Cần "bà đỡ" tận tâm

14.02.2022
Tiểu Yến
Thời gian dài, phong trào sáng tác trẻ tại Đà Nẵng có phần trầm lắng hơn so với hai đầu đất nước. Dù vậy, những truyện ngắn, bút ký, tản văn và trang thơ của các tác giả vẫn đầy hương sắc và khát vọng dấn thân trên con đường văn học - nghệ thuật.

Cần "bà đỡ" tận tâm

Quà tặng cho con” (NXB Văn hóa Văn nghệ), tập tản văn của tác giả trẻ Trần Nguyên Hạnh. Ảnh: T.Y

Ai từng gặp gỡ, tiếp xúc với Trần Nguyên Hạnh (SN 1992, quê Quảng Nam, sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng) hẳn thấy chị khá rụt rè khi nói về bản thân. Hạnh bảo, chị chọn tản văn để giãi bày, chia sẻ suy nghĩ, tình cảm của mình trước cuộc sống. Từng ngày trôi qua, chị gom vào tầm mắt mình bao hình ảnh, góc nhìn, rồi đúc kết thành những áng văn. Ví như, trong “Những người già trong thành phố”, Hạnh cảm thấy “họ lạc lõng giữa nếp sống náo nhiệt. Họ nấp mình trong những căn nhà khép kín nhìn cuộc sống ngoài kia qua những khe hở. Họ lặng lẽ trong những nỗi niềm mà ngay cả con cháu họ cũng không thể thấu hiểu”.

Hay chia sẻ trong “Những ngôi nhà thơm mùi khói bếp”, chị bảo “chỉ cần ngửi thấy mùi khói, tôi đã cảm nhận được sự ấm áp của một gia đình. Mùi khói gợi lên trong tôi hình ảnh của một cuộc sống bình yên trong mái nhà ngập tràn tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc. Nếu ai hỏi tôi nơi nào là nơi ấm áp nhất trong căn nhà, tôi sẽ nói đó chính là căn bếp”...Ai từng gặp gỡ, tiếp xúc với Trần Nguyên Hạnh (SN 1992, quê Quảng Nam, sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng) hẳn thấy chị khá rụt rè khi nói về bản thân. Hạnh bảo, chị chọn tản văn để giãi bày, chia sẻ suy nghĩ, tình cảm của mình trước cuộc sống. Từng ngày trôi qua, chị gom vào tầm mắt mình bao hình ảnh, góc nhìn, rồi đúc kết thành những áng văn. Ví như, trong “Những người già trong thành phố”, Hạnh cảm thấy “họ lạc lõng giữa nếp sống náo nhiệt. Họ nấp mình trong những căn nhà khép kín nhìn cuộc sống ngoài kia qua những khe hở. Họ lặng lẽ trong những nỗi niềm mà ngay cả con cháu họ cũng không thể thấu hiểu”.

Lực viết tốt cộng thế giới nội tâm phong phú, chỉ trong 3 năm, từ 2018-2020, Trần Nguyên Hạnh xuất bản 3 tập tản văn: “Những mùa đông yêu dấu” (NXB Kim Đồng, 2018), “Những ô cửa sắc màu” (NXB Phụ nữ, 2020), “Quà tặng cho con” (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2020). Phần lớn tác phẩm của chị ghi lại ký ức tươi vui, êm đềm, nhắc nhớ mọi người về khoảnh khắc bình yên trong quá khứ. Miệt mài sáng tác, Trần Nguyên Hạnh trở thành một trong số ít tác giả được Hội Nhà văn thành phố giới thiệu tham gia hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc năm 2021 (dự định tổ chức vào tháng 12-2021 tại Đà Nẵng nhưng đã tạm hoãn vì Covid-19).

Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng Nguyễn Kim Huy đánh giá Nguyên Hạnh là một trong những tác giả trẻ nghiêm túc với nghiệp văn, có nhiều tác phẩm chất lượng. Ngoài Hạnh, có thể kể đến Trương Thị Bách Mỵ (SN 1983), Nguyễn Lê Vân Khánh (SN 1989), Nguyễn Đỗ Văn Quốc (SN 1995)… Theo ông Huy, nhiều năm qua, Hội Nhà văn thành phố cùng Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố tổ chức Trại hè sáng tác văn học - nghệ thuật thiếu nhi hằng năm, các tọa đàm trao đổi về văn học thiếu nhi, văn học trẻ, tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi, tìm hiểu về sách và phát triển văn hóa đọc trong học sinh, sinh viên… “Đọc những trang viết từ trại hè sáng tác văn học - nghệ thuật thiếu nhi Đà Nẵng hằng năm, tôi tin rằng con đường văn chương của các em sẽ rộng mở, có thêm nhiều tác phẩm chất lượng, nếu vẫn giữ được tình yêu và niềm say mê sáng tác”, ông Huy cho hay.

