Tân Trào - một thời Bác ở nơi đây…
Đến tận nơi đây, chúng ta mới có dịp thấu hiểu ý nghĩa sâu xa những sự kiện lịch sử hào hùng của ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, dấu ấn cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta suốt 9 năm trường kỳ, gắn với tên tuổi, sự nghiệp vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đoàn công tác chúng tôi, hầu như chưa một ai từng đặt chân đến Tân Trào, vùng đất căn cứ cách mạng - Thủ đô kháng chiến của nước ta trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thế nhưng, dọc theo lộ trình thuộc tỉnh Tuyên Quang, cứ gặp những người dân hỏi thăm đường đến cây đa Tân Trào, thoắt chốc rồi cũng về đích nhanh.
Đón chúng tôi là cô hướng dẫn viên trẻ của Nhà bảo tàng Tân Trào trang phục theo lối truyền thống của thiếu nữ Việt Bắc, làm gợi nhớ về những tháng ngày lịch sử xa xưa của dân tộc. Đầu tiên, chúng tôi được giới thiệu đến một chiếc lán nhỏ Nà Lừa và Mái đình Tân Trào, nơi diễn ra Hội nghị Diên Hồng. Chính tại đây, vào ngày 16 và 17/8/1945, đã diễn ra Quốc dân Đại hội, để ra 10 chính sách lớn của Việt Minh, bầu Uỷ ban Giải phóng. Mái đình lịch sử Tân Trào là nơi đã chứng kiến sự ra đời mô hình đầu tiên của Quốc hội, Chính phủ Nhà nước Việt Nam mới. Hồi ấy, tham gia Quốc dân Đại hội có hơn 60 đại biểu, đại diện ba miền Bắc -Trung-Nam, các giới, các đảng phái chính trị và một số kiều bào. Trước giờ khai mạc, dưới gốc cây đa Tân Trào các đại biểu đã tham dự lễ xuất quân của quân giải phóng Việt Nam do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về Hà Nội.
Đến bây giờ, nhiều cụ già cao tuổi vẫn còn kể lại rành rọt, sự kiện diễn ra vào sáng 17/8/1945, sau 1 ngày Quốc dân Đại hội được khai mạc dưới mái đình Tân Trào. Hôm đó, trời mưa, đường lầy lội nên Bác phải đi chân đất từ lán Nà Lừa tới đình. Khi tới nơi, Bác đã xuống dòng suối Khuôn Pén để rửa chân. Sau đó, Bác đi lên và đứng cạnh tảng đá phía trước cửa đình và đọc lời tuyên thệ. Vì Bác rất am hiểu phong tục tập quán của nhân dân nơi đây, hòn đá phía trước đình là nơi thường để mâm xôi để cúng tế nên Bác không đứng lên hòn đá, mà đứng cạnh đó. Nội dung của lời tuyên thệ: “Chúng tôi là người do Quốc dân Đại hội bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên; ra sức chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước! Xin thề! Xin thề! Xin thề!”. Giọng Bác trang nghiêm, lời thề ngắn gọn, hùng hồn, thể hiện khí phách chiến đấu kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. Và mái đình Tân Trào đã chứng kiến lời thề của Bác, chứng kiến những ngày sôi sục của cuộc tổng khởi nghĩa Tháng 8 lịch sử.Từ đó, Tân Trào trở thành Thủ đô cách mạng - nơi khởi đầu cho thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và sau này một lần nữa trở thành Thủ đô kháng chiến trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, vĩ đại.
Dù vậy, trong số 171 khu di tích lịch sử gắn liền với sự phát triển của cách mạng Việt Nam tại căn cứ địa cách mạng Tân Trào, phần lớn đoàn chúng tôi vẫn háo hức tập trung sự chú ý nhiều hơn ở địa điểm di tích Cây đa Tân Trào.
