Đọc 'Tứ Tôn châm': Ngẫm về lời dạy của Bác Hồ kính yêu

03.08.2018

Đọc 'Tứ Tôn châm': Ngẫm về lời dạy của Bác Hồ kính yêu

Tôi thuộc nằm lòng lời vàng ngọc của cụ Nguyễn Khắc Niêm khi triều kiến vua Thành Thái, vị vua thứ 10 của triều Nguyễn: 'Tôn tộc đại quy/ Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy'(*)! Các con cháu cụ Niêm gọi đó là 'Tứ tôn châm'.

Nhiều người coi đấy là phương châm “trị quốc”! Thiên hạ bảo đó là 16 chữ vàng tôn vinh tư chất đẹp của người Việt. Tư tưởng ấy, lời răn ấy càng có ý nghĩa biết bao khi cán bộ, đảng viên đang tích cực học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôn tộc đại quy

Từ xa xưa dân ta đã truyền nhau: “Con người có tổ, có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”. Lẽ đời, dân của nước phải hiểu lịch sử đất nước. Con cháu trong gia đình phải hiểu tổ tiên của mình. Ấy là phận làm dân, làm con, cháu, chắt, chít...

Chả thế mà, khi chữ viết chưa phổ biến, chưa có công nghệ in ấn... nhưng nhờ những phiến đá cổ khắc chữ khai quật được nên người Ả-rập đã xác định địa điểm hình thành các bộ lạc đầu tiên của mình sống du mục cùng tổ tiên từ phía Nam bán đảo Ả-rập tới Trung Đông rồi định cư tại đây, cùng dân bản xứ lập nên nhà nước Syria...

Tương tự, nhiều nước ở phương Đông dùng chữ tượng hình ghép từ những tấm lá bằng vàng, bạc hoặc đồng để ghi chép vương phả của dân tộc mình... (Sử thi huyền thoại Đông Tây - Nxb Văn học 2009). Từ thuở hồng hoang, người dân Israen đã ý thức lệnh Thiên Chúa :”Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi”!

Các dòng họ người Việt luôn dạy nhau tôn tộc, đóng góp công sức, tài chính để thờ phụng, tôn tạo lăng mộ; lập tủ sách dòng họ, khuyến học, khuyến tài; với ước mong “Tổ tiên công đức muôn đời thịnh/Con cháu thảo hiền vạn đại vinh”. Dòng họ hòa hợp sẽ góp phần tạo nên sự hòa hợp của dân tộc, của đất nước. Tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đoàn kết là chiến lược nhằm tập hợp lực lượng đấu tranh cách mạng. Tư tưởng của Người là: “Đoàn kết làm ra sức mạnh”. “Đoàn kết là then chốt của thành công”! Tôn tộc góp phần làm nên sức mạnh của dân tộc, đại quy cho non sông đất nước.

Kháng chiến chống Pháp thành công, viếng các Vua Hùng tại Đền Giếng bên sườn Nghĩa Lĩnh, Người dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”! Tưởng nhớ, biết ơn các Vua Hùng là đạo lý, nhưng phải biết tự tôn dân tộc “Cùng nhau giữ lấy nước”.

Để hôm nay, mỗi khi (mùng 10 tháng 3 về) - Lễ và Hội Đền Hùng như nguồn sáng cho cháu con cả nước hướng vọng. Để nhận ra công sức cha ông: “Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối/ Lên cao, nhìn rộng, ngàn trùng đồi núi tựa đàn con”.

Bác Hồ về thăm Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ ngày 19/9/1954. Ảnh: TL

Tôn lộc đại nguy

Ngạn ngữ Nga có câu: “Khi đồng tiền lên tiếng là khi sự thật im lặng”. Nhà văn hóa nọ lại viết: “Tiền bạc là phương tiện của người thông minh, là mục đích của những kẻ ngu ngốc”. Dân gian ta lọc ra: “Tiền dùng đúng, tiền hiền như Phật. Bạc xài lầm, bạc ác hơn ma”... Đủ thấy bản tính 2 mặt của tiền bạc. Tân khoa Nguyễn Khắc Niêm thật sâu sắc, thẳng thắn. Vua Thành Thái minh triết, cao thượng, biết nghe và dám nghe tân khoa trẻ dâng hiến phương cách trị vì đất nước!

