Nếu Thượng đế chơi trò rung chuông – Trần Nhã Thụy

21.12.2012
Buổi sớm, như thường lệ, tôi là người trở dậy đầu tiên trong ngôi nhà. Sau khi làm vài động tác thể dục, vệ sinh cá nhân, tôi chế một phin cà phê để chuẩn bị đón chào ngày mới. Ém chặt cà phê trong phin, sau khi đổ tráng một ít nước sôi, tôi để đó đi ra tưới mấy giò phong lan, chặp sau trở vào mới chính thức đổ nước sôi vào phin. Sở dĩ tôi làm như vậy là muốn kéo dài thời gian cho cà phê nở ra, nén chặt hơn nữa, để rồi nhỏ từng giọt thật chậm rãi. Và, sở dĩ, tôi thao tác trịnh trọng với một ly cà phê như thế là bởi hôm nay tôi được ở nhà một mình.

Nếu Thượng đế chơi trò rung chuông – Trần Nhã Thụy

Mũi tên thời gian

 

Một mình, tôi thoải mái tựa lưng vào ghế, nhấm nháp cà phê. Nắng xiên nhẹ vào thềm hè. Tôi muốn nghe một bản nhạc không lời, nhưng lười đứng lên để tìm đĩa và khởi động máy. Tôi vẫn ngồi im, nhấm nháp cà phê và nhìn ra ngoài hè. Gió lay bóng cây trước nhà. Bây giờ là 8 giờ sáng. Nếu như phải đến công sở thì tôi phải len lỏi, luồn lách trên đường phố gần cả giờ đồng hồ mới đến nơi. Có thể là uống vội một ly cà phê quán cóc nhạt thếch/ hoặc ngọt như chè, trong khi lưng áo ướt đẫm mồ hôi, tay nhìn đồng hồ, nhấp nhổm canh giờ cho kịp cuộc hẹn. Rồi một ngày cứ thế trôi qua, có khi là nửa đêm mới mò về đến nhà. Nhiều khi tôi giật mình khi nhớ lại, suốt mười mấy giờ đồng hồ mình chỉ toàn ngồi, hoặc đi/đứng; mà không có lấy vài phút để ngả lưng. Nhưng, một đêm ngắn ngủi trôi qua. Ngày hôm sau lại dậy từ sáng sớm, rồi tất tả bươn ra đường.

Nhưng hôm nay, tuy không phải là ngày nghỉ, nhưng tôi ở nhà một mình. Tôi tự xin/và cho phép mình được hưởng cái đặc ân đó (trong tâm trạng chán ngán đời sống công sở) Tựa lưng vào ghế thật thoải mái, tôi nhắm mắt, thiu thiu trong khung cảnh vắng lặng và mát mẻ. Thời gian trôi qua.

 Thời gian trôi. Tôi từ một đứa bé (dĩ nhiên), bây giờ đã là một gã đàn ông trung niên. Trong cảm thức về thời gian, tôi thấy sự ngưng đọng (thời gian) ở quãng đời ấu thơ là đáng kể nhất. Nhưng đấy là nói theo cảm nhận từ trực giác bản thân thôi, còn về bản chất mà nói làm gì có cái gọi là "ngưng đọng thời gian”? Nói như giáo sư Stenphen Hawking thì "vũ trụ không có biên trong không gian, không có bắt đầu và kết thúc trong thời gian”. Thời gian, như một mũi tên (mà Thượng đế) bắn ra, rồi cứ thế mà lao đi vun vút (!)

Nhưng sao chúng ta thường nhớ quãng thời gian "ngưng đọng” tuổi thơ nhiều hơn? Tôi đã nhiều lần suy tư về khía cạnh này. Bỏ qua những yếu tố tâm lý như "thương nhớ tuổi thơ”, hay sự nhìn nhận "tuổi thơ là đẹp nhất” (chưa chắc tuổi thơ là đẹp nhất!) Trong suy nghiệm về thời gian, tôi cho rằng, sở dĩ chúng ta nhớ nhiều về ấu thơ nhất là bởi khi đó chúng ta sống bằng thời gian bên trong/ tức thời gian thực/ thời gian trực giác nhiều hơn là thời gian bên ngoài/ tức thời gian được đặt ra/ qui định bởi đồng hồ/ ngày, tháng, năm. Càng lớn lên, chúng ta càng ý thức về việc "xử lý thời gian”, sử dụng thời gian một cách cơ học hơn là sống với thời gian nội tâm. Chính vì cách "sống vội” này, mà ký ức chúng ta ít lưu lại dấu vết. Nhà văn- triết gia người Pháp Henri Bergson có nói một ý rất hay/và rất đúng về thời gian như thế này: "Khi chúng ta nghĩ cái hiện tại này sắp xảy ra, thì nó chưa tồn tại; và khi chúng ta nghĩ nó đang tồn tại, thì nó đã trôi qua rồi”.