Có thể nói, nhiều năm qua, tạp chí Non Nước (thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố) trở thành mảnh đất màu mỡ của người viết trẻ. Chịu trách nhiệm nội dung tạp chí Non Nước, ông Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố cho biết, tạp chí luôn dành sự ưu ái cho lực lượng sáng tác trẻ và không khó để tìm đọc các tác phẩm thơ, văn của Trương Thị Bách Mỵ, Hồng Mận, Ngô Võ Giang Trung, Phan Nam, Lê Thị Thúy Ái, Trần Nguyên Hạnh, Hồ Diễm Kiều, Diệu Ái... trên tạp chí này. Theo ông Khiêm, người làm văn học - nghệ thuật thành phố luôn sẵn sàng làm cầu nối, giúp cây bút trẻ tiếp cận các nhà xuất bản chất lượng. Trước mắt, tạp chí Non Nước sẽ là nơi giới thiệu tác phẩm đến đông đảo bạn đọc, giúp họ có thêm cảm hứng sáng tác.

Người viết trẻ cần có tình yêu văn học đủ lớn để gắn bó lâu dài với nghiệp văn chương. Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, khẳng định tình yêu văn học là vấn đề cốt lõi. Theo ông, phải có tình yêu văn học đủ lớn để người trẻ tuổi trở thành độc giả của các tác phẩm văn chương; phải có tình yêu văn học lớn hơn chút nữa để họ có động lực thử sức trên “trường văn, trận bút”, tự mình sáng tạo nên tác phẩm văn chương đầu tay; và phải có một tình yêu văn học lớn hơn nhiều để gắn bó với lao động nhà văn, từ đó tự khẳng định tên tuổi trong giới văn chương nói chung và trong diễn đàn văn học trẻ nói riêng.

“Lao động nhà văn rất cần năng khiếu, nhưng cần hơn là sự đam mê và chuyên tâm với nghề. Nếu chỉ có tình yêu văn học mà không có năng khiếu văn chương, thường chỉ dừng ở mức trở thành độc giả của các tác phẩm văn chương. Nếu có thêm năng khiếu văn chương, có thể tự mình sáng tạo nên một số tác phẩm văn chương đầu tay và… chấm hết. Có cả tình yêu văn học cùng năng khiếu văn chương, cộng thêm sự đam mê và chuyên tâm với nghề, họ mới thực sự có cơ hội đi xa trên trường văn”, ông Tiếng nói.

Cũng theo ông Bùi Văn Tiếng, có cơ hội đi xa chưa chắc đã đủ sức đi xa, có cơ hội gặt hái thành công chưa chắc đã thành công mà phải có “bà đỡ” để những cơ hội ấy trở thành hiện thực sinh động. Trường học là một trong những “bà đỡ” quan trọng nhất khi các nhà văn tương lai học văn. Tình yêu văn học thường được nhen nhóm từ thầy cô giáo giảng dạy văn chương ở trường phổ thông. Văn hóa đọc tác phẩm văn chương kinh điển cũng là “bà đỡ” rất quan trọng, và độc giả cùng rất nhiều “cầu nối” giữa sáng tác văn chương và bạn đọc như báo chí, xuất bản cũng là “bà đỡ” không thể thiếu.

“Là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, trong vai trò “bà đỡ” gần gũi nhất của các nhà văn trẻ, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, mà trực tiếp là Hội Nhà văn thành phố, cần đầu tư nâng cao chất lượng các hình thức thâm nhập thực tế cuộc sống, như tổ chức các chuyến tham quan thực địa, các trại sáng tác nhằm giúp người viết trẻ có đủ khả năng khám phá chất người trong bản thân con người và chất đời trong bản thân cuộc đời; đồng thời cần nâng cao chất lượng bồi dưỡng nghề nghiệp, như tập huấn, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp, tạo nên những tác phẩm văn chương có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật”, ông Tiếng đúc kết.

"Nếu chịu khó đọc, ta sẽ bắt gặp nhiều gương mặt trẻ đang dấn thân vào con đường văn học và đang làm cuộc đổi mới xoay chuyển văn chương theo cách của họ, với nội lực rất đáng kể. Bạn đọc có thể hy vọng và chờ đợi vào cơn sóng văn chương mới, với những tác phẩm mang một tinh thần thời đại mới của các nhà văn trẻ hiện nay”. (Ông Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng)

T.Y