Âm bản

04.01.2022
Phạm Việt Long
Bình bỏ vợ. Không ai ngờ vợ chồng Bình bỏ nhau. Họ đã có với nhau ba mặt con: Hai gái, một trai. Hạnh, vợ Bình, làm kế toán ở công ty IMEX. Bình làm thợ ảnh. Gia cảnh không sung túc gì, nhưng cũng chẳng đến nỗi túng bấn. Cuộc sống có vẻ êm ấm. Khi họ tuyên bố sẽ bỏ nhau, mẹ Bình khóc hết nước mắt.

Âm bản

Minh họa của LÊ TRÍ DŨNG

Cả bà cụ và anh em họ hàng đều đổ xô vào trách móc Bình. Biết ngay mà, cái nghề ảnh là lắm chuyện lắm. Chụp ảnh cho hết cô này đến em khác, tha hồ gần gũi, tán tỉnh. Lại những đám cưới ở quê nữa, đi hai ba ngày, ăn đâu ngủ đâu, chung đụng với những người đàn bà nào, ai mà biết được. Nhất định phải có chuyện lòng thòng gì đây, nên Bình mới bỏ vợ. Lúc Bình đem giấy ly hôn cùng hai đứa con gái về nhà mẹ đẻ, bà cụ ngã ngất. Khi hồi tỉnh, bà nguyền rủa Bình là người phụ bạc, làm bà mất một dâu thảo. Nhưng chuyện đã rồi. Bình gom tiền mua một căn nhà lá lụp xụp ở chân đê Đại Cồ Việt và vẫn làm nghề ảnh.

Bình vào tù.

Những lời trách móc lại đổ dồn vào Bình, dù rằng Bình không còn được tự do ở nhà mà nghe. Cái người tự phá nát gia đình mình, rồi cuộc sống sẽ chẳng ra gì. Cho nên, vào tù là phải. Với vợ là người đầu gối tay ấp còn bội bạc, huống chi đối với người dưng nước lã. Chắc định lừa quỹ tín dụng để cuốn gói vào Nam, chứ buôn bán gì. Cái ngữ ấy làm sao mà biết buôn. Chắc là có cô bồ nào, định rủ nhau chuồn vào Nam làm ăn mới tính hốt một vố đây. Nhưng lưới trời khôn thoát, mình làm mình chịu kêu mà ai thương.Trong nhà, chỉ mỗi mình Bình là liên tục gây ra những chuyện lộn xộn. Công an đến đọc lệnh bắt Bình vì tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. Bình im lặng đưa hai tay vào còng số tám, lầm lũi đi theo hai anh công an. Đi một đoạn, Bình mới như sực tỉnh, quay lại dặn cô con gái lớn: “Thuý, bà đang ốm nặng. Thôi, nước cùng này thì con và em đưa nhau về ở tạm với mẹ vậy!”.

Suốt mười tháng ở tù, Bình không được ai trong gia đình đến thăm. Mẹ đã chết ngay sau khi Bình bị bắt giam. Hai con còn quá nhỏ. Anh em thì không thích liên luỵ với kẻ lừa đảo. Tù đã khổ. Tù trong nỗi cô đơn càng khổ hơn. Khổ quá bật thành thơ. Bình ghi chép thành một tập thơ mỏng nhan đề “Tâm sự người tù cô đơn”. Nhưng đến khi sắp ra tù, Bình bị mất tập thơ ấy, nên đến bây giờ vẫn chưa ai biết nội dung “Tâm sự người tù cô đơn” ra sao.

Ra tù, Bình không làm nghề ảnh được nữa. Bây giờ người ta chuyên chụp ảnh mầu, dùng MINILAB, ai còn chơi ảnh đen trắng. Muốn chụp ảnh mầu, phải có vốn lớn. Bình lấy đâu ra tiền mua sắm phương tiện. Anh em trong nhà chẳng ai chịu cho Bình - kẻ lừa đảo - vay tiền. Chú em ruột Bình, một người khá giả, có cái xe quay nước mía bỏ không, nhưng Bình van vỉ đến bã bọt mép cũng không mượn được. Bình đành đi xúc cát thuê ở bến Chương Dương, cật lực mỗi ngày được bảy nghìn đồng, nhưng vẫn không cạnh tranh nổi với nhóm dân Thanh Hoá, vì họ bán sức lao động quá rẻ. Sau đó, có một người quen bán bộ đồ nghề cắt tóc giá 100 nghìn đồng. Bình vay tiền chú Độ để mua, nhưng chú không cho vay - chú ấy bảo không tiếc gì, nhưng phải nghiêm khắc cho ông anh ruột rút được kinh nghiệm mà sống cho nghiêm chỉnh. Cũng may mà một số bạn bè đã góp tiền giúp Bình mua. Rồi Bình ra phố Nguyễn Huệ cắt tóc.

