Hiện thực cuộc sống của những đứa trẻ trong chiến tranh qua truyện ngắn Mẹ ốm

11.03.2023
Nguyễn Thị Bích Trâm
Mẹ ốm là truyện ngắn nằm trong tập truyện Những đám mây kể chuyện của nhà văn Thanh Quế. Câu chuyện kể về một gia đình nhỏ có ba mẹ con sống nương tựa vào nhau, cùng bám trụ tại mảnh đất bom rơi để giữ vững con đường liên lạc giữa căn cứ với đồng bằng. Chuyện bắt đầu từ cơn đau bụng của người mẹ và quá trình gian khó của người con gái Tằm cố gắng đưa mẹ đến bệnh xá. Những diễn biến trên đường đi đã đọng lại hình ảnh của một cô bé đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng đã biết cách lo toan và một suy nghĩ trưởng thành, mang dáng vóc một người lớn thực thụ. Có lẽ, sự khắc nghiệt của thời cuộc đã buộc cô bé phải lớn hơn rất nhiều. Nhà văn đã xây dựng một hình ảnh nhân vật mà có thể xem đây là một minh chứng cho những đứa trẻ được sinh ra trong chiến tranh.

Hiện thực cuộc sống của những đứa trẻ trong chiến tranh qua truyện ngắn Mẹ ốm

Tập truyện ngắn Những đám mây kể chuyện của nhà văn Thanh Quế.

Từ trước đến nay, nhân vật trong một tác phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng, là linh hồn của tác phẩm. Thông qua cách xây dựng nhân vật, mà người đọc thấy được quan niệm nghệ thuật của nhà văn, đồng thời cũng thấy được bức tranh thăng trầm của xã hội, định hướng về giá trị đối với cuộc sống. Nhà văn Thanh Quế chú trọng khắc hoạ tính cách nhân vật. Tính cách của Tằm, nhân vật chính được tác giả miêu tả một cách khéo léo, không miêu tả thẳng thắn, không miêu tả trực tiếp mà thông qua việc khắc hoạ tâm lý, hành động mà người đọc thấy được rõ nét tính cách nhân vật đang mang. Dù viết về cuộc sống trong chiến tranh nhưng nhà văn Thanh Quế lại xây dựng nhân vật dưới góc độ của thời đại mới, không cường điệu, không anh hùng hoá nhân vật.  

Chân dung của Tằm hiện ra thông qua lời của người kể chuyện. Tằm là một cô bé mười ba tuổi nhưng vóc dáng nhỏ nhắn như một đứa trẻ lên mười, nước da đen đúa, được sinh ra trong tù. Tiếp đó nhân vật Tằm được tác giả thông qua những lời đối thoại, độc thoại để khắc hoạ. Thanh Quế đã khéo sử dụng đối thoại để bộc lộ tâm lý chính nhân vật:

- “Mẹ rán nhai lá ổi sẽ khỏi ngay mẹ hử.

- Mẹ không nhai đâu. Chút xíu mẹ hết đau thôi mà.

- Ngon lắm nè. - Tằm bỏ một lá vào miệng chắp chắp lưỡi. - Thơm quá, mẹ nhai thử coi.”

Thông qua đối thoại của Tằm, những lời nói dỗ mẹ cho ta thấy Tằm là một người con hiếu thảo. Điều này khi kết hợp với miêu tả hành động càng làm nổi bật tính cách đáng khâm phục của cô bé nhỏ tuổi. Cô rất yêu thương mẹ của mình, em hiểu mẹ hơn ai hết, mẹ vờ đau để nhường phần cơm cho hai chị em. Tằm liền nói: “Mẹ lại giả bộ đau bụng để nhường cơm cho con với thằng Út chớ gì”. Dù tuổi còn nhỏ nhưng đã biết nhường nhịn, sẻ chia. Tình cảm mà Tằm dành cho mẹ, sự trưởng thành trong tính cách được thể hiện tiêu biểu nhất là lúc mẹ đau bụng. Khi mẹ đau bụng cô bé lại sốt sắng đi hái lá ổi cho mẹ nhai. Còn dỗ dành hệt như “người lớn coi một đứa bé uống thuốc thật không”. Tằm đối xử với mẹ nhẹ nhàng như cách mẹ đã đối xử và chăm lo cho em. Bởi vì tình hình của mẹ không thuyên giảm, Tằm hốt hoảng lội suối chạy đến nhà bà Sáu để tìm thuốc. Đường đi rất vất vả vì địch ở đối diện nên không ai được thắp đèn, mọi thứ đều tối om khiến Tằm bị té, nhưng Tằm không khóc. Nó nghĩ đến mẹ, tự mình đứng lên và vượt qua, rồi đi tiếp “nó hít hà, nước mắt muốn trào ra. Nhưng nghĩ đến mẹ, nó im bặt”. Tằm lấy mẹ làm động lực. Vì mẹ, Tằm có thể làm tất cả. Gánh mẹ lên bệnh xá dù việc là quá sức đối với Tằm bởi thân hình em rất bé, nó “như một đứa trẻ mới lên mười”. Tằm bất chấp mọi thứ để cứu mẹ, em cùng bà Sáu gánh cả đoạn đường dài dù thở hổn hển nhưng chỉ cần nghỉ ngơi chưa đầy một phút là liền hối bà đi. Tằm biết bà cũng rất mệt nên muốn “đẩy cây đòn về phía bà dài hơn để bà đỡ nặng”. Tằm thương mẹ, cũng thương bà nhưng vì hoàn cảnh nên chuyến hành trình đi đến bệnh xá vẫn phải tiếp tục. Tuy còn bé nhưng em đã biết nghĩ cho những người xung quanh hơn cả bản thân mình. Trên đoạn đường qua sông, Tằm còn lấy thân mình che chắn cho mẹ vì sợ những mảnh pháo từ quả đại bác sẽ bay đến. “Nó chẳng sợ pháo chút nào. Nó chỉ lo mảnh trúng vào mẹ”. Tằm như một người lớn đầy trách nhiệm, thương mẹ mà đến bản thân mình em cũng không lo, chỉ sợ mẹ đau.