“Tôn lộc đại nguy”. Nôm na “lộc” là quà. Ít là sự thơm thảo chứa chan tình người. Nhiều là dụng ý “bẩn”, “lộc lớn” thường kích động lòng tham lam của người nhận, nhất là những người có quyền “quyết sách, ban phát”. Lòng tham thường tăng “sức” lạm quyền, lộng quyền; lan tỏa từ ngấm ngầm đến thản nhiên nhũng nhiễu, vơ vét để “vinh thân phì gia”, để cho phe nhóm dưới vỏ bọc mĩ miều “lợi ích xã hội”.

Nhận lộc từ tiền bạc, kim cương, đá đen, đá đỏ tới biệt thự, đất đai, xe cộ... Trả lộc bằng tất cả những gì người “dâng lộc” muốn... nên dẫn tới trái phải đảo lộn, người ở cương vị “làm gương” sinh ra “tự diễn biến, tự suy thoái, tự chuyển hóa”... khiến niềm tin của công chúng phai mờ. Nhỡn tiền, ấy là những vụ án trọng điểm được xét xử, cho thấy rõ sự nguy hại của “lộc”. Càng thấm thía “Nhân nghĩa làm cao con người/Tiền tài danh vọng làm nhục con người”.

Người ta lấy ngân sách để biếu nhau, quà cáp cho nhau trăm tỷ, ngàn tỷ. Người ta nhận lộc để rồi sau đấy bỏ sau luật pháp, ban phát cho nhau đất đai, nhà cửa công sản, khuynh đảo xã hội, nguy hại đến vận mệnh quốc gia. Đó chính là “giặc nội xâm” như Bác Hồ kính yêu đã chỉ danh, chỉ diện!

Thán phục bản tính cao cường của Nguyễn Khắc Niêm dám đưa ra châm ngôn ứng xử cho cả Vua Chúa. Chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ ngay từ lúc mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược: “Đảng không phải là một tổ chức làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (Sửa đổi lối làm việc - X.Y.Z).

Đồng thời theo pháp luật, Bác cũng nghiêm trị tội tham ô, hư hỏng của viên Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu ngay tại Chiến khu Việt Bắc (năm 1950). Lòng tin với Đảng, với Nhà nước đang được khơi lại như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta phải chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa trong công tác cán bộ, không để bị lợi ích nào cám dỗ” (Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2017 ngày 19/1/2018). Và, “Bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân”! (Phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng - chiều 25/6/2018).

Chủ tịch Hồ Chí Minh (thứ hai từ phải sang) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn thảo chiến dịch tác chiến đánh địch. Ảnh: AFP

Tôn tài đại thịnh

“Nhà ta coi chữ hơn vàng/Coi tài hơn cả giàu sang trên đời”. Thơ Nguyễn Bính, nhưng là tự bạch chân tình của ông. Cũng như tác giả của “Tứ tôn châm”, nhà đông con nhưng người nào cũng giàu chữ nghĩa (Nguyễn Khắc Viện là nhà văn hóa lớn, Nguyễn Khắc Dương GS Thần học, Nguyễn Khắc Phi GS văn học, Nguyễn Khắc Phê nhà văn....).

Soi vào lịch sử, càng rõ các bậc tiền bối “khai quốc công thần” luôn rạng ngời phẩm chất đạo đức cách mạng, thanh bần, đạm bạc, mẫu mực trong cuộc sống đời thường. Âu cũng là nét tài, nét đẹp. Tài năng, trí tuệ, hiểu biết, tư duy sắc sảo luôn là phương châm cứu thế để thoát khỏi vận hạn, để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Cho nên, cách nay hơn 500 năm, cụ Thân Nhân Trung đã nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”! Dân tộc ta luôn trọng người tài. Bởi người tài là người có bản lĩnh, cá tính, minh triết, ngay thẳng. Họ luôn luôn để chúng ta nể trọng (giàu sang không thể cám dỗ, nghèo hèn không lung lay, quyền quý không khuất phục).

Cái tài của người lãnh đạo là biết nghe, dám nghe những lời phản biện, dám cãi, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Hơn nữa cũng phải biết nhìn, biết phát hiện và biết sử dụng người tài, đồng thời phải là người có ý chí mạnh mẽ.