Nhưng, kiếm sống không đơn giản chút nào. Đất có thổ công, sông có hà bá, cả dãy phố ấy đã được phân chia đâu vào đấy. Mua một chỗ trong dãy hàng cắt tóc, muốn “hợp pháp hoá” cũng phải tiền triệu, lấy đâu ra. Bình rủ mấy bạn mở hàng ở góc tường đối diện, kiếm khách vãng lai, thế là bỗng nhiên trở thành kẻ tranh khách, thành cái gai trước mắt “hội cắt tóc” Nguyễn Huệ. Họ không ra mặt đuổi Bình, mà lại thông qua các biện pháp ngầm nào đó. Cho nên, Bình bị hạch sách khá nhiều. Nay bị gọi lên phường phạt vì hành nghề không có giấy phép. Mai bị công an phạt vì lấn chiếm lòng đường. Uất ức đã chất đầy lòng Bình.

Hôm ấy, Bình đến ngồi vào ghế cắt tóc của Điều - một đàn anh trong nhóm thợ cắt tóc Nguyễn Huệ - bảo cắt tóc cho mình. Suốt thời gian Điều cắt tóc, Bình chỉ lỳ lỳ cái mặt, không nói gì. Đến khi Điều cầm con dao cạo mặt lên, Bình mới cười khẩy và hỏi:

- Mày có dám cắt cổ tao không?

 Điều tái mặt:

- Sao bác đùa vậy, ai lại thế!

Bình quắc mắt quát:

- Ai đùa với mày. Nhưng tao biết là mày không dám cắt cổ tao đâu. Nếu có gan, mày đã không phải đi mách lẻo như tao biết. Còn tao, chẳng có cái gì làm tao sợ cả, cho nên tao mới ngồi đây cho mày cầm dao cạo mặt như thế này!

Quát vậy, nhưng Bình vẫn ngồi nguyên trên ghế và ra hiệu cho Điều cạo mặt. Xong, Bình đứng dậy, cười gằn: - Mày hèn lắm. Toàn làm các chuyện sau lưng. Có giỏi thì dằn mặt ra mà đối chọi với nhau, chứ mách lẻo là hèn lắm. Tao cảnh cáo mày đấy!

Chưa kịp nói câu nào, Điều đã lĩnh trọn một cú đạp khủng khiếp vào bụng, lăn đùng ra.

Chẳng ai can thiệp. Vì chẳng ai muốn dây vào thằng tù về. Ngay lúc đấy, Bình thu dọn đồ nghề, buông một câu: “Ở đây bẩn thỉu lắm, không thể chịu được, anh em ta kiếm chỗ nào sạch sẽ mà làm ăn.” Thế là Bình cùng nhóm thợ bạn xách đồ nghề, dắt díu nhau ngược về phía Bờ Hồ.

*

Thư tuyệt mệnh của con gái Bình.

Bố Bình của con! Bố Bình thân yêu!

Con muốn gọi mãi tên bố. Nhưng không thể được nữa. Khi bố đọc thư này, con đã đi xa, đi mãi. Xin bố tha thứ cho con.

Con biết bố yêu con lắm, bố đã làm mọi việc vì con. Nhưng con không thể nào sống được nữa bố ạ! Bố con mình toàn gặp tai ương; Bây giờ con lại tàn tật, trở thành gánh nặng quá sức đối với bố. Vậy thì bố hãy vui lòng cho con ra đi để con được thanh thản. Con chỉ dặn riêng bố điều này và bố nhất định phải thực hiện: Không được cho mẹ con có mặt trong đám tang của con.

