Phê bình kiến trúc - những tồn tại

16.11.2021
Lê Hữu Trúc
Trong bất cứ loại hình nghệ thuật nào, phê bình cũng là một thành tố không thể thiếu để tạo nên diện mạo đầy đủ và đích thực cho loại hình nghệ thuật đó. Phê bình kiến trúc cũng vậy. Với tư cách như một chỉnh thể riêng biệt, nó có tác dụng phản ánh, hơn thế là tác động, thúc đẩy, định hướng cho sự phát triển phong phú, sôi động của đời sống kiến trúc. Bởi vậy sẽ không thể hình dung ra được một nền kiến trúc phát triển mà ở đó người ta không thấy có sự hiện diện của phê bình kiến trúc.

Phê bình kiến trúc - những tồn tại

Không có phê bình, môi trường kiến trúc sẽ không được bảo vệ trước sự xâm lấn của các yếu tố phi nghệ thuật, của đủ loại ảo tưởng và ngộ nhận cùng tồn tại trong xã hội. Cho nên không lạ gì khi cho đến giờ, không ít kiến trúc sư (KTS) vẫn cứ “đánh đu” giữa đủ loại mục đích khác nhau bên ngoài nghệ thuật, với cái “giả hình” và các khuynh hướng nghiệp dư ngày một tràn lan. Các KTS trẻ thì trở nên bối rối, đa số không phân biệt được đâu là nghệ thuật đâu là phi nghệ thuật. Nhiều người hăng hái đi tìm những thứ của thế giới đang được cho là mới, nhưng lại lần mò với tâm trạng vừa cả tin vừa ngờ vực.

Không có phê bình, hệ thống giá trị nghệ thuật không được phân định. Cái bác học với cái bình dân, cái mới với cái mơi mới, sự tiếp thu học hỏi với sự bắt chước nhại lại... không được phân biệt. Trong bối cảnh đó, các KTS sẽ mãi mãi là những kẻ lữ hành cô độc. Mọi tìm tòi sáng tạo hiếm hoi của họ có khả năng rơi vào hư không. Sẽ không bao giờ có cái được gọi là tiên phong vì cái mới bị cái cũ vùi dập và bị cái “thời thượng” che lấp.

Như một hệ quả đương nhiên, khi môi trường kiến trúc không được bảo vệ và khi hệ thống giá trị nghệ thuật không được phân định, nói cách khác là khi mà các giá trị nghệ thuật chưa được quy phạm hóa, điển phạm hóa ở một mức độ nào đó, khi mà phê bình chưa phân lập được các kênh (giao tiếp), các trường (quan hệ), các ngưỡng, độ (giá trị) của các khuynh hướng nghệ thuật cùng tồn tại trong các mối quan hệ thực tại đa chiều... thì trước hết, không thể tiến hành được các hoạt động phổ cập và nâng cao kiến thức nghệ thuật, không thể tiếp thu học hỏi được điều gì thực sự từ các nền kiến trúc khác, không thể chuyển hóa các thành tựu nghệ thuật có được thành các giá trị văn hóa... Điều đó đồng nghĩa với việc không thể xây dựng được một nền văn hóa kiến trúc trong một cấu trúc chỉnh thể hữu cơ và riêng biệt. Cả nền kiến trúc, do đó, không có nền móng, không thể bảo toàn được năng lượng cho sự vận động và phát triển. Điều này giải thích tại sao, bất chấp những nỗ lực tuyên truyền, phần lớn người dân vẫn cứ gắn cứ treo vào mặt tiền nhà mình những gờ phào, thức cột, những mô-típ trang trí “cũ rích” có nguồn gốc từ nước ngoài. Giới sáng tác dù luôn tự hào về những thành tựu “hội nhập” với “về nguồn” của mình, nhưng những thành quả thực sự để tạo nên diện mạo cho nền kiến trúc nước nhà thì vẫn vắng bóng, còn các lĩnh vực nghiên cứu, lí luận thì lại không thể hấp thụ được gì từ đó để phát triển.

Đối tượng của phê bình kiến trúc không thể chỉ là một vài sáng tác đơn lẻ, hay những KTS cụ thể, mà còn phải là toàn bộ quá trình trong đó kiến trúc đã hình thành, phát triển với chức năng, đặc điểm, diện mạo và tất cả các vấn đề lịch sử của nó. Thực tế thời gian qua, phần lớn các công trình phê bình kiến trúc của chúng ta mới chỉ quen dừng lại ở việc phê bình những công trình, những tác phẩm cụ thể hoặc nhận định về một vài tác phẩm đồng dạng trên thế giới. Mãi gần đây phê bình kiến trúc mới cố gắng đi vào những vấn đề có tính chất chung hơn, tổng quát hơn, như vấn đề về các thế hệ sáng tác, các chặng đường phát triển của kiến trúc Việt Nam và thế giới, vấn đề nhu cầu, thị hiếu và các khuynh hướng cảm thụ, chiến lược phát triển kiến trúc, bản sắc văn hoá dân tộc trong kiến trúc, xã hội hóa kiến trúc...

