Lời nhắn gởi – Truyện ngắn Trần Trung Yên
-
Suốt buổi họp mặt chia tay cùng cơ quan ông Hấn cứ nao nao không yên. Chiếc phong bì trong túi áo lúc lúc như cựa quậy nhắc ông về sự hiện diện của nó. Ông đã giữ nó bao năm trời dẫu có lúc quên bẵng đi. Những ngày gần đây khi lục lại hồ sơ chuẩn bị bàn giao, nhìn thấy bức thư ông băn khoăn mãi. Nhưng rồi có một cái gì đó thật khó xác định từ sâu thẳm trong ông thôi thúc và ông đã chờ đợi giây phút này...Ông Hấn đứng dậy nhìn khắp lượt những gương mặt thân quen đoạn rút chiếc phong bì trong túi áo, hắng giọng:
-Thưa các đồng chí, tôi còn bức thư này muốn trao lại , mong các đồng chí giữ hộ và hoàn trả cho người gửi.
Mọi người ngạc nhiên dán mắt vào chiếc phong bì trên tay ông Hấn. Giám đốc Thận đón lấy bức thư, vẻ ngạc nhiên càng tăng lên khi nhìn ngoài mặt phong bì.
-Bác hãy giải thích về bức thư này cho mọi người rõ.
Vẫn đứng bên bàn, ông Hấn không nén được xúc động:
-Tôi đã giữ bức thư này từ những ngày giặc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc đến nay. Hồi ấy, dân quanh đây đều sơ tán cả. Bưu điện vẫn ở lại làm việc để đảm bảo giữ vững đường dây liên lạc, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chiến đấu. Bấy giờ tôi là bưu tá viên. Đêm ấy là phiên trực của tôi. Giữa lúc yên ắng bỗng có tiếng chân nối nhau trên đường. Tôi nhìn qua cửa thì ra một đơn vị bộ đội đang hành quân. Chợt một bóng người tách khỏi đoàn quân, hối hả chạy về phía tôi:
-Đồng chí ơi, cho tôi bì thư , cả con tem và mượn nhờ cây bút.
Anh bộ đội nói trong hơi thở gấp gáp, tay cầm sẵn lá thư. Tôi lấy chiếc phong bì , xé vội con tem rồi đưa lọ mực tím cùng cây bút lá tre cho anh. Anh rút từ túi áo tờ giấy bạc hai hào trao cho tôi. Vẫn không rời mắt khỏi anh, tôi vặn to ngọn đèn dầu để soi rõ cho anh viết. Trước ánh đèn tỏa sáng là khuôn mặt hãy còn rất trẻ nhưng cương nghị. Tôi bỗng có thiện cảm với anh. Chưa kịp hỏi chuyện, kẻng báo động đã dồn dập vang lên. Đang cắm cúi viết, anh vội thả bút , vừa chạy ra cửa vừa ngoái lại nói:
-Nếu không gửi được thì nhờ anh giữ hộ. Tôi sẽ đến nhận lại...
Tiếng anh chìm trong tiếng máy bay dội bom rùng rùng mặt đất và lưới lửa phòng không sáng rực bầu trời. Tôi chạy ra hầm trú ẩn , trong đầu vẫn lởn vởn dáng vẻ hơ hải của anh bộ đội trẻ. Khi kẻng báo yên vang lên, tôi rời hầm đã thấy đường phố vắng lặng. Cầm bì thư mới hay anh chưa kịp ghi tên và địa chỉ người nhận. Nhớ lời anh, tôi lặng lẽ cất bì thư vào ngăn bàn.
Mỗi lần đến phiên trực, tôi thường ngong ngóng trông anh trở lại nhưng chẳng thấy đâu. Chiến tranh chấm dứt, tôi vẫn tiếp tục chờ với hy vọng anh sẽ về nhận lại bức thư. Càng trông đợi càng biệt tăm. Thú thật, có lúc ý nghĩ hay là anh đã hy sinh lởn vởn trong đầu song tôi vội gạt đi. Mỗi lần như thế, đêm đến tôi lại mơ thấy anh về tha thiết nhờ tôi giữ lại bức thư. Linh cảm có điều kỳ lạ không lý giải được nhưng tôi vẫn tin là nhất định anh sẽ trở lại nên cứ chờ đợi. Đã hai mươi lăm năm rồi, bức thư vẫn còn đây...
Những điều ông Hấn kể như lời tâm sự mỗi lúc mỗi thấm vào lòng khiến tất cả lặng đi. Giám đốc Thận săm soi chiếc phong bì chợt ngẩng lên đề nghị:
-Hay là ta mở bì thư ra xem, biết đâu sẽ tìm được manh mối để chuyển cho người nhận.
