Mai Bá Ấn - Con sông Trầu lờ lợ nước chè hai...

15.09.2020
MAI BÁ ẤN, Bút danh khác: Ẩn Lan, Ẩn Ri, Tamy Don - Tiến sĩ Văn học, Cử nhân Kinh tế - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại tỉnh Quảng Ngãi; Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Sông Trà - Ngày tháng năm sinh: Kỷ Hợi (1959)   Ngày khai sinh: 12/12/1960 - Quê quán: Tam Mỹ, Núi Thành, Quảng Nam - Dân tộc: Kinh - Nghề nghiệp, đơn vị công tác: Giảng viên chính Trường Đại học Tài chính – Kế toán (Bộ Tài chính) - Hiện thường trú tại: 169-171, Nguyễn Đình Chiểu, Phường Nghĩa Lộ, Tp Quảng Ngãi. - Điện thoại: 0905.005.755, Email: maibaan@tckt.edu.vn

Mai Bá Ấn - Con sông Trầu lờ lợ nước chè hai...

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC

- Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Cha là một thầy thuốc hành nghề bốc thuốc Bắc.

- Từ 1965 đến 1975: Học Tiểu học và Trung học đệ nhất cấp tại xã Kỳ Sanh, quận Lý Tín, tỉnh Quảng Tín (Nay là xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)

- Từ 1975 - 1978: Học Trung học phổ thông Trường THPT Núi Thành

- 1978 -1982: Học Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Quy Nhơn

- Từ 1982 - 1992: Giáo viên Trường Trung học Tài chính Kế toán 3 (Bộ Tài chính)

- 1992 - 1996: Học Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội, làm giảng viên kiêm nhiệm quản lý.

- 2002-2004: Học Thạc sĩ Văn học tại ĐHSP Huế.

- 2005-2008: Nghiên cứu sinh Văn học Việt Nam tại Đại học KHXH&NV Hà Nội

-2008-2012: Giảng viên kiêm nhiệm, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trường Cao đẳng Tài chính Kế toán (Bộ Tài chính)

- 2012 - 2018: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Kế toán, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Tài chính Kế toán (đến cuối 2017).

Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ngãi, Ủy viên BCH Hội VHNT Quảng Ngãi, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Trà (đầu 2018).

- 2018 đến 2020: Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Kế toán.

Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Sông Trà.

Tham gia sáng tác văn học và công bố tác phẩm từ thời là sinh viên Ngữ văn ĐHSP Quy Nhơn đến nay.

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN

SÁNG TÁC

  1. Lục bát làm liều - Tập thơ, 2001
  2. Và… bốn chung quanh - Tập thơ, 2005
  3. Thị trường lục bát - Tập thơ, 2008
  4. Bến thất tình - Tập truyện ngắn, 2015

 NGHIÊN CỨU - TIỂU LUẬN - PHÊ BÌNH

  1. Đặc trưng trường ca Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo (Chuyên luận), 2009
  2. Thơ - Từ nguồn về biển (Tiểu luận - Phê bình), 2013
  3. Văn hóa, ngôn ngữ và văn học (Nghiên cứu - Tiểu luận - Phê bình), 2013
  4. 4. Trà Giang thương nhớ (Tuyển tập thơ nhiều tác giả), (Chủ biên), 2014
  5. Nguyễn Vỹ và quá trình tiếp nhận (Chủ biên), 2018
  6. Lôgic của tưởng tượng (Tiểu luận - Phê bình), 2018
  7. Những bí mật thơ (Chân dung - Phê bình - Tiểu luận), 2020

* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC

03 lần đạt Giải thưởng sáng tác và quảng bá tác phẩm Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh Quảng Ngãi (2014, 2015, 2018).

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Phạm Văn Đồng lần thứ I (2020).

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN

Không ai có thể Sống bằng Thơ

Nhưng Cuộc Sống thiếu Thơ dễ trở thành Cuộc Chết

                                       (Mai Bá Ấn, Lời đề từ tập thơ Và… bốn chung quanh).