Hình ảnh cây đa Tân Trào nơi đây thật xứng đáng khi được chọn là logo của tỉnh Tuyên Quang, bởi nó mang ý nghĩa lịch sử; đường nét thân cây đa như sức sống, sức mạnh của cách mạng đang vươn tỏa và biểu trưng cho khối đại đoàn kết của nhân dân Tuyên Quang trong suốt tiến trình lịch sử. Đây chính là hình ảnh tượng trưng cho quê hương Tuyên Quang - quê hương cách mạng, Thủ đô kháng chiến. Tuy nhiên, theo lời hướng dẫn viên, vào năm 2008, cây đa Tân Trào bị phát hiện đang suy kiệt, cành cây gãy và rơi xuống rất nhiều, báo hiệu sự già cỗi. Về sau, nhờ sự đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học và những người tâm huyết, tạo sẹo trên nhánh cây, rồi phun chế phẩm sinh học vào lá để đẩy rễ mọc ra từ vết sẹo. Đến tháng 3-2010, rễ cây bắt đầu nhú từ vết sẹo, nhỏ li ti với đường kính chỉ một milimet. Rồi dần dần nhờ sự chăm sóc đều đặn, rễ cây đã vươn dài trên bốn mét và chui xuống lòng đất, bắt đầu sinh thành một thế hệ mới. Giờ đây nó sống độc lập, trở thành hậu duệ duy nhất của cây đa Tân Trào mẹ 300 tuổi, và vẫn mãi là niềm tự hào của người dân đât Tuyên Quang
Tại Nhà bảo tàng Tân Trào, nơi bảo quản, gìn giữ phần lớn những hiện vật, tài liệu về Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ở tầng 1 của Nhà trưng bày là nơi tổ chức các Triển lãm ảnh phục vụ khách du lịch, ở chính giữa có sa bàn được làm từ thạch cao. Với chiếc sa bàn, du khách được giới thiệu tổng thể về Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào.Ở tầng 2, gồm 3 gian phòng được bố trí theo từng giai đoạn lịch sử. Phòng 1 là những hiện vật, tài liệu giới thiệu về sự hình thành và phát triển khu căn cứ cách mạng Tân Trào. Tại đây, ấn tượng với khách tham quan là chiếc áo dài của người Dao cóc mùn mà đồng chí Cao Đàm cải trang thoát khỏi vòng vây bắt của địch; những vũ khí hết sức thô sơ tham gia cướp chính quyền tại đồn Đăng Châu tháng 3 - 1945, chiếc chăn sui của các chiến sỹ du kích dùng trong thời gian tham gia chính quyền cách mạng tại Khuổi Kịch, xã Tân Trào tháng 2 - 1944. Bước chân vào phòng 2, du khách như được sống trong không khí đấu tranh cách mạng hào hùng, vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo Đảng, Bác Hồ. Với chủ đề “Những sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra tại Tân Trào tiến tới tổng khởi nghĩa”, phòng 2 có 76 hiện vật, bút tích của Bác Hồ. Đây chiếc âu cơm, quả bầu khô đựng chè, mâm cơm bằng gỗ, chiếc chăn mỏng thật đơn sơ, giản dị của Bác khi Người ở và làm việc tại lán Nà Lừa. Đây chiếc máy chữ Bác dùng để soạn thảo các văn bản gửi các chiến sỹ lãnh đạo cuộc cách mạng trong cả nước. Không chỉ thấy hình ảnh của vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu của dân tộc gần gũi, giản dị qua hiện vật trưng bày, ở đây còn trưng bày những hiện vật thể hiện tình yêu của nhân dân, các chiến sỹ cách mạng đối với Bác Hồ kính yêu. Đó là bộ quần áo do Hội lão thành xã Hồng Lạc (Sơn Dương) thêu chữ tặng Bác Hồ, chiếc tráp gỗ nhân dân Tân Trào biếu Bác trong thời gian Người ở và làm việc tại Khấu Lấu - Vực Hồ (Tân Trào), tráp đựng nhân sâm do gia đình ông Ma Định Tập, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) biếu Bác khi Người ốm nặng tại lán Nà Lừa…Những hiện vật, bút tích của Bác Hồ kính yêu được trưng bày tại đây làm lay động trái tim của khách tham quan. Một vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, thật gần gũi với nhân dân, suốt đời hy sinh cho hạnh phúc của nhân dân. Thật bất ngờ, tại đây, khi giới thiệu một bức ảnh bác Hồ đứng âu yếm một nhóm trẻ em khoảng hớn 10 cháu, cô hướng dẫn viên nói: “hầu hết những đưa bé này đều là con của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính Phủ đưa theo về Tân Trào trong 9 năm kháng chiến. Tuy nhiên, trong hình qua nhiều lần tìm hiểu Bảo tàng chỉ xác nhận được ông Phạm Sơn Dương (con Thủ tướng Phạm văn Đồng) và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trần Chiến Thắng ( con đồng chí Hoàng Tùng), còn những người khác không ai biết…
Trong những ngày này, về lại Tân Trào, chúng tôi nhận ra, miền đất này đang bừng lên một sức sống mới, mang dáng dấp của một thị tứ sôi động, với những con đường được rải nhựa, giao thông rất thuận tiện. Toàn xã đã có điện lưới và hệ thống đường giao thông thông suốt. Cả xã có 4.066 khẩu, 1.046 hộ, ở 8 thôn, gồm 5 dân tộc anh em thì đến nay đã có gần 200 gia đình có nhà mái bằng, 60% số hộ có xe máy, nhiều hộ gia đình đã mua được máy nông nghiệp phục vụ sản xuất. Trường học, trạm y tế, bưu điện xã cũng đã được xây dựng khang trang. Trung tâm xã đã có nhà hàng, nhà nghỉ, internet và nhiều dịch vụ khác phục vụ khách du lịch về nguồn, do đó mà đời sống của bà con được nâng lên, nhiều nếp nhà sàn được thay thế bằng nhà bê tông kiên cố. Nhiều đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông, sạch đẹp.
