LIỄU CHÂU, QUẾ LÂM TRÊN HÀNH TRÌNH NHẬT KÝ TRONG TÙ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Trước hết, xin trở lại với nguyên nhân vì sao Bác phải sang Trung Quốc và vì sao không may người bị bắt giam. Đã có nhiều ý kiến về việc này, ở đây chỉ nhắc lại vài chi tiết từ các tư liệu có được.
Cuốn sách "Vừa đi đường vừa kể chuyện” của T.Lan, ghi lại việc này một cách ngắn gọn :"Tháng Tám năm ấy (1942 - người viết bài), Bác có việc sang Trung Quốc, thì bị bọn Quốc dân đảng bắt”[1]. Sách của Trần Dân Tiên nói rõ hơn, thuật lại bối cảnh tình hình và lý do khiến Nguyễn Ái Quốc (với tên ghi trên thẻ căn cước là Hồ Chí Minh, là hội viên "Hội Ký Giả Thanh Niên Trung Quốc") sang Trung Quốc và bị bắt. Theo đó, thời kỳ sau 1940, chiến tranh du kích do Việt Minh lãnh đạo dần dần phát triển, chống lại phát xít Nhật và thực dân xâm lược Pháp. Vũ khí lúc ấy còn rất thô sơ, chủ yếu là gươm giáo và một ít súng cướp được của giặc. Đã đến lúc cần sự giúp đỡ của đồng minh. Lúc ấy, đồng minh gần gũi nhất là Trung Quốc, vì vậy phải tìm đến Trung Quốc. "Trong những người cách mạng Việt nam, ông Nguyễn là người hiểu biết Trung Quốc và người Trung Quốc hơn hết. Vì vậy mọi người đồng thanh cử ông Nguyễn đi Trung Quốc”[2]. Chúng ta đều biết, việc đi bộ sang Trung Quốc lúc ấy không phải dễ dàng, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã nhận lời ra đi.
Như vậy là lý do Bác phải sang Trung Quốc năm ấy (1942) là vì cần xây dựng mối quan hệ với đồng minh tạo thêm sức mạnh cho sự nghiệp cách mạng nước ta đang trong thời kỳ khó khăn.
Nhưng còn vấn đề vì sao Bác bị lực lượng của Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ?
Đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Liễu Châu, Ảnh: Ông Văn Sinh
Tại bảo tàng Hồ Chí Minh ở Liễu Châu, chúng tôi có sưu tầm cuốn sách viết bằng hai thứ tiếng Trung - Việt nhan đề "Hồ Chí Minh tại Liễu Châu” do Bộ Tuyên truyền Uỷ ban Nhân dân thành phố Liễu Châu và Cục văn hoá thành phố Liễu Châu chủ biên. Tại Chương II của sách này có nêu lý do Bác bị bắt, chủ yếu là do giấy tờ tuỳ thân của Bác đã quá hạn. Trang 17, Chương II, phần tiếng Việt có ghi: "Sáng sớm ngày 27 tháng 8, Hồ Chí Minh do Dương Thao một nông dân của huyện Tĩnh Tây dẫn đường, rời khỏi Ba Mông và đi theo đường đi huyện Điền Đông Quảng Tây. Khi họ đi đến xã Túc Vinh huyện Đức Bảo của tỉnh Quảng Tây thì bị cảnh sát xã của sở công vụ xã thuộc Quốc Dân Đảng bắt giam. Nguyên nhân bị bắt giam là vì khi cảnh sát xã kiểm tra giấy tờ của Hồ Chí Minh thì phát hiện ông ngoài có giữ lá thư giới thiệu của phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội chống xâm lược quốc tế ra, các giấy tờ khác đều cấp từ năm 1940, đều đã hết hạn sử dụng. Do đó cảnh sát xã đã (…) nghi ông là gián điệp”. Ngoài ra, ở các trang 19, 23 cũng có đề cập đến sự việc này. Tuy