Hẳn như vậy, nên sử sách mới lưu truyền danh ngôn: “Không có tài năng vĩ đại nào thiếu đi được ý chí mạnh mẽ” (Balzac), và “Một trong những tài năng lớn lao nhất là tài năng nhận ra và phát triển tài năng ở người khác” (Frank Tyger).

Bác của chúng ta cụ thể, sát thực hơn về tài đức cần có của người cán bộ cách mạng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”! Dùng người tài, không chỉ do phát hiện ra mà phải bồi dưỡng, dạy dỗ.

Sách (Sửa đổi lối làm việc), Người viết: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”! Cho nên, Đảng phải luôn nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu.

Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” (Sửa đổi lối làm việc)! Thiển nghĩ, đó là phương sách, là nghệ thuật, là phong cách khoa học dùng người của Bác mà Đảng ta phải nghiêm túc thực hiện.

Phong thái Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Tôn nịnh đại suy

Xu nịnh thường ẩn trong tâm mưu kẻ bất tài. Khi đó phần đông con người lại thích những lời đường mật, tung hô, tâng bốc. Thời đại nào, đế chế nào, vương triều nào, nhà nước nào cũng có những kẻ xu nịnh, tâng bốc, xúc xiểm... và những kẻ ưa nịnh; nhưng kết cục đều nguy hại; thậm chí khuynh đảo cả xã hội.

Bởi thế Nguyễn Khắc Niêm mới thẳng lời cảnh báo “Tôn nịnh đại suy”. Ngẫm ra, chỉ có người lãnh đạo thực sự cách mạng, thực sự bản lĩnh, chí khí, tâm đức trong sáng mới trọng dụng những người ngay thẳng, dám cãi, dám phản biện, dám cảnh tỉnh; và mới không có chỗ để kẻ xu nịnh sống gửi như kí sinh trùng.

Danh ngôn khuyết danh dạy rằng: “Ai vạch cho tôi sai lầm, đó là thầy của tôi. Ai chỉ cho tôi những hành động sai trái, đó là bạn tôi. Còn ai phỉnh nịnh tôi, đó là kẻ thù của tôi”. Người đời nhủ nhau tỉnh táo trước những lời phỉnh nịnh: “Không có cách nào khác để bảo vệ mình khỏi lời xu nịnh ngoài việc khiến người ta hiểu rằng nói với bạn sự thật sẽ không xúc phạm bạn”.

Với người lãnh đạo mà ưa xu nịnh thì vô cùng nguy hại, là dấu hiệu của sự suy thoái, đại bại, “đại suy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Người ta thường phạm những chứng bệnh sau đây: 1 - Tự cao tự đại. 2 - Ưa người ta nịnh mình. 3 - Do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người. 4 - Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lấp vào tất cả mọi người khác”.

Cho nên, Bác đã dạy cán bộ lãnh đạo phải: “Hiểu biết cán bộ - Biết người, cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải là dễ. Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu” (Sửa đổi lối làm việc)! Chỉ như thế chúng ta mới là tấm gương trong, mới loại bỏ thói nịnh bợ; sự “đại suy” cho tổ chức, cho xã hội và cho đất nước!

Nguyễn Uyển

(*) Thành Thái là vị vua trị vì (từ 1889 - 1907) có tinh thần tự cường dân tộc, cầu tiến, thiên về cải cách nên luôn vi hành để được gần dân, hiểu dân. Ông khinh ghét, xem thường những kẻ xu nịnh, thẳng thừng khước từ bổ nhiệm một số quan lại được khâm sứ Lesveque và Hội đồng Thượng thư thỏa thuận, nên bị phế truất (29/7/1907). Dân gian lưu truyền rằng, đầu năm Đinh Mùi (1907) sau cuộc thi Đình tại Huế, các tiến sĩ đồng khoa (trong đó có Nguyễn Khắc Niêm) được triều kiến. Vua Thành Thái yêu cầu các tân khoa góp kế để phục hưng đất nước. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Niêm, khi ấy mới ở tuổi 18 (sinh năm 1889) tại làng Gôi Vị nay là xã Sơn Hòa, Hương Sơn, Hà Tĩnh; sau là đại thần triều Nguyễn, từng đảm chức Thượng thư Bộ lễ, Phủ doãn Thừa Thiên, Tổng đốc Thanh Hóa đã dâng hiến “Tứ tôn châm” kể trên.

(nguoilambao)