Con nhớ lắm lúc còn bé, con bị đau khớp. Bố bảo do nhà ẩm thấp quá nên con mang bệnh. Những hôm trời nồm, nhà ướt sũng, các thứ mốc meo cả. Lại tối om om nữa. Nhiều đêm, khớp sưng lên, con đau quá. Con vừa khóc vừa ôm lấy mẹ cho đỡ đau thì mẹ đẩy con ra và gắt: “Để yên cho tao ngủ”! Con phải bò xuống giường, lết xuống cái gầm cầu thang mà bố chữa thành buồng tối làm ảnh để cầu cứu bố. Có bao giờ bố ngủ trước nửa đêm đâu? Ngay hồi đó, con cũng biết rằng bố thức là để làm ảnh kiếm tiền nuôi chúng con. Trong ánh đèn đỏ mờ mờ, bố mỉm cười và ôm con vào lòng. Bố bóp chân cho con. Nhưng chỉ một lúc thôi, vì bố phải làm ảnh tiếp. Từng ấy cũng đủ cho con bớt đau đớn. Bố ôm con vào lòng và lại làm việc tiếp. Dưới bàn phóng của bố, hiện lên những hình người làm con sợ lắm: Mắt trắng, tóc trắng, miệng cũng trắng, mà mặt lại đen xì xì. Bố bảo đó là những âm bản. Âm bản bao giờ cũng trái với dương bản, tức là với ảnh. Sợ, nhưng con rất thích xem bố làm, vì con quên được cơn đau, lại được thấy sự biến hoá lạ kỳ của tấm giấy ảnh trong khay thuốc.

Hồi đó bố chuyên chụp ảnh chân dung. Bố bảo ghi lại được những chân dung đẹp cho con người là một nghệ thuật chân chính. Cũng vì thế mà bố khó tính với ảnh của mình lắm. Có những tấm ảnh con thấy cũng đẹp thì bố lại xé bỏ - bố bảo ảnh hiện chậm quá, bị xám, hoặc ảnh quá sáng phải tráng giật, xấu cả mặt người ta, bố không chấp nhận được. Bố bảo, một thợ ảnh giỏi có thể biến một âm bản xấu thành một tấm ảnh đẹp, có điều là phải biết yêu cái đẹp và chịu khó làm việc theo lương tâm, chứ không làm bừa cho nhanh mà kiếm tiền. Ngược lại, một người thợ tồi có thể biến một âm bản đẹp thành một dương bản xấu xí. Có lần, bố che chắn, phóng ra một tấm ảnh chân dung một thiếu nữ, mà nổi bật là đôi mắt to, đen, có cái nhìn đằm thắm. Bố so sánh tấm ảnh ấy với tấm ảnh bố làm theo đúng âm bản và giải thích: mỗi gương mặt đều có những nét đẹp nổi bật và nét xấu đặc trưng, phải biết tôn cái đẹp lên, làm mờ cái xấu đi, chẳng hạn cô gái này bố đã làm nổi đôi mắt đẹp và cúp bớt một góc trán dô, nên trông mới dễ chịu thế này. Dù sao, âm bản là gốc, muốn đẹp thật sự phải tạo được cái đẹp ngay từ âm bản. Niềm say mê của bố như liều thuốc mạnh giúp con vượt qua những đêm bệnh tật và nuôi một ước vọng là trở thành một phóng viên ảnh.

Nhưng, một sự thật làm con đổ vỡ hết thảy. Bố có biết tại sao con bị xe lửa đâm không? Chính vì cái sự thật phũ phàng ấy. Cái sự thật đã ám ảnh con suốt những năm thơ ấu mà con không lý giải được đó là cái gì. Nhưng nó khủng khiếp lắm. Nó không buông tha con. Trời ơi, con viết sao đây để bố hiểu rõ ngọn ngành nhỉ. Con nói lung tung quá. Nhưng thôi, đây là lần cuối cùng con nói với bố trong tâm trạng rối bời, thì bố hãy chịu khó đọc nhé. Liều thuốc chuột đã ở sẵn trên bàn, bên ca nước lớn (cái ca Mỹ mà bố dùng trong những năm đi bộ đội ở chiến trường B, bố vẫn giữ làm kỷ niệm). Chỉ chút nữa thôi, tất cả sẽ hoà vào cơ thể con, cho con được về cõi yên hàn, khỏi buồn, khỏi sợ, nhưng lại không có bố. Trời ơi, sao trời không có mắt?

