Truyện ngắn: Giao thời trôi trên sông
Cha con Ngân chèo thuyền đi từ 4 giờ sáng, đến gần bãi cát chừng tờ mờ. Trời sang xuân, se lạnh phảng phất. Ngân ngồi ở mũi thuyền nhìn dọc triền sông, cây cối xâm xẩm. Chèo khua nhẹ như ru nôi. Mùa xuân trôi trong ngôi nhà thiếu mẹ. Cây mai trước hiên gần hàng cau giờ là trong hoài niệm. Với nắng. Với những sang xuân mà hoa còn vàng rộm khiến Ngân xốn xang.
- Cha, sắp chợ hoa tết rồi, ta đi xem nhỉ?
Ông Lai để thuyền trôi chậm, móc thuốc trong túi áo bộ đội cũ cạch lửa riết hơi dài. Ông biết con gái đang nhớ cây mai và nhớ người thường chăm bón nó.
Đêm qua ông Lai đeo vào tay Ngân cái nhẫn vàng, rồi dẫn con lên nhà trên trước tủ thờ, chỉ vào khe ngang bên trong nói: “Chỗ nhẫn vàng này là vốn liếng dành dụm và tiền bán cây mai, cha giấu đây. Tiền hồi môn của con đó. Sau ni về nhà chồng, thiếu thốn thì về lấy tiêu dần, đừng cất ở đâu hết, nó sẽ an toàn ở đây mà chỉ cha con mình biết thôi”.
Ngân nhìn hàng cau già, có mùa cha để nguyên buồng quả đến đỏ lòm trên đó. Ngân nhớ dáng ông nội trảy lá mai trước tết đúng một tháng, ngày mùng là búp bung, vàng rực trên nền lộc non xanh. Mấy nhà khác trong xóm có mai trồng sau này, họ cưa nhánh bán vào mấy phiên chợ Tết. Ông nội chưa bao giờ bẻ nhành mai. Cũng nhiều người đến nài nỉ mua, mức giá đắp đổi lớn cho cuộc sống gia đình này nhưng ông nội lắc đầu. Cũng may, ông không hề có sự câu thúc từ đời sống, bởi ông có lương hưu, thường san sớt cho con cháu vui vầy. Rồi ông theo ngày tháng khô dần, ra đi minh mẫn, cũng không hề dặn dò con cháu điều gì về cây mai. Hẳn nhiên điều này khiến cha của Ngân bớt áy náy khi dứt lòng bán nó đi.
Dịp vừa rồi rộ phong trào trồng mai vàng. Nhà Ngân họ biết không bán, vẫn vào gạn hỏi. Mặc khách đứng trong vườn, ông Lai đi làm. Ngân cứ ngồi trong bếp nhìn ra, thấy người mua vẫn ngắm cây mai như thể họ đã mua xong.
Hôm ấy ông Lai đang ngồi hút thuốc trong bếp, Ngân chạy vô: “Cha ơi, cây mai của bác M. bị phá rồi”. Ông Lai giật mình, hiểu ngay. Ông hay tin cây mai cao ngồng nhà ông M. nhà buôn vô mua, ông M. ý bán mà chưa được giá nên lắc đầu, đôi bên cãi qua đôi câu. Thường bọn gian chỉ trộm được cây trong chậu hay ở nơi vắng, còn đây… Sáng ra ông M. thấy cây vẫn đứng mà có vết chém ở gốc, mới hay nhân lúc đêm mưa chúng ghé tới cho mấy nhát hiểm. Giá như cây đã được chặt hết nhánh thì bọc lại ươm nó sống được, đằng này… Nhà đành cưa ngang để giữ lại gốc. Ông Lai có chút lo cho cây mai nhà, nhà thì trống từ ngoài đường vào, vườn cũng thông với hàng xóm chẳng rào chắn gì…
Con thuyền mộc trôi gần đến bãi. Từ ngày dân phản ánh nước xâm thực làng, bãi cát bị cấm, không còn xe tải ra vào. Chủ khai thác phải cho thuyền máy đi xa, cát vừa hiếm mà giá đội cao. Ông Lai làm nghề chở cát trên sông đã hơn mười năm. Sau này thuyền máy nhiều lên, nghề tạm đủ tiền công nhọc nhằn. Giờ thì cha con Ngân chỉ là vét cát xấu, cát lẫn bùn lẫn đất về bán rẻ, mà cũng hiếm rồi.
Chợ hoa bắt đầu qua 20 âm lịch là lần lượt người dọn bán, thành phố dành cho khoảng thênh thang ở trung tâm, ở sân nhà hát cũ và dọc hành lang đường, cả trong sân mấy cơ quan gần đó. Ngân thích dạo xem hoa và mọi thứ bày bán. Nhiều mặt hàng là thiên nhiên tạo thành. Năm ngoái ông hàng xóm hạ cây thị hơn trăm tuổi, cưa khúc ra thấy bên trong hình hoa sen và tượng thiền. Người ta liền xẻ từng miếng mỏng, đánh bóng rồi mang ra đây bày bán, không ngờ thu được khá tiền sắm tết. Những miếng gần gốc giống như tranh vẽ, đường vân đen trên nền gỗ trắng hồng, người đến sau cứ tiếc. Có nhà bán cả hoa cau mới trổ thơm ngát, Ngân nhớ hàng cau nhà mình, hồi nhỏ ông nội cho ngồi lên chiếc tàu cau rụng kéo đi dọc đường thôn.
