Người xóm trọ

02.03.2022
Hoa Cau
Lam còn nhớ cái chiều, anh Toàn, anh rể họ, dẫn cô vào đây. Anh cười: - Điện 3k, nước 8k, wifi. Triều cường lên có thể tát phòng bắt cá rô, chủ trọ chửi khách thuê trẻ như con, có điều tiền phòng thì rất yêu thương!

Người xóm trọ

Nhà trọ 02 – tranh sơn dầu – TRẦN QUỐC TUẤN.

Giọng điệu hài hước của anh không khiến Lam cười, thậm chí còn làm cô sợ. Trước mắt Lam, 8 cái phòng như 8 anh em nhân bản với một cửa ra vào, một cửa sổ và một đồng hồ điện ở phía trên. Những cánh cửa đóng im ỉm như những con mắt cụp, lạnh lùng. Nhưng cũng có vài cái mở, thò ra mấy cái đầu nghiêng nghiêng ngó ngó. Lam tránh đi, cố không chạm vào ánh mắt của họ. Lam cũng cảnh giác với cả bà chủ trọ. Một bà U60, mái tóc cắt tém lốm đốm bạc, tiếng nói rổn rảng và cách ăn mặc hơi chút màu sắc. Nghe đâu là có thằng con đang ngồi tù. Hồi ở quê, Lam đã đọc nhiều, nghe nhiều về cuộc sống ở những xóm trọ, đó là một thế giới ô hợp đầy phức tạp, còn những tay chủ trọ cứ luôn nghĩ cách bóp cổ khách thuê. Lam nhận phòng và lập tức chui tọt vào bên trong, co người lại như con nhím giấu đi những cái gai; cô nghĩ, tốt nhất là không dây vào chuyện của ai.

Lam xin được chân bán hàng trong một shop quần áo. Sáng, cô dắt xe ra, dè dặt gật đầu với những hàng xóm cũng đang lúi húi sửa soạn đi làm. Một nhóm mặc đồng phục công nhân may, trẻ, nam có nữ có, trông tươm tất, sạch sẽ. Một tên sinh viên bộ dạng phục phịch, chiều học xong, hắn sẽ khoác áo chạy Grab. Bà chủ nói hắn ế vì có cái mông bự, ngồi hết chỗ của khách. Mấy người thợ hồ bỏ quê, bỏ xuồng, bỏ lưới ra đi vì thu nhập xây dựng ở thành phố cao hơn. Một chị tên Dịu, có một cái tủ kiếng nhỏ, 4 bộ bàn ghế nhựa thấp đặt ngoài góc đường sáng bán cháo lòng, tối đồ nhậu. Không thấy chồng chị đâu, chỉ có hai đứa con độ tuổi cấp 1. Mỗi lần chị ta đánh con là y như rằng cả xóm bị dựng dậy để nghe cùng con chị mấy bài học đạo đức vỡ lòng. Một đứa con gái làm nghề “hớt tóc nam” có vẻ ngoài diêm dúa. Cặp mi nối size đại, tóc nhuộm màu rơm, những cái móng sơn đen, suốt ngày bận cái đầm ngủ hớ hênh long nhong ngoài đường, không chút ý tứ…

Nếu xóm trọ là một nồi lẩu thập cẩm thì chủ trọ là một bà nội trợ vụng về. Nguyên tắc của bà ấy chính là không có nguyên tắc gì ráo.

Gần 10 giờ tối, tiếng hát từ những cái loa kéo vẫn rền rền. Bên này là những bài bô-lê-rô hoặc âm hưởng dân ca, đôi khi có cả mấy câu vọng cổ. Ở cuối dãy thì “Còn ta với nồng nàn”, “Vì đó là em”… copy y giọng Quang Dũng, mỗi tội vài chỗ ngân hơi lố. Hàn lâm và chân quê cứ thế đâm chéo nhau tạo ra một mớ lộn xộn. Có tiếng bà chủ. Nhạc tắt ngúm. “… Ở được thì ở, không thì cuốn gói biến cho tao nhờ”, bà chủ chốt câu cuối. Tiếng cười rúc rích. Rồi tiếng chốt cửa lách cách. Nhưng Lam biết, sẽ chẳng có ai phải “biến” vào sáng hôm sau bởi đó chỉ là câu cửa miệng quá quen thuộc của bà chủ. Tóm lại, sau vài vụ ồn ào, Lam cũng rút ra được thói quen xử lý công việc của bà chủ nhà, đó là: xuất hiện, chửi xối xả, chốt “biến gấp cho tao” và cuối cùng là không có gì xảy ra. Phòng Lam ngó chéo qua thềm nhà bà, vẫn quen thấy cảnh bà ngồi bắt ve và trò chuyện với hai con chó, đều có lông màu vàng sẫm với những mảng đen loang lổ. Không hiểu sao, nhìn cảnh ấy, Lam cứ hay nghĩ đến ngoại ngày cô còn nhỏ

*

Thành phố vào mưa.

