Người nhạc sĩ nặng ân tình Đà Nẵng

01.11.2023
Tiểu Yến
Không nói nhiều về mình, nhưng ai từng gặp Nguyễn Thụy Kha sẽ thấy ông triền miên trong những cơn say. Say men bia, men rượu cùng bạn bè văn chương trải đều khắp các tỉnh, thành trong nước. Say ân tình từ những địa danh ông từng đặt chân lên. Trên hết, ông là người say con chữ và đam mê nghiên cứu, phê bình, phân tích tác phẩm âm nhạc của những nhạc sĩ nổi tiếng, cùng thời.

Người nhạc sĩ nặng ân tình Đà Nẵng

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha trò chuyện với tác giả tại tiền sảnh khách sạn Sông Hàn, nơi ông thường ghé mỗi khi có dịp đến Đà Nẵng. Ảnh: TIỂU YẾN

Nhiều bài viết của ông giúp bạn đọc đến gần hơn tác phẩm âm nhạc mang dấu ấn tác giả và dấu ấn lịch sử, văn hóa, vùng đất, con người Việt Nam. Nhiều người cho rằng, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Hoa là 3 gương mặt tiêu biểu của Hà Nội hào hoa. Những dòng thơ, dòng nhạc của họ ảnh hưởng nhau, nâng đỡ nhau và bầu bạn cùng nhau. Nhưng tất cả đều tựu trung lại một giọng viết vừa nhẹ nhàng, vừa triết lý, vừa văn hóa nhưng cũng vừa tinh tế, thâm sâu.

1. Sáng cuối thu, ngồi tại tiền sảnh khách sạn Sông Hàn, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (quê Hải Phòng) cho tôi nghe bản hợp xướng “Đà Nẵng, thành phố bên sông Hàn” do ông chắp bút và thu âm năm 2016. Những giai điệu đẹp hòa cùng lời ca khi nhanh, khi chậm, khi trầm bổng, khi hào hùng đã mở ra trong tôi một Đà Nẵng đầy mộng mơ, đẹp đẽ… Tuổi 74, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha vẫn đi - về như con thoi giữa Hà Nội và Đà Nẵng. Bởi như ông nói, Đà Nẵng không chỉ là thành phố kết nghĩa với Hải Phòng quê hương ông, mà còn là nơi Thụy Kha nuôi dưỡng, vun đắp tình yêu cho thơ, nhạc những năm đầu giải phóng.

Câu chuyện bắt đầu từ mùa hè năm 1976, khi cố nhà văn Nguyễn Chí Trung - bấy giờ là Trại trưởng Trại sáng tác Quân khu 5 lên Pleiku mời anh lính thông tin Nguyễn Thụy Kha về Đà Nẵng tham gia trại sáng tác. Đây là trại sáng tác duy nhất cả nước thời bấy giờ, quy tụ khá nhiều cây bút như Thanh Thảo, Thu Bồn, Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Ngân Vịnh, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo… Được sống trong không khí thành phố Đà Nẵng những năm đầu giải phóng, được tiếp xúc, chuyện trò cùng những tâm hồn thi ca đã giúp Nguyễn Thụy Kha có thêm góc nhìn mới mẻ về cuộc sống lẫn văn hóa vùng đất, con người xứ Quảng.

Nguyễn Thụy Kha kể, nhiều buổi chiều tà, ông cùng bạn văn lang thang dọc sông Hàn, ngắm hoàng hôn nơi cửa biển hay ngắm những dãy nhà chồ nhập nhoạng ven sông. Đó cũng là quãng thời gian ông bắt đầu sáng tác nhưng chưa có tác phẩm nào thật sự ưng ý. Hai năm sau, Thụy Kha rời trại sáng tác ra Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du. Đây cũng là bước ngoặt trong cuộc đời sáng tác của ông.

Bẵng đi thời gian, năm 1984, Thụy Kha mới có dịp trở lại Đà Nẵng. Thành phố bây giờ đã khác. Những con phố mới khang trang. Những dãy nhà 2, 3 tầng mọc lên san sát. Dọc bờ đông sông Hàn, nhịp sống nhà chồ còn nghèo nàn nhưng sinh động, an vui. Nhạc sĩ nhớ lại, thời điểm đó, đứng trước thành phố đang từng ngày “thay da đổi thịt”, ông sáng tác ca khúc “Đà Nẵng, thành phố lên cao” như món quà dành tặng mảnh đất ông từng gắn bó.

