Đưa nghệ thuật truyền thống đến với thế hệ trẻ

27.03.2023
Xuân Dũng
Thời gian qua, ngành văn hóa thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa nghệ thuật tuồng xứ Quảng, dân ca bài chòi vào học đường, bước đầu mang lại tín hiệu tích cực. Năm nay, ngành văn hóa xác định tập trung đẩy mạnh các hoạt động đưa nghệ thuật biểu diễn vào học đường. Qua đó, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nuôi dưỡng hạt nhân nghệ thuật biểu diễn từ trên ghế nhà trường.

Đưa nghệ thuật truyền thống đến với thế hệ trẻ

Các giáo viên biểu diễn tiết mục hô hát bài chòi trong lễ tổng kết khóa tập huấn do ngành văn hóa, ngành giáo dục và đào tạo thành phố phối hợp tổ chức. Ảnh: XUÂN DŨNG

Khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống

Từ năm 2015 đến nay, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tổ chức các chương trình đưa sân khấu vào học đường với nhiều hình thức như: giao lưu, tọa đàm và biểu diễn một số trích đoạn nghệ thuật tuồng đặc sắc. Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn cho biết trung bình mỗi năm, nhà hát diễn khoảng 20 buổi tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố. Nhà hát chọn những trích đoạn tuồng phù hợp, có nhân vật lịch sử gắn với tên gọi từng trường như: Trưng Vương, Lê Lợi, Trần Quốc Toản, Trần Hưng Đạo… để vừa giúp các em hiểu về nghệ thuật tuồng, vừa nhắc nhớ lịch sử dân tộc, khơi gợi lòng yêu nước trong thế hệ trẻ.

Năm nay, thực hiện đề án quốc gia về giới thiệu nghệ thuật biểu diễn vào chương trình văn học dân gian của học sinh lớp 10, nhà hát đẩy mạnh hoạt động đưa nghệ thuật tuồng đến các trường THPT trên địa bàn. Trong tháng 3-2023, nhà hát đã phối hợp Trường THPT Hoàng Hoa Thám biểu diễn vở “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” cho các em học sinh. Đồng thời tổ chức giao lưu giữa nghệ sĩ và học sinh, giải đáp thắc mắc cho các em về nghệ thuật tuồng xứ Quảng.

“Đây là những vở tuồng hoàn chỉnh, có trong chương trình văn học dân gian. Năm nay, nhà hát quyết tâm đẩy mạnh việc mang nghệ thuật tuồng vào học đường, đặc biệt là các trường THPT trên địa bàn. Qua đó, truyền tải những giá trị văn hóa dân gian, đưa nghệ thuật hát xướng trong tuồng đến gần với thế hệ trẻ”, ông Tuấn cho biết.

Lần đầu được nghe và tìm hiểu về nghệ thuật tuồng, em Hồ Minh Cường, học sinh lớp 10/4, Trường THPT Hoàng Hoa Thám chia sẻ: “Em cảm thấy nghệ thuật tuồng rất đặc biệt, có lẽ các diễn viên đã phải chuẩn bị, tập luyện rất công phu về cả hóa trang, phục trang và tiết mục biểu diễn. Khi xem các nghệ sĩ biểu diễn, em hiểu thêm truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc ta. Em nghĩ, du khách quốc tế cũng sẽ rất thích thú khi xem nghệ thuật tuồng của Việt Nam”.

Đối với việc đưa nghệ thuật tuồng đến với các em học sinh cấp 3, cô Nguyễn Thị Hạnh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho biết, đây là hoạt động để thực hiện nội dung chương trình phổ thông 2018 của lớp 10, trong đó các em có học về tuồng và chèo. “Tuồng là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống rất đặc sắc, độc đáo.

Do vậy, nhà trường mong muốn các em được nghe, thấy tận mắt, hiểu thêm tinh hoa nghệ thuật mà cha ông để lại. Ngoài ra, nhà trường cũng mong qua những buổi tiếp xúc với nghệ thuật tuồng, các em có niềm yêu thích với nghệ thuật, sân khấu truyền thống, đồng thời góp phần gìn giữ, phát huy để tuồng sẽ mãi trường tồn, trở thành một món ăn tinh thần cho mỗi gia đình trong cuộc sống hiện đại ngày nay”, cô Hạnh bày tỏ.

Nuôi dưỡng hạt nhân từ trên ghế nhà trường

Tương tự như tuồng, những năm qua, ngành văn hóa đã đẩy mạnh việc đưa dân ca bài chòi vào học đường, nổi bật là tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên thanh nhạc và hội thi em yêu làn điệu dân ca giữa các địa phương. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố Nguyễn Thanh Tùng cho biết, hằng năm, vào dịp hè, hội đều mở lớp giảng dạy hô hát bài chòi dân ca Khu 5 cho học sinh, giáo viên và cán bộ phụ trách văn hóa ở các phường trên địa bàn thành phố với hàng nghìn học viên mỗi khóa.

Cùng với đó, hội thành lập, hỗ trợ phát triển các CLB, nhóm, đội dân ca bài chòi tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, cuối năm 2022, hội đã xuất bản 2 tập sách, gồm: Kịch bản dân ca Khu 5 và tập Nhạc tuồng và dân ca. Đây là 2 ấn phẩm rất giá trị, làm cơ sở để giảng dạy, phục dựng lại một cách bài bản các làn điệu và diễn thức biểu diễn cổ truyền của bài chòi.

Năm nay, hội kiến nghị thành phố đẩy mạnh việc đưa nghệ thuật biểu diễn vào học đường. Đồng thời triển khai thí điểm đưa nghệ thuật dân ca bài chòi vào hoạt động dạy và học ở các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Hòa Vang vào đầu năm học tới.

“Muốn gìn giữ, bảo tồn và phát huy được nghệ thuật bài chòi, nhất định phải đưa vào trường học vì giáo dục là con đường hiệu quả nhất và các em học sinh chính là những người kế cận sau này. Thành phố cũng cần có chủ trương thống nhất về đẩy mạnh đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống vào học đường. Từ đó, làm cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ, theo một hoạch định rõ ràng, cụ thể, có giáo trình bài bản”, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Hội An, ngành văn hóa xác định năm nay sẽ đẩy mạnh công tác đưa nghệ thuật biểu diễn vào học đường. Trong đó, chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh phối hợp Hội Nghệ sĩ sân khấu tiếp tục hỗ trợ, bồi dưỡng và nhân rộng các CLB dân ca bài chòi tại các trường học trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đẩy mạnh việc đưa nghệ thuật tuồng vào học đường, kể cả khối học sinh cấp 3.

Ngành cũng dự kiến trong tháng 7-2023 sẽ tổ chức lớp tập huấn nhạc cụ dân tộc cho giáo viên và học sinh. Từ đó, truyền cho các em sự yêu mến đối với sân khấu truyền thống, đồng thời phát hiện, nuôi dưỡng những tài năng nghệ thuật dân gian.

“Không chỉ nghệ thuật tuồng hay bài chòi, trong tương lai, Nhà hát Trưng Vương cũng sẽ xây dựng, thiết kế các chương trình biểu diễn và nói chuyện về âm nhạc. Qua đó, định hướng thẩm mỹ, cảm quan âm nhạc cho các em học sinh, góp phần mang giá trị nghệ thuật biểu diễn đến với công chúng thông qua thế hệ trẻ”, bà An cho hay.

(baodanang.vn)