nhiên dù sao đây cũng là sách của nước ngoài giải thích, chưa có sự kiểm định. Tìm trong các sách hồi ký về Bác thời kỳ hoạt động bí mật do các nhà xuất bản trong nước phát hành, cũng có người giải thích nguyên nhân Bác bị bắt là do người dẫn đường không có giấy tờ tuỳ thân nên Bác cũng bị bắt theo. Hồi ký của đồng chí Vũ Anh viết: "Tháng 7 năm 1942, Bác lại đi ra ngoài với mục đích gặp Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Nhưng danh nghĩa thì Bác là đại biểu của hai đoàn thể Việt Nam độc lập đồng minh và Hội quốc tế phản xâm lược Việt Nam phân hội, đi gặp Tưởng Giới Thạch. Lúc đó Bác bắt đầu dùng tên Hồ Chí Minh. Bác có tấm danh thiếp giữa in Hồ Chí Minh, một bên in tân văn ký giả, một bên in Việt Nam - Hoa kiều... Ra khỏi biên giới thì lấy một đồng chí Trung Quốc đi với Bác. Đồng chí đó không có giấy tờ gì, bị khám xét rồi bị bắt, và Bác cũng bị bắt theo”.[3]Riêng với 2 cuốn hồi ký quan trọng là "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên và cuốn "Vừa đi đường vừa kể chuyện” của T.Lan thì chỉ nói việc Bác bị bắt mà không giải thích nguyên nhân; nhưng trong tập thơ Nhật ký trong tù do Bác viết thì có 3 lần Người nói mình bị tình nghi là gián điệp. Đó là trường hợp bài "Bị bắt giữ ở phố Túc Vinh” [4]: Túc Vinh mà để ta mang nhục / Cố ý dằng dai, chậm bước mình/Bịa chuyện tình nghi là gián điệp / Cho người vô cớ mất thanh danh; bài: "Đường đời hiểm trở” : Ta người ngay thẳng lòng trong trắng/ Lại bị tình nghi là Hán gian; và một bài khác : "Đi Nam Ninh”: Hôm nay xiềng sắt thay dây trói / Mỗi bước leng keng tiếng gọc rung / Tuy bị tình nghi là gián điệp / Mà như khanh tướng vẻ ung dung . Về sau này, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc tháng 10 năm 1944 ký tên Hồ Chí Minh, Bác có nhắc lại sự kiện này một cách đầy ý nhị: "Tháng 8 năm 1942, tôi vâng lệnh Đoàn thể đi cầu ngoại viện. Chẳng may gặp sự hiểu lầm ở ngoài, làm cho đồng bào, đồng chí lo phiền cho tôi hơn một năm giời. Vậy, một mặt thì tôi phải thừa nhận vì tôi hành động không đủ khôn khéo để đồng bào, đồng chí phải phiền lòng, một mặt thì tôi rất cảm ơn lòng thân ái của đồng bào, đồng chí đối với tôi”[5]. Việc Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây là một sự kiện cần tìm hiểu thêm, nhất là, đây là giai đoạn ra đời tập nhật ký bằng thơ bất hủ của Bác.
Trở lại với mục đích chính của chúng tôi trong chuyến đi này, đó là mong muốn được lần theo dấu chân Bác qua hành trình của Nhật ký trong tù để hiểu sâu thêm những câu thơ bài thơ Bác viết, những cảm nhận của Bác về cảnh và người mà Bác đã trải qua. Đất Quảng Tây rộng mênh mông, chiếm 2,5% tổng diện tích toàn Trung quốc với 14 thành phố thuộc tỉnh, dưới nữa còn có 56 huyện, 34 quận, 12 huyện tự trị và 7 thị xã thuộc huyện. Dù cố gắng mấy, chúng tôi cũng chỉ đi được vài ba địa điểm.