 “Chỉ là thơ khi thấm nỗi đau đời, thấm tận cùng vào lòng để bật ra câu chữ. Câu chữ luôn chỉ là công cụ diễn đạt của tiếng lòng, nó cứ tuôn ra tự nhiên, hồn nhiên, vô tư như con trẻ khóc cười. Nhưng trẻ con khóc thì cũng có tiếng khóc thật vì đau, vì không vừa lòng một cái gì đó (cho dù là rất vu vơ), rồi cũng có tiếng khóc giả vì làm nũng, vì không là một cái gì cả… khiến người lớn bật cười. Rồi khi trẻ thơ cười, cười hồn nhiên vô tư cả những chuyện người lớn thấy chẳng có gì là đáng cười (có khi lại gần như muốn khóc). Ừ! Thì thơ là thế. Hãy cứ cười khóc vô tư, hồn nhiên đừng để ai thấy mình gượng ép nước mắt, gượng ép nụ cười, gượng ép câu chữ… và muôn thứ gượng ép vô hình khác nữa. Tình thật là thơ. Hoa ngữ, hoa ngôn lòe loẹt, múa may (cho dù rất mô-đen), chẳng ai có thể gọi là thơ (Mai Bá Ấn, Văn hóa, ngôn ngữ và văn học).

… Người làm khoa học văn chương phải thật sự đồng cảm cùng tác phẩm của người sáng tạo mới mong tìm ra được lối đi riêng của từng tác giả, hầu mong tạo ra được một “tác phẩm của mình” (tiểu luận khoa học, công trình nghiên cứu) với tư cách là người đồng sáng tạo cùng tác giả. Nghĩa là phải lần tìm cho được “cái lôgic tâm hồn” của tác giả qua con chữ và cấu trúc của từng tác phẩm…. “Đồng sáng tạo” cũng hoàn toàn không có nghĩa cái lôgic mà anh tìm ra, tất thảy đều được tác giả và người đọc công nhận. Nhưng không sao, văn chương là thế, khi tác phẩm ra đời đến với bạn đọc cũng đồng nghĩa là “tác giả đã chết” (cái chết của tác giả), còn người đọc thì rất tự do, cứ mỗi người, hãy đồng sáng tạo cùng tác giả theo cách của riêng mình. Và tôi cũng chỉ làm theo cách ấy…(Mai Bá Ấn, Lôgic của tưởng tượng)

Với tôi, một tác phẩm văn học đích thực là những giá trị vĩnh viễn luôn song hành cùng đời sống con người. Bản chất của văn chương là mơ mộng, là sản phẩm của tưởng tượng. Nhưng nhà văn không đứng về phía sáng của ánh trăng mơ mộng mà đứng phía bóng tối, nhìn ra ánh sáng - nơi con người đang đùa vui dưới ánh trăng đêm để buồn vui cùng với kiếp người, đau nỗi đau của đời người; rồi qua ngòi bút của mình, giúp con người nhận rõ hiện thực, chắp cánh ước mơ và luôn luôn khát vọng vươn về phía trước - phía của tình thương yêu và niềm hi vọng. Mỗi dòng chữ của nhà văn luôn phải phát ra từ những trăn trở, đớn đau nâng lên thành những giá trị thẩm mỹ, giá trị nhân văn vì chính lẽ sống của con người (Mai Bá Ấn, Những bí mật thơ).

 

            * MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU

Làng tôi

Thời thơ bé làng tôi nhiều chim lắm

Se sẻ trao duyên trước mặt chào mào

Trên ngọn duối, quành quạch ăn trái chín

Mổ bâng quơ nhả hạt xuống bờ ao

 

Ngọn bàng già dồng dộc về xây tổ

Hót ríu ran trong bảng lảng trời chiều

Chùa Tiền Nhơn lam một màu rêu cổ

Cha vuốt râu ngâm lửng mấy câu Kiều

 

Thời thơ bé lùa trâu ra sông tắm

Con sông Trầu lờ lợ nước chè hai

Mò lên bờ… ăn trộm dưa cậu Tám

Bà ngoại thắt cười… mở túi lấy trầu nhai

 