Những cơn mưa bất chợt như tính tình đỏng đảnh của đứa con gái mới lớn. Chập tối, Lam về, chắc mẩm mớ quần áo phơi hồi sáng đã ướt nhẹp. Dắt xe ngang qua hành lang chợt thấy “hớt tóc nam” ló đầu ra. “Ê bà, mưa nên tui rút đồ bà vô nè!”. Lam hơi sững lại. Vì cái việc rút đồ và còn vì tiếng “bà” của nó. Những đứa bạn gái thân thiết ở quê thường xưng hô với nhau như vậy.

Nó làm Lam nhớ tới đám con Thúy, con Yên, con Hạnh, những đứa bạn thân thiết vẫn “bà, tui” với cô thời còn bé tý. Chúng đều là những đứa bạn nghèo xác xơ, thậm chí Thúy cũng côi cút giống như Lam. Lay lắt lớn lên, biết bao vui buồn chia sẻ và Lam đã mấy lần phải bật khóc khi tiễn chúng theo chồng qua tít Đài Loan. Tiền chúng gửi về giúp mẹ cha xây dựng nhà cửa, mua sắm này nọ. Hình chúng gửi lên mạng, toàn những cái miệng ngoác cười toe toét. Nhiều lần cô đã đặt câu hỏi, liệu tụi nó có hạnh phúc không khi sống cạnh những người chồng tật nguyền về thể xác hay những khiếm khuyết về tinh thần. Nó làm bộ hạnh phúc để che đậy, nó quá ngây thơ để không nhận ra bất hạnh hay đã đủ yêu thương để bao dung người ta? Xóm làng xem chúng nó như những tấm gương cho đám con gái nghèo, không ai thắc mắc như Lam. Mợ Lam cứ nói xa nói gần, rằng thấy con người ta báo hiếu bắt ham, rằng cứ cắm mặt xuống ruộng để cuối cùng hốt trúng thằng say xỉn, khổ cả đời. Cậu thương Lam nhưng ngại mợ. Mợ bực, cậu cũng không vui. Lam buồn và bế tắc, cứ ra vô lặng lẽ, cho đến cái ngày quyết định ra ngoài sống độc lập, phần để né tránh mớ rối rắm trong nhà, vừa cũng để nhen nhóm một ước mơ. Lam định dành dụm theo học một lớp trang điểm, làm tóc cô dâu. Cô muốn biến những đứa con gái chân lấm tay bùn trở thành công chúa lộng lẫy trong cái ngày quan trọng nhất đời chúng. Lam hay mơ đến những cửa hàng long lanh với những con ma-nơ-canh mặc xoa-rê cô dâu mà có vài lần cô xuống thị xã, dừng lại ngắm nhìn.

Mưa tí tách, dai dẳng làm cho đêm dài ra, cho những người xóm trọ thêm nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Mặt vùi trong gối để giấu đi nước mắt.

Rồi mưa đột ngột đổ xuống như trút nước vào buổi sáng sớm. Xóm trọ lao xao xách tô đi giải cứu cháo lòng cho chị Dịu. Lam không ưa cháo lòng nhưng cũng hé cửa sổ nhìn ra. Người ta đang hò nhau trêu chọc, gán ghép chị ta với một người thợ hồ tên là Cảnh. Đó là một người đàn ông khoảng bốn mươi mấy, dáng cao nhưng hơi khòng, cử chỉ lúc nào cũng có vẻ lúng túng, e dè. Vào cái tối quán nhậu bị đám say rượu đánh nhau làm bể 3 cái ghế và cả cái tủ kiếng bày đồ ăn, người đàn ông hàng ngày hiền như cục bột, nhút nhát vụng về ấy đã vì chị mà dám ra tay dẹp loạn, vừa quay mòng mòng cây thước thợ hồ như Tề Thiên đại náo vừa hò hét “Công an, công an!”. Chiều hôm sau “chàng” còn đích thân chạy vòng vòng mấy cái tiệm đồ cũ kiếm mua cho chị cái tủ chở lặc lè về.