Địa danh đầu tiên gắn với những bài thơ của Bác trong Nhật ký trong tù, đó là Túc Vinh. Túc Vinh là tên một con phố của thị trấn Thiên Bảo (ngày nay đổi tên là Đức Bảo) thuộc tỉnh Quảng Tây. Bác bị bọn tưởng Giới Thạch bắt tại đây vào ngày 29 tháng 8 năm 1942 sau nhiều ngày đi bộ từ Việt Nam sang. Người đã ghi lại bằng những câu thơ vừa bực tức vừa hài hước sâu cay: Núi cao gặp hổ mà vô sự/ Đường phẳng gặp người bị tống lao ("Đường đời hiểm trở”). Hài hước hơn nữa, với cái nhìn hóm hỉnh trước cảnh ngộ trớ trêu của một nhà hiền triết Phương Đông, Người đã không bỏ lỡ thời cơ để châm biếm sâu cay: Bác bị bắt trên con phố mang tên Túc Vinh (nghĩa đen là đủ vinh) mà lại phải mang nhục : Túc Vinh mà để ta mang nhục!
Chúng tôi còn giữ được 1 bảng thống kê những địa danh Bác đã trải qua kèm theo số lượng các bài thơ được viết ở mỗi nơi trong bài nghiên cứu công phu của nhà nghiên cứu Hoàng Dung ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhan đề Bước đầu tìm hiểu Kết cấu tập thơ "Ngục trung nhật ký” và thời gian, địa điểm sáng tác các bài thơ được đăng trên Tập san nghiên cứu của nhà trường vào năm 1973, trong đó có thể thấy được hành trình bị chuyển qua các nhà lao của Bác ở Quảng Tây. Sau Túc Vinh, Bác còn bị giải đi rất nhiều nhà lao. Sau khi bị bắt ở phố Túc Vinh, Bác bị giam giữ tại nhà tù Tĩnh Tây. Cần nói thêm, khi được trực tiếp khảo sát địa đồ tỉnh Quảng Tây mới thấy cái oái oăm mà Bác phải chịu đựng trong chặng đầu của hành trình lao lung của mình. Xem trên bản đồ thì thấy Tĩnh Tây là địa phương gần với biên giới Việt Trung hơn Thiên Bảo (nay đổi tên thành Đức Bảo). Bác bị bắt ở Túc Vinh thuộc Thiên Bảo, nhưng lại bị đưa ngược về Tĩnh Tây để giam. Sau thời gian 42 ngày bị giam tại nhà ngục Tĩnh Tây, đến ngày 10.10.1942, Bác bị giải trở lại nhà lao Thiên Bảo. Sự kiện này được Bác ghi lại trong bài Tết Song Thập bị giải đi Thiên Bảo. Song Thập là ngày 10 tháng 10, ngày quốc khánh của Trung Hoa dân quốc, Nhà nhà hoa kết với đèn giăng. Vậy mà Bác của chúng ta phải chịu cảnh Lại đúng hôm nay ta bị giải/ Oái oăm gió cản cánh chim bằng. Trên đường bị giải về Thiên Bảo, Bác có ngủ lại đêm ở Long Tuyền - tức Long Quán, là một thôn thuộc Thiên Bảo (Đức Bảo) và Điền Đông (Điền Đông là tên huyện nằm ở lưu vực sông Hữu Giang - Quảng Tây, trực thuộc thành phố Bách Sắc), sau đó là Quả Đức (Bình Quả hiện nay), Long An, Đồng Chính (Phù Tuy hiện nay), Ung Ninh, Nam Ninh, Vũ Minh, Tân Dương, Lai Tân, cuối cùng đến Liễu Châu vào ngày 9 tháng 12 năm 1942. Chúng ta biết được các địa danh này nhờ những bài thơ của Bác. Gặp sự kiện gì, lâm vào cảnh ngộ nào, đến nghỉ chân hoặc đi ngang nơi đâu, Bác đều làm thơ. Quả đúng là một cuốn nhật ký, nhưng là cuốn nhật ký được viết trong cảnh ngộ bị bắt, bị giam, bị trói, bị giải đi. Người tù nhân vĩ đại ấy cứ bình thản ghi lại tất cả. Bởi vì Người không coi mình là người tù, mà là "khách tự do” trong nhà tù: Trong lao tù cũ đón tù mới / Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa / Tạnh, mưa, mây nổi bay đi hết / Còn lại trong tù khách tự do ("Vào nhà ngục huyện Tĩnh Tây”). Và hơn thế nữa, Bác tự coi mình là nhà thơ với tâm hồn tự do trong tù, tự do ngắm trăng qua song sắt nhà tù không gì ngăn cản được : Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ / Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ ("Ngắm trăng”).
