Người đàn bà lặng lẽ làm thơ

29.06.2020

Người đàn bà lặng lẽ làm thơ

Cách đây hơn 25 năm, năm 1994, Phan Hoàng Phương in tập thơ đầu tay, tập Giữa thời gian (*). Tập thơ chỉ 65 trang, với 32 bài. Từ đó đến nay, thơ đăng rất ít, kiệm lời. Tôi gọi đó là người đàn bà lặng lẽ làm thơ, nửa muốn gắn bó và nửa muốn rời xa thơ ca. Gia sản cộng lại, kể cả tập sẽ phát hành, đâu chừng trên dưới 70 bài. Ngần ấy của hơn ba thập niên làm thơ, dẫu biết rằng, ít hay nhiều, không thể nói bằng con số được. Tập thơ này có tên Giới hạn. Tôi thích sự chọn tên cho tập thơ của tác giả.


- Đêm đó/ Sau lưng ông/ Dòng sông Hương như đứng lại/ Ghi lấy lời mai sau/ Quả rằng ông có lý/ Khi khuyên với nhân gian/ Những lúc buồn/ Hãy vịn câu thơ mà đứng dậy (Nhớ Phùng Quán)Phan Hoàng Phương viết ít, in ít, có lúc hình như muốn phủ nhận những đứa con nghệ thuật của mình, nên có bài đọc xong, đeo bám suy nghĩ, đeo bám cảm xúc người đọc. Hơn 30 năm làm thơ, giữa tập Giữa thời gian (NXB Đà Nẵng, 1994) và tập Giới hạn (2020) có khoảng cách 25 năm. 25 năm là độ lùi của bao cảm xúc và suy nghĩ, cái được và cái mất, hạnh phúc và đớn đau của cuộc đời. 25 năm, quãng thời gian không ngắn, bao dòng sông về xuôi, bao số phận bọt bèo, nghiêng ngả đã đi qua:

- Đêm nay/ Chuyến tàu chở người từ cõi âm về đông nghẹt/ Con không dám ra sân ga đón người/ Không dám nhìn sâu vào di ảnh của người/ Vì lại sợ người tin cậy... Chuyến tàu lại rời ga/ Con sấp ngửa chạy theo mà không ai hay biết... (Rằm tháng bảy)

- Không thể hỏi trời xanh/ Không thể hỏi sông dài/ Bao phận người đã trôi/ Bao đục trong đã nhận/ Bao chén rượu vơi đã thức để sông đầy (Trước sông)

- Chỉ một đoạn đường thôi/ Mà hoa trái chạm đến tầm tay với/ Đẩy nỗi buồn lùi lại phía xa xôi (Bên nhau một chặng đường)

Tập thơ này có 45 bài, có tựa hơi lạ, Giới hạn. Giới hạn, theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt: “Phạm vi, mức độ nhất định, không thể hoặc không được phép vượt qua” (Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, 2005, trang 405). Với toán học, “giới hạn là một trong những khái niệm cơ bản của giải tích toán học” (Từ điển toán học thông dụng, NXB Giáo dục, HN, 2001, trang 268). Giới hạn còn là một khái niệm của triết học (Xem Danh từ triết học, LM Cao Văn Luận chủ biên, NXB Trí Dũng, Sài Gòn, 1969, trang 97).

Giới hạn như một chủ đề, xuyên suốt nội dung, hình ảnh thơ của Phan Hoàng Phương.

Xét đến cùng, Con người - Cuộc đời - Không gian - đều có giới hạn. Giới hạn của đời người làm ta hiểu rõ hơn cái vô hạn của vũ trụ, của thiên nhiên. Mọi nền triết học, cả đông lẫn tây, đều bàn về giới hạn. Giới hạn không chỉ là khái niệm của hình học, như đã nêu trên, mà còn là ý niệm của mỹ học, đạo đức học, tôn giáo. Các nhà hiền triết, xưa và nay, ít hay nhiều, đều nghĩ về giới hạn. Thơ Phan Hoàng Phương chới với giữa những chân trời.