Thằng Bường, thằng Lâm nghịch như quỷ sứ

Cứ rủ tôi đi ăn trộm ở vườn Chùa

Không mít chín thì ổi non xoài rụng

Trái nào nhai cũng chát chát chua chua

 

Trưa tròn bóng trộm quýt vườn bà Trợ

Hàng rào dày, chun mãi… đít không qua

Cái đầu trọc đụng tổ ong vò vẻ

Ba ngày đêm thành ông Địa trong nhà

 

Mười mấy năm xa quê… chừ trở lại

Cây bàng già dồng dộc vắng tiếng kêu

Riêng sông Trầu vẫn chè hai nước lợ

Chùa Phú Sơn vọng mãi tiếng chuông chiều

 

Xa quê lâu… bạn bè trêu: Mất gốc!

Cái thằng dân Tam Mỹ chẳng ra hồn

Nhưng mỗi bước tha hương là mỗi lúc

Kỷ niệm thời bé dại ghé môi hôn

                       (Trích Tập thơ Và… bốn chung quanh)

 

Vòng tròn

hình như là gió rung cây
hình như có đám mây bay về trời
hình như em đã yêu tôi
hình như tôi lại ... yêu rồi người ta
và hình như
hình như là ...
người tôi yêu yêu người ta mất rồi.

hình như mây lại lìa trời
thẫn thờ về chật ngõ tôi chiều này
hình như là cây lung lay
rủ rê chàng gió đặt bày chuyện rung
hình như là một vô cùng
vòng tròn xoay đến nghìn trùng
xoay ...
xoay ...

 

 TRUYỆN NGẮN

BẾN THẤT TÌNH

(Gửi bến sông Trầu quê tôi)         

Tết này, tôi lại về quê… không còn thấy Ông - Năm - Thất - Tình trầm tư ngồi đọc Kiều bên chái quán lợp lá dừa của Chị - Bảy - Goá - Chồng chỗ bến sông đầu làng nữa. Với dân làng thì chuyện ông Năm còn ngồi đó hay đi đâu có lẽ cũng là chuyện bình thường. Song, với tôi, một kẻ xa quê, mỗi năm về một đôi lần thì hình ảnh cái dáng ngồi và giọng đọc Kiều của ông theo thời gian cứ in sâu dần trong tâm khảm. Càng xa lâu càng thấy nhớ, nhất là mỗi độ tết về.

Ông Năm đến làng này cũng bất ngờ và tương tự như khi ông rời làng ra đi vậy. Một cơn lốc biển đã cuốn phăng cả cái gia đình trên chiếc ghe bầu của cha mẹ ông về biển. Trời đất khiến xuôi sao ông lại trôi dạt đến bến sông này. Lúc đó, ông chỉ là một cậu bé lên mười… Và vì chiếc ghe bầu là quê hương duy nhất của tuổi thơ mình nên ông chẳng biết quê quán ở đâu mà tìm về lại, cho dù từ sau cái ngày cả gia đình bị cơn lốc chôn vùi trong sóng biển, ông đã không ít lần dọ hỏi. Ông sống với bến sông, với làng này cho tận mãi bây giờ. Mót lúa, làm thuê rồi dần dần ông cũng có được chiếc ghe con để dong câu thả cá. Đêm đêm, tiếng hát ly hương đượm nỗi buồn cô độc cùng nhịp gõ lưới chài của anh chàng đánh cá cứ thôi thúc hoài trái tim cô thôn nữ con một nhà giàu có trong làng. Và cái gì đến rồi cũng đến. Họ yêu nhau và thề non hẹn biển sẽ cưới nhau vào mùa xuân đến. Nhưng gia đình cô nhất quyết không cho cô lấy ông - một thằng dân ngụ cư cù bất cù bơ không cửa nhà, cha mẹ.