Cứ qua các bài thơ thì được biết Bác của chúng ta đã bị giải qua đến 13 huyện của tỉnh Quảng Tây, và trải qua đến 18 nhà lao.[6]Sau này Bác có ghi lại trong bài "Đến Cục chính trị chiến khu IV” (Cục này đóng ở Liễu Châu, là một trung tâm quân sự của Tưởng Giới Thạch ở Quảng Tây thời ấy) : Quảng Tây giải khắp mười ba huyện/ Mười tám nhà lao đã ở qua/ Phạm tội gì đây ? Ta thử hỏi / Tội trung với nước, với dân à ? Trong quãng thời gian Bác bị giam trong mười tám nhà lao và bị giải đi khắp mười ba huyện của Quảng Tây, sinh hoạt của Bác cứ diễn ra theo một thứ tự đều đặn đến tẻ nhạt : vào nhà giam rồi lại bị giải đi tiếp, rồi lại vào nhà giam và lại bị giải đi. Tất nhiên một tâm hồn vĩ đại như Bác thì không để cho cảm xúc tẻ nhạt như hiện cảnh mà Người luôn làm chủ hoàn cảnh để cho ra đời những câu thơ bay bổng như "cánh hạc ung dung” (Tố Hữu). Tuy nhiên cũng có lúc Bác của chúng ta nổi giận trước lối hành xử quá ư vô lý của chính quyền Tưởng Giới Thạch lúc ấy. Chẳng hạn trường hợp của bài "Giải đi Vũ Minh”, Người đã phải hạ một câu kết chỉ có 2 từ : Bất bình!, không theo luật thơ ngũ ngôn của toàn bài. Đã giải đến Nam Ninh/ Lại giải về Vũ Minh/ Giải đi quanh quẹo mãi/ Kéo dài cả hành trình/ Bất bình! Trước đó, Bác đã bị giải từ Tĩnh Tây đi Thiên Bảo (chặng đầu của hành trình Nhật ký trong tù), rồi từ Thiên Bảo đi Quả Đức. Nhìn vào địa đồ Quảng Tây, nếu theo đường bộ thì từ Quả Đức về Vũ Minh chỉ khoảng gần 80 cây số, không cần đi vòng qua Long An, Đồng Chính, Nam Ninh (như các bài thơ Bác viết tại các địa danh này). Vậy mà lính Tưởng Giới Thạch cứ áp giải Bác của chúng ta quanh quẹo mãi, chẳng qua không tìm được lý do chính đáng để bắt giam Người. Từ Vũ Minh, Bác lại bị giải đi Tân Dương, qua Bào Hương (căn cứ vào 5 bài thơ Bác viết trên đường và 7 bài viết trong nhà ngục Tân Dương). Tiếp đó là Thiên Giang; rồi Lai Tân (bằng xe lửa, lần đầu tiên và lần duy nhất đi xe lửa trong hành trình Nhật ký trong tù). Cho đến ngày 9 tháng 12 năm 1942, tức là gần 4 tháng sau khi bị bắt, Bác bị giải về Liễu Châu. Đến Liễu Châu, Bác tổng kết về hơn một trăm ngày vừa trải qua, Người gọi đó là một cơn "ác mộng” : Ngoảnh lại hơn trăm ngày ác mộng / Tỉnh ra, trên mặt vẫn vương sầu ("Đến Liễu Châu”).
