Bác Hồ đã hỗ trợ hoạt động ngoài mặt báo hiệu quả thế nào?

21.06.2016

Bác Hồ đã hỗ trợ hoạt động ngoài mặt báo hiệu quả thế nào?

Là một nhà báo vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam, nhưng Bác cũng là vị lãnh tụ có hoạt động ngoài mặt báo ấn tượng và hiệu quả bậc nhất. Bác luôn muốn “đẩy” nhân vật tiêu biểu của báo chí đi tới tận cùng của sự việc để tuyên truyền, giáo dục một cách hiệu quả. Phong cách làm báo ấy của Người viết báo số 1 Việt Nam thật đáng trân trọng và để lại nhiều suy ngẫm cho các thế hệ làm báo chúng ta học tập.

Những tấm Huy hiệu của Bác

Bác Hồ kính yêu đã để lại cho chúng ta một di sản đồ sộ với hàng ngàn bài báo có giá trị về nhiều mặt. Các bài báo của Bác có thể nói là những mẫu mực về thể loại, cách viết, ngắn gọn, xúc tích và có tính tư tưởng, tính chiến đấu rất cao… Nhưng Bác có những hoạt động ngoài mặt báo ấn tượng và hiệu quả có một không hai trên cương vị là một nguyên thủ quốc gia.

Ngay trong những năm kháng chiến chống Pháp, Bác đã phát động phong trào thi đua ái quốc. Và Người đã đề xuất một hình thức tuyên dương mới: Tuyên dương người tốt việc tốt. Từ đó, phong trào “Người tốt, việc tốt” ra đời và phát triển sâu rộng, làm cho phong trào thi đua càng phong phú, hiệu quả và thiết thực.

Để cho những tấm gương người tốt, việc tốt có sức lan tỏa rộng rãi, khích lệ nhiều người học tập, làm theo, Người yêu cầu các báo Đảng, báo ngành mở chuyên mục “Người tốt, việc tốt”. Hàng ngày dù bận trăm công ngàn việc Người vẫn dành thời gian theo dõi, tập hợp những tấm gương người tốt, việc tốt ở các báo và bản tin rồi yêu cầu Văn phòng xác minh để Người thưởng Huy hiệu của Người.

Như chúng ta đã biết, trong 12 năm, từ bài báo đầu tiên “Mẹ Đăng” trên báo Phụ nữ Việt Nam (16.2.1956), đến bài báo cuối cùng “Xông vào lửa cứu xe, cứu đạn” trên báo Quân đội Nhân dân (ngày 30.12.1968), tổng cộng Bác đã theo dõi trên 70 loại báo, bản tin với hơn 2.000 bài có bút tích của Người, gần 4.000 Huy hiệu và những phần thưởng khác Bác đã tặng cho những cá nhân điển hình của phong trào liên quan đến người tốt việc tốt được đăng trên các báo…

Việc tặng Huy hiệu và quà cho những tấm gương sáng được đăng trên các báo là một “hoạt động ngoài mặt báo” vô cùng hiệu dụng mà Bác đã hỗ trợ các báo trong việc tuyên truyền, cổ vũ những tấm gương người tốt, việc tốt. Những tấm gương người tốt việc tốt này nhờ việc làm của Bác mà sự lan tỏa của nó ra cộng đồng xã hội hiệu quả biết chừng nào.

Là một người làm báo tài ba, hơn ai hết, Bác đã hiểu giá trị và tác dụng to lớn của các hoạt động ngoài mặt báo. Vì thế việc tặng quà và Huy hiệu của Bác cho các tấm gương người tốt việc tốt trên các báo là sự hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho công tác tuyên truyền trên mặt báo của các tòa soạn.

Gắn kết hai tấm gương dũng cảm

Việc làm của Bác không chỉ là sự cống hiến to lớn vào hoạt động báo chí của chúng ta, mà còn hướng dẫn sinh động cách “tuyên truyền ngoài mặt báo” hiệu quả cho các tòa soạn báo. Nhân đề cập đến việc hỗ trợ hoạt động ngoài mặt báo cho các tòa soạn báo của Bác, tôi xin kể câu chuyện đặc biệt với báo Thiếu niên Tiền phong của Bác.

Đầu năm 1963, khi đọc một tờ họa báo của Triều Tiên có đăng hình ảnh và bài viết giới thiệu về chị Hàm Trinh Thuận, nông trang viên Phố Khẩu, Hưng San, tỉnh Hàm Hưng Nam, CHDCND Triều Tiên đã dũng cảm cứu sống 7 em nhỏ thoát khỏi bị chết đuối, Bác Hồ đã gửi tặng quà là Huy hiệu của Người và trực tiếp viết thư cho chị Thuận.

 Trong thư Bác thông báo với chị Thuận rằng, ở Việt Nam cách xa nhau nghìn dặm với cháu cũng có một em trai tên là Phạm Đức Thụ, 14 tuổi. Cũng giống như cháu, em Thụ đã dũng cảm cứu được 7 em nhỏ thoát khỏi chết đuối… Và Bác đề nghị chị Thuận kết nghĩa chị em với em Thụ.

Sở dĩ Bác biết được tấm gương của Phạm Đức Thụ là do báo Thiếu niên Tiền phong phát hiện và nêu gương trên báo. Tháng 4 năm 1961, Phạm Đức Thụ là học sinh cấp 2 xã Liên Hiệp, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Em là Chi đội trưởng, một học sinh học giỏi và chăm ngoan. Một lần ra sông Hồng tắm, em phát hiện có 7 em nhỏ đang bị đuối nước. Không do dự, Thụ đã mưu trí và dũng cảm lao xuống sông lần lượt cứu được 7 em nhỏ lên bờ an toàn.  

Bác đọc báo Thiếu niên Tiền phong, thấy tấm gương dũng cảm của Thụ, Người đã quyết định gửi tặng Huy hiệu và quà của Người cho em. Văn phòng của Bác đã gửi quà và Huy hiệu cho Tòa soạn báo thay mặt Bác tặng quà và Huy hiệu cho em Thụ…

Chị Hàm Trinh Thuận đã viết thư gửi Bác Hồ. Chị cám ơn tình cảm mà Người đã dành cho mình. Chị cũng gửi kèm bức thư nhờ Bác chuyển cho em Thụ. Trong thư chị nhận kết nghĩa chị em với Thụ. Thế là Bác đã làm cầu nối cho việc kết nghĩa chị em đặc biệt này.

Văn phòng của Bác đã chuyển cho báo Thiếu niên Tiền phong thư và quà của chị Thuận gửi em Thụ. Thực hiện chỉ thị của Bác, Tòa soạn đã về Liên Hiệp, quê hương của Thụ, cùng đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn Phú Thọ tổ chức buổi gặp gỡ giữa Thụ và các em nhỏ được Thụ cứu sống. Sau đó Tòa soạn hướng dẫn em Thụ và mẹ em viết thư cho chị Thuận… Toàn bộ bức thư trên đều được báo Thiếu niên Tiền phong công bố trên báo cùng một số hình ảnh về Thụ và các em nhỏ được Thụ cứu sống để bạn đọc nhỏ được biết về câu chuyện cảm động này…

Nhà báo Hồ Chí Minh là vậy! Bác muốn “đẩy” nhân vật tiêu biểu của báo chí đi tới tận cùng của sự việc để tuyên truyền, giáo dục một cách hiệu quả. 

Phong cách làm báo ấy của Người viết báo số 1 Việt Nam thật đáng trân trọng và để lại nhiều suy ngẫm cho các thế hệ làm báo chúng ta học tập.

Phạm Thành Long
(danviet.vn)