Những gương mặt xúc động nhìn giám đốc Thận vẻ đồng tình. Mọi ánh mắt dõi theo ngón tay lần bóc bì thư. Gian phòng lắng lại trong nỗi hồi hộp, bồn chồn . Giám đốc Thận nâng bức thư, chậm rãi đọc:
“ Mẹ kính thương !
Đêm nay đơn vị con sẽ hành quân. Đến tết con mới về thăm mẹ được. Tết này mẹ phải đi cưới vợ cho con đấy! Mẹ còn nhớ cô gái mời nước hôm mẹ lên thăm con không? Khi đơn vị con về lập trận địa phòng không, tiểu đội dân quân của Hoan cũng trực chiến trên chốt gần đó. Thế rồi đơn vị con được bố trí ăn nghỉ ở nhà Hoan. Con và Hoan đã yêu nhau. Hoan là cô gái chịu thương chịu khó. Con nghĩ hẳn mẹ sẽ hài lòng. Chuẩn bị đầy đủ cho con mẹ nhé!Tết con xin phép về là hỏi cưới ngay. Không có nhiều thời gian đâu mẹ ạ!
Con của mẹ
Trần Việt”
Mọi người ngạc nhiên nhìn giám đốc Thận. Mãi một lúc sau anh mới nén được xúc động.
-Thưa các đồng chí, thưa bác Hấn, không ngờ người viết bức thư này lại là bạn cùng đơn vị với tôi. Anh Trần Việt đã hy sinh ở chiến trường miềnNamđầu năm 1974. Đến giờ tôi mới hiểu những tiếng thều thào “ Mẹ ơi...Hoan ơi...” trước khi anh trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi...Giám đốc Thận cầm tay ông Hấn siết chặt giữa lúc mọi người vẫn chưa hết ngỡ ngàng.Thay mặt gia đình Việt, tôi cảm ơn bác. Bác hãy cùng tôi chuyển bức thư này cho mẹ Việt.
Ông Hấn ngây người, cổ họng nghèn nghẹn trước những lời chân tình của giám đốc Thận. Ông không ngờ vào giờ phút cuối trước khi nghỉ hưu, ông đã thực hiện được điều anh bộ đội gửi gắm. Sự việc diễn ra ngỡ như trong mơ. Rồi đây ông sẽ gặp người lẽ ra đã được nhận bức thư ấy từ những ngày còn chiến tranh. Đó là điều ông không dám nghĩ đến. Thế mà điều ấy lại trở thành sự thật vào lúc ông cảm thấy đã không còn hy vọng nữa. Cuộc sống quả thật khôn lường ... Ông Hấn miên man suy nghĩ cho đến khi có bàn tay lay nhẹ vai ông. Ông giật mình nhìn quanh, căn phòng đã vãn người.
o0o
Người đàn bà mái tóc đã nhiều sợi bạc mừng rỡ khi thấy giám đốc Thận và ông Hấn bước lên thềm.
-Trời ơi, đang trông anh, sao mà nghiệm thế. Đêm qua mẹ lại mơ thấy thằng Việt về.
Giám đốc Thận đặt chiếc phong bì vào tay người đàn bà, thành kính nói:
-Thưa mẹ Lẫm, con xin trao mẹ bức thư Việt gửi lại trước lúc hy sinh. Chính bác Hấn đây là người đã cất giữ bao năm nay.
Mẹ Lẫm sửng người hết nhìn giám đốc Thận lại nhìn ông Hấn.Từ đôi mắt đã nhờ đục dân dấn nước theo từng lời kể của giám đốc Thận. Mẹ lần đến trước tủ thờ,đặt lá thư cạnh khung ảnh nhỏ. Những nén nhang run run chớp đỏ trên tay mẹ, giọng mẹ lạc đi :
-Việt ơi, bức thư con gửi dặn mẹ đi hỏi vợ cho con năm xưa, giờ mẹ đã nhận được. Đừng giận mẹ nghe con...
Qua làn khói hương mờ ảo, ông Hấn như thấy gương mặt người thanh niên đêm ấy thấp thoáng trước mắt. Anh mắt anh nhìn ông lấp lánh vẻ tin cậy, biết ơn. Hai khung ảnh thờ và khuôn mặt mẹ Lẫm bỗng nhòa đi, đến lúc ấy ông Hấn mới biết là mình đang khóc.Ngôi nhà tình nghĩa này Bưu điện đã xây và đón mẹ về phụng dưỡng. Nào ngờ ông lại là người giữ hộ bức thư của con trai mẹ gửi lại trước lúc hy sinh. Âu đấy là sự hữu duyên chăng? Giá mà bức thư được đưa ra sớm hơn chắc sẽ không đau lòng đến thế. Cảm giác day dứt nhói lên trong ông. Nhìn những giọt nước mắt vẫn lặng thầm chảy trên khuôn mặt héo hắt của mẹ , ông những mong xin mẹ tha lỗi nhưng không sao thốt được nên lời.