- Mướn ổng bảo kê luôn đi chị Dịu!

- Trả lương ổng sao nổi.

- Về chung phòng đi, luôn tiền phòng cũng khỏi trả!

- Ổng trai tân đó nha!

- Khám chưa mà biết?

Họ nói cười thật thoải mái, không cần phải giữ gìn gì, giọng to rổn rảng giống như những người đi làm đồng ở quê.

Trước cửa phòng Lam có một gốc cây được cưa bằng. Tối, thay vì rúc vô phòng đóng kín cửa thì cô thỉnh thoảng ra đó ngồi để đón chút gió, vừa lặng thầm quan sát và nghĩ về những người hàng xóm, trộm nghe những câu chuyện của họ. Rồi đâm tò mò. Mấy hôm, Lam để ý thấy chú thợ hồ đưa hai đứa nhỏ nhà chị Dịu đi học và vài lần hai người lớn chở nhau đi. Họ, thì ra đã là một đôi. Họ nghĩ và sống thật đơn giản. Grab mập về muộn, cũng ráng đem xe ra rửa, chiếc Wave cũ của nó nhờ vậy long lanh lên tí chút. Ngó thấy con chó nhỏ lông vện của bà chủ đi qua, nó la: “Hạ cờ tây đi bà Năm!”. “Mày dám, thằng cô hồn”. Nó cười khớ khớ. Mà tên ấy cũng dễ thương, mấy bữa xe Lam hư, hắn cho cô quá giang không lấy tiền. “Hàng xóm với nhau mà chị đẹp”, hắn nói vậy. Vài người thỉnh thoảng tụ lại nhậu trên thềm. Bà chủ đi qua ghé vô uống lon bia. Rồi cả đám quây vào trêu chọc bà. Hình như ai cũng thích trêu chọc để bà chửi cho vui vậy. Lam cũng thèm được vui vẻ thoải mái như họ, thật dễ chịu, đôi lúc cũng muốn chêm vào một câu gì đó, hài hước một chút, nhưng rồi thôi, vì sợ… phải dây vào ai đó.

Một tối, Lam đang loay hoay ủi đồ thì vang lên tiếng la hét bên ngoài, rồi một bóng người lao xoẹt vô phòng. Mớ tóc màu vàng rơm rối tung. “Đâu rồi, nó đâu rồi?”, giọng phụ nữ léo nhéo ngoài sân. Lam giật thót người, theo phản xạ chốt cửa lại. “Hớt tóc nam”, mà không, tên nó là Diễm, ngồi thụp trong góc phòng run cầm cập. Mấy vết cào xước rướm máu đỏ lòm trên cánh tay trắng xanh. “Cảm ơn bà cứu tui”. Lam đứng tần ngần, tự hỏi mình vừa làm cái gì đây.

Diễm kể chuyện mình. Hóa ra, nó cũng là một đứa con gái nhà quê. Sớm yêu, có con với người ta rồi chuyện sau đó không đâu ra đâu. Nó gửi con cho mẹ, lên đây kiếm tiền. Chẳng có nghề ngỗng gì, nó làm ở tiệm cắt tóc do chị chủ phụ trách, nó chỉ gội đầu, cạo mặt, ráy tai. Suốt ngày ôm đầu những người đàn ông vào lòng, vừa làm vừa rủ rỉ trò chuyện. Nó xinh, có khối anh thích, cứ đòi phải em Diễm làm mới chịu. Mà hễ em nào hút khách thì chủ ưu ái, đôi khi có những chuyện lằng nhằng đàng sau, chị cũng làm bộ không biết, nhắm mắt cho qua. Chuyện ganh ghét giữa đám thợ với nhau cũng xảy ra hà rầm. Rồi chuyện đi bắt ghen của các bà vợ. Hai người phụ nữ tối nay rình ở cổng nhà trọ cũng là để dằn mặt nó. Sợ thiệt!

Diễm ngồi bó gối, những ngón tay ngọ nguậy, hai bàn chân chụm lại. Lam nhìn những chiếc móng sơn đen “không ưa được” của nó, giờ chỉ thấy tội. Nó cũng giống bao đứa con gái quê khác, muốn thoát nghèo nhưng không ai chỉ cho nó cách.

