Nghề viết, công nghệ viết…

08.08.2022
Phạm Xuân Loan
Với những tác giả sáng tác theo phương cách truyền thống, lao động nhà văn chủ yếu vẫn nằm trong tài năng, nghiên cứu và khổ luyện. Với những nhà văn trẻ, công nghệ là thứ hữu dụng hơn.

Nghề viết, công nghệ viết…

Có lần, Gabriel Garcia Marquez nói về việc viết của ông: “Tôi ngồi vào bàn lúc 8h sáng. Làm việc đâu đó khoảng 12 tiếng. Và nếu tôi viết được dù chỉ một câu, có thể nói ngày hôm đó tạm ổn. Còn nếu viết được một đoạn, ngày đó có thể coi là thành công”. Người phóng viên kinh ngạc thốt lên: đây đúng là tự sát. Và nhà văn đáp: “Tôi sống trong sự tự sát này”…

Viết văn – công việc khổ sai

Nhà văn, bậc thầy truyện ngắn Nga Yuri Kozakov từng viết trong hồi ký: “Tôi nghĩ, một nhà văn phải can đảm vì cuộc sống của anh ta rất khó khăn. Khi anh ta một mình trước tờ giấy trắng, tất cả đều quyết liệt chống anh ta. Chống lại anh ta là hàng triệu cuốn sách được viết trước đây, cùng ý nghĩ tại sao phải viết khi tất cả những điều này đã được nói ra. Chống lại anh ta là cơn đau đầu và sự thiếu tự tin vào những ngày khác, và những người khác, những kẻ vào thời điểm đó gọi điện cho anh ta hoặc đến gặp, và đủ loại lo lắng, rắc rối…”.

Có thể nói, tham gia viết lách là những kẻ hoặc cuồng chữ, hoặc quả thật có gì đó muốn nói. Nhưng chẳng có gì lãng mạn trong công việc này. Ngược lại, đây là một thứ lao động khổ sai, nặng nề và bức bối. Trong tưởng tượng của mọi người, nhà văn ngồi trong một căn phòng sang trọng, sau một chiếc bàn chất đủ thứ, bập thuốc, viết từ 9h sáng đến 6h tối.

Thực tế, chỉ vài người có khả năng như thế. Nữ hoàng trinh thám Anh Agatha Christie làm việc thất thường, chẳng có phòng riêng, cũng không có bàn viết. Bà viết trong phòng ngủ, ở bệ rửa mặt, hoặc ở bàn ăn tối giữa các đợt chờ món mới. Tác giả Lolita Nabokov thường viết các đoạn văn trên các tấm thẻ, rồi ghép lại thành các trang, các chương…

Chỉ có một điểm chung mà bất kể thiên tài cầm bút, rồi máy đánh chữ sang bàn phím vi tính đều va phải: cuộc sống không mấy ngọt ngào. Bởi họ phải đáp ứng các yêu cầu của nhà xuất bản, vốn đòi hỏi cuốn sách sau phải hay hơn cuốn trước. Mà đâu phải nhà văn nào cũng có một cuộc đời đầy biến cố, như Truman Capote, người chỉ đơn giản ghi lại những sự kiện rực rỡ của những buổi tiệc tùng mà ông từng tham dự, hoặc như Gabriel Marquez, ngồi bên máy đánh chữ, nhớ lại điều gì đó từ thời thơ ấu hoặc thuở thanh niên… Nếu anh ta không phải là Jean Paul Sartre nghiện ma túy và hoạt động chính trị? Nếu anh ta chỉ có một trí tưởng tượng phong phú, và cảm nhận rõ thế giới phàm trần này được bao phủ bởi những bất công thâm độc? Nếu anh ta không thể như Dontsova và các nhà văn khác, những người xếp sách lên kệ với tốc độ súng liên thanh? Khi đó thì xin chào, sự điên cuồng và những đêm mất ngủ…

Viết văn, như nhiều nhà phê bình khẳng định, không phải là một nghề, mà là một thiên chức, là lao động khổ ải mỗi ngày. Gustav Flaubert từng nói: “Suy cho cùng, công việc là cách tốt nhất để lìa đời”.

