Họa sĩ Lê Kinh Tài: Ít quan tâm thị phi, tung hô
Nhìn lại là triển lãm cá nhân quy mô nhất từ trước tới nay của họa sĩ Lê Kinh Tài tại Hà Nội. Anh là tên tuổi sáng giá của mỹ thuật Việt Nam đương đại đồng thời chưa ngừng gây tranh cãi trong giới chuyên môn. Làm thế nào để Lê Kinh Tài bán được tranh với giá trăm nghìn đô/bức trong tình hình hiện nay- điều đó vẫn còn là bí mật.
Không còn sức ép về kinh tế thậm chí còn phải lo quản lý tiền có bao giờ làm anh khó vẽ?
Quả là hài hước, trong sáng tạo không có thước đo cho tiêu chuẩn “sức ép kinh tế - khả năng sáng tạo”. Tôi vẽ than, vẽ chì trên giấy khi hết tiền mua họa phẩm, và vẽ màu tốt trên toan tốt khi túi tiền rủng rỉnh. Cần phải nói thêm rằng, giá trị tác phẩm nghệ thuật không đo bằng chất liệu, có chăng là đo ở tư duy cho nội dung tác phẩm, hay cường độ truyền xúc cảm của tác giả với đề tài. Tôi luôn vẽ trong trạng thái rong chơi với cái tôi thấy trong đời thường, vậy nên, hành vi vẽ, với tôi lại là sự nạp năng lượng, nó là nhu cầu tự thân.
Từ một “bệnh nhân” trầm cảm với nỗi ám ảnh cơm áo gạo tiền trở thành họa sĩ hăng say sáng tạo và được giá. Người ngoài khó mà hình dung con đường và sự chuyển biến ấy của anh. Anh có thể miêu tả tường tận một chút về quá trình này?
Tôi thuộc tuýp người không thích dài dòng cho quá trình tư duy để hình thành một ước mơ. Ước mơ của tôi đến nhanh, nhưng để vạch kế hoạch thực hiện ước mơ cần tỉ mỉ, quyết liệt, thậm chí cực đoan với bản thân.
Tôi không cho phép mình bước vào studio trong trạng thái ủy mị, hay với một cái đầu đang suy nghĩ mông lung, mọi thứ phải được rũ bỏ, tôi chỉ vào xưởng với những tuyên ngôn (statement) đã chín cho từng bức tranh cùng với kế hoạch thực hiện được định trước cho từng ngày. Tôi rất nghiêm khắc với chính mình trong lao động nghệ thuật.
Không gian triển lãm của Lê Kinh Tài vừa ám ảnh vừa hấp dẫn. Ảnh: N.M.Hà.
Tranh của anh giàu năng lượng, toát lên sự khoái hoạt. Anh có thể mô tả những trạng thái cảm xúc của bản thân trong quá trình tạo nên một tác phẩm?
Tôi rất ít khi vẽ phác thảo cho tác phẩm. Khi xây dựng được một chủ thể trong bức tranh hoàn chỉnh trong các tuyên ngôn, đứng trước tấm toan, tôi dồn hết tâm trí để đưa xúc cảm thật sự của mình hòa vào tác nhân gây xung đột nội tâm trong từng chủ đề, vậy là tôi say với nó cho đến khi tải hết thông điệp thì dừng, bất luận nó có đẹp hay xấu ở góc nhìn thị giác.
Thành công, nổi tiếng thường đi kèm với xì xào, dị nghị. Anh nghĩ sao về việc này?
Tôi luôn vẽ trong trạng thái rong chơi với cái tôi thấy trong đời thường, vậy nên, hành vi vẽ, với tôi lại là sự nạp năng lượng, nó là nhu cầu tự thân.
Thật sự tôi ít quan tâm thị phi cho tới tung hô tán thưởng trước tranh của mình. Với hội họa, việc phê bình không đơn giản, người làm phê bình ngoài kiến thức cơ bản về các xu hướng, các phong cách, các trường phái, phải biết đọc sóng tư duy, thấy vùng xúc cảm của tác giả trước cảm xúc đề tài thì mới làm người xem thấy chân giá trị tác phẩm qua cách bóc tách của người viết, nếu không, những bài phê bình chỉ đi vào thói quen “tán hươu tán vượn” bề mặt tác phẩm.