Liễu Châu chưa phải là chặng cuối của hành trình Nhật ký trong tù. Bài "Đến dinh trưởng quan” được viết ở Liễu Châu đã cho biết điều ấy: Tưởng qua cửa ải này là hết/ Ngày tự do âu cũng chẳng chầy/ Nào biết gian nan còn ải nữa/ Quế Lâm còn phải giải đi ngay. Nói là "phải giải đi ngay” để đến Quế Lâm nhưng trước bài "Đến Quế Lâm”, Bác còn 2 bài thơ khác, đó là bài "Bốn tháng rồi” tổng kết một cách cô đúc, sâu sắc và xác thực cuộc sống lao tù mà Bác gọi là "sống khác loài người”; và bài "Ốm nặng”. Như vậy Bác ở Liễu Châu bao nhiêu lâu trước khi bị giải đi Quế Lâm? Nhà nghiên cứu Hoàng Dung trong bài viết mà chúng tôi vừa nêu ở trên, đặt ra 2 giả thiết về thời gian Bác ở Liễu Châu. Thứ nhất, Bác ở Liễu Châu 20 ngày, từ 9-12-1942 đến 29-12-1942; thứ hai là Bác phải đi ngay nhưng trên đường đến Quế Lâm thì phải bị giải qua một vài địa danh khác, và trên đường đi Bác có bị ốm nặng (Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh/ Ngoại thương đất Việt cảnh lầm than/ Ở tù mắc bệnh càng cay đắng/ Đáng khóc mà ta cứ hát tràn - Bài "Ốm nặng”). Trong chuyến đi vừa rồi, qua tài liệu chúng tôi sưu tầm được thì chỉ khoảng một tuần sau khi bị giam ở Liễu Châu, Bác lại bị giải tiếp đi Quế Lâm [7]. Điều này phù hợp với giả thiết thứ 2 theo ý kiến của nhà nghiên cứu Hoàng Dung, bởi vì đoạn đường từ Liễu Châu đi Quế Lâm khá dài, trong chuyến hành trình của mình từ thành phố Liễu Châu, xe chạy 80-100 km/giờ trên đường cao tốc mà chúng tôi phải đi từ khoảng gần 3 giờ chiều, tối mịt mới tới được Quế Lâm. Ngày ấy Bác bị giải đi bộ thì phải đi đến mấy ngày, trên đường Bác lại bị ốm nặng nữa nên chắc chắn không thể đi nhanh được. Và hai bài thơ nói trên chắc có lẽ là được làm trên đường chuyển lao từ Liễu Châu sang Quế Lâm. Vả lại, cái ý "giải đi ngay” còn được thể hiện ở chi tiết rất đáng lưu ý, đó là trước bài "Đến dinh trưởng quan” và ngay sau bài "Đến Liễu Châu” đề ngày 9-12, Bác có bài "Liễu Châu ngục” ("Nhà ngục Liễu Châu”), nhưng cái "lạ” của bài này là chỉ kịp ghi đầu đề (trong nguyên tác), còn nội dung thì chưa kịp viết, như vậy là Bác của chúng ta bị đặt trước tình thế không lường trước được và phải rất vội vàng, đúng như Bác đã viết : "Tưởng rằng cửa ải khó khăn này là cuối cùng, Ngày tự do đang đến nhanh, Ngờ đâu còn cửa ải khó khăn nữa, Chúng tôi còn bị giải đi Quế Lâm”[8].