Bây giờ con nói tiếp: Không phải xe lửa đâm vào con, mà chính con lao vào đường tàu. Không hiểu tại sao con không bị nghiền nát dưới bánh xe sắt, mà chỉ bị văng ra, gãy một chân. Nằm trong bệnh viện, lúc tỉnh lại, con nghe mọi người nói là con may mắn thoát chết; họ có ngờ đâu chính đó là nỗi bất hạnh của con. Con lại làm khổ bố. Con thấy rõ bố gầy võ đi. Nào tiền thuốc. Nào tiền bồi dưỡng cho bác sĩ. Nào tiền chăm lo sức khoẻ cho con. Cái nghề cắt tóc ở vỉa hè nào có kiếm được bao nhiêu. Con phải cố hết sức cho mau khoẻ. Rồi con ra viện, với cái chân tập tễnh, còn nguyên bộ đinh đóng nơi xương đùi. Chân phải của con ngắn mất hai phân so với chân trái. Rồi sẽ phải mổ lấy đinh ra. Nhưng tiền ở đâu cho đủ chi phí vụ mổ này? Bố lầm lũi làm việc, luôn an ủi con, nhưng con biết bố lo lắm. Thôi, con phải ra đi cho bố bớt gánh nặng!

Con nhớ bố quá. Con lục tìm mà không thấy tấm ảnh nào của bố cả. Bố làm cho người ta những chân dung tuyệt đẹp, còn mình thì không một tấm nào! Trong những người mà bố nắn nót tạo nên những ảnh đẹp tuyệt ấy, có những người không xứng đáng với tấm lòng của bố chút nào. Người đó là mẹ đấy bố ạ. Con nói thêm để bố biết là trong khi con nằm bệnh viện chữa chân, mẹ con có đến thăm con một lần. Mẹ bảo bố nhắn mẹ đến với con. Bố, nhắn làm gì? Mẹ cho con một cân cam và chục ngàn đồng, nhưng con không nhận. Con bảo mẹ về ngay đi, đừng làm cho con lên cơn sốc. Con làm sao quên được khi bố vào tù, dặn chị em con về ở tạm với mẹ, nhưng mẹ có nhận đâu! Con phải gửi em cho chú Độ, còn con thì lên tận Na Rì bán thuốc lá kiếm sống. Cho nên, dứt khoát mẹ không được có mặt trong đám tang của con, bố nhé!

Thật uổng công bố đã tạo cho mẹ những bức chân dung còn đẹp hơn mẹ ở ngoài đời. Và một người đàn ông nữa bố ạ. Lẽ ra bố đừng bao giờ chụp ảnh cho lão ta mới phải. Đó là lão Giám đốc Công ty mà mẹ làm kế toán. Chả hiểu hồi ấy làm thế nào mà bố tạo được cho lão ta bức chân dung oai thế, khác hẳn cái lão béo phệ, bụng to, mắt bé, mặt phì nộn ngoài đời. Có lẽ, trong cái nhìn bao dung của bố, chân dung cuộc đời của hai con người đó đẹp lắm, nên bố cố tạo cho họ những bức ảnh tương xứng. Dường như những âm bản cuộc đời, đối với bố hoàn toàn là điều bí ẩn. Cái dương bản tốt đẹp mà mọi người phơi ra đó, trước mắt bố, chắc gì đã là hình ảnh thực mà chỉ là cái đẹp giả tạo do xảo thuật làm nên từ những âm bản xấu xí.

Bố có nhớ lần con đi chơi với Hùng về, con nằm dúi vào một góc và lặng lẽ khóc, bố hỏi con không nói? Con rất cảm ơn bố đã không gặng hỏi gì con, không nghi ngờ gì Hùng trong buổi đi chơi tối hôm đó. Nhưng hôm nay, con xin giải thích cho bố rõ. Con chưa hề biết yêu đương là gì bố ạ. Bao nhiêu tình cảm, con chỉ dồn vào cho bố. Hùng, con rất quý, nhưng chỉ với đơn thuần tình bạn, mặc dù Hùng sống ngay thẳng và tốt bụng. Vậy mà tối hôm đó, Hùng đã ngỏ lời yêu con! Bố ơi, cái tình cảm mạnh mẽ ấy của Hùng đã đốt cháy bùng ngọn lửa quá khứ trong người con lên, và con thấy thấm thía vô cùng nỗi cay đắng của cuộc đời này mà bố phải chịu. Chính lúc Hùng khơi dậy tình cảm nam - nữ trong người con, thì con hiểu hết ý nghĩa của sự việc mà con chứng kiến từ lúc bé tý. Hồi ấy bố đi chụp ảnh cho một đám cưới tận nơi nào đó, mất ba ngày. Chính cái lão giám đốc béo ị ấy đến nhà ta. Lão ấy ôm mẹ, hôn mẹ và bảo rằng yêu mẹ! Cả đêm lão ta nằm với mẹ. Con không hiểu rõ tính chất của những việc làm ấy, vì lúc ấy con còn quá nhỏ, nhưng từ đó con bị một thứ gì đó ám ảnh khiến con ghê sợ mẹ. Còn bố, bố vẫn cứ cặm cụi với những tấm ảnh.