Năm 2007, Thụy Kha có thêm ca khúc “Người Đà Nẵng”. Tuy nhiên, đó chưa phải là những ca khúc ông tâm đắc bởi “cái sự hiểu” về Đà Nẵng lúc này chưa đủ sâu, chưa đủ rộng để bật ra những giai điệu gần gũi, thân quen. Thụy Kha bảo, thời điểm đó, ông luôn có cảm giác mình đang mắc nợ thành phố một ca khúc, một bài thơ. Kiểu như, những gì ông đã viết, đã sáng tác lúc đó chưa thật sự tương xứng với Đà Nẵng và với những người bạn văn của ông ở đó. Điều này giống như một sự thôi thúc khiến lòng ông luôn áy náy mỗi khi có dịp trở về (hoặc ngang qua) thành phố. Ông nghĩ, đó là do “duyên” của mình chưa tới.

2. Bao năm trôi qua, Đà Nẵng trong mắt Nguyễn Thụy Kha là một cô gái trẻ năng động và duyên dáng, đỏng đảnh và xinh đẹp. Mỗi lần trở lại, “cô nàng” luôn phơi bày sự trẻ trung cộng nét duyên cuốn hút. Vì lẽ đó, bao nhiêu ngôn từ đang có, bao nhiêu nốt nhạc rộn ràng, ông đều cảm thấy chưa đủ để nói lời “yêu”.

Năm 2012, khi cùng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vào Đà Nẵng sáng tác theo đề nghị của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, ông mới có đủ không gian, thời gian đến gần hơn mảnh đất, con người Đà Nẵng. Lần ấy, sau những hôm dong ruổi khắp thành phố, Nguyễn Thụy Kha thường đứng hút thuốc trên tầng thượng khách sạn Sông Hàn, ngắm nhìn đường phố về đêm. Ông chia sẻ, thời điểm đó Đà Nẵng được cả nước biết đến là thành phố trẻ, năng động nhất miền Trung. Nhiều năm liền đứng đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nhiều cải cách kinh tế, an sinh xã hội nhận được sự đồng thuận của người dân. Đặc biệt, thành phố như đại công trình với nhiều con đường, khu phố được chỉnh trang, xây dựng mới. Giữa lòng sông Hàn, bao người thợ xây dựng cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý cũng đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối...

Khi còn đang tự hỏi làm thế nào để có một ca khúc xứng với tầm vóc và sự phát triển kinh tế, du lịch của Đà Nẵng thì trong một đêm say cùng bè bạn, ngắm ánh điện đường lung linh nhịp phố, lòng nhạc sĩ bỗng ngân lên những giai điệu và ngôn từ. Nguyễn Thụy Kha bảo, đó cũng là lần ông thật sự say cùng Đà Nẵng để hoàn thành ca khúc “Lung linh đêm Đà Nẵng”: “Đêm Đà Nẵng, gió núi hòa gió biển/ Đêm Đà Nẵng, Hải Vân gọi Ngũ Hành Sơn/ Chuông ngân chùa Linh Ứng, an nhiên từng cõi lòng/ Sáng vầng trăng cho mỗi tâm hồn/ Bao cây cầu lấp lánh/ Bát phố, cầu quay, cầu Rồng, nối niềm vui đôi bờ/ Đêm Đà Nẵng, như mơ mà rất thật/ Đêm Đà Nẵng, Tiên Sa thầm hát lời thương…”.

Đây cũng là ca khúc đầu tiên được Ban tổ chức cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, chủ đề “Tình yêu sông Hàn” năm 2013 chọn biểu diễn đêm khai mạc. Ông chia sẻ, khi nghe nhạc sĩ Đình Thậm, sau này là ca sĩ Phương Linh phiêu trên sân khấu những câu hát mượt mà, trầm lắng của “Lung linh đêm Đà Nẵng”, ông cảm thấy mình đã “trả nợ được lời hứa ngầm với thành phố bên sông Hàn”.

3. Dẫu vậy, cảm xúc về Đà Nẵng vẫn như con sóng vỗ vào tâm khảm người nhạc sĩ những thanh âm dịu dàng, để rồi đâu đó trên những con đường, những góc phố, ông vẫn miệt mài suy tư, tìm kiếm ngôn từ và giai điệu thân quen. Năm 2016, dựa theo những câu thơ của bạn thơ Nguyên Lâm Huệ, ông đã viết thành hợp xướng “Đà Nẵng, thành phố bên sông Hàn” với giai điệu, ca từ nồng nàn, da diết: “Ta lại về Đà Nẵng yêu thương/ Một sớm Tiên Sa biển rộng nắng trong/ Mây thiếu nữ bồng bềnh ngực sóng/ Hút mắt người thăm thẳm biển quê hương/ Ta lại về thành phố bên sông Hàn/ Mơ vạt nắng đôi vai gầy em nhỏ...”.

