Học tập và noi theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh

02.10.2017

Học tập và noi theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh

Nghiên cứu phong cách Hồ Chí Minh là nghiên cứu theo nghĩa rộng của khái niệm phong cách. Phong cách Hồ Chí Minh không chỉ được thể hiện qua các tác phẩm văn, thơ của Người. Mà phong cách Hồ Chí Minh là sự tổng hợp của phong cách tư duy, phong cách diễn đạt, phong cách sinh hoạt, phong cách làm việc, phong cách ứng xử. Khi nghiên cứu các đặc trưng của phong cách tư duy Hồ Chí Minh, chúng ta có thể khái quát ở một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của một quá trình tư duy khoa học, độc lập, tự chủ, sáng tạo.

Đây là nét đặc sắc nhất, cái bản chất nhất trong phong cách tư duy của Hồ Chí Minh. Đối với Hồ Chí Minh, độc lập là không lệ thuộc, không phụ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi, không giáo điều. Tự chủ là tự mình làm chủ suy nghĩ của mình, làm chủ bản thân và công việc của mình, tự mình thấy trách nhiệm trước đất nước, trước dân tộc. Sáng tạo là dũng cảm từ bỏ cái cũ không còn phù hợp, linh hoạt điều chỉnh những biện pháp, sách lược, sẵn sàng tiếp nhận và vận dụng cái mới tiến bộ. Đồng thời, tính tự chủ trong suy nghĩ còn biểu hiện ở việc biết làm chủ bản thân và biết sắp xếp, bố trí công việc hợp lý theo đúng trình tự trước sau, khoa học. Tư duy sáng tạo là biết vận dụng quy luật chung cho phù hợp với cái riêng, cái đặc thù.

Thứ hai, phong cách tư duy của Hồ Chí Minh được biểu hiện trên những đặc điểm cơ bản sau:

Một là, Hồ Chí Minh luôn luôn lấy lý luận để soi rọi thực tiễn.

Người không ngừng nâng cao trình độ lý luận, mở rộng sự hiểu biết của mình bằng những hệ thống lý luận. Từ lý luận phương Đông, Người đến với lý luận của các nhà tư tưởng tư sản phương Tây, rồi từ đó tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Người cho rằng không có lý luận cách mạng thì không thể làm cách mạng thành công được.

Hai là, lý luận trong tư duy Hồ Chí Minh luôn luôn được diễn đạt một cách giản dị, dễ hiểu, cụ thể, thiết thực, hiệu quả, luôn luôn hướng tới quần chúng.

Người luôn biết dùng những lời cần thiết và thích hợp để động viên quần chúng. Vì thế, “Văn phong lý luận của Hồ Chí Minh chẳng những ngắn gọn, cô đọng, giản dị, dễ hiểu mà còn rất sinh động. Bút pháp của Người luôn luôn biến hóa, nhất quán mà thật đa dạng, đanh thép trong tố cáo, sôi nổi trong tranh luận, thiết tha trong kêu gọi, nhiệt thành trong đón tiếp, ân cần và bình dị trong giảng giải, thuyết phục…”

Ba là, phong cách tư duy của Hồ Chí Minh còn là sự gắn bó giữa ý chí, tình cảm cách mạng với tri thức khoa học.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người giàu trí tuệ mà còn là một người có tình cảm, có ý chí, nghị lực phi thường. Ở Người, ý chí, tình cảm cách mạng và tri thức khoa học thống nhất trong tư duy, trong hành động và trong quá trình vạch ra đường lối cho cách mạng Việt Nam. Tư duy Hồ Chí Minh luôn có sự kết hợp hài hoà giữa yếu tố cảm xúc, tình cảm với yếu tố trí tuệ, tri thức, kinh nghiệm, trong đó, yếu tố tri thức, trí tuệ là quan trọng nhất.

Bốn là, tư duy Hồ Chí Minh rất linh hoạt, mềm dẻo, có lý có tình.

Đây là một đặc trưng rất riêng, nổi bật trong phong cách tư duy của Hồ Chí Minh. Đặc trưng này không những thể hiện tính khoa học mà được coi như một nghệ thuật lãnh đạo của Người với những chủ trương, sách lược mềm dẻo nhưng vẫn kiên định lập trường. Như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ quá trình đấu tranh, đòi hỏi sự vận dụng linh hoạt, phù hợp yêu cầu của thực tiễn qua từng giai đoạn cách mạng.

Năm là, tư duy Hồ Chí Minh có tính dự báo.

Một trong những phẩm chất cơ bản không thể thiếu ở những nhà lãnh tụ, nhà lý luận cách mạng chuyên nghiệp đó là phải có một nhãn quan chính trị hết sức nhạy bén, biết nhìn xa trông rộng, hiểu được quy luật vận động của lịch sử, nắm bắt được xu thế phát triển của thời đại, dự kiến được bước đi của đất nước. Nhờ đó có thể đưa dân tộc vượt qua được khó khăn ở những thay đổi của lịch sử, đó chính là năng lực dự báo của tư duy.