Năm 1954, một trong những nhà văn Mỹ vĩ đại nhất Ernest Hemingway đã nhận giải Nobel Văn học nhờ “tài nghệ hình thành phong cách cao nhất trong nghệ thuật tường thuật”. Trong cuốn sách Ernest Hemingway on writing, tác giả Larry W. Philips đã tập hợp những suy nghĩ của Hemingway về bản chất của nhà văn, về nghề viết, bao gồm những lời khuyên cụ thể về việc viết lách, thói quen làm việc và kỷ luật. Một số trích đoạn trong cuốn sách cho thấy những tiêu chí của Hemingway: “Trong suốt cuộc đời tôi đã nhìn từ ngữ như thể tôi mới gặp chúng lần đầu….” hoặc: “Một trong hai điều kiện tiên quyết (để là nhà văn – NV) là phải có thái độ nghiêm túc nhất có thể với việc viết, và tiếp đó, tiếc thay, là tài năng!”.

Tuy nhiên, theo Heminway, tài năng đó không hẳn là bẩm sinh. “Nhiều người nghĩ rằng một nhà văn giỏi thường có năng khiếu bẩm sinh. Thực ra không phải vậy. Khi chào đời, anh ta chỉ có khả năng lĩnh hội kiến thức nhanh hơn những người khác, sự tinh tế nội tâm và trí thông minh có khả năng tiếp nhận hoặc không tiếp nhận những gì được trình bày dưới dạng kiến thức”.

Tác giả Ông già và biển cả kể trong tất cả các truyện ngắn hoặc tác phẩm khác của mình, ông đều cố gắng truyền tải cảm giác của cuộc sống thực. Không đơn giản là mô tả hay chỉ trích cuộc sống, mà là sống chính cuộc sống đó. Sao cho khi độc giả đọc tác phẩm của ông, “họ có cảm giác như điều đó đang xảy ra với chính họ… Tôi chỉ viết những gì tôi đã biết rõ – chính quy tắc này mang lại cho tôi tất cả những thành công”.

Với Hemingway, một tác phẩm thành công là một tác phẩm chân thực nhất, chân thực hơn cả những gì từng xảy ra trong đời thực. “Tất cả những cuốn sách hay đều có một điểm chung: chúng có vẻ đúng hơn cả khi mọi thứ diễn ra trong đời thực. Đọc xong một cuốn sách như vậy, bạn cảm thấy những gì mình đọc đã trở thành một phần của bạn: nỗi buồn và niềm vui, thích thú và sung sướng, ăn năn và hối tiếc, con người và địa điểm, và thậm chí cả sự đỏng đảnh của thời tiết”. Mà để làm được điều đó, như nhà văn đã nói, tác giả phải sống chính đời sống đó…

Viết văn thời Internet trong những khảo sát ở Nga

Những dằn vặt của Flaubert, Hemingway, Marquez có bớt đi không nếu họ sinh ra muộn hơn và thành danh trong thời hiện đại, khi công nghệ và số hóa giúp cải tiến rất nhiều công việc của con người, và sự thành công của tác phẩm giờ đây không chỉ nằm trong tiêu chí như của Hemingway “tác giả phải sống chính đời sống đó”, hay nặng nề hơn, như Flaubert, viết “là một cách để lìa đời”?

Có vẻ như công việc viết văn vẫn luôn là thế, nhưng không thể phủ nhận những lợi ích của thời số hóa. Thử khảo sát việc viết ở Nga thời đại Internet và tiếp đó là hiện tượng văn học mạng, tác giả Sarin Lina trong công trình “Văn học Nga hiện đại trên mạng: các xu hướng và đặc điểm nghệ thuật chính” đã phân tích sự tổng hợp của các hình thức văn học in và trực tuyến trong việc sáng tác và xuất bản của nhà văn Nga Dmitry Glukhovsky.

Trong khi các tác giả khác tìm mọi cách bảo vệ bản quyền, Glukhovsky đã đăng tài sản trí tuệ của mình lên Internet và tạo động lực để nhân rộng các tác phẩm đã in giấy của ông. Lịch sử xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên Metro 2033 đã được Sarin Lina gọi là “hiện tượng Glukhovsky”.

Ban đầu, Glukhovsky tạo ra trang web riêng, sau đó ông quảng bá nó trên nhiều diễn đàn và các trang mạng khác. Glukhovsky tính đến thể loại và sở thích theo chủ đề của khán giả trực tuyến, sử dụng các khả năng nghe nhìn (văn bản của mỗi chương đi kèm phần đệm âm thanh được lựa chọn đặc biệt…), chia văn bản thành các phân mảnh, sự tiết lộ dần dần đã tạo ra hiệu ứng về tiến trình và sự đổi mới của văn bản.