Người lớn chúng ta thường nghĩ đến kết quả, còn trẻ con "không nghĩ gì”. Nhưng chính vì sự "không nghĩ gì” lại tạo ký ức trên tấm lưới thời gian. 

 

 Thời gian & Quả chuông 

 

Bản chất của thời gian là gì? Nếu nói như Stephen Hawking "không có bắt đầu và kết thúc trong thời gian” thì có nghĩa là con người ta có thể quay ngược trở lại quá khứ hay bước tới tương lai. Nhưng đó là xét trên lý thuyết, thực tế thì không thể. Khi Marcel Proust viết Đi tìm thời gian đã mất, thực chất là khảo sát thời gian ở dạng hiện thực hóa ký ức. Tức là quay về quãng thời gian hoài niệm, chứ thời gian đã trôi qua, làm sao tìm lại? Một cái ly vỡ làm sao gắn lại lành, bằng cách quay ngược thời gian? Nếu một cái ly vỡ dưới sàn, nhảy ngược lên bàn, thành một cái ly lành; thì nói như Stephen Hawking: "Trước hết các nhà máy thủy tinh sẽ bị phá sản”. Còn trở về quá khứ, nếu có thể, thì trước hết tôi sẽ đi tán tỉnh một em mộng. Và, bởi vì tôi biết em thích nghe gì/ ăn gì/ mặc gì…nên khả năng thành công sẽ rất cao. Để khi tỉnh lại trên chiếc giường thực tại, tôi sẽ nằm bên cạnh cô nàng trong mộng. Nhưng nếu tôi làm được vậy, thì cũng sẽ có biết bao người chơi trò gian lận: thay đổi lý lịch/ sửa điểm thi/ đầu cơ bất động sản… thậm chí là giết chết đối thủ của mình (ngay từ trong quá khứ) v.v… Còn nếu có thể nhìn thấy tương lai thì sao? Thì trước tiên các sòng bạc sẽ tự đóng cửa/ các cuộc bầu cử sẽ bị hủy bỏ (vì người dân thấy đa số quan chức đều nói láo và hứa lèo)/ thấy tương lai, có thể khiến con người thêm chán sống (vì thấy trước cái chết của mình)…Vài năm trước tôi đã xem bộ phim Next (tức Thấy trước tương lai của đạo diễn Lee Tamahori) trong phim này tài tử Nicolas Cage vào vai một nhà ảo thuật nhìn thấy tương lai, nhờ thế mà cứu thành phố Los Angeles khỏi bị xóa sổ bởi một quả bom nguyên tử. Như thế nhìn thấy tương lai cũng có lợi. Nhưng đấy là chuyện phim. Và trong bộ phim giả tưởng này, biên kịch đã đưa ra một giả định rất thông minh: Nicolas Cage chỉ nhìn thấy tương lai trong khoảng thời gian 2 phút. Hai phút là thời gian vừa đủ gay cấn. Nếu thấy "tuốt tuồn tuột” thì có lẽ không còn để nói nữa.

Thực tế một chút, xin hãy trở về thời gian hiện tại. Tôi là người kiếm sống bằng nghề viết báo, theo sự phân công của tòa soạn thường đến dự các hội thảo. Tôi thấy bây giờ để tiến hành một hội thảo; bên cạnh việc chuẩn bị micro, máy chiếu… thì người ta thường sắm thêm một quả  chuông. Đó là cái chuông be bé, kiểu của ông già Noel, lắc lên nghe kêu lanh canh khá vui tai. Cái chuông be bé này để làm gì? Để phát làm quà tặng cho khách mời chăng? Thưa, không. Đây là cái chuông được đặt trong tay của các vị ngồi ghế chủ tịch đoàn, tức những người điều khiển chương trình. Để làm gì? Thưa, để rung. Vì các hội thảo thường rất buồn tẻ, nên rung chuông cho vui tai chăng? Thưa, không.

Tùy theo tính chất cuộc hội thảo, và tùy thuộc vào đoàn chủ tịch, thời gian của người đọc tham luận sẽ được "chia phần” nhiều hay ít: 15 phút, 10 phút hay 5 phút/1 tham luận. Trong thời gian quy định đó, diễn giả phải "thanh toán” xong bản tham luận của mình, nếu lố giờ, lập tức chuông sẽ rung lên: "Hết thời gian”.