Ngoài ra, thông qua việc miêu tả hành động, khắc hoạ rõ nét Tằm là một đứa trẻ chu toàn. Khi mẹ bệnh, trước khi đưa mẹ vào bệnh xá, Tằm vẫn không quên nghĩ đến sự an toàn của cậu em út. Nhớ rất rõ nơi mình ở địch thường xuyên càn quét, trong trí nhớ của Tằm, địch đã càn quét hơn cả chục lần. Tằm cho em mình xuống hầm tránh trú, đảm bảo em trai không rơi vào tay tử thần. Trước khi đi, Tằm còn quay lại một lần nữa để xem em mình đã an toàn hay không, rồi mới yên tâm bước đi. Khi đến được bệnh xá cô bé còn đưa cho bác sĩ hai lon gạo mà em “vét mãi” để trả phí chữa bệnh… Rõ ràng là đứa trẻ nhưng với những lo toan đó thì không khác gì một người trưởng thành. Tằm đã phải làm người lớn trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó.

Trong tác phẩm, tác giả thể hiện cái tôi nhân vật qua mâu thuẫn và xung đột. Các mâu thuẫn, xung đột bao giờ cũng có tác dụng làm nhân vật bộc lộ rõ tính cách của mình thậm chí là những điều sâu kín nhất của mình. Hình ảnh cô bé Tằm có lẽ khiến người đọc cảm phục vì đằng sau một thân hình nhỏ bé, đen đúa, đằng sau một độ tuổi lên mười ba là cả một con người biết suy nghĩ, và hành động như đã va vấp, lăn lộn với đời. Sự kham khổ, cực nhọc đã khiến cho Tằm không đòi hỏi và cũng chẳng có cách nào mà đòi hỏi. Tằm học cách tự lập, học cách làm người “đảm việc nhà”. Tằm luôn phải nấu cơm, chăm lo cho em từng miếng ăn. Tằm đi đâu cũng lo đến em trai, phải đi xem em của mình có an toàn hay không thì cô bé mới có thể an tâm. Hoàn cảnh khiến Tằm mạnh mẽ hơn ai hết, em không còn là một đứa con nít mà em đã trở thành một người lớn thực sự, lớn trong suy nghĩ và trong cả hành động. Ở độ tuổi em đáng ra phải được sống một cuộc sống vô lo vô nghĩ và có một tuổi thơ đầy đủ hạnh phúc và sự nuông chiều. Nhưng chiến tranh đã cướp đi tất cả, những đứa trẻ phải sống trong cảnh bom rơi đạn lạc đã sớm có khuynh hướng trưởng thành hơn so với tuổi. Chiến tranh ép chúng phải mạnh mẽ, biết suy nghĩ, biết lo lắng, biết làm mọi việc quá sức. Chiến tranh đã ép những đứa trẻ phải lớn dù còn trong thân hình trẻ con.

Tập truyện ngắn Những đám mây kể chuyện của Thanh Quế đã cho ta thấy được rõ những hi sinh thầm lặng của những người mẹ, những cô gái, những chàng thanh niên anh dũng,… Viết về chiến tranh nhưng ông không miêu tả hay kể lại ánh hào quang của những chiến công và sự ồn ào của chiến thắng mà thầm lặng cúi nhìn xuống những phận người bị bào mòn bởi tiếng nổ và khói súng, cùng cảm thông đồng cảm và đau với nỗi đau, với những sự thật đau lòng bởi chiến tranh gây ra. Nhà văn quan tâm đến mỗi cuộc đời, mỗi số phận của từng cá nhân riêng lẻ, xoáy sâu vào những số phận nghiệt ngã, những tình cảnh trớ trêu, phũ phàng của cuộc đời. Chiến tranh là đối lập với sự sống, nhất là cuộc sống của người già, phụ nữ, trẻ em. Đứa trẻ trong truyện ngắn Mẹ ốm bởi hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh mà phải trưởng thành khi mới mười ba tuổi. Câu chuyện khép lại nhưng vẫn ngân vang biết bao cảm xúc trong lòng người đọc.

N.T.B.T