Hạnh phúc bình dị

27.09.2023
Vũ Thị Huyền Trang
Mười một giờ đêm, Sa nhấc hai bàn chân phồng rộp đi cà nhắc trong bóng tối. Từ phòng làm việc đi bộ ra nhà xe công ty chắc cũng vài trăm mét. Những bóng người lầm lũi giao ca, lục đục trở về nhà.

Hạnh phúc bình dị

Bác bảo vệ ngủ gật trong vọng gác, giật mình tỉnh giấc sau cú vào số gầm gú của chiếc xe cùi bắp khô dầu. Chiếc xe rồ ga chạy phóng đi bỏ lại tiếng chó sủa inh ỏi râm ran, tiếng khạc đờm, tiếng trẻ giật mình quấy khóc trong căn nhà lụp xụp ven đường.

Sa kéo cao cổ áo khoác, lầm lũi về nhà. Càng đi, gió lạnh càng thấm vào người. Tầm mười năm trước đoạn đường này không mấy ai dám qua lại lúc khuya khoắt, trừ khi có việc gấp gáp quan trọng.

Sau này đường mở rộng, không còn đất để dân trồng cỏ ngọt um tùm hai bên đường nữa nhưng cảm giác rờn rợn vẫn đeo bám Sa mỗi khi đi làm về khuya. Nam Mô A Di Đà Phật! Miệng Sa niệm Phật liên tục để tim đỡ đập uỳnh uỵch trong lồng ngực.

Mẹ Sa dặn hãy niệm Phật nếu gặp hiểm nguy, khi thấy mình sợ hãi. Sa không theo bất cứ tôn giáo nào, nhưng chẳng hiểu sao mỗi lần bắt gặp một đám ma trên đường chị đều niệm Phật để cầu mong linh hồn người đã khuất được siêu thoát. Có lẽ sống lâu với mẹ chồng, mọi thứ cứ ngấm dần vào nếp nghĩ. Những người đàn bà quê Sa cũng thế thôi, họ giống nhau đến cả dáng ngồi…

Sa tắt máy từ xa nhẹ nhàng dắt xe lên cổng, vậy mà lũ chó vẫn chồm ra sủa. Ở quê ngủ sớm, giờ này bố mẹ chồng chắc cũng được một giấc rồi. Khẽ khàng mở cửa buồng ngó con, mẹ chồng thức dậy ra khỏi phòng không quên dặn: “Nó khóc đòi mẹ mãi vừa mới ngủ. Khẽ thôi!”.

Nhìn dáng mẹ chồng mệt mỏi đi xiêu vẹo Sa thấy áy náy trong lòng. Ngó đồng hồ đã 12 giờ kém, Sa vội vàng đi tắm. Nước đã được mẹ bật sẵn, Sa bật đèn sưởi, nhè nhẹ xả vòi. Nhà tắm ngay gần phòng của bố mẹ chồng, người già thường khó ngủ, một tiếng động nhẹ cũng có khi làm họ mất giấc suốt đêm.

Mỗi lần tắm khuya Sa hay nghĩ đến những điều xui rủi, chỉ sợ nhỡ đột quỵ ra đó chẳng ai biết mà lao vào cứu. Vội tắm thật nhanh, Sa chỉ muốn được nằm trong chăn ấm đệm êm ôm lấy các con mình. Hít hà mùi thơm da thịt của đứa nhỏ, mùi hoi hoi trên đầu tóc đứa lớn.

Sa lưỡng lự với tay cầm lấy chiếc điện thoại, nửa muốn bật màn hình khóa, nửa không. Vì Sa biết nếu mở ra thì tin nhắn của chồng tới tấp ập vào mắt chị. “Xin nghỉ việc ngay đi. Không làm ca về đêm hôm khuya khoắt thế. Chỉ có đú đởn mới thích đi làm ca thôi. Bao nhiêu việc làm hành chính sao không làm?”. “Cô đừng có giày vò tôi. Cô cứ thử không nghỉ việc xem tôi sẽ phá hết, không có phấn đấu làm gì cả”. Sa không đọc hết, tắt điện thoại, vùi đầu vào tóc con, nước mắt lăn dài.