Cũng từ đó, con biết rằng con chỉ có mỗi mình bố mà thôi. Thì ra mẹ đã phản bội bố từ những ngày gia đình còn rất êm ấm. Và em Vinh không phải là con bố, tuy nó chính là em con! Để rồi sau này bố mẹ phải ly hôn, cũng chính vì chuyện đó. Thế thì tình yêu là cái gì hả bố? Con không dám tiếp nhận tình yêu của Hùng. Con chỉ thấy đau đớn ê chề. Con bỏ mặc Hùng, chạy về nhà. Tại sao bố lại cắn răng chịu đựng khi mọi người chê bai bố là phụ bạc vợ trong cuộc ly hôn âm thầm hồi đó? Cay đắng và thất vọng quá, con tìm đến cái chết...

Bố thân yêu của con! Cho đến bây giờ, con cảm thấy mình đã thạo nghề ảnh rồi. Con đã biết nhìn âm bản để thấy được chân dung con người. Mà chân dung của bố, đối với con, là đẹp hơn cả. Nhưng tại sao bố cứ không chịu làm chân dung cho mình? Tấm ảnh cuộc đời của bố, mặc dù có một âm bản đẹp, lại trở nên xấu xa, bị người ta khinh bỉ. Thì bố ơi, ai là người thợ ảnh tồi đã làm hỏng cả tấm ảnh của bố? Bố phải giành lấy cái quyền sửa chân dung cho mình.

Thôi, bố ơi, con uống thuốc đây.

Vĩnh biệt bố!”

Tâm sự của Bình với con gái:

Con mong người đời nhận ra chân dung thật của bố, điều ấy thật hạnh phúc cho bố! Chính con đã nhìn được như vậy, con chính là người đời mà bố cần. Tại sao con nỡ bỏ bố mà đi?

Bố không quen nói nhiều mà chỉ quen làm. Thanh minh thì bố cũng không muốn. Mặc, cứ để người đời hiểu mình thế nào cũng được. Miễn là mình sống đúng với lương tâm. Nhưng với con thì bố phải giải thích đôi điều.

Quả thật, bố thất bại quá nhiều trong cuộc đời. Nhưng, con có biết không, cũng có lúc chính bố tự nhận thất bại về mình chứ không nỡ đổ sang người khác.

Thất bại lớn nhất là bố phải vào tù. Cũng vì ham buôn bán để nhanh giàu mà nên nỗi ấy. Sau khi mẹ con bỏ bố, bố muốn bứt khỏi cảnh nghèo của gia đình. Bố đã bán hết đồ nghề ảnh chỉ được tám trăm ngàn và vay quỹ tín dụng Ngọc Hồi bốn triệu đồng để làm vốn đi buôn. Chuyến đầu, bố vào tận nông trường Sông Hiếu Nghệ An buôn cam ra. Chẳng may gặp mưa, xe lại không có mui, về đến nơi thì cam bị thối quá nhiều. Bán không ai mua. Chở lên gần cầu Chương Dương mới có một bà cụ tốt bụng nhận bán giúp. Trời vẫn mưa, cam cứ tiếp tục thối. Bà cụ bán đổ bán tháo, thu lại chưa được 100 ngàn, lại phải thuê xe công nông chở cam thối ra đổ ở bờ sông Hồng. Bố không nỡ lấy 300 ngàn như bà cụ hứa. Thế là lỗ mất hơn một triệu đồng. Bố lại đi buôn lạc từ Vinh ra Quảng Ninh, bán cho bên Trung Quốc. Vài chuyến đầu có lãi, bố tính làm ăn lớn. Vay tiếp quỹ tín dụng một triệu nữa. Đánh hẳn ô tô tải lạc lên biên giới. Nhưng bố quá tin người nên trắng tay. Bởi vì lạc họ đóng cho bố chỉ có lớp trên là loại một, còn lại toàn loại kém phẩm chất. Bán đổ bán tháo cũng không xong. Cuối cùng, cụt vốn. Xưa nay, bố có đi buôn bao giờ đâu, vì lớn lên đi thanh niên xung phong, chuyển vào nhà máy giấy, rồi đi bộ đội, giải ngũ làm nghề ảnh. Khi kịp hiểu ra rằng buôn cũng là một nghề, phải học, phải thạo mới làm được thì đã muộn. Đúng dịp ấy thì quỹ tín dụng vỡ. Số tiền vay làm vốn là chung với hai bác nữa, nhưng chỉ đứng tên bố. Không trả được nợ, Thế là vào tù! Thôi thì một mình chịu tội còn hơn làm hai bác phải cùng khổ với mình.