Tiễn giám đốc Thận và ông Hấn ra cửa, mẹ Lẫm nén tiếng thở dài:
-Bây giờ mẹ chỉ mong sớm đưa được hài cốt em nó về nghĩa trang liệt sĩ để được gần đồng đội . Không biết những ngày còn lại, mẹ có làm được không...
Giám đốc Thận nắm tay mẹ Lẫm , lặng im. Những lời mẹ Lẫm xoáy vào lòng anh trở thành mệnh lệnh của trái tim. Anh biết đó không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm đối với đồng đội đã hy sinh. Càng nghĩ anh thấy thật có lỗi với mẹ. Đã bao lần anh nghĩ đến điều đó mà vẫn chưa thực hiện được vì quá bận bịu công việc. Nhưng giờ thì không thể chần chừ...
Trước ngày lên đường, giám đốc Thận cùng các đồng chí trong Ban giám đốc Bưu điện đến thăm mẹ Lẫm. Mẹ lặng người xúc động, mỗi nén nhang trở nên lóng ngóng trong tay mẹ:” Việt ơi, con sắp được về bên mẹ rồi. Các bác, các anh sẽ đưa hài cốt con về dưới này. Con phải run rủi cho công việc được thuận lợi con nhé...” Nghe những lời ấy ai cũng rơm rớm nước mắt thầm hứa sẽ dốc lòng làm tròn tâm nguyện của mẹ...
Đoàn người theo chân giám đốc Thận xuôi lối mòn một thời anh đã từng qua. Mọi người dò dẫm từng bước ,mồ hôi túa ra chảy thành dòng thấm ướt lưng áo. Như có một sức mạnh vô hình nâng những bước chân mệt mỏi bươn đi. Đến trước thân cây cao lớn có cành bị cụt ngọn, giám đốc Thận bỗng dừng lại. Nhìn cành cây cụt ngọn giờ đã nẩy nhiều nhánh lá sum suê, giám đốc Thận nhận ra chính nơi đây anh cùng đồng đội đã chôn cất Việt . Mọi người hăm hở đào, từng nhát xẻng cắm vào lòng đất hối hả như muốn thu dần khoảng cách giữa những người còn sống với người đã khuất. Đào mãi vẫn không thấy dấu tích gì , chỉ thấy hố đất vàng lóa dưới nắng trông đến nhức mắt. Giám đốc Thận chống xẻng , đăm chiêu. Những lời khấn của mẹ Lẫm lại vang vang bên tai giữa mênh mông đồi cây thúc giục. Giám đốc Thận lấp từng nắm đất, lòng khắc khoải lo âu.” Việt ơi, nếu có linh thiêng hãy chỉ cho anh em tìm thấy mộ của cậu. Việt ơi...” Ý nghĩ ấy cứ lảng vảng trong anh khi anh dõi tìm hết gốc cây này đến gốc cây khác. Như có sự dẫn dắt vô hình, giám đốc Thận tìm đến Uy ban nhân dân địa phương dò hỏi. Người đàn ông với khuôn mặt sạm nắng khắc khổ,mỉm cười giải thích:
-Chúng tôi đã vẽ sơ đồ, chụp ảnh phần mộ cũ trước khi dời đi và định vị phần mộ mới của các liệt sĩ tại nghĩa trang. Cả những kỷ vật tìm thấy khi bốc mộ cũng được giữ lại. Tôi sẽ đưa các anh đi.
Từng dãy bia mộ được khắc tên và chưa khắc tên nằm tăm tắp như những hàng quân dưới trời xanh lồng lộng. Người đàn ông dừng lại trước tấm bia có khắc dòng chữ Trần Việt .
-Anh ấy nằm đây !
Giám đốc Thận cúi xuống ngôi mộ không dám tin vào mắt mình. Dòng chữ hiện lên trước mắt mọi người bỗng xua đi bao nỗi nhọc nhằn những ngày qua. Những nén nhang được thắp lên chuyền tay nhau cắm trên mộ .Khói hương tỏa vào thinh không thơm thảo tình người. “ Việt ơi, anh em mình đến đưa cậu về với mẹ Lẫm đây”. Những nén nhang rực lên tỏa sáng giữa nghĩa trang yên ả như cảm nhận được tấm chân tình của người đồng đội xưa.
