Vẻ đẹp Hội An trong "Tiếng chim xanh biếc"

21.12.2023
Phan Huy Thùy
Tập thơ “Tiếng chim xanh biếc” (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nho Khiêm vừa ra mắt bạn đọc. Một tập thơ đầy đặn, trang nhã, chia làm 4 phần, như những khúc tâm tình đằm thắm của anh dành cho quê hương, đất nước và bạn bè văn nghệ.

Vẻ đẹp Hội An trong "Tiếng chim xanh biếc"

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm sống và làm việc tại Đà Nẵng nhưng quê gốc ở Điện Bàn. Tình cảm với quê hương cố xứ cứ như mạch nguồn chảy mãi trong anh, dạt dào và thao thiết.

Vùng đất Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng đã trở thành niềm thương nỗi nhớ, khơi nguồn cảm hứng để anh viết một mạch 18 bài trong phân khúc “Đêm Hội An” và đặt trang trọng ở phần đầu tập “Tiếng chim xanh biếc”.

Anh viết về Hội An bằng cách cảm và liên tưởng độc đáo, để bạn đọc nhận ra vẻ đẹp rất riêng ở chốn này: “Chợt mở ra ngõ phố rêu/ Sông liu riu chảy phố thêu Chùa Cầu/ Phố cong hun hút hẻm sâu/ Trang nghiêm diễm lệ như câu thơ Đường”. Tôi yêu thích Hội An hơn khi bắt gặp những hình ảnh thơ: “Những con đường áo lụa”, “Phố thức cùng hơi sương” hoặc “Đèn lồng thấp, đèn lồng cao/ Thức trong phố ngỡ chiêm bao, giật mình”…

Không chỉ là mây trời sông nước thiên nhiên, Hội An lặng vào dòng chảy thời gian rồi ánh lên vẻ đẹp lấp lánh về các giá trị lịch sử, văn hóa cổ xưa. Nhà thơ tự hào, rồi dày công tìm kiếm, chắt lọc, nâng niu, níu giữ những phong vị riêng đã tạo nên hồn cốt của một đô thị cổ.

Đặc biệt, từ “say” được anh dùng rất nhiều để biểu đạt tình cảm với Hội An như: “Về Hội An hôm nay trời nắng dịu/ Rượu ủ từ mây gió, anh say/ Trăm năm trước và trăm năm sau nữa/ Anh vẫn ngồi mơ dọc phố sông này”…

Hội An trong “Tiếng chim xanh biếc” mang vẻ đẹp giản dị, cổ xưa, vừa đằm thắm, dịu dàng như cô gái Quảng “Đêm Hội An gương mặt nào cũng đẹp/ Tà áo nào cũng lụa Quảng Nam” để thành thật rằng “Ngồi nghe sóng ngói mái nhà/ Chép lời rêu rất thật thà: thương em”.

 (QNO)