Thứ ba, những nguyên tắc trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh:

Một là, tư duy định hướng trên cơ sở thực tiễn.

Hai là, tư duy rộng mở, có sự kế thừa và phát triển.

Ba là, luôn hướng tới cái mới, cái tiến bộ, mở rộng tầm nhìn thế giới để tư duy.

Như vậy, với các đặc trưng nêu trên, phong cách tư duy Hồ Chí Minh đã thể hiện đầy đủ một phong cách tư duy khoa học, vừa mang tính độc đáo, rất riêng của Người - lại vừa mang tính phổ biến bởi tính dân tộc và cách mạng. Phong cách ấy rất cần thiết và có ý nghĩa quyết định đến sự thành công trong thực tiễn, nhất là trong công tác của cán bộ, đảng viên. Nhận thức được tầm quan trọng của phong cách tư duy Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã phát động và lãnh đạo thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến từng cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà trường. Việc học tập và làm theo đó ngày càng được chuyển biến đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Vậy, cần làm gì để xây dựng phong cách tư duy cho đội ngũ cán bộ, đảng viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh đạt hiệu quả, chúng ta cần phải thực hiện tốt những nội dung sau:

Một là, cần giáo dục phong cách nói chung, đặc biệt là phong cách tư duy Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Hai là, xây dựng môi trường thuận lợi, tạo môi trường thực tiễn để người cán bộ phát huy tư duy tự chủ, sáng tạo, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ được phát huy quyền làm chủ trong công việc.

Ba là, mỗi giảng viên không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, học tập chỉ thị mà phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để từ đó xây dựng cho mình ý thức trách nhiệm, thái độ và phương pháp làm việc hằng ngày theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bốn là, trên cơ sở nội dung đã được nghiên cứu, tìm hiểu, giảng viên phải kịp thời truyền tải những nội dung của chỉ thị vào bài giảng được phân công, đảm nhận, vận dụng linh hoạt sáng tạo các phương pháp giảng dạy; đưa nội dung của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh truyền tải đến học viên một cách thiết thực và hiệu quả.

Năm là, mỗi giảng viên cũng cần phải là một tuyên truyền viên về thực hiện chỉ thị số 05-CT/TƯ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới nhân dân nơi cư trú thông qua những hành động, việc làm cụ thể.

Để thực hiện tốt được những yêu cầu đó, mỗi cán bộ, giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ phải coi đây là việc làm thường xuyên của mình. Phải luôn luôn quan sát, lắng nghe, nghiên cứu, học hỏi, nhận thức đúng về chức trách, nhiệm vụ của mình. Chủ động trong quá trình công tác, trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tham gia đầy đủ, nhiệt tình, trách nhiệm trong các hoạt động đoàn thể được nhà trường phân công.

Giảng viên rèn luyện tư duy về kỹ năng giảng dạy, lấy người học là trung tâm, xác định hoạt động giảng dạy là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và phải coi người học là đối tượng phục vụ, phải phục vụ chu đáo, tích cực rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức để mỗi thầy, cô giáo dù trẻ tuổi nhưng vững vàng về chuyên môn và mẫu mực về phẩm chất đạo đức. Các đồng chí là cán bộ các phòng chức năng tư duy đúng về chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong công việc có sự phân công, phối hợp tốt công tác giữa các thành viên trong đơn vị, các khoa, phòng nhà trường. Tích cực rèn luyện về chuyên môn để trở thành những cán bộ năng động có chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa cao trong công việc. Trong tư duy cần có bản lĩnh để nhận biết đâu là tốt, là xấu, vững vàng trước những dư luận về các vấn đề trong cơ quan cũng như ngoài xã hội. Luôn tin tưởng vào sức mạnh, trí tuệ của tập thể cán bộ, đảng viên, học viên, là cơ sở để tổ chức và thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy và học tập của nhà trường.

Do đó, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức được rằng, tư duy là điểm xuất phát của mọi việc, muốn có hành động đúng phải có tư duy đúng. Vì vậy, mỗi cán bộ, giảng viên phải xây dựng cho mình phong cách tư duy khoa học; trên cơ sở tự học tập, tự nghiên cứu, tự trau dồi kiến thức chuyên môn để thực hành trong công tác dạy và học. Học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh phải luôn độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn của đất nước, của tỉnh, đặc biệt là với từng địa phương, cơ sở./.

ThS. Hà Thị Thu Lan Giảng viên khoa LLMLN, TT HCM

(truongchitriphutho.gov.com)