Xứ Quảng trong tiểu thuyết của Lương Hoài Trọng Tính
Tiểu thuyết dã sử “Ngự tiền quan án: Đại án Quảng Nam” do NXB Văn học liên kết Tri Thức Trẻ Books ấn hành vào đầu tháng 12 này đã ngay lập tức gây dấu ấn trên văn đàn.
Một lần nữa chàng trai trẻ Lương Hoài Trọng Tính, sinh năm 1997 khiến độc giả háo hức trước những “cú lật lại lịch sử”. Mượn chuyện xưa để đem đến góc nhìn rộng mở và nhắc nhớ những trầm tích lịch sử luôn là những bài học bất biến trên hành trình phát triển đất nước.
Đam mê
Lương Hoài Trọng Tính tốt nghiệp ngành quy hoạch vùng và đô thị Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhưng lại rẽ ngang qua con đường đam mê từ thuở nhỏ là lịch sử.
Cho đến bây giờ Trọng Tính đã có cho riêng mình hàng loạt tập sách in đậm hành trình của chính mình như: “Nam Kỳ quan chế khảo lược”, NXB Thuận Hóa, năm 2021; “Nam Kỳ kiến trúc khảo lược”, NXB Thuận Hóa, năm 2022; “Huê Diện - Lược khảo y trang phục sức Nam Kỳ”, NXB Thuận Hóa, năm 2023; “Nam Phương Hoàng hậu - vị quốc mẫu tân thời qua tư liệu báo chí (1934-1945)”, NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, năm 2023; và tập sách mới nhất nói về vụ đại án của 70 vị quan lại dưới triều Nguyễn do chính vua Tự Đức xét xử ở tỉnh Quảng Nam: “Ngự tiền quan án: Đại án Quảng Nam”.
Thuộc thế hệ 9x, Trọng Tính vốn xuất thân tại một miền quê Trà Vinh, nơi mà những nét văn hóa xưa vẫn còn phảng phất cho tới đầu thế kỷ 21. Phía nhà ngoại của Trọng Tính theo truyền thống Nho học, coi trọng việc ôn cố tri tân, gìn giữ các giá trị văn hóa xưa của miền Nam, từ đó anh được học thêm về chữ Nho.
Nhà nội là gia đình theo truyền thống Tây học, ông cố là nhà Thầu Phán có tiếng tại Vũng Tàu, còn ông nội là một kiến trúc sư. Từ đó, Trọng Tính có được sự tiếp cận văn hóa lịch sử ngay tại gia đình, vùng quê và được chung sống một cách dung dị với những giá trị xưa.
Ấp ủ trong lòng mình tâm nguyện làm cầu nối giúp người trẻ có cái nhìn mới hơn về văn hóa Việt, Tính lập trang “Đại Nam hội quán” vào năm 2017, hiện thu hút gần 30 ngàn lượt yêu thích và gần 60 ngàn lượt theo dõi, giới thiệu về văn hóa xưa bằng các bài viết trên mạng xã hội, thu hút những người chung đam mê có nơi để hoạt động. Nhiều bài viết về các giá trị xưa ở nhiều lĩnh vực được nhóm đăng tải lên trang “Đại Nam hội quán” nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Một Quảng Nam ghi dấu trong tiểu thuyết
Hành trình đi và nghiên cứu để tìm kiếm tư liệu, chàng trai trẻ này vẫn ghi nhớ dấu ấn với đất Quảng Nam. Những chuyến đi từ Huế qua vùng Hải Vân rồi tới Hội An dấy lên cảm xúc khó tả về thiên nhiên cảnh trí và con người xứ Quảng. Có thể thấy điều này trong cuốn tiểu thuyết dã sử “Ngự tiền quan án: Đại án Quảng Nam”.
Như chính Tính chia sẻ: “Tôi miêu tả khá chi tiết về vùng Quảng Nam xưa, như Thiên hạ đệ nhất hùng quan - Hải Vân quan, hay cảng Đà Nẵng với thương thuyền giao lưu, rồi nào là cảnh phố cổ Hội An, đình miếu mang hơi hướng miền Trung.
Rồi những đặc sản như mỳ Quảng, đường bát thủ công… được tôi chú trọng. Mục đích bên cạnh tạo nên một không gian văn học còn gợi nhớ về một vùng quê yên bình. Đây cũng là cách giới thiệu lịch sử văn hóa Quảng Nam đến độc giả, những người đã tới đây rồi sẽ cảm thấy đồng điệu và ai chưa đến thì cũng say mê”.