Không biết có phải vì điều không dễ này hay vì những nguyên nhân tế nhị nào khác mà hoạt động lí luận, phê bình kiến trúc ở nước ta hiện nay đang rất trống vắng, tụt hậu, kém xa so với các ngành nghệ thuật khác và đang có sự chông chênh giữa hai thái cực. Các bài phê bình thường rất hiếm gặp mà nếu có thì thường quá chung chung với việc đề cập tới các trào lưu, các khuynh hướng kiến trúc quốc tế có phần xa xôi và lạ lẫm, ít lí giải, ít liên hệ trực tiếp với thực tiễn sáng tác năng động đang diễn ra xung quanh chúng ta. Một số bài viết khác thì lại quá thiên về các cảm xúc, cảm nhận cá nhân rất cảm tính, ít cơ sở lí luận khoa học chặt chẽ, hoặc quá cụ thể đến mức lắt nhắt mà thực chất chúng chỉ được xem như là những “mẩu” giới thiệu công trình. Những bài phê bình này “đọc” tác phẩm, có khen có chê theo công thức, ít tác dụng và khó góp phần để khái quát được những vấn đề lớn của cả một nền kiến trúc đang tự năng động hoá trong mối quan hệ với bản thân và quốc tế. Chúng tất yếu không thể giúp cho nền phê bình kiến trúc phát triển.

Thực tế cuộc sống đang đặt ra hàng loạt vấn đề đòi hỏi lí luận, phê bình kiến trúc phải nghiên cứu kĩ lưỡng, trả lời rành mạch và dứt khoát. Trong khi kiến trúc nước nhà những năm qua đã bộc lộ khá nhiều cái mới, cái khác. Khác, mới về đội ngũ sáng tác với những nhân tố trẻ và năng động hơn. Khác về cách thức làm kinh tế và tiếp cận dự án trong thời buổi kinh tế thị trường. Khác về chủ đề thể loại và các khuynh hướng biểu đạt mới du nhập, về liên doanh liên kết trong và ngoài nước, về nhận thức và cảm thụ của công chúng đã có nhiều thay đổi, về áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào thực tiễn sáng tác... Rất nhiều yếu tố mới, vấn đề mới đã nảy sinh nhưng phê bình kiến trúc lại chưa bắt kịp để nghiên cứu một cách đầy đủ, để khẳng định hoặc phủ định ở một mức độ nào đó. Khu vực sáng tác đang chờ đợi và đòi hỏi lĩnh vực phê bình kiến trúc sự “phán xét” trung thực. Sẽ không quá lời nếu nói rằng, sự thiếu vắng của nghiên cứu, lí luận, phê bình kiến trúc đích thực, nhất là thiếu các dữ kiện điều tra nghiên cứu nghiêm túc, đã góp phần khiến cho cuộc khủng hoảng kiến trúc ở ta thêm nặng nề. Việc buông lỏng quản lí cùng với sự bùng phát trong xây dựng tư nhân dẫn đến sự lộn xộn, chằng chéo và mất mĩ quan của bộ mặt đô thị, sự xuống cấp và lệch lạc trong các quan niệm về giá trị thẩm mĩ của một bộ phận không nhỏ người dân, sự quẫy đạp tứ phương của giới sáng tác, sự giẫm chân lên nhau của các đơn vị tư vấn, giám sát, thi công, sự lãng phí và thất thoát trong xây dựng cơ bản hiện nay…, tất cả đều có phần trách nhiệm của giới phê bình kiến trúc.

Chúng ta có thể mạnh dạn kết luận rằng, phê bình đang là khâu yếu nhất của kiến trúc Việt Nam hôm nay. Với xu hướng chính là né tránh những vấn đề quá to tát, rút vào minh họa chân dung các tác giả, giới thiệu công trình tác phẩm mang tính “quảng cáo”, thiếu tính chiến đấu, ngại phê phán và thiên về tổng kết các sự kiện..., phê bình kiến trúc Việt có thể nói là đang “tự hạ thấp chính mình”. Phê bình không thể chỉ nêu thông tin, tổng kết sự kiện mà còn phải mở ra cho kiến trúc những đường hướng phát triển mới. Phê bình không phải chỉ là quảng cáo và giới thiệu - dù cần, mà còn phải là nghiên cứu, lí luận về lịch sử hình thành và phát triển của kiến trúc, về kinh nghiệm và quan niệm làm nghề. Phê bình cần có sự đa dạng hóa hình thức để giúp nhận diện ngày càng rõ hơn về kiến trúc ở những gì bản chất nhất, phong phú nhất, đa dạng nhất, ở sự vận động và phát triển nội tại. Phê bình sẽ không còn giữ đầy đủ vai trò tích cực nếu không thoát khỏi và vượt ra được thực tế sáng tác, nếu không tự nâng mình lên khỏi việc chạy theo thực tế để giới thiệu, miêu tả. Cứ đi sau như vậy, phê bình sẽ không thể góp phần mở hướng cho sự phát triển năng động và đa dạng của kiến trúc nước nhà trong tương lai.

Đã đến lúc phê bình kiến trúc phải vượt lên chính mình, đổi mới phương thức, cách thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu mới và nhất là nói lên được tiếng nói của riêng mình, tạo dựng được vai trò cùng vị thế của mình trong công cuộc xây dựng và kiến thiết của nước nhà. Và thực trạng khủng hoảng của nền kiến trúc Việt Nam sẽ tiếp tục không được hoá giải, nếu không có một sự phản tỉnh triệt để - ngay từ cội rễ văn hóa, xã hội của nó. Tất cả những gì cần làm hiện nay là củng cố phê bình, phê bình phải được phê bình, tạo môi trường dân chủ cho phê bình, và xây dựng cơ sở học thuật vững chắc cho phê bình.

 (vannghequandoi.com.vn)