Chị nằm nghĩ về cuộc đời công nhân nay đây mai đó mà buồn. Tốt nghiệp cao đẳng Hóa vô cơ, Sa theo chồng xuống Hà Nội làm gần sáu năm trời. Sinh xong cu Bin được sáu tháng thì đón mẹ chồng xuống ở chăm cháu.

Căn phòng trọ nóng hầm hập và chật chội chưa đầy mười mét vuông mà ba người lớn với một đứa trẻ con chen chúc. Cu Bin dặt dẹo gầy cứ cái dải khoai khóc ngằn ngặt trên lưng bà từ đêm sang ngày. Vợ chồng bức bối đánh chửi nhau bao bận.

Bà ôm cháu về quê, ngằn ngặt những ngày con xa mẹ, khát sữa. Thằng nhỏ vào lớp một thì vợ chồng bảo nhau về quê. Chồng Sa đi xuất khẩu lao động bên Đài mấy năm, còn chị thì đi làm công nhân trong khu công nghiệp cách nhà hai chục cây số. Làm được bốn năm thì chồng về nước, Sa có bầu đứa thứ hai. Chị nghỉ sinh ở nhà hơn một năm, vừa mới đi làm lại được mấy ngày ở công ty mới. Chồng thì làm thợ điện trong khu công nghiệp.

Mấy tuần trước Sa tình cờ biết thông tin công ty gạch men tuyển nhân viên, chị liền vui mừng nộp đơn xin thử việc. Đây là công việc đúng với chuyên môn hóa vô cơ mà Sa đã được đào tạo mấy năm cao đẳng. Thế nhưng ở môi trường mới, mọi thứ gần như khác hẳn, phải học việc từ đầu nên Sa lo lắng lắm.

Cũng may mấy em nhân viên cũ chỉ bảo tận tình. Mấy ngày đầu phải tham quan khắp nhà máy, tìm hiểu nội quy, quy chế. Nắm bắt quy trình sản xuất gạch và các thông số tiêu chuẩn trên dây chuyền sản xuất... Sờ đến cái gì phải mò mẫm cái đó đến hoa cả mắt. Nhưng nhờ mọi người động viên mà Sa thấy có thêm động lực.

Nhìn những công nhân đã nhiều tuổi vẫn cần mẫn làm trong nhà máy tự nhiên Sa thấy ấm lòng đến lạ. Thời buổi này các khu công nghiệp thường chỉ tuyển công nhân thời vụ hoặc cùng lắm thì gắn bó những năm còn trẻ, sau đó sa thải và tuyển người mới.

Nghe các anh chị kể, ở đây ngay cả mấy năm khó khăn dịch bệnh, công ty cũng xoay xở đủ đường trả lương cho công nhân chứ không đuổi việc bất cứ ai. Với Sa, dẫu làm công nhân nhà máy gạch vất vả, bụi bặm, nóng nực nhưng ngày làm đủ tám tiếng, tháng lương bảy, tám triệu đồng là tạm được rồi. Hôm qua, lúc đi thăm nhà máy có chị công nhân hỏi:

- Đố em biết làm công nhân ngày nào vui nhất?

- Là ngày lĩnh lương đúng không chị? Công ty mình là ngày nào vậy ạ?

- Đúng vậy. Là ngày hai mươi hàng tháng đấy em. Sắp rồi.

Khuôn mặt đầy vết chân chim hút hằn rãnh bụi của chị bỗng nhiên giãn ra, tươi tắn. Chẳng hiểu sao Sa thấy nơi này gần gũi đến mức muốn gắn bó lâu dài. Nhưng chồng Sa thì gây áp lực mỗi ngày. Anh có tính hay ghen. Hồi làm ở công ty cũ, chị đi liên hoan với toàn đồng nghiệp nữ mà anh còn ghen lên ghen xuống, nữa là công ty này phần lớn là nam giới.

Đi làm bận tối mắt mà chồng Sa cứ tưởng rảnh rỗi hẹn hò. Mà tính Sa trước giờ lấy chồng chỉ biết đến chồng, đẻ hai đứa con xong thì quanh quẩn bên con. Muốn mua bộ váy mới cũng đắn đo. Mấy hôm nay Sa thấy mệt mỏi và trống trải vô cùng.