Quyển tiểu thuyết dã sử mang tên “Ngự tiền quan án: Đại án Quảng Nam” lấy ý tưởng từ một vụ trọng án xảy ra tại tỉnh Quảng Nam, thời vua Tự Đức, năm 1855. Những tuyến nhân vật được tạo nên nhằm mang yếu tố đầu tiên là khắc họa văn hóa xã hội ở thời bấy giờ, góp phần khơi gợi niềm yêu thích giá trị cổ truyền cho người đọc, những ai đam mê văn học tiểu thuyết cho đến yêu thích sử liệu.
Vụ đại án với 70 vị quan lại được “Châu bản triều Nguyễn” và chính sử “Đại Nam thực lục” ghi chép nay hiện diện bằng một giọng văn am tường và kỹ càng. Không gian truyện được dựng lên cuốn hút với việc miêu tả cụ thể trang phục, lối bài trí cung đình và cả cảnh vật của thời kỳ đó cũng được chú trọng qua từng câu chữ.
Với mạch chính là kẻ ác bị trừng trị, người ngay được tán thưởng, Trọng Tính mong muốn quyển tiểu thuyết này mang đến cho người đọc về góc nhìn xưa và cách hành xử đương thời với những vấn nạn như tham nhũng hay quan liêu.
Tiểu thuyết dã sử này được viết hoàn chỉnh trong vòng khoảng hai tháng, viết về vấn đề nhức nhối của xã hội, bối cảnh phong kiến nhưng lại cuốn hút người đọc bởi cách đan cài khéo léo từ ngữ địa phương, cổ từ và văn thơ cổ.
Chính cách dụng từ và sắp đặt tinh tế này khiến “Ngự tiền quan án: Đại án Quảng Nam” gây được ấn tượng mạnh mẽ cho độc giả, thêm lần nữa xác tín cho hành trình lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc đối với thời đại và giới trẻ ngày nay.
Lan tỏa giá trị xưa
Không dừng lại ở việc chia sẻ thông tin lên mạng xã hội hay in ấn sách, viết tiểu thuyết, Trọng Tính và nhóm của mình còn tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, giao lưu để tái dựng nét văn hóa xưa.
Đó là các chương trình như: Kể chuyện xưa nghe chơi, Áo dài xưa, Tất niên cuối năm, Lễ cưới xưa... hoặc mở các lớp cổ lệ ngắn hạn theo từng chuyên đề. Mới nhất, tháng 12 này, Tính và “Đại Nam hội quán” đã mở lớp cổ lệ 5 ngày chuyên đề “Tết miền Nam xưa và nay”.
Để làm được điều này đòi hỏi sự kỳ công bởi ngoài tìm được nơi mượn vật dụng thì việc tìm hiểu, xác minh tư liệu cũng rất khó khăn và tốn thời gian dài. Nhưng, chỉ cần nhìn thấy người xem bên dưới là các bạn trẻ, thậm chí có những nhà nghiên cứu độc lập, nghiên cứu sinh Việt Nam đến từ các nước như Mỹ, Pháp, Ấn Độ... là Tính và nhóm mình đã biết hành trình này được tiếp thêm động lực rất nhiều.
Thậm chí sau chương trình, nhận được câu hỏi, phản biện và trao đổi rất sôi nổi, Tính vui vì đó là dấu hiệu ban đầu và cũng là cơ hội để nghĩ xa hơn về chuyện đưa các nét văn hóa Việt ra thế giới.
Chàng trai trẻ trót đem lòng yêu những nét đẹp cổ truyền của văn hóa dân tộc khấp khởi hy vọng trong năm tới, sẽ tiếp tục với các hoạt động liên quan đến văn hóa lịch sử như talkshow, tổ chức lớp học cập nhật kiến thức về văn hóa xưa.
Chia sẻ những dự án đang ấp ủ, Trọng Tính bộc bạch: “Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi con đường viết lách liên quan đến lịch sử văn hóa, trong đó chú trọng một số đề tài về kiến trúc chùa miền Nam, kiến trúc đình miền Nam, sách về áo dài và sẽ cho ra mắt tiếp một tập mới của tiểu thuyết Ngự tiền”.
Tôi miêu tả khá chi tiết về vùng Quảng Nam xưa... Mục đích bên cạnh tạo nên một không gian văn học còn gợi nhớ về một vùng quê yên bình. (Lương Hoài Trọng Tính)
(baoquangnam.vn)