*

Covid-19 là con quái vật máu lạnh gieo rắc chết chóc, hoảng loạn nhưng cũng lại là một phép thử làm lộ rõ những giả trá, ích kỉ, chân tình, nhân ái. Dân xóm trọ sáng sáng xách xe ra, khẩu trang kín mít, chào nhau bằng mắt. Có một nỗi e sợ chờn vờn trong đầu mỗi người, không biết đám người đó đi những đâu và tiếp xúc với những ai trong cả ngày dài, nó mà đem về một con vi-rút thì cả xóm bỏ đời. Cứ hình dung cái cảnh đột nhiên thấy công an, khu phố đến kéo rào rần rần, nội bất xuất ngoại bất nhập, thuốc tẩy trùng phun trắng trời, rồi nhân viên y tế bận “áo mưa 5 ngàn” tới tới lui lui, rồi lấy máu, xét nghiệm và cuối cùng là nằm thu lu, đói deo đói dắt. Chưa kể chuyện dương tính. Thật không dám nghĩ tới.

Mấy hôm, Lam về sớm vì người đi mua sắm vắng hẳn. Thay vì sắm sửa đồ đẹp thì người ta lo tích lũy lương thực, tiền bạc vì không biết dịch sẽ diễn tiến ra sao. Bốn, năm đứa trẻ lứa tuổi khác nhau đang thi nhau trèo lên cái ghế thiên nhiên trước phòng Lam mà nhảy nhót, vui đùa. Hai con chó cũng quấn theo.

- Năm giữ đám này à?

- Ờ. Tết tới giờ trường học chưa có mở cửa. Năm “chăn” con nít cho tụi nó đi làm. Tội nghiệp, nó đâu biết gửi ở đâu.

Nhìn bà ấy hò hét, nựng nịu, rồi mắng mỏ tụi nhỏ, hệt như bà và cháu ruột. Chị Dịu nói: “Chị gửi tiền trông trẻ nhưng bà không lấy, biểu chỉ cần mua lon bia cho tao uống chơi. Một lon là một lon. Uống nhiều xỉn rồi quên giăng mùng muỗi cắn. Chị đi qua thấy hoài hà. Ti-vi quên tắt, mùng quên giăng. Phải nhá máy một lúc lâu mới nghe”.

Có lệnh cách ly toàn xã hội. Quán nhậu, hớt tóc đóng cửa trước, xí nghiệp thay phiên tuần nghỉ tuần làm, thiên hạ không ra đường thì Grab cũng ế, chỉ còn trông chờ để canh mua đồ ăn cho khách thôi. Đành lôi loa kẹo kéo ra làm live show. Thấy bóng bà chủ trọ lật đật tắt cái rụp. Bà dừng trước cửa phòng. “Nghe thông báo. Tháng này miễn tiền trọ cho bây. Còn hát cứ hát, tối thì nín cho làng xóm người ta ngủ. Không có việc gì thì bớt đi tùm lum nhe!… Bấm cho tao bài Đồi thông hai mộ coi!”. Cả đám sửng đông. “Thiệt hả bà Năm?”. Rồi lục tục dạt ra, sửa soạn một chỗ cho bà chủ ngồi. Cái điện thoại chữ nhỏ rí, mà không sao, bà thuộc lòng rồi. Bà hát, lời đi một đường, nhạc đi một nẻo, tức cười mà lòng rưng rưng xúc động, mà sao nghe thật ấm áp. Thấy cái bà chủ nhà ngày nào cũng mắng mỏ, thật ra lại rất giống người mẹ, người bà của mình ở nhà. Thấy được ủi an, che chở, quên phần nào chuyện dịch bệnh đang rình rập ngoài kia.

Sáng sớm, chị Dịu và Diễm đi ngang qua cửa báo: “ATM gạo ngoài đầu đường, ra lấy đi!”. Và giơ ra trước mặt Lam một túi gạo nhỏ với mấy cái trứng để ở trên. Lam cứ trù trừ, vì Lam thấy mình trẻ khỏe thế này, phần vì trong tận đáy lòng, Lam thấy chút gì vương vướng, như người mắc tội, tội hoài nghi lòng tốt ở người khác. “Bà mắc cỡ hả, có gì đâu, để tui đi với bà!”, giọng Diễm vẫn oang oang.