Sắp hết năm, lại phải đi dự bao lễ cưới của các bạn cùng làng, cô tủi phận và… đã trầm mình dưới bến sông này đúng chiều tối ngày Ba mươi tết. Vì giận con nên cha mẹ cô gái không thèm tế lễ. Dân làng an táng cô bên gò đất cạnh bến sông. Nấm mộ ấy, qua thời gian, giờ vẫn còn nguyên đấy. Đúng là “mộ người chưa có chồng”. Tái tê, buồn thảm đến đìu hiu. Dân làng tôi gọi đó là nấm mộ của Cô - Gái - Chung - Tình. Và nghe đâu, mãi đến sau này, gia đình cô cũng nhất quyết không lập bàn thờ cho cô. Chỉ có ông Năm thắp nhang cúng cô hàng năm mà cũng là tự cúng với bàn thờ lòng mình vào những chiều Ba mươi tết. Cứ như là chuyện Trương Chi hiện đại. Chỉ có cái kết thúc của câu chuyện là khác: Cô - Gái - Chung - Tình trầm mình, Chàng - Năm - Trương - Chi thì vẫn sống. Sống trên chiếc ghe con và thẫn thờ bên bến sông mỗi sớm mỗi chiều để nghe tuổi xuân tàn dần trong ngút ngàn thương nhớ. Ngày Cô - Gái - Chung - Tình mới mất, anh không khóc mà chỉ lặng im như tượng. Người làng chia nhau lặn kiếm khắp bến sông từ chiều đến tối, vẫn chẳng ai tìm ra được chỗ cô nằm. Dường như linh tính của người sống bên cạnh sông nước mách bảo, Chị - Bảy - Goá - Chồng phán như bề trên nhập xác:

- Chỉ có Chàng - Năm - Trương - Chi mới có thể tìm được xác cô.

Ai cũng thông cảm cho nỗi đớn đau vô hạn của chàng, nhưng đến nước này thì  không thể làm tượng trên bến sông được nữa, anh nhảy ùm xuống nước… Và y như rằng, chỉ cần lặn một hơi, Năm - Trương - Chi đã tìm được chỗ nằm của Cô - Gái - Chung - Tình. Cứ như là cô đang chờ anh để được anh ôm trong tay lần cuối. Anh bế xác cô lội về bến. Những bước đi chậm rãi, nặng nề như bị nỗi đau đè nặng. Mọi người ai cũng kinh hoàng, vì rõ ràng chỗ chị nằm, từ chiều đến giờ đã có bao người mò kiếm. Thế mà… chẳng ai tìm thấy. Chao ôi ! Tình yêu chân thật mới thiêng liêng cao cả làm sao!

Đêm Ba mươi năm ấy, dường như cả làng chẳng ai ngủ cả. Họ tề tựu bên bến sông để lo an táng cho người xấu số sau khi gia đình cô mặc nhiên vô thừa nhận “đứa con gái hư” như họ từng nghĩ thế. Suốt mấy tháng liền sau đó, đêm nào, Chàng - Năm - Trương - Chi cũng rời thuyền ghé chái quán Chị - Bảy - Goá - Chồng mua lọn nhang thắp lên và ngồi mãi bên mộ người tình nhỏ to tâm sự. Chàng - Năm - Trương - Chi trở thành Ông - Năm - Thất - Tình từ dạo ấy…