Thanh niên đến chơi cũng nhiều, mà Ngân chưa ưa ai. Có đứa nhà giàu đem lòng thương yêu, Ngân vẫn thấy bất an. Lại có thằng thợ xây trong làng, có đất vườn rộng đời cha để lại, dạo ấy Ngân cũng xuôi xuôi. Sau thấy hắn bán một nửa, nghe phong thanh qua tết năm đó thì sạch túi. Ngân sợ quá. Ngưỡng ấy có vốn, thêm nghề thợ kép ngày công cũng khá, song ỷ lại đâm lầy. Ngưỡng ấy không hiểu sao trong Ngân hiện cảnh hắn ngủ nướng, dậy rồi nhác đi làm, cứ ngồi trên giường nhìn quanh đất đai còn nhiều ít, bán dần.
Nói người mà có lần ngủ dậy muộn, Ngân ngồi ì trên giường, rồi thốt: “Cha, sáng ni con nghỉ được không cha?”. Ông Lai ừ, ngủ lại đi. Ngân nằm xuống, mà có ngủ nữa đâu. Ngân nhớ lại giấc mơ rõ ràng vừa xong, thấy mình bỏ chồng ôm con về ở với cha. Về nhà lúc nửa đêm, con ngủ trong tay. Ngân đặt nó xuống giường và thiếp luôn; chợt cha lay dậy theo thuyền, Ngân ú ớ quài tay xem con nằm ngủ ra sao. Ồ, mơ! Lạ kỳ. Ngân đã có tơ mối nào đâu nói chi chồng con.
Ngân gắn với sông nước từ tuổi mười sáu, ban đầu chỉ theo cha mẹ đôi lần, ngồi thu lu trong đò, gặp con rắn nước cũng hét lên, ít năm sau thử phụ xúc cát, rồi quen, làm thấy không mệt lắm. Ơn trời da dẻ Ngân cứ trắng hồng. Ngân luôn dậy sớm, lên đò rồi trở về lúc mặt trời chưa gắt, da dẻ không ăn nắng. Cha nói đến lúc con lấy chồng thì mở hàng tạp hóa, mua thêm rau củ bán ở nhà cũng được. Ngân tự dưng nhớ mẹ. Không muốn nhớ, vì cứ thoáng bóng mẹ là Ngân như người xuội đi, sắp chìm đến nơi. Mẹ cùng ngồi trên thanh gỗ bắc ngang lòng thuyền như thế này. Bận ấy mẹ không cho Ngân theo nữa. Ngân thì thấy mẹ gầy yếu nên xin cha xúc cát đỡ đần. Rồi bận đó mẹ đi khám. Rồi bệnh viện giữ lại luôn, rồi đưa đi cách ly đặc biệt, F0 rồi thành không.
Những phiên chợ mùa đông năm xưa, mẹ quảy đôi quang gánh nào đậu lạc nào hành tỏi đi bán, Ngân vấn tấm nilông theo sau, chặng dài mẹ lại đặt gánh xuống nghỉ mà Ngân không biết đến gánh thay. Sau này cha lên thị trấn mua được chiếc xe cũ, hai mẹ con đèo nhau đi chợ tết mua lá dong và đồ làm nhân bánh kẹp ở khung xe, về dọc đường ngã dúi mà vui sao. Giờ có chiếc xe máy dựng ở góc nhà, Ngân chưa có dịp chở mẹ ra chợ tết. Cha cũng mua thêm bộ áo dài khăn đóng cùng ít đồ dùng bằng giấy đốt cho ông nội.
Hôm nay cha về làng cùng lo việc nhà thờ lễ tết. Ngân dạo khắp hàng hoa, mê nhất mai vàng nối dài ở vạt cỏ gần bờ sông. Người chen kín, làm dáng chụp hình cũng nhiều. Ngân nhớ khoảng hiên vườn dày lá xanh ông nội trảy cả buổi sớm. Nhìn cây mai trơ cành đen điu mà thương. Rồi gần tháng sau bắt đầu nhú lộc xanh non, trổ búp mụ mẫm, mỗi sớm mai sương trĩu từng chùm. Nụ nhú vàng, những cánh óng ánh soi vào sương trong vắt. Năm nào đó cha cưa một nhánh cắm vào hũ sành đặt trước bàn khách, cũng đơm bông. Sau ông nội bảo không nên, cây nó buồn.