Từ khi bắt đầu việc “sáng tác trên mạng”, Glukhovsky đã hướng đến một trong những ưu điểm đáng chú ý nhất của Internet – khả năng giao tiếp tương tác. Tiếp đó, tính tương tác trong chiến lược viết của Glukhovsky ngày càng có nhiều dạng phân nhánh hơn, qua việc hình thành và phát triển dự án văn chương “Metro vũ trụ 2033”, tạo ra cả một hiệp hội nhà văn. Quyền tác giả trong bộ truyện thuộc về nhà văn các nước SNG, Ba Lan, Anh và Ý. Glukhovsky đã sử dụng tối đa các hình thức văn học để phóng tác và quảng bá văn bản văn học.

Một tác giả nữa là Vadim Shaparov (được biết đến trên mạng với biệt danh Leit, từ biệt danh của tác phẩm Trung úy), người có nơi xuất bản chính là blog. Ông chỉ viết văn xuôi nhỏ: truyện và tiểu phẩm, các loạt truyện ngắn – các loại định dạng phù hợp nhất để xuất bản trực tuyến. Các yếu tố thi pháp của văn học mạng ghi nhận được trong tác phẩm của Vadim Sharapov là sự phân mảnh (tiểu phẩm như một nền tảng, các loạt tiểu phẩm), tính hình ảnh, sự đổi mới, đối thoại, xóa nhòa các ranh giới của văn học và phi văn học. Và gần đây, có thêm Pavel Selukov trong dòng tác giả sử dụng mạng như nơi xuất bản đầu tiên, vươn ra độc giả và từ đó, tập hợp thành tuyển tập để xuất bản tác phẩm in (xem TTCT số ra ngày 12.6.2022)…

Tuy nhiên, những tác giả Nga sử dụng công nghệ trong sáng tác và quảng bá tên tuổi mình chỉ là thiểu số. Không những thế, một số nhà phê bình còn xem các thể loại văn học họ theo đuổi là “thấp kém” (như trong trường hợp của Glukhovsky), hay chưa được đánh giá nghiêm túc (như trường hợp Shaparov).

Cuối cùng, có lẽ cần trở lại với tác giả Chuông nguyện hồn ai Ernest Hemingway, người từng nói: “Viết là một nghệ thuật mà không khi nào bạn có thể sở hữu một cách hoàn hảo. Nghề viết lách là một thử thách muôn thuở, là công việc khó nhọc nhất mà tôi từng làm trong đời… Tôi nghĩ bạn nên viết chủ yếu cho hai người: cho chính mình, cố gắng viết một cái gì đó hoàn toàn độc đáo, mà nếu không độc đáo, thì ít ra cũng tuyệt vời. Và vì người bạn yêu, không quan trọng nàng có biết ghép các chữ cái thành từ hay không, còn sống hay đã chết…”.

Với những tác giả sáng tác theo phương cách truyền thống, lao động nhà văn chủ yếu vẫn nằm trong tài năng, nghiên cứu và khổ luyện. Thử khảo sát các lớp dạy viết của nữ nhà văn Olga Slavnikova (người giành được hầu hết các giải thưởng sách lớn của Nga cho tiểu thuyết 2017, và Cú nhảy xa), sẽ thấy các tiêu chí bà đặt ra cho những nhà văn mới bắt đầu: sử dụng các thủ pháp văn học hiệu quả, chọn lựa và phát triển đề tài, học từ văn bản của mình và những sai lầm của mình lẫn của người khác…”.

Theo nữ nhà văn này, “ngay cả những tác giả nổi tiếng nhất cũng không thể sáng tác mà không có phản hồi và làm việc cẩn thận trên bản thảo. Cả Tolstoy và JK Rowling đều có bản nháp”.

Với việc viết tiểu thuyết, các lớp sáng tạo của Olga Slavnikova chú trọng vào việc nghiên cứu của nhà văn. Họ cần thông tin gì (lịch sử, chuyên môn, xã hội học) để tạo nên sự đáng tin cậy và màu sắc cho cuốn tiểu thuyết? Làm thế nào để tìm và sử dụng những thông tin ấy? Việc xây dựng các nhân vật chính, phụ, giá trị nội tại của các nhân vật phụ và vai trò của họ trong cốt truyện, có cần những truyện chèn vào với sự chuyển đổi các vai chính cho họ? Cách xây dựng phong cách tự nhiên của nhà văn. Cả những cách thức để bảo vệ tâm lý trước những người không tin nhà văn và đối phó với những phê bình cay nghiệt… Rõ ràng, các yêu cầu này không thể dễ dàng xây dựng chỉ bằng những tương tác mạng…

(tuoitre.vn)