Ngày ấy, mỗi lần về quê, khi thấy dáng tôi xuất hiện ở đầu cầu bên kia sông là ông Năm đứng lên cười chào, chờ đợi, và tôi thường biếu ông mấy nghìn để ông uống rượu. Thường thì chiều tối Ba mươi tết hàng năm, khi mọi nhà lo sum họp chuẩn bị đón xuân, ông Năm ghé mộ người tình thắp nén nhang lâm râm khấn niệm rồi ngồi uống rượu bên bến sông chờ giao thừa đến. Khi tiếng trống giao thừa từ ngôi chùa cổ ở cuối làng vọng đến bến sông, ông Năm lặng lẽ rời bến sông đi chúc tết mọi nhà trong xóm. Nhà đầu tiên ông đến thường là chái quán lá dừa của Chị - Bảy - Goá - Chồng. Mà thực ra, chuyện đi chúc tết mọi nhà  như thế này chỉ xuất hiện ở ông từ ngày Cô - Gái - Chung - Tình từ bỏ ông để trầm mình cùng khối tình chung bên bến sông dạo ấy. Còn trước đó, do mặc cảm của một gả dân ngụ cư không người thân kẻ thích, vào dịp tết, Chàng - Năm - Trương - Chi chỉ lặng lẽ ngồi bên bến sông trên chiếc thuyền con của mình uống rượu và cất tiếng hát ngân nga trong nỗi buồn thân phận. Chỉ có Chị - Bảy - Goá - Chồng là hiểu lòng chàng trai mồ côi, thường mời chàng rời thuyền lên chái quán lá dừa của mình để chung ly rượu tết. Mấy năm đầu, những người có tục kiêng kỵ, không nói ra, nhưng họ rất sợ ông Năm xông đất. Thậm chí có người sợ xui rủi không ngần ngại khép cổng đuổi khéo ông đi. Nhưng riết rồi cũng quen. Mà cũng chẳng có chuyện gì xui rủi xảy ra trong năm đối với những nhà ông đến so với những nhà cố tình xua đuổi ông, nên rồi… giờ giao thừa, nhà nào cũng đợi ông Năm xông đất để nghe ông chúc Kiều và hát mấy câu tuồng cho vui nhà vui cửa ...

Chiều Ba mươi tết năm nay, khi bước qua cầu, như thường lệ, tôi đã chuẩn bị mấy nghìn tiền lẻ để biếu ông Năm. Nhưng từ đầu cầu bên này ngóng mãi về bên kia, tôi vẫn không thấy ông Năm ra đón với nụ cười hiền hậu. Như đọc được nỗi ngạc nhiên của tôi, Chị - Bảy - Goá - Chồng lễ phép mời tôi vào nhà rồi chỉ lên bàn thờ và bảo:

- Ông Năm vì cứu con của chị và các cháu làng mình trong mùa lũ vừa qua nên…

Tôi lặng người khi nghe chị Bảy báo tin, lặng lẽ đến bên bàn thờ thắp nhang cho ông Năm. Và như được ông Năm mách bảo, tôi bỗng nhớ ra, liền bảo Chị - Bảy - Goá - Chồng: 

- Chị bán cho em mấy nghìn tiền rượu để em cúng ông Năm. Thuở ông Năm còn sống, em thường biếu tiền ông uống rượu mỗi lúc về quê.

Chuyện này thì chị Bảy cũng không lạ gì vì mỗi lần tôi biếu tiền xong, ông Năm lại ghé vào chái quán chị để uống rượu và kể về xuất xứ những đồng tiền lẻ ấy. Khi đặt ly rượu lên bàn thờ ông Năm, tôi chợt nhận ra trên bàn thờ có tới hai bài vị. Hình như hiểu được thắc mắc của tôi, chị Bảy ngậm ngùi:

- Ông Năm là ân nhân cứu con chị và các cháu trong làng nên chị xin phép ông được thờ phượng ở đây để hồn ông có nơi nương tựa. Vả lại… cái bến sông này, cái chái quán lá dừa đơn sơ này đã gắn chặt với cuộc đời ông. Xác ông Năm dù dân làng không tìm được nhưng có lẽ hồn ông còn phảng phất mãi nơi này. Còn chuyện tình buồn của Chàng - Năm - Trương - Chi và Cô - Gái - Chung - Tình, là người làng, chắc em cũng biết. Chị ấy cũng chẳng được gia đình thờ cúng. Ngày ông Năm qua đời, chị xuống chiếc thuyền của ông thì bắt gặp bàn thờ và bài vị thờ người con gái ấy ngay trên đầu khoang nằm của ông Năm. Chị thắp nhang xin phép ông Năm được đưa cô về thờ chung cùng ông trong chái quán để họ mãi là đôi tình nhân sống chết có nhau. Kiếp dương trần không đặng thì mong đặng ở kiếp sau. Chị nghĩ và tin là như thế!