Bây giờ, bố ngồi ở đường Lý Thường Kiệt, cũng tạm ổn. Bố thuê thêm chiếc xe quay nước mía, định bán những lúc không có khách cắt tóc, rồi khi con khoẻ, con cùng lên bán với bố. Nhưng mới được hai ngày, đã bị thu hết đồ nghề lên đồn, vì vi phạm trật tự lòng đường. Hôm ấy, còn nguyên ba bó mía, bố vội mượn xe đạp đi báo với người bán mía, và bác ấy đã thuê xích lô chở hết mía về, không tính bố một xu chi phí.

Khó thế đấy, con ạ. Con cứ hỏi tại sao bố không tự làm một bức chân dung thực của cuộc đời mình? Thực ra, mỗi người đều có sẵn một âm bản của cuộc đời, nhưng không phải chỉ làm một lần là thành được ngay tấm ảnh toàn bộ cuộc đời. Cứ phải làm dần, làm dần theo năm tháng, đường nét, hình khối này chồng lên, hoà vào đường nét, hình khối kia và phải đến khi nhắm mắt xuôi tay, bức chân dung cuộc đời mới hoàn thành. Trong quá trình ấy, có lần tự mình làm hỏng, có lần bị người khác phá hỏng, thì cứ đành để dấu vết lại, chứ không thể vứt đi làm tấm ảnh khác được. Nhưng, điều quan trọng, là phải giữ được những nét cơ bản của chân dung cuộc đời mình. Đối với bố, dù có thế nào, thì chân dung cuộc đời bố vẫn là Lương Thiện. Chốc nữa, bố sẽ lên đồn chuộc chiếc xe quay mía về, tìm chỗ thích hợp để tiếp tục vừa cắt tóc, vừa bán nước mía. Cô Dung hàng nước chè chén, bác Tùng chữa xe đạp cho bố vay tiền chuộc đấy. Bố chưa bao giờ ngừng lao động. Dù có mắc sai lầm, thì bố cũng chỉ sai lầm trong lao động, cho nên, con cứ tin rằng bức chân dung cuộc đời bố không ai bôi bẩn được, nó mãi mãi là Lương Thiện. Và bố cũng còn có rất nhiều bạn bè tốt. Ngay con cũng có những người bạn chí cốt mà con cần nhớ họ suốt đời. Đó là những bạn học cũ đã cho con tới bốn lít máu lúc con bị tai nạn xe lửa. Ước muốn của bố bao giờ cũng hướng tới việc thiện. Có người hỏi bố nếu bây giờ bố có tiền, bố sẽ làm gì, bố trả lời rằng, việc đầu tiên là chữa chân cho con, tiếp đến là mua một túp lều cho ba bố con ở, rồi mua một bộ máy ảnh, tiếp tục với cái nghề mà bố yêu thích.

Nhưng, nhận chân được cuộc đời khó quá con nhỉ. Chính gói thuốc chuột mà con mua được ở trạm vệ sinh dịch tễ, con đinh ninh là liều thuốc cực mạnh, thực ra là thuốc rởm (người ta trộn với rất nhiều tạp chất để ăn bớt tiền của nhà nước mà). Lần đầu tiên trong đời, chính cái giả dối đã cứu bố con mình. Con chỉ bị đau bụng, nôn thốc nôn tháo, và bây giờ đang nằm thiêm thiếp dưới ánh mắt bố đây!

Cảm ơn cuộc đời vẫn để cho con còn hồn nhiên đúng là một đứa trẻ, chưa đủ lọc lõi nhìn qua âm bản mà thấy hết được chân dung thật của người đời. Nếu con đủ lọc lõi nhận ra của thực của rởm, chắc gì hai bố con còn được ở bên nhau như lúc này.

Dù ngày qua biết mấy ê chề, cay đắng, dù ngày mai còn đầy gian truân, bố vẫn giữ được niềm tin. Con hãy tin bố và cùng bố vững bước đi lên”…

(baovannghe.com.vn)