Hôm đoàn ra về, người đàn ông đến trước mặt giám đốc Thận, ân cần đặt vào tay anh bọc ni lông đã ngã màu:
-Đây là vật chúng tôi tìm thấy cùng hài cốt của Việt.. Xin gửi các anh để giao lại cho thân nhân liệt sĩ.
Bọc ni lông cồm cộm trong tay khiến giám đốc Thận sững sờ. Hồi đó anh em đã chôn vội xác Việt trước khi đơn vị rút đi. Nào ngờ giờ lại tìm thấy vật này. Giám đốc Thận cầm chặt bọc ni lông như sợ vô ý sẽ để vụt mất kỷ vật thiêng liêng của đồng đội.
-Cảm ơn anh. Mẹ của Việt sẽ mừng lắm khi nhận được vật này.
-Đây là nhiệm vụ của chúng tôi. Cho tôi kính gửi lời thăm bác.
Người đàn ông lắc lắc tay giám đốc Thận, giọng thân tình. Giám đốc Thận chợt nhận ra vẻ đăm chiêu, khắc khổ trên gương mặt người đàn ông đã biến mất tự bao giờ.
o0o
Giám đốc Thận dìu mẹ Lẫm bước đi giữa những dãy mộ thẳng tắp. Bao năm rồi mẹ đau đáu trông chờ ngày này. Mẹ nhớ lại ngày nhận được tin chồng hy sinh ở chiến trường Điện Biên. Mẹ đã khóc khi quấn khăn tang lên mái đầu thơ trẻ sớm phải mất cha. Những năm tháng ấy với mẹ sao mà dài dằng dặc. Mẹ đã nuôi con bằng tình thương và nỗi đau hợp lại. Rồi đến lượt con trai mẹ hy sinh. Lập bàn thờ cho con , mẹ lại khóc bởi thương con đã không phụ lòng trông mong của mẹ. Ngày đêm nỗi thương chồng thương con âm ỉ át cả nỗi đau góa bụa trong những ngày tháng xế chiều ở mẹ. Giờ đây đứng bên mộ con, mẹ chẳng cầu mong điều gì hơn nữa.
Mẹ nhìn bia mộ, bàn tay hằn những đường gân miết đi miết lại trên những con chữ như muốn lần ra hình vóc của con trai mình. Nhìn cảnh ấy không ai cầm được nước mắt. Giám đốc Thận đôi mắt loáng nước bước đến bên mẹ.
-Thưa mẹ, đây là vật tìm thấy được khi bốc mộ Việt. Các anh trên ấy nhờ con trao lại cho mẹ.
Đôi tay mẹ Lẫm run run ngỡ không đỡ nổi vật giám đốc Thận vừa trao. Mẹ thẫn thờ ấp bọc ni lông vào lòng như để tìm hơi ấm từ hài cốt của con trai còn vương lại . Gió vờn qua những rặng dương liễu ngân rào rạt ru mẹ vào nỗi nhớ thương da diết khôn nguôi. Thời gian lặng lẽ trôi trên những nén nhang đã lụn ngọn. Sực tỉnh, mẹ Lẫm giở miệng bao lấy ra phong thư để ngõ. Những ngón tay mẹ bấu chặt bức thư và tấm ảnh đã ố vàng. Loáng thoáng trước mắt mẹ khuôn mặt đỏ lựng e thẹn của cô gái đã mời nước trên trận địa phòng không. Trời ơi, sao ngày ấy mẹ lại vô tình đến thế... Mẹ bần thần bíu lấy tay giám đốc Thận .
-Anh đọc giúp mẹ bức thư này.
Nghĩa trang lặng phắc. Giọng giám đốc Thận thoảng trong không gian trầm mặc.
“ Hoan yêu !
Anh đã ra đến trận địa. Tình hình ở đây ác liệt lắm. Anh phải ở lại chiến đấu cùng đồng đội. Đành gác đám cưới lại thôi em ạ . Anh sẽ trở về. Gắng chờ anh, em nhé ! Nếu sinh con dù trai hay gái, em hãy đặt tên con là Hòa Bình.
Hôn em.
Trần Việt”
Mẹ Lẫm nấc lên, sụp xuống bên mộ. Giám đốc Thận ôm lấy mẹ , nghẹn trong nước mắt :” Chúng con sẽ tìm Hoan và cháu về cho mẹ , mẹ ơi...”...
T.T.Y