Đọc thơ Phan Hoàng Phương, cứ nghĩ thời gian đã lăn tròn trên những mảnh vỡ cuộc sống, đã đánh cướp đi những cái gì gần gũi, thân thương và trả lại những hối tiếc, những mất mát, có khi sự mất mát là những khung trời cũ, gắn liền với kỷ niệm thời thơ ấu, thời mới lớn, thời mới yêu.

Trong lấp lánh những mảnh vỡ đó, ta bắt gặp sự lặng thầm của một trái tim mẫn cảm, tha thiết nhớ, tha thiết tiếc thương. Lại có lúc là sự phủ nhận, trốn chạy chính mình. Những hình ảnh mờ tỏ, khuất chìm của quá khứ và cả hiện tại chưa xa lắm, về phương diện sáng tạo, đó là những thời gian - không gian mang tính nội tâm:

- Những ngày đi trong mưa gió/ thèm được nghe những câu thơ cũ/ đau như trời tuôn mưa/ buốt như cơn gió xé/ đẹp như vạt lau bừng sáng tận bìa rừng...

Những ngày đi trong mưa gió/ Thèm nơi trở về, ngồi bệt trên nền nhà mát lạnh/ mâm cơm nóng hổi đủ đầy/ thèm nơi trở về/ có những gương mặt ngẩng lên nụ cười chào đón/ quên người xa để nhớ những người gần (Đi trong mưa gió)

- Đã lâu rồi, tôi không nhìn ánh trăng khuất sau mé núi/ để thấy mình cheo leo (Đã lâu rồi)

- Khi tôi về/ Lời nguyền xưa đã mất/ Bước chân đi chầm chậm một kiếp người (Khi tôi về)

- Mọi niềm vui thì đã qua/ Còn nỗi buồn thì chưa tới (Năm 93)

Phan Hoàng Phương có những câu thơ day dứt, đau đáu phận người, khác với con người thật ngoài đời, bỡn cợt, tung phá… Sâu kín trong một số bài thơ như Khóc, Quê người, Kết thúc, Chia tách, Thiền, Năm 93, Rằm tháng bảy, Hoa gạo, Quay lại, Tựa, Giới hạn, Đường chỉ tay, Như một lời tạ ơn... gửi gắm bao nỗi niềm, bao tiếc nuối cho phận đời, như con tằm vương tơ, như ánh trăng chưa khuyết, như ngọn nến chưa tàn, nghĩa là còn vấn vương, nặng nợ.

Trong thơ Phan Hoàng Phương, ta hay gặp hình ảnh “ánh trăng”: Những đêm trăng ngời ngợi – (Mùa mưa)/ Ánh trăng khuất sau mé núi - (Đã lâu rồi)/ Ánh trăng dịu dàng mong ngóng - (Khóc)/ Nhẹ hờ như một ánh trăng - (Tình yêu xanh)/ Một vầng trăng nhòa nhạt giữa mây trời - Trăng vẫn xanh xao/ Trăng vẫn lặng thầm - (Trăng ngày)/ Một vầng trăng muôn thuở - (Trăng muôn thuở)/ Trăng trôi về một phía - (Rằm tháng Bảy)/ Ánh trăng thôi mong manh - (Quay lại)/ Đêm rằm trăng thánh thiện - (Những chiếc gùi chật nặng)/ Bóng trăng non lặng thinh treo đầu ngõ - (Xa), Nguyên lành dưới ánh trăng - (Gương mặt).

Hình ảnh này đi dọc con đường thơ Phan Hoàng Phương, tạo nên sự giao hòa, đồng vọng và sẻ chia giữa thơ và đời. Thơ Phan Hoàng Phương là thẳm sâu của trái tim, hiểu giới hạn của đời người và buộc lên tiếng. Chỉ vậy và có vậy. Tiếng thơ đó như những đường chỉ tay của “duyên phận”, “xê dịch”, “hẫng hụt”, “dọc ngang”, “chồng chéo”, “chìm nổi”, song luôn tâm niệm: Dặn mình sống trong hòa ái (Đường chỉ tay).

Huỳnh Văn Hoa
(baodanang.vn)