Miền Nam luôn trong trái tim Bác Hồ

22.04.2015

Miền Nam luôn trong trái tim Bác Hồ

Trong trái tim của nhà yêu nước vĩ đại Hồ Chí Minh, việc một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được hình dung như cơ thể một con người, là hiển nhiên, là tất yếu, tuyệt đối không thể phân chia, không thể cắt rời, không có bất cứ một sức mạnh nào có thể làm lung lạc được ý chí thống nhất của dân tộc Việt Nam. Trong thời điểm vận nước nguy nan, thế nước yếu như ngàn cân treo sợi tóc, kẻ thù dùng đủ mọi mưu ma chước quỷ và với nhiều thứ vũ khí tối tân, mọi loại binh hùng, tướng mạnh để chia cắt đất nước ta, âm mưu tách Nam bộ ra khỏi Việt Nam mà chúng gọi là “Nam kỳ quốc”. Nhưng, Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một và Hồ Chủ tịch khẳng khái tuyên bố: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”(1).

Ra đi năm 1911, từ Bến cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, sau này là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đã mang theo trong trái tim mình hai hình ảnh trái ngược: Một đô thành tráng lệ - “hòn ngọc Viễn đông” của Tổ quốc - bị bọn thực dân chiếm đóng và những người đồng bào cơ cực, khổ đau, tủi nhục vì mất nước. Qua nhiều năm bôn ba, tắm mình trong phong trào cách mạng thế giới, Người đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Năm 1927, Người về vùng biên giới Việt - Trung mở lớp huấn luyện cho số cán bộ cách mạng trẻ tuổi của ba miền để chuẩn bị cho việc thành lập một đảng cách mạng chân chính vào ba năm sau. Bài học đầu tiên Người giảng ở lớp học ấy là bài học về tinh thần yêu nước, đoàn kết. Người vạch trần âm mưu chia để trị của thực dân, chúng làm cho dân “chia rẽ phái này, bọn kia, như dân ta người Nam thì nghi người Trung, người Trung thì khinh người Bắc nên nỗi yếu đi, như đũa mỗi chiếc mỗi nơi”(2). Ba năm sau, Người đã làm một việc quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại nước nhà, tạo ra bước ngoặt lớn trên con đường phát triển của dân tộc là xoá bỏ việc chia rẽ, bài xích lẫn nhau giữa ba tổ chức cộng sản ở ba miền, thành lập một đảng chân chính cách mạng - Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đấy xoá bỏ tị hiềm, ba miền Trung - Nam - Bắc kết đoàn như con một cha, nhà một nóc, sống chết có nhau, no đói, rách lành sẻ chia, đùm bọc, chung sức, chung lòng gìn giữ non sông, dựng xây đất nước.

Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và vô cùng anh dũng của dân tộc ta, từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối (1975), do đặc điểm địa - chính trị mà miền Nam luôn “đi trước, về sau”, là nơi “đầu sóng ngọn gió” của các phong trào đấu tranh giành và giữ vững sự toàn vẹn của quốc gia và bao giờ cũng là “Thành đồng Tổ quốc”. Chính vì thế trong suốt cuộc đời lo toan việc nước, Hồ Chí Minh luôn dành cho miền Nam những tình cảm đặc biệt: Miền Nam luôn trong trái tim Người!

Người Việt Nam hôm nay không ai quên những năm khó khăn nhất sau Cách mạng Tháng Tám 1945: Dân đói, ngân khố trống rỗng, thù trong nham hiểm, giặc ngoài hung hãn. Nhưng đó cũng là thời kỳ bộc lộ tinh thần yêu nước quật cường, trí thông minh, óc sáng tạo và lòng tin của đồng bào vào Cụ Hồ, vào Chính phủ kháng chiến. Đồng bào miền Nam mặc dầu ở xa Trung ương, đường giao thông, liên lạc và tiếp viện khó khăn, lại phải trực tiếp đương đầu với các thế lực đế quốc thực dân âm mưu xâu xé, chia lìa Nam bộ ra khỏi đất nước Việt Nam, nhưng nhân dân miền Nam triệu người như một, vững tin vào sự sáng suốt, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng quốc gia của người thuyền trưởng Hồ Chí Minh. Trái tim của lãnh tụ đã cùng một nhịp đập với hàng triệu con tim yêu nước của đồng bào mình ở miền Nam yêu thương. Trí tuệ sáng suốt và lòng dũng cảm của lãnh tụ đã gặp gỡ trí thông minh, sự can trường, tinh thần anh dũng của nhân dân miền Nam quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Sự cộng hưởng của sức mạnh Thành đồng Tổ quốc, của cả dân tộc với sức mạnh tinh thần của lãnh tụ đã nhân sức mạnh chính nghĩa Việt Nam lên triệu triệu lần.