"Hết thời gian rồi, xin mời đồng chí về lại chỗ ngồi, để nhường cho người tiếp theo”; "Tôi xin nhắc lại là mỗi vị chỉ có 10 phút (hay 15 phút, 5 phút) để đọc tham luận. Trong hội thảo này số tham luận rất nhiều, mà thời gian thì có hạn. Mong các vị lưu ý cho”; "Chúng ta không có thời gian, quả chuông này sẽ nhắc các anh/ chị điều đó” v.v và v.v… Câu chuyện về quả chuông và thời gian thường mở đầu trong các hội thảo như vậy. Hay nói ngược lại, trong các hội thảo, người ta lại nói chuyện quả chuông và thời gian. Và, mặc dù cho rằng "chúng ta không có thời gian”, nhưng sau khi giơ tay lên rung chuông, họ lại dông dài (đại loại) rằng: "Tôi xin được dùng đặc quyền cầm chuông của mình. Rất mong đồng chí thông cảm, thời gian tham luận đã hết, đề nghị đồng chí tóm gọn vấn đề. Xin nhắc lại là chúng ta còn… vô số tham luận nữa. Sau tham luận này, là tham luận của đồng chí X., đề nghị đồng chí X. chuẩn bị”! Và, thường là sau khi bị rung chuông nhắc nhở, vị diễn giả đó khá lúng túng, hoặc bực tức, hoặc cụt hứng. Có vị cố tóm tham luận, trong vài giây. Có vị phớt lờ, nói thêm dăm phút (mặc cho chuông rung). Nhưng cũng có vị vừa nghe chuông rung đã nói: "Cảm ơn”, rồi rời ngay bục diễn giả.

Tôi không biết ai là người sáng kiến ra cái chuông rung trong hội thảo. Nhưng tôi thấy, không có chuông thì thôi chứ có chuông thì cái vị được giao cầm chuông tỏ rõ quyền uy lắm. Mắt cứ canh đồng hồ, tay cứ nhăm nhăm cái chuông, vừa đúng giờ là rung gắt, chẳng thèm bận tâm đến diễn giả nói đến đâu.

"Chúng ta không có thời gian”- đó là câu mà tôi rất hay nghe nói tại các hội thảo. Nghe câu này nhiều đến mức, tôi nghĩ có lẽ chúng ta nên tổ chức một hội thảo: "Bàn về thời gian”. Thời gian là gì? Chúng ta có hay không có thời gian? Sao chúng ta lại không có thời gian?...

Nếu không có thời gian, một đứa bé không thể sinh ra và lớn lên. Nếu khi đứa bé kia lớn lên thành diễn giả mà thời gian ngừng lại thì diễn giả sẽ không thể đến dự hội thảo được (mà không hội thảo bất thành diễn giả). Tất nhiên, cái câu "Chúng ta không có thời gian” là hàm ý về sự giới hạn của thời gian, không được lãng phí thời gian, phải biết sắp xếp thời gian (và trong nhiều trường hợp chúng ta phải đặt cố định về một khoảng thời gian, chẳng hạn: làm bài kiểm tra 15 phút; trận bóng đá 90 phút chính thức…) Tuy nhiên, một cuộc hội thảo được cho là quan trọng, quy tụ rất nhiều trí tuệ, nhiều tâm huyết và hi vọng… nhưng nhiều khi chỉ vì "không có thời gian” lại diễn ra một cách rất hình thức. Nhiều hội thảo mà chuông rung liên tục (tức "không có thời gian”), nhưng lại dành thời gian để… dự tiệc buffet buổi trưa, tiệc chiêu đãi buổi tối, rồi tham quan dã ngoại sông nước, quay phim chụp hình kỉ niệm v.v… 

Cũng có nhiều người than vãn "không có thời gian đọc sách”, "không có thời gian để yêu”, "không có thời gian để chơi với con”… Lạ ghê. Nếu không có thời gian thì chúng ta có gì nhỉ?!

Viết đến đây và nghĩ về cái chuông trong hội thảo, tôi chợt kinh sợ khi nảy ra một liên tưởng giả định rằng: nếu một ngày nào đó Thượng đế bỗng nổi hứng chơi trò rung chuông và ngắt thời gian của ta ra từng mảnh vụn, thì ta sẽ làm được gì trong cuộc đời này?

Theo NGHỆ THUẬT MỚI