Nghe nói một tổ chức nước ngoài đứng sau để đảm bảo giá tranh cho anh không dưới 40.000 USD/m2. Anh có thể tiết lộ về họ và cách thức họ hỗ trợ các họa sĩ như anh? Hai bên đã gặp nhau như thế nào?
Quả thực tôi rất buồn cười với những thông tin không hiểu rõ ngọn ngành đầu đuôi như vậy. Chỉ cần hiểu đơn giản vấn đề hơn, giá trị và trị giá của tác phẩm là hai câu chuyện khác nhau hoàn toàn. Thị trường định giá tác phẩm thuộc về các nhà đầu tư, nhà sưu tập, khi mối tương tác “cung-cầu” này bị xô lệch cưỡng bức các thang giá trị nghệ thuật, thì ranh giới cung-cầu cũng thay đổi, khó ai biết trước trị giá một tác phẩm sẽ đi đến nấc thị trường sơ cấp, thứ cấp, hay cao cấp.
Tôi cho rằng: Trong bối cảnh thị trường nghệ thuật Việt Nam hiện nay, để bàn về thang giá trị một tác phẩm trước trị giá thị trường là một việc bất khả thi, bởi nhiều lý do tế nhị, trong đó, lý do hàng đầu là chúng ta chưa chuyên nghiệp trong thúc đẩy đầu tư, từ mối liên kết tay ba: nhà sưu tập- gallery- nghệ sĩ.
Thấy gì sau những quái thú nhăn nhở của Lê Kinh Tài?
Lê Kinh Tài tiệm cận ngôn ngữ hội họa quốc tế nhưng vẫn truyền tải tương đối rõ những vấn đề thời cuộc của xã hội Việt Nam, thậm chí cả nét tính cách của con người Việt Nam. Có thể thấy điều này qua triển lãm Nhìn lại tập hợp 30 bức tranh và 9 tượng tò he được anh thực hiện trong vòng 10 năm trở lại đây. Triển lãm diễn ra tại Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Hà Nội tới 12/11. Nhà tổ chức VCCA lần đầu tiên có dịp mở toàn bộ diện tích triển lãm 2.000m2 để có thể tải hết kích thước cũng như tinh thần Lê Kinh Tài.
Dễ dàng cảm nhận sự sống động và năng lượng phối hợp từ những tác phẩm được bày trong triển lãm. Hầu hết các nhân vật trong tranh đều mang bộ dạng nửa người nửa quái vật nhưng toàn trong trạng thái hân hoan, hớn hở. Nó làm người xem liên tưởng đến chính mình, đầy vấn đề nhưng không còn cách nào khác phải thỏa hiệp với bản thân, với môi trường mà vui sống. Những bức tranh cộng con giống phô những nụ cười quái dị hết cỡ tạo nên cơn lên đồng tập thể. Chính năng lượng đó tác động lên người xem khiến họ phải nán lại, tìm kiếm những gì ẩn giấu sau tranh.
Đặc biệt những con giống quái thú mang đầu (giống) người của Lê Kinh Tài hình thù vẹo vọ nhưng toát lên sức sống như thật. Có lẽ vì tác giả của chúng đã tìm ra chìa khóa để đạt tới một tỉ lệ cân đối hi hữu nào đó giữa sự hỗn độn méo mó.
Trên đây chỉ những cảm nhận với tư cách người xem đơn thuần. Nhưng những tác phẩm từ một họa sĩ đương thời trong nước mà cùng lúc gợi lên một phức hợp tư duy và cảm giác như thế rõ ràng là rất hiếm. Bên cạnh đó, giá tranh siêu đắt (bức cao nhất trong triển lãm có giá 400.000USD) có tác động tới những ý kiến phê bình tranh của Lê Kinh Tài hay không thì không biết. Nhưng rõ ràng quá ít họa sĩ Việt có khả năng “làm giá” với thế giới như anh.
N.M.Nam Hà
(tienphong.vn)