Chồng người ta thấy vợ đi làm về mệt còn được lời động viên, an ủi. Còn chồng Sa chỉ toàn lời mắng nhiếc. Người thân động viên Sa cứ cố ở đấy mà làm, rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Nhưng đi làm đã mệt mà về nhà vợ chồng mặt nặng mày nhẹ với nhau, cáu giận trút cả lên con thì đâu có được.

Từng ấy năm làm dâu, Sa phải nhìn sắc mặt người này người kia mà sống. Cũng có lúc muốn buông bỏ nhưng lại nghĩ đến hai đứa con bé nhỏ, nếu bố mẹ không hạnh phúc thì chúng sẽ ra sao? Sau một đêm khóc hết nước mắt Sa quyết định xin nghỉ việc. Tiếc công mình thì ít mà tiếc công mọi người nhiệt tình chỉ dẫn thì nhiều.

Nhưng điều mà Sa không ngờ nhất là hôm xuống xin lại hồ sơ, phó giám đốc sau khi nghe phòng nhân sự trình bày lại hoàn cảnh của Sa, đã gọi chị lại bảo:

- Nếu em thật lòng muốn gắn bó với công ty mà không thể làm ca được thì để các sếp cân nhắc vào làm hành chính trong kho. Nhưng anh nói trước là làm trong kho sẽ vất vả hơn. Thỉnh thoảng cũng có hôm xe hàng nhiều phải trực tối. Nhưng cũng ít khi lắm.

Khỏi phải nói Sa vui đến mức nào. Chị vừa chân ướt chân ráo vào thử việc được nửa tháng xin nghỉ nửa chừng, đã không bị mắng còn được lãnh đạo công ty hiểu hoàn cảnh, tạo điều kiện tìm công việc phù hợp với thời gian.

Bỏ qua những khó khăn, mệt nhọc, Sa cố sức làm việc. Xuất hàng, nhập kho, những con số rối tinh rối mù cũng không làm Sa nản lòng. Chẳng mấy chốc Sa đã quen với công việc của mình.

Cũng chẳng mấy chốc mà đã đến ngày hai mươi hàng tháng. Cởi chiếc khẩu trang đen sì bụi than, anh chị em công nhân cầm trên tay những đồng tiền mới cóng. Chị Vận bên bộ phận lao công, dựng cây chổi vào tường ngồi đếm tiền chia thành từng món. Chị cười bảo:

- Món nào đi món đấy, có khoản cả rồi không thể lẫn vào nhau được.

Anh Phương bên dây chuyền bốc dỡ tặc lưỡi bảo:

- Cầm gần chục triệu trong tay tưởng nhiều nhưng tiêu vài hôm là hết. Lương của mình nhưng vợ tính cả rồi. Đóng tiền ăn ở trường cho đứa bé, trả góp tiền học thêm tiếng Anh cho đứa lớn. Tiền cỗ bàn, giỗ chạp. Tính mua cái xe đạp thể thao cho con đạp xe quanh bờ hồ rèn luyện sức khỏe mà chưa mua được.

- Ối dào! Tiền lương em đưa vợ hết, nhưng muốn tiêu gì thì tiêu cả nhà cứ phải làm nồi lẩu liên hoan cái đã.

 - Nhà em thì cứ nhận lương là cả nhà đi ăn ngoài. Lũ trẻ con đòi đi khu vui chơi, ăn kem, ăn chè, đủ cả. Thấy vợ con vui mình cũng có động lực để làm việc. Thế còn Sa?

- Em thì lấy lương xong chỉ thích chạy ra chợ lớn mua sắm mấy món gì đó ngon ngon về cả nhà ngồi quây quần. Hoặc mua cho mẹ chồng hộp thuốc bổ, mua cho bố chồng em thang thuốc về ngâm rượu. Em đi làm, bố mẹ chồng ở nhà cũng vất vả trông đứa bé, đưa đón đứa lớn đi học, còn cơm nước, bò bê, đủ cả.

- Không phải ai cũng nghĩ được như em. Đúng là tiêu đồng lương vào những việc có ý nghĩa tự thấy vui hơn hẳn, phải không em?

Sa mỉm cười, cầm xấp tiền lương đút vào túi áo công nhân, đầu còn bận nghĩ xem chiều nay tan làm ghé chợ mua gì? Sa nhớ ra ngoài cổng chợ mới mở thêm hàng quần áo trẻ em, mẫu mã nhìn đẹp lắm.

(QNO)