Là tác giả của bản hợp xướng đầu tiên và duy nhất về Đà Nẵng đến thời điểm này, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha vẫn khiêm tốn: “Tôi có nhiều ham muốn, và một trong số đó là viết tặng mỗi tỉnh, thành một bản hợp xướng. Đến nay, tôi viết khoảng 30 bản hợp xướng và thu âm 15 bản”. Ông nhớ lại, năm 2016, khi sáng tác xong bản hợp xướng “Đà Nẵng, thành phố bên sông Hàn”, ông mừng, nhưng cũng loay hoay chưa biết lấy kinh phí ở đâu để thu âm. May mắn, ông gặp một người bạn trẻ, sau khi nghe tâm sự, đã sẵn sàng tài trợ toàn bộ kinh phí thu âm và mời NSƯT Đăng Dương và ca sĩ Hồng Nhung hát xướng. Nhờ vậy, bản hợp xướng “Đà Nẵng, thành phố bên sông Hàn”, theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha là bảo đảm các tiêu chí về một tác phẩm âm nhạc chất lượng, có chiều sâu và được đầu tư bài bản.

Có thể nói, Nguyễn Thụy Kha là một tác giả tài hoa, một cây bút đa dạng trong chính những tác phẩm của mình. Ông phân tích, ông bình luận, ông sáng tác, ông kể lại những câu chuyện của mình, của bạn bè một cách tế nhị, khéo léo, chân thành và đầy ắp thông tin. Để rồi, khi nói về Đà Nẵng, ông cao hứng đọc cho tôi nghe một đoạn trong bài thơ “Hai phía thu sang” in trong tập thơ "Biệt trăm năm" (NXB Đà Nẵng, 2004), như muốn nhắn gửi một tình yêu dành cho thành phố, dẫu xa xôi nhưng cũng thật gần: “Em/ Nắng gió trong chiều phiêu lãng của ta/ Nếu nụ cười có thể tách ra/ ta sẽ đổi cho em triệu bông hồng thắm/ nhưng em và Đà Nẵng sẽ ra sao khi thiếu một nụ cười/ nào ngồi xuống bạn thiết/ bún cá kêu gọi ban mai/ ly cà-phê đắng lên chân thật/ ta cuốn trong nhịp thở đất này…”.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha được biết đến là một người đa tài: làm thơ, viết nhạc, viết báo, viết phê bình âm nhạc... Ông bắt đầu viết, sáng tác từ năm 1977 và có khoảng 10 tiểu thuyết chân dung nghệ sĩ nổi tiếng (mỗi tiểu thuyết dày 200-300 trang), như: Văn Cao - Người đi dọc biển (NXB Lao Động, 1992), Hàn Mặc Tử - Thi sĩ đồng trinh (NXB Đà Nẵng, 1993), Nguyễn Thiện Đạo - Nhạc sĩ bị giời đầy (NXB Đà Nẵng, 2003)… Ông cũng viết nhiều hợp xướng có giá trị như Miền Trung (thơ Hoàng Trần Cương), Quy Nhơn (thơ Văn Cao)… Ngoài những giải thưởng âm nhạc tiêu biểu như Giải ca khúc toàn quốc năm 1985 cho ca khúc Âm vang nhà máy; các giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam cho hợp xướng Quy Nhơn (thơ Văn Cao), hợp xướng Hải Phòng thuở ấy (thơ Văn Cao), hợp xướng Sông Hồng hình Tổ quốc (thơ Nguyễn Đăng Đức); Giải thưởng đặc biệt xuất sắc của Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2010 cùng với nhóm tác giả bộ sách 1.000 năm âm nhạc - Thăng Long - Hà Nội; giải nhất cùng nhóm tác giả Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI. Mới đây, ngày 19-5-2023, ông tiếp tục nhận Giải thưởng Nhà nước với cụm sách: Thế kỷ âm nhạc Việt Nam - một thời đạn bom; Thế kỷ âm nhạc Việt Nam một thời hòa bình...

(baodanang.vn)