Mải nghĩ, Ngân khựng lại trước một hàng mai. Kia, thằng Hoan, bạn học từ cấp hai đến lớp 11, người xóm dưới. Hoan đang xiết lại bầu đất cho một nhánh mai vừa bán để giao hàng. Ngân quay đi, Hoan cũng vừa ngước và thấy.
- Ủa, Ngân, Ngân à?
Ngân chỉ biết cười. Cái thằng hồi xưa chỉ đá bóng là giỏi, còn thì toàn hỏi bài chép bài, rồi nghỉ học năm cuối cấp vô Nam được mấy tháng lại về. Lâu lắm rồi, chừng như Ngân sẽ quên hẳn nó nếu không gặp.
- Này, đợi, đợi chút…
Hoan luống cuống bê cành mai lên xích lô, nhận tiền từ người mua, quay lại liền có khách hỏi giá. Hoan vừa nhìn theo tay khách chỉ vừa nhìn Ngân.
Ngân cười cười, phẩy nhẹ tay ý nói lo bán đi, rồi Ngân bước.
Hoan gọi với “Này này, đợi…” rồi bỗng sững như quên gì, cúi mặt cười cười. Ngân bước lẹ. Ờ, con người ta cũng lạ. Trong ánh nhìn thoáng gặp nhau ấy, không nói gì mà Ngân hiểu. Ngân bắt được ý nghĩ của Hoan là muốn ấn vào tay mình nhành mai về chưng tết, nhưng rồi Hoan nhớ ra… từng cùng nhóm bạn đến nhà Ngân hồi học cấp ba, Hoan sực nhớ nhà Ngân có cây mai lớn…
Ông Lai nói với Ngân năm ni cha con mình ra sông làm lễ... Ngân hiểu liền, nhớ hình ảnh bưng mẹ trên tay, bước mà sợ gió cuốn mất, rồi âm điệu một câu hát tự dưng vang lên trong đầu: “Mẹ giờ như sương như sương trên sông. Mẹ giờ như sương như sương…”. Mẹ như sương như sương, hòa vào sương mờ trên sông. Mỗi sớm con thuyền trôi đi là mẹ quấn lấy hai người cho đến lúc tia nắng mai ửng trên má Ngân. Cha nói mình sửa soạn đi sớm ra sông làm lễ, rồi quay về nhà kịp cúng gia tiên.
Con thuyền ra giữa sông, cha đặt lễ ở mui thuyền. Nước lặng. Nến được thắp, cha thả xuống mặt sông tấm gỗ và đốt nắm vàng mã lên đó mặc nó trôi xuôi. Lửa cháy bùng, lúc sau như tắt, gió thổi bay những bụm tro lấp loáng. Ngân bó gối trong khoang, cha ngồi đầu thuyền hút thuốc. Hai bóng hình yên lặng giữa tiếng sóng gợn. Gia cảnh có khổ cực, Ngân vẫn mong sau này lập gia đình tạm vậy cũng được, miễn ôn hòa.
- Cha. Sau ni con với chồng về ở nhà mình được không cha?
Ông Lai thả phù khói thuốc, không quay lại, chậm nói:
- Cha mong vậy. Nhưng quan trọng nó chịu về không? Đứa mà hợp tính cha thì mới về ở cùng, còn chỉ thương con thôi sẽ không tiện lắm...
Giao thời trôi xuôi. Lẽ ra hai cha con thắp nhang xong, ngồi thêm chút là về, song mãi chuyện trò và hồi tưởng cảnh xưa, rồi đợi hương tàn luôn. Thì đón giao thừa ở sông cũng ấm áp đôi bề. Năm nào gia đình cũng chỉ đứng ở sân nhìn vói pháo hoa qua những đọt tre. Còn ở đây có thoáng đãng nhìn pháo hoa rất đẹp.
Con thuyền xoay mũi, Ngân vẫn ngồi trong khoang, cha đứng chèo. Mặt sông loáng nhành cây trôi về, ông Lai dùng sào đẩy ra xa. Nhánh và cỏ trôi về nhiều thêm, lập lờ bên mạn thuyền. - Ô… cha ơi, hoa!
- Sao con?
Ông Lai ngưng chèo.
- Hoa cha ạ… Năm ni thành phố không cho ai phá hoa đập chậu ở chỗ bán; có lẽ dư nhiều, họ dọn về ngang cầu đổ xuống. Cả nhánh mai nữa cha nè… Có lấy không cha?
Ông Lai thả sào, cúi xuống vớt lên nhành mai.
- Ô, cắm tết từ trong nhà ra ngoài hiên luôn. Vớt hết con, rồi lên bờ ta chọn.
“Cảm ơn người bỏ hoa - bỗng nhiên Ngân thầm thốt - Cảm ơn cái người bỏ hoa í”, rồi khuôn mặt người ấy lấm lem mồ hôi hiện rõ…
Pháo hoa ở trung tâm thành phố sót vài đóa vút lên bung nở tròn đầy. Con thuyền mộc trôi nhẹ. Bờ không còn xa. Hoa và hoa vẫn dập dềnh theo về rạng xuân.
(tuoitre.vn)