Không chịu lớn – Truyện ngắn Nguyễn Nhật Huy
Gã nhảy lên đu lấy cành cây bên bờ sông. Mặt sông soi mặt người 30 tuổi. Một nửa đời người mà không chịu già. Tôi nhìn gã cười. Gã giống người nguyên thủy.
Đã nhiều lần tôi đi tìm Chúa trong các thánh kinh bán tràn lan vỉa hè. Không biết ông còn giăng mắc lại chút gì về gốc gác của loài người không. Cái giống loài nặn bằng đất sét vô tri mà nghĩ nhiều như bụi. Tôi nhớ gã bạn tôi. Có lẽ gã không chịu tiến hóa để già, để muộn phiền.
Cách đây mấy năm thôi, tôi cũng giống người nguyên thủy lắm. Cứ trong leo lẻo như vách đá nguệch ngoạc vẽ hươu nai. Vậy mà giờ tôi già như cây cầu sót lại từ thời chống Pháp. Hình như thời gian với những gì lặng lẽ sẽ nở ra vô cùng.
Vậy mà hắn chết rồi. Hắn đi về nơi Chúa gọi là Thiên đàng. Báo điện tử hôm qua đưa tin mấy dòng giật gân: Nam thanh niên chết trong phòng kín. Hiện chưa rõ nguyên nhân. Hắn tên là H.
H là một nhân viên văn phòng. Tôi với H cùng sinh ra một năm, cùng sống ở một thành phố lặng lẽ đầy bụi. Cái thành phố giống như bao thành phố khác trên đất nước này. Con người lớn lên nhàm tẻ và chết đi lãng nhách. Nơi mà con người uống rượu từ sáng đến đêm ở các phố ẩm thực. Các quán nhậu và nhà nghỉ nhiều hơn trường học. Nơi mà những máy làm việc rất đúng giờ nhưng không hiệu quả. Nơi mà con sông chết tiệt chả buồn, chả vui muốn xui người ta tự tử.
H sinh ra ở đó, không chịu già và giờ gã chết rồi. H làm trong một cơ quan mà theo tôi là như những cơ quan khác. Nó rất thiếu muối. Mấy nhân viên cần mẫn buôn chuyện và chỉ chực về sớm để cầu lông, uống bia bờ sông tăng 1, đi hát tăng 2 và hạ cánh ở một nhà nghỉ rách nát nơi bến xe. H hút thuốc như ăn kẹo và ngôn ngữ của hắn phi lôgic kỳ lạ. Nó giống như người nguyên thủy thuở mới biết chữ. Nhưng khi kể chuyện gã lại lưu loát như dòng suối trong cách đây mấy nghìn năm. Thuở chưa có bụi công nghiệp.
“Sắc tức thị không” - H kể - “Kiếp trước tao vốn là con chuồn chuồn đã cắn Đức Phật khi ngài chuẩn bị giác ngộ dưới gốc bồ đề”.
“Tỉnh lại đi cưng”. Tôi đáp
“Con chó. Mày cứ ngồi im đi. Tao gọi mày ra để nghe chứ không phải hóng”.
Tôi im lặng châm điếu thuốc nghe.
“Nói chung cả người tao là Phật pháp. Lúc đức ngài chuẩn bị giác ngộ thì yêu ma sợ Phật quang sẽ quét sạch bóng tối đã đến quấy nhiễu ngài. Đức Phật lúc đó gần tẩu hỏa nhập ma. Tao liền cắn ngài một cái. Ngài bừng tỉnh và giác ngộ”.
Tôi cười và suýt ăn đấm. Hắn tiếp:
“Nhờ công lao đó, ngài cho tao làm người kiếp này để tao giữ lại phần không còn thiên hạ giữ phần sắc. Khi viên tịch ngài dặn tao phải bảo lưu chân lý để người đời sau không xuyên tạc ngài. Ngài còn bảo trên niết bàn ngài thấy một lũ mượn danh ngài để láo toét. Mày nhìn xem giờ ngoài đường thằng nào cũng sắc sắc không không. Ăn không nói có. Chỗ nào cũng xin. Thiên hạ thành Phật hết rồi, khất thực hết rồi. Rồi tao sẽ về báo cáo với đức ngài”.
Vậy mà, hắn chết rồi, chết vì gã không chịu lớn. Khám nghiệm tử thi người ta chịu không rõ nguyên nhân gã chết. Trên bàn để lại một câu thơ rất dị:
“Ngày em đem xác con
chuồn chuồn ra đồng
Chôn ngây thơ vào đất
Ngày em đem xác tình yêu vào
Chôn buồn vào vui
Ngày người ta mang xác em ra đồng
Con chuồn chuồn đầu thai”.
Đêm. Tôi thầm thắp một nén hương cho gã. Gió lạnh ù ù thổi. Màn sương giăng khắp cửa.
Nhập nhòa tôi chìm vào giấc ngủ. Ánh sáng rực góc trời. Màn đêm lặn mất. Đức Phật tiến gần tôi. Đôi mắt chảy máu. “Kiếp trước là tội. Kiếp này là tội. Ta đã phải lên niết bàn sám hối. Ta cứ ngỡ ta trong veo không phạm giới điều gì. Ta đắc đạo mà lên niết bàn, ta chợt nhớ mỗi bước chân khất thực của ta có bao giờ ta đạp nhầm con kiến. Sát sinh.
Mỗi chiếc lá ta ăn có bao giờ có con sâu nào vô phúc nằm trong đó. Mỗi ngụm nước suối ta uống là bao nhiêu vi khuẩn đã hy sinh. Làm gì có trong veo. Cuộc chiến nào dù bên trong hay bên ngoài lấy cớ gì để biện minh mình là ánh sáng hay bóng tối. Sát sinh là sát sinh, có vậy thôi đừng ngụy biện. Giác ngộ và vô tri có khi là một”.
Tôi tỉnh dậy thấy vô tri như một tảng đá. Mặt gã bạn hiện lên đầy kiến bay quanh phòng. Tro bụi cũng bay tứ tung. Tôi chạy ra bờ sông nơi gã hay đu cây. Có tiếng vọng sau lưng: “Đừng lớn thì nỗi đau chỉ là thìa bột! Đừng tìm vì Phật khóc phải không”.
Thấy ngọn gió đêm cô đơn quá. Nó giống thời nguyên thủy. Cô đơn vì không chịu lớn.
N.N.H