Bằng tiềm năng và lợi thế của điểm du lịch quốc gia, người dân Tân Trào đang xây dựng những mô hình làm kinh tế rất hiệu quả. Với chủ trương, giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng thôn bản, các vùng chuyên canh hàng hóa đang từng bước hình thành như vùng chè ở thôn Vĩnh Tân, cây ngô ở thôn Cả và đặc biệt Tân Trào có làng du lịch ở thôn Tân Lập.
Lãnh đạo địa phương cho biết, từ năm 2005, Tân Trào đã đề nghị Uỷ ban Dân tộc công nhận xã hoàn thành Chương trình 135 của Chính phủ. Điểm du lịch lịch sử cách mạng Tân Trào được công nhận là điểm du lịch quốc gia đã tạo bước đột phá mới, nhân dân phấn khởi có cơ hội được chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng thế mạnh vốn có. Theo thống kê thì hiện toàn xã có hơn 200 hộ kinh doanh thương mại dịch vụ, hệ thống thương mại phát triển mạnh tại thôn Cả. Một số hộ gia đình kinh doanh có quy mô lớn, thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm giải quyết việc làm bình quân mỗi hộ 3 lao động. Đặc biệt, năm 2006 nhà nước đầu tư xây dựng và khai trương làng văn hóa du lịch Tân Lập đã thu hút 50 hộ gia đình, chiếm 30% số hộ của thôn Tân Lập tham gia kinh doanh thương mại, dịch vụ phục vụ du lịch. Để tạo bộ mặt đẹp cho làng văn hóa của một khu du lịch, Tuyên Quang đầu tư xây dựng bê tông hóa đường làng ngõ xóm ở Tân Lập. Tỉnh cũng hỗ trợ xi măng bó nền nhà cho các hộ dân xung quanh khu di tích Cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái và đổ bê tông đường vào 13 hộ gia đình là điểm đón du khách ăn nghỉ, sinh hoạt. Huy động nhân dân sưu tầm, phục hồi và trang trí tại hộ gia đình các loại nông cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, tìm lại những giá trị văn hóa tinh thần xa xưa của đồng bào các dân tộc nơi đây để phục vụ nhu cầu du lịch.
Tân Trào cũng đã thành lập đội văn nghệ với 20 thành viên, duy trì nhiều tiết mục đặc sắc của các dân tộc Tày, Dao như giã cốm đêm trăng, múa sinh tiền, múa quạt ngày xuân, múa cầu mùa… Bà con các dân tộc trước đây chỉ biết làm nông nghiệp, nay đã nhanh chóng nắm bắt được thị hiếu du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống dân tộc. Từ trẻ em đến người lớn đều biết làm dịch vụ du lịch, giới thiệu và bán sản phẩm quần áo thổ cẩm, hàng lưu niệm, đặc sản địa phương của chính bà con dân tộc làm ra như cơm lam, mật ong, ngô luộc, rau rừng và sản phẩm thủ công truyền thống cho khách quan quan đem lại nguồn thu cho gia đình. Bà con buôn bán ở thôn Tân Lập cho biết: Ngày thường bán được từ 20 đến 30 ống cơm lam nhưng vào cuối tuần có thể bán được gấp đôi, gấp ba. Bình quân mỗi ngày chị lãi từ 50.000 đến 100.000 đồng, bằng cả tháng đi nương.
Rời khỏi Tân Trào, bỏ lại làng quê nhỏ thanh bình yên ả, nhưng chưa đựng biết bao ký của một thời hào hùng dựng nước và giữ nước, lòng chúng tôi chững vẫn còn vang vọng những khúc hát “Đã có một thời Bác ở nơi đây” của nhạc sỹ Phạm Minh: “Đã có một thời Bác ở nơi đây, rừng phách bao quanh, hoa tím phủ đầy. Lán nứa đơn sơ, hai gian nhà nhỏ mà bóng Người tỏa sáng nơi nơi…”./.
.PHƯƠNG MAI