Mồ hôi biển

10.03.2023
Nguyễn Thị Thu Hà
Từng đợt sóng ào lên rồi rút xuống lộ ra chân cát. Nguyên ngồi xuống một chiếc ghế bao bố, duỗi chân thả người thư giãn. Có tiếng loạt xoạt đạp cát, cô giật mình mở mắt, một người đàn ông thả mình xuống ghế bên cạnh. Cô ngồi dậy để thoát ra khỏi cảm giác khó chịu. Anh ta nở nụ cười tươi tắn, làm quen. Theo phép lịch sự cô mỉm cười chào lại.

Mồ hôi biển

Tranh của họa sĩ Nguyễn Lương Sáng

Cô không mang headphone nên đành mở nhạc khe khẽ. Như những người khách xa lạ, hai người im lặng ngắm biển.

Nhiều cặp đôi thanh niên nắm tay nhau dạo bên mép sóng, hoặc cùng nhau đi về phía ánh sáng tưng bừng và nhộn nhịp bên kia. Bỗng dưng, anh ta lên tiếng: “Bên kia là công viên Thiên đường, ở đó kỳ thú lắm. Em đã đến chưa?”. “”Chưa ạ!” “Đi không?” Nụ cười hiền, khuôn mặt điển trai, nước da nâu. Anh ta tên là Du.

Cô vừa tò mò, vừa muốn xả hết cảm giác bế tắc, muốn được lên dây cót tinh thần để có thể theo đuổi được nhiệm vụ mà Tổng biên tập đã giao. Đây là loạt bài: Đã giương cung thì phải bắn, mà đã bắn thì phải trúng mục tiêu! Thực ra, những bài viết mà báo cô đã từng “bắn” ít nhiều cũng có tác dụng. Vụ này, dân kêu nhiều quá. Chính quyền phân bua, nếu cái gì cũng cấm, không có cơ chế mở thì các doanh nghiệp không có hứng đầu tư. Biết bao giờ mới lên thành khu du lịch thiên đường thực sự… Phải thích ứng với cơ chế thị trường chứ!

Họ đi trong yên lặng. Cô nghĩ về bạn trai đang công tác bên Pháp. Cuối sang năm họ sẽ kết hôn và dự định cô sẽ xin về làm biên tập ở một nhà xuất bản rồi sinh những đứa con… Đôi lúc, cô cũng đã cảm thấy mệt mỏi với những chuyến công tác và phải muối mặt với những lời nhạt nhẽo, thái độ hờ hững… Rồi đôi khi lại trăn trở, gắng sức tìm hiểu sự thật phía sau những lá thư tố cáo gửi về Ban Bạn đọc của tòa soạn. Cuộc sống muôn màu như ánh đèn kia.

Cổng Bãi biển Thiên đường hiện ra. Cuộc vui chơi với ánh sáng bắt đầu. Trong bản đồ chỉ dẫn, họ có thể xem phim 4D, đi tầu lượn, bar, đu quay, đi thuyền trên sông lười, vòng quay Ánh trăng… Đây là một trung tâm vui chơi về đêm mới đưa vào khai thác. Họ cùng chọn lên vòng quay Ánh trăng để ngắm toàn cảnh trước.

Khi đã ở trên cao nhìn xuống rõ được toàn cảnh. Cô lấy khẩu độ cho máy ảnh để chớp những khoảnh khắc toàn bộ khu vực làng Chài. Du tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy Nguyên quan tâm đến hình ảnh của làng Chài: “Tại sao em thích chụp ảnh ở đó ?” “Một dự án không ổn! Lãnh đạo phường nói doanh nghiệp làm việc với cấp trên nên không rõ. Lãnh đạo thành phố nói, chủ trương phát triển của cấp trên đã thống nhất thực hiện, còn lại…không rõ.” “Em có vẻ giống nhà báo nhỉ?” “Thì em làm nghề báo mà!”.

Sự cởi mở đã giúp hai người thành thật với nhau hơn. Du hé lộ mình là một trinh sát đang đi làm nhiệm vụ. Đối tượng anh đang theo dõi là chủ mưu một dự án dởm. Lợi dụng những lời đồn về kế hoạch phê chuẩn dự án và vẽ ra những tòa nhà ảo để nhiều người tin theo và góp vốn. Đánh hơi biết nguy cơ không an toàn, hắn đã mua vé máy bay tính “chuồn” vào trong Nam. Nhưng còng số tám đang chờ hắn ở sân bay rồi.

Nghe Du kể, Nguyên nhớ, vụ hùn vốn cho dự án “ma” như thế này cách đây 2 năm trước, một đồng nghiệp của cô đã viết bài cảnh báo về sự cả tin, lòng tham của con người và thiếu thông tin của người dân đã dẫn đường đến cái “bẫy” đầu tư. Khi thực hiện  loạt bài phóng sự ấy, đồng nghiệp của cô đã từng bị kẻ lạ mặt chèn ngã xe trên đường trở về. May mắn, có vài người công nhân trên đường tan ca đã giúp anh ấy sơ cứu vết thương và đưa về an toàn. Sau vụ đó, vợ anh ấy làm căng quá, muốn chồng chuyển công tác chứ không cho làm báo nữa nên tòa soạn rút anh ấy về làm biên tập.

Tiếp đó báo của cô đã thực hiện loạt bài báo phỏng vấn cơ quan chức năng và  lãnh đạo nhiều cấp, đồng thời đăng tải cả những kế hoạch chi tiết về lộ trình phát triển trong từng giai đoạn. Nhiều thư của bạn đọc đã gửi về tòa soạn chia sẻ, nếu không có những bài báo kịp thời thông tin, có lẽ họ – những người nông dân, hoặc tiểu thương đã bị “lú lẫn” bởi những chiêu bài tinh vi của nhóm đại diện công ty nọ công ty kia.

