Nhà điêu khắc Lê Công Thành
Lê Công Thành thuộc thế hệ thứ hai, sau thế hệ Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương; được đánh giá là một tài năng của điêu khắc Việt Nam, có ảnh hưởng không nhỏ trong giới mỹ thuật. Ông sinh năm 1931 tại Ðà Nẵng, từng được cử đi học mỹ thuật cùng khóa với danh họa Tô Ngọc Vân (năm 1955-1957), rồi trở thành sinh viên duy nhất trong lớp Ðiêu khắc khóa I của Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (năm 1957-1962); là thực tập sinh tại Trường đại học Mỹ thuật Mát-xcơ-va, Liên Xô cũ (năm 1968-1970).
Suốt 12 năm ông là giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Trong những thế hệ học trò của ông, có cả những tên tuổi của làng điêu khắc như Tạ Quang Bạo, Hứa Tử Hoài… Lê Công Thành còn đóng góp tích cực đối với sự phát triển Hội Mỹ thuật Việt Nam, từng giữ vị trí Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, Phó Chủ tịch chuyên ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa II (1983-1989). Nghỉ hưu, ông về sáng tác tự do trong căn nhà nhỏ ở khu tập thể Vĩnh Hồ, TP Hà Nội.
Lê Công Thành sớm nổi tiếng từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước với những tác phẩm điêu khắc, như: "Vân dại", "Bà má nghiền trầu"…; đặc biệt là tượng đài "Dũng sĩ núi Thành". Ông được nhận nhiều tặng thưởng cao quý; năm 2001, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt một. Nhắc đến Lê Công Thành là nhắc đến một cá tính sáng tạo, bản sắc nghệ thuật độc đáo. Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: "Các tác phẩm điêu khắc của Lê Công Thành có ngôn ngữ điêu khắc rất cô đọng, đơn giản về khối, tạo hình viên mãn, cấu trúc tác phẩm giải quyết rất hiện đại về các khoảng trống. Lê Công Thành là một tác giả có dấu ấn bản sắc cá nhân rất đậm nét; ngắm tác phẩm của ông người ta thấy ngay tinh thần của tác giả gửi gắm bằng một ngôn ngữ không trộn lẫn với ai". Chính sự "không trộn lẫn với ai" trong sáng tạo nghệ thuật đã giúp Lê Công Thành có những tác phẩm để đời, làm rung động công chúng yêu nghệ thuật, thuyết phục giới chuyên môn. Một trong những tác phẩm đó chính là tượng "Mẹ Âu Cơ" (còn gọi "Người mẹ và bọc trứng"), đặt tại Công viên Biển Ðông, đường Phạm Văn Ðồng, TP Ðà Nẵng vào năm 2007. Công trình này do ông chỉ đạo, từ thi công hình tượng điêu khắc đến tổ chức mặt bằng kiến trúc, hoàn thành chỉ trong một tháng rưỡi. Ông tiết lộ lý do mình dựng tượng Mẹ Âu Cơ giữa biển trời Ðà Nẵng: "Tôi muốn dành bức tượng về người mẹ Việt Nam này cho quê hương. Tôi muốn ca ngợi và tôn vinh những người mẹ, người chị, người em mà thiếu họ, mọi điều đều trở nên vô nghĩa trong cuộc sống".
Nhiều người còn biết đến Lê Công Thành như một điêu khắc gia ẩn dật. Tôi quen ông nhờ nhạc sĩ Ðặng Hữu Phúc. Cách đây 14 năm, ông Ðặng Hữu Phúc và tôi cùng đi xem một triển lãm tranh về phụ nữ. Xem xong, ông Phúc nói: Tôi sẽ đưa bạn đến một nơi đích thực là "vườn địa đàng". Ðó chính là nơi điêu khắc gia Lê Công Thành sống và làm việc. Choáng ngợp với không gian tượng bằng đá trắng phủ khắp mấy gian phòng của ông, tôi nảy sinh ý tưởng viết một bài báo cho số Tết. Cho đến nay, đó là bài chân dung nhân vật khiến tôi mất công hơn hết thảy. Suốt hơn một tuần, tôi qua nhà Lê Công Thành từ sáng và trở về khi trời tối mịt, ngồi chơi cùng, nghe ông đọc thơ, đọc sách bằng kính lúp; rồi chở xe máy đưa ông qua khắp các ngõ phố Thủ đô… Khi báo ra, ông hoan hỉ như đứa trẻ được quà, từ đó luôn nhắc đến tôi như một người đã đưa ông trở lại "chốn ồn ào". Nhưng tôi hay bất kỳ nhà báo, văn nghệ sĩ nào cũng không phải những khán giả đầu tiên được thưởng thức tác phẩm mới "ra lò" của ông, mà người "duyệt" chính là những cô bán rau, nữ lao công… mà vợ chồng ông bất ngờ gặp và quen trong cuộc sống. Ông thường hỏi họ: "Các con có thấy tượng của ta đẹp không?", và ngập tràn hạnh phúc khi được các cô trả lời: "Ðẹp lắm!". Lê Công Thành luôn dành tình cảm đặc biệt, không vụ lợi cho phụ nữ. Ông hay cho tiền những cô gái lao động nghèo, vất vả một cách hào phóng vì cảm thương. Ngay cả việc bán tranh, tượng cũng tùy hứng. Có khách hàng nữ người Pháp mê tượng của ông nhưng không đủ tiền mua, ông tặng luôn. Từ đó, họ thành chỗ quen thân, cô gái này trở lại Việt Nam, ở lại cả tháng trời nơi "vườn địa đàng" cùng ông và nữ họa sĩ Kim Thái, người vợ hiền hậu thủy chung. Lê Công Thành tự nhận mình ảnh hưởng mạnh từ điêu khắc Chăm; ông cũng nhiều lần nhắc tới đạo Mẫu khi nói về đam mê nặn tượng phụ nữ của mình. Song tôi nghĩ, chính tình yêu phụ nữ thuần khiết mới là nguồn mạch sâu xa giúp những tác phẩm điêu khắc ngợi ca phụ nữ trong vẻ đẹp nguyên thủy của ông ở thời kỳ ẩn dật ghi được dấu ấn.
Tin Lê Công Thành ra đi ở tuổi 88 vẫn không khỏi khiến những người yêu mến ông ngỡ ngàng, dù sức khỏe của nhà điêu khắc đã có dấu hiệu suy giảm rõ rệt từ triển lãm "3.3.3" tại Heritage Space 6 Nguyễn Hoàng, Hà Nội dịp tháng 7-2018. Ðây được coi như triển lãm điêu khắc cá nhân đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác hơn nửa thế kỷ, song vì sức khỏe ông đã không thể có mặt ở lễ khai mạc. Bạn bè giới văn nghệ bày tỏ niềm thương tiếc vô hạn đối với tài năng lớn của điêu khắc Việt Nam thế kỷ 20: "Thiên sứ về trời", nhà phê bình Ngô Thảo bùi ngùi. "Vĩnh việt nhà điêu khắc biệt tài, người Anh, người Thầy lớn của chúng tôi", nhà văn Trung Trung Ðỉnh xúc động.