*

Bà chủ bị té gãy tay khi trèo ghế thắp nhang trên trang thờ khiến cả xóm trọ lăng xăng, gần khuya mới hộ tống bà từ bệnh viện về với một cánh tay băng trắng treo trước ngực. Lam nhìn, bỗng nhớ bà ngoại xưa cũng có lần bị té gãy tay bó bột như vậy. Dạo đó Lam khờ lắm, sợ bà chết, khóc như mưa. Ngoại dỗ: “Ngoại chỉ đau chút thôi, không chết đâu”. Lam lấy bút ghi nguệch ngoạc “ngoại sẽ không chết” lên cái tay bột đó để ghi nhận lời hứa của bà. Ngoại lắc xắc làm lụng, không chịu nghỉ vì thói quen, chẳng mấy lúc, khúc băng đã lấm đầy bụi đất. Chưa tới ngày cắt bột, ngoại kêu ngứa. Lam đã dùng một chiếc đũa thò vô cái khe hở để mà gãi. Ngày người ta cắt bỏ khối băng, đã ném luôn lời hứa của ngoại, để cuối cùng bà cũng đã bỏ Lam mà đi.

Phòng Lam ở sát vách nhà bà chủ. Cô chạy qua vo gạo, cắm cơm, lau nhà…

- Mày cho hai thằng cháu nội ăn dùm, Năm!

- Cháu nội?

- Đây nè! – Bà cười, chỉ hai con chó đang nằm khoanh dưới chân.

- Năm buồn hả?

- Mày ngủ đây luôn cho vui!

Lam trải chiếu nằm. Bà thì đưa võng cọt kẹt.

- Nếu thằng Phong không gặp nạn thì giờ này cháu nội Năm lớn bộn rồi.

Bà nói, tay kéo cái hộc tủ lấy ra cuốn album.

- Năm đó nó 26 tuổi, đi làm cho cửa hàng vật liệu xây dựng, hàng ngày nó lái một chiếc xe tải nhỏ chở gạch cát giao cho khách. Rồi nó gây tai nạn, cán chết một người đi Honda ngay ngã ba chợ. Nó lãnh án tù 5 năm. Con vợ chưa cưới thương nó lắm, nhưng vô thăm được mấy lần rồi bặt tin, sau đó thì lấy chồng. Mà trách con người ta sao được, con gái có thì. Năm vô thăm, sợ nó hỏi chuyện con nọ nhưng cuối cùng chính nó mới là người cố tình đánh trống lảng. Nó chỉ dặn Năm, là “má ráng giữ gìn sức khỏe, với lại bỏ bớt cái tật chửi bới người ta, không thì phòng trọ má ế, con càng lo, không thể yên tâm mà ở tù”. Năm tính vọt miệng… chửi nó nhưng tự dưng nước mắt ứa ra. Nó là đứa hiền lành, hiếu thảo mày ơi! Còn 1 năm 2 tháng nữa nó mãn hạn. Năm lại lo, không biết có đứa nào ưng lấy một đứa từng ở tù như nó không?

Lam ngắm nhìn hình ảnh hai mẹ con, nhìn người con trai lạ hoắc, khuôn mặt đẹp, sáng sủa và nụ cười đôn hậu. Hồi mới đến đây, nghe nói con trai bà chủ đi tù, xin lỗi anh, Lam đã nghĩ anh là một tên ma cà bông, ăn chơi hút chích, đánh lộn đánh lạo. Rồi cả người mẹ cô đơn này nữa, cả tuổi xuân bà đã dành cho anh, ấp ủ khát khao dựng xây một tổ ấm có bà, có con, có dâu và đàn cháu. Thì ra mỗi người đều có câu chuyện của mình, không chịu khó tìm hiểu, mình chỉ thấy toàn những góc cạnh tồi tệ, xấu xa.

Kết thúc thời gian giãn cách xã hội, xóm trọ ban ngày trở lại im ắng. Lam cũng quay lại cửa hàng. Tối Lam về, bà chủ hay nhờ vài việc vặt, nói muốn Lam qua ngủ cho vui.

- Mai Năm vô thăm thằng Phong, mày xin nghỉ một bữa chở Năm đi dùm nghen!

- Dạ…

Lam hiểu bà. Và Lam cũng không thể từ chối một lời nhờ vả. Nhưng mà như vậy… Chị Dịu nghe chuyện lại cười:

- Biết đâu…

Lam đỏ mặt, lảng đi:

- Sáng em đi sớm, chị gặp Diễm nói giùm là em đã xin được cho nó vô bán hàng chỗ em rồi!

- Mày lại dính vô chuyện người khác nữa rồi đó!

- Đó là bịnh chung của người xóm trọ, ha chị!

(Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 12)