/ Vào mỗi chiều hôm như ngóng đợi ai về […] Có mẹ dật dờ men theo lũy tre/ Mắt nhìn ngu ngơ đếm cành đếm lá […] Có mẹ lang thang ra phía bờ sông/ Ngày nào cũng chỉ ngồi nhìn dòng nước chả (Mẹ và lửa). Nhận xét về tác giả Lấm tấm hạt đau, nhà thơ Vân Long viết: “Là một người làm thơ có tâm với những vấn đề xã hội, anh nói về nỗi đau một cách điềm đạm nhưng không kém phần sâu sắc” (Xem Đông Trình; Mất và tìm, Nxb Đà Nẵng, 1996, tr.143).

Đông Trình trở nên trầm tư và hàm súc hơn trong tập Mất và tìm (1996). Sau nỗi đau của tha nhân, giờ là lúc nhà thơ trải nghiệm nỗi đau của chính mình:

Tôi đi tìm chỗ cho tôi

Một góc khuất một góc ngồi dễ quên

Góc câm góc nín góc yên

Cho tôi mở nỗi đau riêng trang mình

Góc tắt góc ngấm góc chìm

Chỉ còn tiếng đập trái tim bồi hồi.  (Trả)

Sau những trăn trở và dằn vặt, Đông Trình lại trở về con người ôn nhu của mình, điều đó giúp ông hòa thuận với xã hội hơn những nhà thơ phản tỉnh cùng thế hệ, và nuôi dưỡng một cảm hứng bền bỉ để viết cho thiếu nhi trong ba tập thơ (Những chiếc xe màu lửa, Nếm mật, Giữa thực và mơ) mà tôi chưa có điều kiện đọc kỹ và cũng do khuôn khổ của bài viết này nên chưa thể đề cập. Thiết nghĩ, trong điều kiện văn liệu dùng cho sách giáo khoa bậc tiểu học rất khan hiếm hiện nay, có lẽ những nhà biên soạn sách sẽ tìm được những tác phẩm giàu ý nghĩa giáo dục trong thơ Đông Trình.

Trong bài tùy bút Giò phong lan của Kazik, Đông Trình kể lại chuyến đi thăm thánh địa Mỹ Sơn cùng với Chế Lan Viên và Trần Độ vào tháng 4.1985. Gặp kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (1944-1997), người Ba Lan, tên gọi thân mật là Kazik, đang đem hết nhiệt tâm trùng tu các tháp Chăm, Trần Độ giới thiệu Chế Lan Viên: “Nhà thơ này đã từng đi ra khỏi những cái tháp Chăm đổ nát và bây giờ, sau chiến tranh, ông ta muốn đến đây” (Xem Đông Trình: Khéo dư nước mắt, Nxb Văn Học, 1998, tr.95).

Có thể hiểu “tháp Chăm” như một ẩn dụ về đền đài nghệ thuật, về quê hương sáng tác mà mỗi nhà thơ tạo dựng cho riêng mình. “Rừng dậy men mùa” là quê hương nghệ thuật của Đông Trình. Đó là chất men phản kháng, đồng thời là chất men kết nối và hòa hợp, của một mùa đã xa từng dậy lên trong tâm thức tuổi trẻ miền Nam những ngày bỏng lửa. Nay nhân dịp tác giả tròn 80 tuổi, ta cùng ông đi trở lại cánh rừng ấy, miền quê ấy. Dù vẫn biết đó là men của một thời không lặp lại, ta hãy cùng ngồi với nhà thơ dưới cây cao bóng cả, nghe hơi thở của rừng thơm gỗ quý còn sót lại sau những tàn phai, nghe mùi men còn vương trên đất mẹ qua những bài thơ của ông được lưu giữ trong ký ức.

(Báo Văn Nghệ số 46/2022)