Sau ngày tuyên bố độc lập (2-9-1945) chưa đầy một tháng, đồng bào miền Nam đã phải cầm vũ khí để bảo vệ nền độc lập của nước nhà khi thực dân Pháp lén lút đánh úp, chiếm trụ sở UBND Nam bộ tại Sài Gòn. Ngày 30-10-1945, Hồ Chủ tịch đã ra “Lời kêu gọi đồng bào Nam bộ” với những tình cảm thân thiết và một ý chí sắt đá quyết đồng tâm, hiệp lực vì sự sống còn của dân tộc. Người viết: “Tâm trí tôi luôn luôn bên cạnh mấy triệu đồng bào quyết chiến đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho nền độc lập Việt Nam, để tỏ rõ cho hoàn cầu biết rằng dân tộc Việt Nam đầy đủ tinh thần hy sinh chiến đấu...”(3). Riêng với thanh niên Nam bộ, những người con trẻ trung và gan dạ trực tiếp đem xương máu ra giữ gìn nền độc lập, Người đã gửi tới họ những lời chia sẻ, đồng cảm, ngợi ca và khích lệ: “... anh chị em đã phấn đấu cực kỳ anh dũng. Toàn thể đồng bào Việt Nam đều cảm động. Tuy máu đã đổ nhiều, nhưng tôi và toàn thể đồng bào cũng chắc rằng anh chị em thanh niên Nam bộ quyết hy sinh kháng chiến để giữ vững nền độc lập của nước nhà.
Trong cuộc chống xâm lăng này, các bạn đã là bức Vạn Lý Trường Thành vững chắc...

Hỡi anh chị em thanh niên Nam bộ!

Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam. Dẫu có phải hy sinh... ta cũng quyết hy sinh. Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam phải toàn thắng”(4).

Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, nghe theo tiếng gọi của Bác Hồ hàng nghìn, hàng nghìn chiến sỹ giải phóng quân ở miền Bắc đã xung phong Nam tiến sát cánh cùng bà con cô bác, anh chị em trong Nam hy sinh chiến đấu và trong số họ, không ít những người còn sống, ở lại trong đó suốt đời, trở thành những đứa con của các ba, các má nơi Thành đồng Tổ quốc. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi không trọn vẹn, miền Bắc được giải phóng nhưng miền Nam còn phải tiếp tục đấu tranh. Những cán bộ, chiến sỹ miền Nam theo Hiệp định Giơ-ne-vơ ra tập kết ở miền Bắc được Đảng và Chính phủ tạo mọi điều kiện để ổn định đời sống, học tập, công tác trong những môi trường thuận lợi. Theo chỉ thị của Bác, Trường Bổ túc Công nông Trung ương trực thuộc Bộ trưởng Bộ Giáo dục được thành lập, đặt ngay tại trung tâm Thủ đô Hà Nội. Nhiều giáo viên giỏi của cả nước được điều động về đây giảng dạy nhằm bồi dưỡng cho những cán bộ, chiến sỹ miền Nam còn trẻ tuổi được học tập, mau chóng hoàn thành chương trình học vấn phổ thông để ưu tiên đưa họ đi đào tạo tại các trường đại học ở trong và ngoài nước. Phần lớn trong số họ sau này đã trở thành những cốt cán trên nhiều lĩnh vực quan trọng của đất nước, có những người trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, hàng loạt các trường học sinh miền Nam được xây dựng, tổ chức ăn, ở, dạy và học rất chu đáo. Những lứa học sinh ấy, hầu hết đã trở thành lực lượng chủ lực trong công việc kiến thiết xây dựng miền Nam sau ngày giải phóng. Bác Hồ thường đến thăm các trường có cán bộ và học sinh miền Nam học tập. Người động viên, cổ vũ, khuyên bảo thầy và trò cố gắng thi đua dạy tốt, học tốt để xứng đáng với đồng bào chiến sỹ ta ở miền Nam đang chiến đấu gian khổ với quân thù. Giờ đây chúng ta được chứng kiến kết quả “trồng người” của Bác mà thấy lòng như nghẹn lại trước tấm lòng thương yêu rộng như biển cả và tầm nhìn đến tận mai sau của Bác.
Miền Nam chiến đấu ngoan cường, hy sinh gian khổ, Bác nhiều lần nghẹn ngào, quặn đau khi được báo cáo về sự hy sinh mất mát của đồng bào miền Nam. Nỗi đau, tấm lòng của Bác đã làm cho mấy chục triệu con tim miền Bắc sục sôi... Trùng trùng quân đi như sóng, biết bao trai thanh, nữ tú ở miền Bắc nghe theo lời kêu gọi của Bác đã nô nức xẻ dọc Trường Sơn vào Nam đánh giặc Mỹ. Phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” được nhân dân khắp các cơ quan, trường học, nông thôn, thành thị, miền ngược, miền xuôi hưởng ứng mạnh mẽ. Phong trào “thanh niên ba sẵn sàng”, “phụ nữ ba đảm đang”, nông thôn thi đua “chắc tay súng, vững tay cày”, đảm bảo “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Công trường, nhà máy làm việc ba ca, người ở lại làm thay người ra tiền tuyến. Những đoàn xe băng băng hối hả ngày đêm, nối đuôi nhau ra tiền tuyến. Tất cả, tất cả vì miền Nam ruột thịt! Cả dân tộc tiến lên theo lời hịch truyền của Bác:

                      “Vì độc lập, vì tự do,

                       Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

                    Tiến lên! chiến sỹ đồng bào,

                   Bắc - Nam xum họp, xuân nào vui hơn!”(5).

Khi tuổi cao, sức yếu, Bác vẫn dồn tâm sức cho việc chỉ đạo đấu tranh trên nhiều mặt trận, cho ba mũi giáp công: Quân sự, chính trị, ngoại giao để đẩy nhanh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Đêm ngày Bác thao thức, vui buồn trước những chuyển biến của phong trào đấu tranh giải phóng miền Nam! Có lần một đoàn cán bộ miền Nam đến chúc mừng sinh nhật, Bác cảm ơn và nói: “... trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở miền Bắc đây, tôi thật lấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình”(6). Tháng 7-1967, khi trả lời phóng viên báo Granma (Cu-ba) hỏi về tình cảm của Người đối với miền Nam, Người nói: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm trọn nghĩa vụ đối với đồng bào miền Nam; mặc dù như vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”(7). Nhiều lần Bác gửi thư cho Bộ Chính trị, yêu cầu bố trí để Người đi thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu gian khổ, nhưng do tuổi Người đã cao, sức yếu nên Bộ Chính trị đề nghị Người tạm lui ngày đi, đợi đến sau ngày giải phóng, đồng bào và chiến sĩ miền Nam sẽ tưng bừng đón Bác vào thăm. Bác không muốn vậy, nên tháng 3-1968 (hơn 1 năm chỉ trước khi Bác qua đời). Bác đã gửi thư cho đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Nhớ lại... chú có ý kiến khuyên B (Bác - TĐH chú) đi thăm miền Nam “sau” ngày ta thắng lợi hoàn toàn. Nhưng chỉ đổi chữ “sau” thành chữ “trước” ngày thắng lợi hoàn toàn... Đi thăm lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em... Có lẽ Chú và các đồng chí khác e sức khoẻ của Bác không cho phép… Nhưng, thay đổi không khí... và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu, sẽ giúp sức khoẻ tiến bộ mau hơn”(8).

Cho đến khi từ giã thế giới này, trái tim Hồ Chí Minh vẫn đau đáu nỗi nhớ miền Nam, chỉ ưu lo cho dân nước sau ngày thống nhất. Trên lồng ngực Hồ Chí Minh vẫn chỉ có chiếc áo ka ki bạc màu vì sương gió mà không hề có một tấm huy chương! Người Việt Nam chúng ta và mọi triết gia chân chính trên trái đất này đều hiểu rằng: Hồ Chí Minh xứng đáng với một tấm huân chương duy nhất, tấm huân chương cao quý mang tên giản dị và trường tồn cùng dân tộc là: HUÂN CHƯƠNG NHÂN DÂN. Và, như Người từng mong muốn, đồng bào miền Nam yêu quý và anh hùng thay mặt đồng bào cả nước trao tặng Người tấm huân chương cao quý đó./.

Trần Xuân Đỉnh

Theo http://www.xaydungdang.org.vn

Thu Hiền (st)

_____

(1, 3, 4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 4, tr.246, 77, 79.

(2) Sđd, tập 2, tr.267.

(5) Sđd, tập 12, tr.425.

(6) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXBCTQG, tập 3, tr.202, 203.

(7, 8) Sđd, tập 10, tr.373, 57.