Sau thời gian khoảng 40 ngày ở Quế Lâm, lại thêm một điều oái oăm nữa trên hành trình Nhật ký trong tù của Bác. Đó là: Đến Quế Lâm rồi, Người lại bị giải lộn trở về Liễu Châu. Theo cuốn sách của Trần Dân Tiên, ở Quế Lâm, Người "lại bị giam một tháng rưỡi nữa”, rồi "Từ Quế Lâm, người ta giải cụ đi Liễu Châu, giam vào nhà giam quân sự”[9]. Một lần nữa, Người lại tỏ thái độ bực bội, khó hiểu, thể hiện qua đầu đề của hai bài thơ chỉ là dấu hỏi ("?”) và dấu hỏi kèm dấu chấm than ("?!”). Ở bài thơ có đầu đề "?!”, Bác viết : Không đâu khổ đã bốn mươi ngày/ Bốn chục ngày qua xiết đoạ đày/ Nay lại giải về Liễu Châu nữa/ Khiến người đã bực lại buồn thay! Hoặc như trong bài có đầu đề "?”: Liễu Châu, Quế Lâm lại Liễu Châu/ Đá qua đá lại bóng chuyền nhau/ Quảng Tây đi khắp lòng oan ức/ Giải tới bao giờ, giải tới đâu?.
Lần trở về Liễu Châu này, tuy vẫn bị giam trong nhà giam quân sự nhưng cuộc sống lao tù có phần bớt khắc nghiệt hơn. Trần Dân Tiên viết: "Ở đây Cụ được hưởng "chế độ chính trị”. Có đủ cơm ăn…Không bị gông, không bị xích. Thỉnh thoảng Cụ có thể đọc một tờ báo hoặc một quyển sách…”[10]Thơ Bác trong những ngày này ít tả cảnh sinh hoạt cụ thể trong nhà tù như thời gian trước mà thiên về tình cảm với quê nhà, thương nhớ Tổ quốc với bao nỗi niềm canh cánh. Một số bài có tính tổng kết, khái quát, trong đó có những bài đặc sắc như "Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”. Đáng chú ý là bài "Trời hửng” như một tiếng reo vui, một sự dự cảm về ngày tự do sắp tới : Sự vật vần xoay đà định sẵn/ Hết mưa là nắng hửng lên thôi…Người cùng vạn vật đều phơi phới/ Hết khổ là vui, vốn lẽ đời. Những ngày ở Liễu Châu lần thứ hai, Hồ Chủ Tịch viết được thêm 24 bài nữa. Đến bài thứ 25 nhan đề Kết luận, Người thông báo mình được trả tự do "Nhi kim hựu thị tự do nhân - Tự do được trả lại từ đây”, và "Ngục trung nhật ký tòng kim chỉ” (Nhật ký trong tù đến đây dừng lại - Dịch nghĩa)[11]. Đó là ngày 10 tháng 9 năm 1943.
Trong chuyến đi lần này, chúng tôi dừng chân lâu hơn ở Liễu Châu và Quế Lâm, một trong những lý do là vì hai nơi này đều có 2 bảo tàng liên quan đến thời kỳ hoạt động của Bác ở Quảng Tây, nhất là liên quan đến hành trình Nhật ký trong tù của Bác. Từ 2 nơi này, chúng tôi lần lại tên các địa danh được ghi trong các bài thơ Bác viết, đồng thời thông qua những bài viết của các nhà nghiên cứu có liên quan đến Nhật ký trong tù cũng như sự giúp đỡ tận tình của người hướng dẫn, chúng tôi được biết thêm về các địa danh được ghi trong Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch và hình dung những nơi Người đã đi qua trên con đường chuyển lao đầy gian khổ. Có địa danh đã thay đổi tên, thậm chí có những địa danh nay đất thì còn mà tên thì đã đổi, người hướng dẫn cũng đành chịu, đã 70 năm trôi qua rồi còn gì! Dù sao, một diễm phúc lớn là được đến tận mắt chứng kiến những nơi này, được tham quan các bảo tàng, được tra cứu các sách có bày tại các bảo tàng, được tiếp cận với những hiện vật có liên quan đến Bác để hiểu thấu tầm vĩ đại và cuộc đời thường nhật của người cách mạng vĩ đại trong chốn lao tù những năm đất nước còn tăm tối.
Tháng 4 năm 2012
Bùi Công Minh