– Sáng mai anh về rồi, công việc của em ở lại đây có cần giúp gì không. Anh sẽ nhờ anh em địa phương? – Du chân tình nói với cô.

Trong đầu Nguyên vẫn rối vì chưa biết bắt đầu từ đâu.

Áp lực  hoàn thành bài viết vẫn đeo đẳng như đá trong lòng cô. Một số đơn vị  chức năng ở đây không muốn tiếp những người như cô. Họ từ chối bằng nhiều cách: đang bận họp, đang đi công tác, đang trong quá trình kiểm tra, điều tra chưa thể trả lời được…

Ngồi trong khoang của vòng quanh Ánh trăng đưa lên cao, cô nhìn thấy phía dưới rõ ràng từng vùng sáng, tối. Dự án lấn biển sẽ phá hủy một vùng san hô tự nhiên, làm ảnh hưởng hệ sinh thái của vùng biển này, rồi gây ô nhiễm vùng nuôi thủy sản của người dân làng chài mới xây dựng khởi nghiệp. Cuộc sống người dân bám trụ với sóng gió, bão biển giờ đây chao đảo trước nét ký nhanh của nhóm quan chức nhất trí chủ trương…

Buổi chiều qua cô lang thang xuống chợ hải sản, sẵn máy ảnh đi tìm cảnh để chụp chơi, thế rồi lại bị mấy nhà chủ hàng hỏi: Nhà báo hả? Đừng có chụp choẹt rồi lại viết linh tinh, chết chúng tôi đó cô ơi! Dạ không, con đi du lịch chụp chơi thôi chú à – Cô phải nuốt cục tức vào bụng để làm an lòng người dân.

Cô đã đi đến bến thuyền gần chợ, hỏi giá những mớ ngao còn vẩn vệt bùn biển. Thằng bé mặt đen nhẻm nói: “Cô ơi đừng mặc cả đi, con đi mót ngao suốt buổi đó. Được mấy bữa này thôi chứ người ta đổ đất lấn biển, còn đâu bãi nuôi…” Cô lại đi tiếp. Một chị quấn cái khăn kín mít trên mặt có rổ đựng mớ cua đá: “Cua đá làng Chài đây, mua đi cô!” Cô mua mớ cua đá rồi không biết phải làm gì với nó nữa, nhưng vẫn mua để có cớ xuống thăm nhà chị. Chị bảo, cô xuống làm gì, xóm  làng Chài đang người ở người đi  vào  khu tái định cư trên sườn núi cách biển chừng hơn hai mươi cây số. Nhiều người không muốn vào trong núi ở vì ở đó lấy gì mà sống. Người ở doanh nghiệp đó nói bùi tai lắm: Khi nào dự án khu resort xây dựng xong, toàn bộ người trẻ đến tuổi lao động trong làng Chài sẽ được có công ăn việc làm, ăn trắng mặc trơn luôn không phải đi chài lưới, trông nuôi cá lồng đêm khuya nữa… Chị chẹp miệng, họ nói nghe ngon lắm đó! Bài học còn mới như khu làng lẻ ở mạn Tây đảo Cá Chình cũng bị di dời đi để dựng khu resort. Xây xong rồi, họ tuyển người ở đâu vào làm vì người làng không có trình độ gì hết. Báo chí viết nhiều lắm về cái khách sạn chắn tầm nhìn gì đó nhưng có thấy xoay chuyển gì đâu cô! Mỗi báo viết một kiểu đó cô à… Đây cô xem đi! Chị ấy giơ cái điện thoại không mới nhưng đủ chức năng để đọc tin tức báo mạng… Nguyên nóng bừng mặt. Cái cảm giác khó tả vô cùng trong lòng cô… Đó là những trạng thái cô thu lượm được từ người dân làng Chài ở đây.

Nguyên thở dài và kể lại cái buổi chiều đầy ám ảnh của cô ở chợ hải sản. Du chăm chú lắng nghe. Anh quả quyết:

– Những công trình dự án như vậy nếu không vì lợi ích của người dân, cộng đồng, trước sau gì cũng sẽ lĩnh hậu quả thôi. Em yên tâm, chúng ta hãy bắt đầu từ lợi ích của người dân và ý kiến các chuyên gia có kiến thức uyên thâm, kinh nghiệm em ạ! Không cần phải gặp bác lãnh đạo nào cả. Sự trung thực của một trang báo sẽ là hồi chuông báo thức cho những người có trách nhiệm và lương tâm biết hành xử đúng hướng… – Nghe Du nói, Nguyên cảm thấy nhẹ lòng hơn. Khoang cabin của cô trên vòng quay Ánh trăng đã chạm về vị trí cuối. Cửa mở ra, cô và Du cùng bước ra đón những làn gió biển thổi ào tới. Vị mặn của biển theo gió đọng trên môi cô. Đồng hồ đã chỉ 1 giờ đêm, những ánh sáng phía chân biển đang đi về ngày mới…

Làng Chài hình như không ngủ, người dân vẫn hi vọng vào mẻ lưới sau một đêm cóp nhặt trên mặt biển. Khi bình minh lên, những cánh tay đen bóng mồ hôi biển nhặt những con tôm, con cá nhỏ trong lòng lưới đem bán… Dù là những món quà bé nhỏ của biển nhưng đã giúp người dân nơi đây yêu biển cả cuộc đời.

(vanvn.vn)