Câu chuyện của chị Bảy khiến buổi chiều cuối năm về thăm quê của tôi càng nhiều cảm xúc. Chị Bảy tiếp tục dòng hồi tưởng:

- Cơn lũ năm nay cũng dữ dội chẳng khác gì lũ năm 99. Chiếc cầu bắc qua làng năm ấy đang làm mới phải đi bằng cầu tạm. Dòng sông đục ngầu nước. Nước cuốn phăng một nhịp cầu tạm… Lúc ấy, chị đang thu xếp đồ đạc trong nhà. Số học sinh làng mình đi học ở thị trấn về muộn đứng bên kia sông gào réo ông Năm vang trời. Ghe ông Năm lúc đó chưa về kịp bến. Thằng con trai chị liều lĩnh chèo xuồng qua sông. Cả bọn, sáu đứa tranh nhau lên xuồng. Xuồng thì nhỏ mà lũ về quá mạnh. Giá như có ông Năm lúc ấy thì mọi chuyện đã khác… Nhưng rồi, như một linh tính của con người đã từng gắn chặt với bến sông này, ông Năm đã về kịp. Nhưng khi ghe ông vừa đến bến, ông đã thấy chiếc xuồng chở bọn nhỏ giữa sông đang chao đảo. Không thể chèo ra giữa dòng, ông Năm vội vã cột ghe mình vào gốc nính rồi phóng xuống sông kéo chiếc ghe lao ra giữa con nước dữ. Vừa đến nơi thì chiếc xuồng con đã chìm nghĩm, các cháu đang lặn ngụp giữa dòng. Ông Năm kéo từng cháu bỏ lên ghe mình. Và cứ thế, khi sáu đứa nhỏ và cả thằng con chị được vớt lên cũng là lúc ông Năm kiệt sức. Chị đã kêu làng inh ỏi. Bà con đến thì chỉ kịp lần theo sợi dây neo để bơi ra dìu chiếc ghe chở bảy đứa nhỏ vào bờ. Còn ông Năm đã bị cuốn theo dòng nước. Cả làng thương phục ông Năm, đổ xô nhau đi tìm khắp các triền sông, nhưng ba ngày sau cơn lũ mới tạm ngưng nên hỏi thăm hoài người dưới miệt xuôi vẫn chẳng thấy xác ông Năm đâu cả…

- Đáng kính thay cho một con người…

Tôi chợt buột miệng và tâm sự cùng chị Bảy như tự nhủ với chính mình:

- Ông Năm đến với làng mình cũng bất ngờ và tương tự như khi rời bỏ làng ra đi vậy! Có lẽ xác ông Năm đã theo cha mẹ mình xuôi về với biển. Nhưng, chị nói đúng, hồn ông Năm, con người ông Năm thì mãi gắn chặt với làng ta và bến sông này. Chẳng ai bây giờ còn nghĩ rằng ông Năm là dân ngụ cư nữa cả. Ông chính là một mảnh của hồn làng. Ông đến với làng, sống với làng, yêu ở làng, vui buồn cùng làng và hi sinh cứu các cháu trong làng… Tất cả đều vô tư như chính cuộc đời ông vậy. Đáng kính thay cho một con người.

Tôi lặng lẽ thắp thêm tuần nhang nữa trên bàn thờ hai người tình chung thuỷ ấy. Từ Tết này, với người dân làng tôi, hình ảnh Ông - Năm - Thất - Tình trầm tư bên vách quán lợp lá dừa của Chị - Bảy - Goá - Chồng không còn nữa. Nhưng có lẽ từ đây, hình ảnh ông Năm dũng cảm lao ra giữa dòng nước xiết để cứu bảy em nhỏ học sinh sẽ mãi in trong tâm trí người làng.

Bến sông quê tôi từ đó được gọi là Bến - Thất - Tình. Gọi, để nhớ ghi công đức ông Năm và cũng để dân làng mãi nhớ về một chuyện tình đẹp và buồn trên bến sông ngày cũ. Đối với tôi, một kẻ ly hương, hồn quê vẫn man mác trên mỗi bước đường, khi nghĩ về quê là nhớ đến Bến - Thất - Tình, nơi có chiếc bàn thờ hai bài vị đơn sơ trong chái quán lá dừa cạnh bến sông quê…

M.B.Â