Bác Hồ với thơ tứ tuyệt

15.02.2023
Phong Lê
Thơ luật, hoặc tứ tuyệt (tuyệt cú) là thể thơ đã tồn tại trong một sự ổn định tuyệt đối suốt hơn mười thế kỷ, kể từ đầu nguồn của nó là thời Đường (618-967) với hàng trăm tác giả tên tuổi, trong đó có các đại gia sừng sững trong lịch sử như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị…, cho đến nay chưa dễ ai đã vượt qua. Cũng là thể cơ bản trong văn chương trường ốc, để đào tạo ra các thế hệ kẻ Sỹ, không ai được phép không làm thơ. Có nghĩa là khả năng (thậm chí bản năng) làm thơ đã vào sẵn trong tâm thức của tất cả những ai từng ra vào nơi cửa Khổng, sân Trình; những ai từng đi học, đi thi và làm quan, hoặc làm thầy, từ lớn đến nhỏ…

Bác Hồ với thơ tứ tuyệt

Hồ Chí Minh, xuất thân trong một gia đình Nho học, với Cụ thân sinh là Phó bảng, từng được đào luyện trong môi trường Nho học, tất nhiên không thể không biết làm thơ, với sự am hiểu và tuân thủ mọi quy phạm nghiêm nhặt của nó. Và sự thật là thế, như ta đã thấy, qua toàn bộ thơ viết bằng chữ Hán của tác giả, trong đó có mật độ tập trung cao nhất là Ngục trung nhật ký, năm 1943, với 135 bài.

Ở khu vực thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh, với số lượng rất lớn là thơ tứ tuyệt, quả có nhiều bài đạt được đến độ tinh hoa của thơ cổ điển; để có thể gọi Hồ Chí Minh - “một cốt cách cổ điển” như sự bình luận của nhiều giới người đọc suốt hơn nửa thế kỷ, sau khi Ngục trung nhật ký và bản dịch Nhật ký trong tù ra đời. Để Quách Mạt Nhược - nhà thơ lớn, vị học giả lớn của Trung Hoa có thể khẳng định: nếu xếp nhiều bài trong Ngục trung nhật ký bên cạnh các bài thơ Đường - Tống, thì người đọc khó mà phân biệt được.

Thì quả là như vậy. Cái đẹp và cái hay, cái sống động và cái mỹ lệ, cái hàm súc và cái thanh tao của thơ Đường dường như ta có thể tìm thấy sự kết tinh và hài hòa của nó trong không ít bài của Ngục trung nhật ký, và những bài ở ngoài Ngục trung nhật ký, như Thượng sơn (1942), Nguyên tiêu, Báo tiệp, Thu dạ (1948) v.v…

Nhưng nói thơ Hồ Chí Minh, ngoài thơ chữ Hán, viết trong một số thời điểm nhất định, còn phải nói đến thơ Việt, là loại thơ tác giả cũng đã làm trong suốt cả đời mình. Bởi đây là loại thơ người viết nhằm vào công chúng đông đảo, những người tìm đến thơ, và nhà thơ cần tìm đến, như một phương tiện tiếp xúc và tham gia cách mạng. Và với thơ Việt, ngoài thể lục bát, hoặc tự do, Hồ Chí Minh cũng quen dùng thể tứ tuyệt. Có lẽ do việc tuyên truyền cách mạng là không nên dài lời. Và, quan trọng hơn, trong độ ngắn tối đa chỉ 4 câu, tác giả hoàn toàn là một người tự do trong việc lập ý, chọn lời; tác giả hoàn toàn không bị câu thúc bởi bất cứ ràng buộc nào về phương diện hình thức của loại tứ tuyệt; như trong các khổ thơ tác giả làm khá sớm, trên báo Thanh niên, năm 1925-1926. Và trên tờ Việt Nam độc lập năm 1941, khi tác giả làm lời phụ đề cho một bức tranh quảng cáo do chính mình vẽ:

Việt Nam độc lập thổi kèn loa…

Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già

Đoàn kết vững bền như khối sắt

Để cùng nhau cứu nước non ta

Đó là thơ tuyên truyền - nhằm hướng ngoại. Nhưng cũng có khi là hướng nội, với tâm thế chỉ riêng mình với mình, như trong hai bài thơ tức cảnh về Pác Bó năm 1941; hoặc cảm hứng về cảnh khuya, năm 1947. Hoặc chùm thơ về tuổi thọ, ở tuổi 59, 60, 63 và 78 để khẳng định mình không già:

Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm

Vẫn vững hai vai việc nước nhà

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn

Tiến bước ta cùng con em ta

Và không phải chỉ khi mình đối diện với mình hoặc nói về mình, mà còn là mình với bạn. Thể tứ tuyệt lúc này, cả chữ Hán và Quốc ngữ tỏ ra thích hợp với tác giả là người giữ lại được gần như nguyên vẹn cốt cách một nhà Nho, bên cạnh tư cách vừa là lãnh tụ, lại vừa “là Cha, là Bác, là Anh” - theo cách nói của Tố Hữu, như trong các bài Gửi cháu Nông Thị Trưng - năm 1944, Cảm ơn người tặng cam - năm 1946, Tặng các lão du kích - năm 1947…

Từ 1965, cảm nhận sức khỏe sút nhiều, Bác bắt đầu viết Di chúc. Thơ Bác làm cũng ít dần đi. Nhưng thơ xuân, thơ chúc Tết, Bác vẫn viết đều cho các giới đồng bào. Ngoài bốn bài thơ xuân 1966, 1967, 1968, 1969 Bác còn có hai bài tứ tuyệt; một là viết cho riêng mình:

Đã lâu không làm bài thơ nào

Nay lại thử làm xem ra sao

Lục khắp giấy tờ vần chửa thấy

Bỗng nghe vẫn “thắng” vút lên cao

(Tháng 3/1968)

 

Và bài thứ hai, viết cho các cháu dân quân gái Thành phố Huế:

Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường

Hiên ngang dàn trận khắp phố phường

Bác khen các cháu dân quân gái

Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.

(Tháng 3/1968)

Tóm lại thơ tứ tuyệt là loại thơ Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí minh quen dùng, bởi yêu cầu ngắn gọn, súc tích của ý và lời; bởi yêu cầu giao lưu trực tiếp với mọi tầng lớp công chúng, trong một bối cảnh cách mạng rất cần sự tập hợp mọi lực lượng.

Nếu ta hiểu văn Hồ Chí Minh là một loại văn cực kỳ ngắn gọn, theo kiểu Đường Kách mệnhSửa đổi lối làm việc, hoặc các bài nói, bài viết, thư từ gửi các giới đồng bào, thì thơ cũng là thơ ngắn gọn mà tứ tuyệt là thể được Bác quen dùng, lúc thì với phong vị cổ thi như trong bộ phận thơ chữ Hán; lúc thì với phong cách khẩu ngữ hiện đại, như trong bộ phận thơ chữ Việt.

Nếu hiểu toàn bộ thơ văn Hồ Chí Minh là sự chiếm lĩnh chỉ một tư tưởng lớn - tư tưởng Tự do, Tự do cho nhân dân, cho dân tộc; Tự do cho con người thì trong văn chương - nghệ thuật, được tác giả vận dụng như một phương tiện hữu hiệu cho hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh cũng là người rất tự do. Vào thế giới thơ tứ tuyệt của Hồ Chí Minh, đặc biệt là vào khu vực thơ tiếng Việt, cả người viết và người đọc đều không bị bất cứ vướng ngại nào của cái quy trình đề - thực - luận - kết; của sự tuân thủ niêm - luật - vận - đối… Ở đây chủ thể là một người hoàn toàn tự do vượt ra ngoài mọi rào cản, về câu chữ, thanh điệu hoặc nhịp điệu… Đọc bất cứ bài tứ tuyệt nào của Hồ Chí Minh ta cũng đều nhận ra được cốt cách đó - cốt cách một nhà thơ lớn, vừa là Anh hùng dân tộc vừa là Danh nhân văn hóa thế giới.

(Văn nghệ số 5/2023)